“Đại diện của Vatican sẽ thị sát Đan viện Thiên An trong năm 2019”
Các đan sỹ Đan viện Thiên An, vào ngày 1 tháng 11 năm 2018 tiếp tục lên tiếng phản đối việc xây cất bất hợp pháp đang diễn ra trong khuôn viên đồi thông của Đan viện.
Kêu cứu bằng cầu nguyện và hát thánh ca
Vào sáng ngày 1/11/18, hình ảnh các đan sỹ của Đan viện Thiên An, ở Huế trong áo choàng đen, tay cầm biểu ngữ, tuần hành đọc kinh cầu nguyện và hát thánh ca từ Nguyện đường ra đến cổng vào Đan viện, ngay khu vực có công trình đang xây cất trái phép.
Qua trang mạng xã hội Facebook, Đan viện Thiên An cho biết sẽ tiếp tục tuần hành như thế; đồng thời kêu gọi sự hiệp thông cầu nguyện của cộng đồng để phản đối các cá nhân, tổ chức và những người tiếp tay với mục đích gây sách nhiễu, hủy hoại rừng thông để chiếm đoạt đất đai, tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Đan viện Thiên An.
Đài RFA liên lạc với Đan viện Thiên An và được cho biết công trình đang xây dựng là của ông Nguyễn Đăng Tuấn. Vào khoảng cuối tháng 8 vừa qua, Ông Tuấn đến hỏi Đan viện Thiên An nhờ sử dụng đường đi nội bộ của Đan viện để chuyển vật liệu xây dựng nhà thờ.
Đan viện Thiên An từ chối với lý do là Đan viện đã gửi đơn đến Chính quyền Thừa Thiên-Huế khiếu nại liên quan khu vực đất này vì Lâm trường Tiền Phong Huế không có thẩm quyền giao đất làm nhà ở đối với đất rừng cũng như quan ngại chỗ để vật liệu xây dựng ảnh hưởng tai nạn giao thông.
Vụ việc khiếu nại được gửi đơn từ tháng 6 năm 2017, khi đó ông Lê Hữu Nghị và bà Quách Thị Lạc được cho là Lâm trường Tiền Phong Huế cấp để lập vườn, xây dựng nhà ở. Thửa đất này hiện được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Đăng Tuấn.
Mặc dù Đan viện Thiên An không đồng ý, nhưng ông Nguyễn Đăng Tuấn vẫn tiến hành việc xây cất theo kế hoạch.
Chính quyền địa phương nói gì?
Linh mục Antôn Võ Văn Giáo, vào tối ngày 2 tháng 11 nói với RFA rằng sau hai buổi tuần hành đọc kinh cầu nguyện liên tiếp thì đại diện của Ban Tôn giáo Thừa Thiên-Huế đã đến Đan viện Thiên An và có buổi trao đổi với Cha Bề trên và các đan sỹ:
“Chiều nay thì ông Trưởng ban của Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế đến làm việc với Đan viện liên quan các thầy xuống đường phản đối xây cất trái pháp luật trong khu vực đất thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Đan viện. Ông Trưởng ban Tôn giáo cho biết ông Nguyễn Đăng Tuấn đang xây dựng một nhà thờ tổ mang tính cách gia đình. Ông trưởng ban Tôn giáo xác nhận ông Tuấn có một số sai phạm trong việc xây dựng và cho biết sẽ làm việc với gia đình ông Tuấn cùng các cơ quan pháp luật về vấn đề này.”
Linh mục Antôn Võ Văn Giáo nhận định với RFA mặc dù đại diện của Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế có thiện chí trong buổi trao đổi vừa rồi, nhưng các hiện tượng liên tiếp xảy ra tại Đan viện Thiên An trong năm 2018, khiến cho Đan viện không thể nào không quan ngại có một sự rắp tâm với chủ đích dần lấn chiếm đất đai và rừng thông của Đan viện Thiên An.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong năm 2018, từ tháng 3 đến tháng 7, đã xảy ra lần lượt 5 vụ cháy tại rừng thông, thuộc khuôn viên của Đan viện Thiên An. Các đan sỹ trồng lại thông ở khu vực cháy sát Đan viện thì sau đó toàn bộ cây thông mới trồng đều bị nhổ. Lâm trường Tiền Phong Huế cho người đến trồng thông ở khu vực bị cháy cách xa Đang viện khoảng 200 trăm mét thì vẫn y nguyên. Bên cạnh đó, những cây thông già 50-60 năm tuổi bị rào lại trong diện tích người ta mua, những cây thông sát đường bị máy múc vào tận gốc…mà phía Đan viện Thiên An cho rằng những động thái đó là hành vi của việc cướp đất chứ không phải là hành vi làm đẹp cho môi trường.
Chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Viết Thọ, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lâm nghiệp Tiền Phong và nêu phản ảnh của phía Đan viện Thiên An liên quan vụ việc cháy rừng thông và trồng lại thông trong khuôn viên của Đan viện Thiên An. Ông Nguyễn Viết Thọ nhấn mạnh:
“Về quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân. Chúng tôi được giao trách nhiệm bảo vệ rừng thì phải phối hợp với tất cả cơ quan, tổ chức. Dù tôn giáo hay không phải tôn giáo thì trách nhiệm bảo vệ rừng là trên hết để giữ cho môi trường xanh, sạch đẹp. Khu vực ngay chỗ đó thì được Nhà nước giao cho quản lý, cháy xong phải khắc phục cháy, nên chúng tôi trông cây thông cho lên lại.”
Đài RFA cũng gọi đến số điện thoại văn phòng của Chánh Phát ngôn nhân Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên-Huế để tìm hiểu xem liệu rằng Chính quyền tỉnh sẽ có phản hồi như thế nào đối với các diễn tiến mới theo phản ảnh từ Đan viện Thiên An. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được câu trả lời rằng ông Chánh phát ngôn nhân Hoàng Ngọc Khanh bận họp.
Dự định của Vatican
Trong khi đó, từ Tòa thánh Vatican vào ngày 2 tháng 11, Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức, quản nhiệm trong vai trò Bề trên Đan viện Thiên An năm 2014-2017, chia sẻ thông tin với RFA sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế quy kết ông có hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời đề nghị không tiếp tục bổ nhiệm ông làm Bề trên Đan viện Thiên An và thuyên chuyển ra ngoài địa bàn tỉnh, ông đến Tòa thánh Vatican và:
“Trong giai đoạn đó, Cha Bề trên biết về hoàn cảnh của Đan viện Thiên An vừa nghỉ hưu và Cha Tổng Bề trên, người Columbia mới nhậm chức nên Ngài chưa rõ vụ việc của Đan viện Thiên An như thế nào. Cho nên Ngài cần một năm để thu thập các thông tin và đến tháng 2 năm 2019, Ngài sẽ đến Đan viện Thiên An để thị sát.”
Đan viện Thiên An được thành lập hồi năm 1940. Vào năm 1988, 49 héc-ta đất rừng thông của Đan viện Thiên An bị Chính quyền Thừa Thiên-Huế trưng thu để xây khu du lịch Thủy Tiên, mặc dù Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ yêu cầu “thu hồi đất hoang” để xây dựng. 49 héc-ta đất rừng thông của Đan viện Thiên An bị trưng thu đến nay vẫn không được bồi thường.
Vào trung tuần tháng 7 năm 2017, Chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế lần đầu tiên tổ chức một buổi làm việc chính thức với đại diện của Đan viện Thiên An liên quan khiếu nại, khiếu kiện đất của Nhà dòng kéo dài gần 20 năm qua. Tuy nhiên buổi làm việc rơi vào bế tắc, không đạt kết quả giữa đôi bên.
Đan viện Thiên An trong nhiều năm liên tục kêu cứu, phản đối các hành vi sách nhiễu trong khu vực 107 héc-ta rừng thông còn lại của Đan viện. Thông cáo báo chí mới nhất của Đan viện Thiên An, phổ biến vào ngày 9 tháng 10, phản đối Chính quyền địa phương tiếp tay với Lâm trường Tiền Phong Huế và dùng người dân để vu khống, lăng nhục các đan sỹ, lấn chiếm rừng thông, phá rừng thông để xây biệt thự, nhà hàng, khu vui chơi giải trí…Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức bày tỏ ý nguyện gìn giữ đất rừng thông của Đan viện Thiên An vì đó là lá phổi xanh của thành phố Huế:
“Đan viện muốn bảo vệ môi sinh, môi trường và muốn bảo vệ một gia sản cảnh quan cho Huế, chứ không phải cho riêng Đan viện. Nếu Nhà nước, Chính quyền muốn thiệt tình hợp tác thì hai bên cùng bảo vệ rừng thông, không để cho các hộ dân hay các công ty, các nhóm lợi ích khai thác tại Đan viện Thiên An.”
Trong khi vụ việc tranh chấp đất rừng thông giữa Chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế với Đan viện Thiên An vẫn chưa có hồi kết, thì những giao dịch đất đai tại khu vực này ngày càng nhộn nhịp hơn, qua thông tin công ty nước ngoài sắp mua đất đầu tư ở đây, cũng như một người treo bảng bán đất tên Nghĩa cho RFA biết gia đình ở Sài Gòn nhưng đầu tư với hình thức ‘mua đi-bán lại’.