Cử tri Tân Caledonia muốn ở lại với Pháp
Có khoảng 80% cử tri đủ tiêu chuẩn đi bầu đã tham gia bỏ phiếu lần này. AFP
Cử tri tại vùng lãnh thổ của Pháp ở Thái Bình Dương, Tân Caledonia vừa từ chối việc tách ra độc lập.
Kết quả cuối cùng cho thấy 56,4% muốn tiếp tục là một phần của Pháp, và 43,6% muốn tách ra. Đây là kết quả sít sao hơn so với các thăm dò dư luận trước đó.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 81%. Việc bỏ phiếu đã được hứa hẹn từ 1988, trong một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đòi độc lập.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng kết quả bỏ phiếu cho thấy vùng lãnh thổ này \”tin tưởng vào cộng hòa Pháp\”.
\”Tôi phải nói với các bạn rằng tôi thật tự hào là chúng ta cuối cùng đã cùng nhau đi qua được bước đi lịch sử này,\” ông nói thêm.
Tân Caledonia có những mỏ nickel lớn, một chất vô cùng quan trọng cho lĩnh vực sản xuất đồ điện tử, và được Pháp coi là tài sản chiến lược về chính trị và kinh tế trong khu vực.
Khoảng 175 ngàn người đủ tiêu chuẩn đi bầu ở vùng lãnh thổ nằm về phía đông Australia này, trong đó người thổ dân Kanak chiếm 39,1% dân số.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan Pháp tồn tại rất mạnh trong cộng đồng người gốc Âu sống tại đây, chiếm khoảng 27,1% tổng dân số. Các nhà quan sát nói thậm chí một số người Kanak cũng ủng hộ cho việc tiếp tục là một phần của Pháp.
Khoảng một phần ba dân số còn lại trong tổng số 268 ngàn dân Tân Caledonia nhìn chung cũng phản đối việc tách ra độc lập.
Quần đảo ở nơi xa xôi này nhận được khoảng 1,3 tỷ euro từ chính phủ Pháp mỗi năm.
Trong một chuyến công du tới thủ phủ Nouméa hồi tháng Năm, ông Macron nói Pháp sẽ \”bớt đẹp nếu không có Tân Caledonia\”.
Pháp lần đầu tiên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này hồi 1853, và từng dùng nó làm nơi giam giữ, trừng phạt tù.
Vào thập niên 1980, đã nổ ra các cuộc đụng độ chết người giữa các lực lượng Pháp và người Kanak.
Đỉnh điểm của cuộc xung đột là khi những người li khai Kanak giết chết bốn lính gác Pháp và bắt 23 người khác làm con tin, giam trong một cái hang.
Cuộc tấn công của Pháp sau đó đã khiến cho 19 người Kanak và hai binh lính Pháp thiệt mạng.
Năm 1988, các đại diện từ cả hai phía ủng hộ và chống việc tách khỏi Pháp để trở thành quốc gia độc lập đã đồng ý chấm dứt tình trạng bạo lực và để cuối cùng sẽ tổ chức một kỳ trưng cầu dân ý về vấn đề này.
Việc bỏ phiếu KHÔNG sẽ không dẫn đến hồi kết của phong trào đòi độc lập ngay. Vẫn có thể có thêm hai kỳ trưng cầu dân ý nữa được tổ chức trước khi bước sang năm 2022.
Việc bỏ phiếu CÓ sẽ khiến Tân Caledonia trở thành vùng lãnh thổ thuộc Pháp đầu tiên ly khai kể từ sau ụ Djibouti (1977) và Vanuatu (1980).
Tân Caledonia có đại diện trong Quốc hội Pháp, với hai hạ nghị sỹ và hai thượng nghị sỹ.
Nguồn: BBC