Tra Lương Dung (Kim Dung) – 查 良 鏞 

TRA LƯƠNG DUNG (KIM DUNG) 查 良 鏞 

Phạm Xuân Hy

.

Nhà văn Kim Dung (1924 – 2018)

Kim Dung tên là Tra Lương Dung, xuất thân từ dòng họ Tra, một dòng họ nổi tiếng là thư hương môn đệ, đã nhiều đời cư ngụ  Viên Hoa Trấn ở huyện Hải Ninh tỉnh Chiết Giang. Ông là hậu duệ của Tra Thận Hành, một thi nhân nổi tiếng thời Khang Hy, và Tra Y Hòang, một người từng được Bồ Tùng Linh trong Liêu trai Chí Dị khen ngợi là « ban ơn nhiều cho người ta  mà không cần cho biết tên, thật là chân hiệp sĩ, cổ trượng phu» ; Cha ông là Tra Xu Khanh , năm 1950 bị Trung Cộng kết tội là phản động và bị xử tử.

Ông là nhà văn có nhiều độc giả nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại, và truyện của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở Việt nam, trước 1975, hầu hết các báo hàng ngày đều đua nhau dịch truyện Kim Dung để câu khách. Độc giả của ông có đủ thành phần, từ trí thức đến bình dân. Có nhiều nhà văn vì hâm mộ Kim Dung, còn dùng tên những nhân vật trong tiểu thuyết của ông làm bút danh, như Đòan Dự, Kiều Phong, Vương Trùng Dương…
Kim Dung chào đời ngày 10-3-1924. Năm lên sáu tuổi ông vào học tiểu học ở trường làng. Năm lên tám tuổi, ông lần đầu đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi đọc đến bộ truyện Hoang Giang nữ hiệp荒 江女俠 của Cố Minh Đạo, cảm thấy rất say mê, từ đó thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này.

-Năm 1936, Kim Dung  rời gia đình lên Gia Hưng để vào sơ trung.

-Năm 1937, khi quân Nhập xâm lăng Trung Quốc, vì chiến tranh Kim Dung phải di chuyển theo trường học đến Dư Hàng, Lâm An, Lệ Thủy.

-Năm 1941 Kim Dung viết bài chế diễu viên chủ nhiệm huấn đạo là đầu hàng chủ nghĩa trên một tờ bích báo, nên bị đuổi ra khỏi trường học, nhưng được hiệu trưởng là Trương Ấn Thông giới thiệu đến học ở Cù Châu.

-Năm 1942, Kim Dung tốt nghiệp Trung Học ở Cù Châu.
-Năm 1944, Kim Dung thi vào học Ngọai Giao tại trường Trùng Khánh Trung Ương Chính Trị Đại Học, nhân bất mãn với học sinh đảng viên ở trong trường nên tố giác với ban giám học, nên lại bị đuổi học. Sau theo lớp huấn luyện ở thư viện trung ương, được đọc một số lớn sách vở.

-Năm 1945, cuộc kháng chiến chống Nhật thắng lợi, Kim Dung từng tạm thời làm ký giả cho báo « Đông Nam Nhật Báo ».

-Năm 1946 Kim Dung đến Thượng Hải theo học lớp luật Quốc tế ở trường Đông Ngô Đại Học Pháp Học Viện, năm sau tốt nghiệp.

-Năm 2005, Kim Dung đã 81 tuổi rời Hương Cảng đến trường Đại Học Cambridge ở Luân Đôn học và đậu bằng Thạc sĩ về lịch sử.

-Cũng vào năm 1946, Kim Dung làm phiên dịch cho báo « Đại Công Báo » ở Thượng Hải, năm 1948 được điều đến phân xă ở Hồng Kông. Năm 1950, Kim Dung đến Bộ Ngọai Giao Trung Cộng ở Bắc Kinh đến xin làm, nhưng bất mãn với chính sách ngọai giao của Trung Cộng, thì lại quay lại làm cho tờ « Đại Công Báo » phụ bản.

-Năm 1952 Kim Dung được điều đến làm biên tập phụ bản tờ « Tân Văn Báo » ; ông viết các kịch bản điện ảnh như « Tuyệt Đại Giai Nhân », « Lan Hoa Hoa ». Trong thời gian này ông quen và làm bạn với tiểu thuyết gia võ hiệp là Lương Vũ Sinh.
Lúc bấy giờ Tổng Biên Tập là La Tranh của tờ báo, sắo xếp để Lương Vũ Sinh viết truyện võ hiệp « Long Hổ Đấu Kinh Hoa », còn Tra Lương Dung dưới bút danh Kim Dung  viết truyện « Thư Kiếm Ân Cừu Lục », tiếng tăm vang dội. Nhất thời Kim Dung được tề danh ngang cùng với Lương Vũ sinh.

-Năm 1956 đăng suốt năm truyện \”Bích Huyết Kiếm» trên tờ « Hương Cảng Thương Báo ».

-Năm 1959, Kim Dung tự đứng ra làm tờ Minh Báo, đăng liên tiếp truyện « Thần Điêu Hiệp Lữ ».

Dưới bút danh Lâm Hoan, từ năm 1953 đến năm 1958, Kim Dung từng viết kịch bản cho « Trường Thành Điện Ảnh Công Ty », trong đó có « Tuyệt Đại Giai Nhân » được giải vàng của Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc văn Hóa Bộ ». Cũng từng hợp tác làm đạo diễn hai bộ phim. Hợp tác với Trùng Thiệp Cao làm phim « Hữu Nữ Hòai Xuân ».

-Năm 1959, Kim Dung sáng lập tờ Minh Báo ở Hương Cảng, sau ra thêm các tờ « Minh Báo Vãn Bao », « Minh Báo Nguyệt san », « Minh Báo Chu San », và tờ « Tân Minh Báo Nhật Báo » ở Mã Lại Tây Á. Kim Dung hòan thành việc thành lập Minh Báo Xuất Bản Công Ty và Minh Sơn Xuất Bản Xã.

Tập đoàn Minh Báo của Kim Dung doanh thâu năm 1991 lên đến một ức quan. Sau khi tập đòan Minh Báo ở Hương cảng ra đời, ông dời bỏ công việc quản lý báo, đi chu du các nước, tĩnh tâm, nghiên cứu kinh điển. Tên ông được liệt thứ 64, vào danh sách các Hoa nhân tỷ phú, giầu có hàng trăm triệu ở Hương Cảng, trở thành  nhà văn điển hình giầu có.
Trên Minh Báo ông là người vừa viết tiểu thuyết vừa viết bình luận. Người ta còn nhớ, năm 1960 khi ngọai giao giữa Trung Công và Nga Sô bị xấu đi. Việc an toàn của Trung Cộng không có gì bảo đảm, và toàn diện bị uy hiếp, Trung Cộng khai triển tích cực nghiên cứu  hạch tâm, võ khí nguyên tử.

-Năm 1963, Trần Nghị đề xuất « Hạch Khố Luận », và nói : « Dù có đóng khố cũng phải tạo nguyên tử ».

-Thì năm 1964, Kim Dung viết vài bình luận trên Minh báo là :“Cần có khố mặc chứ không cần nguyên tử », phản đối chế tạo nguyên tử trong khi đất nước còn nghèo đói .Thế là Kim Dung bị các báo Trung Cộng như « Đại Công Báo », « Văn Nhai Báo », « Tân Vãn báo » lên tiếng phản đối cho Kim Dung là « Phản Cộng Phản Hoa », « Sùng bái Anh Mỹ », « Bội phản lập trường dân tộc ».

Cuối cùng Trần Nghị phải ra mặt chế chỉ sự công kích của phe tả phái. Mặc dầu, hệ thống Minh Báo không phải là lọai báo quá khích, nhưng trong thời kỳ cuộc Cách Mạng Văn Hóa bạo phát, Kim Dung và Minh Báo công khai giữ thái độ chống đối. Những bài viết của Kim Dung thường chống lại với Văn Cách. Cụ thể là nhắc đến những công tích của Bành Đức Hoài, cho kịch phẩm « Tạ Dao Hòan » của Ngô Hàm. Kim Dung bị các phần tử tả phái ở Hương Cảng nhục mạ « Hán Gián », « Tẩu Cảu », « Sài Lang Dung », thậm chí còn bị đe dọa giết chết, nên có thời kỳ Kim Dung phải dời Hương Cảng để ty nạn.

-Năm 1973, Kim Dung được Trung Hoa Dân Quốc mời sang Đài Loan, đến gặp Tưởng Kinh Quốc.

Sau khi cuộc Văn Hóa Đại cách Mạng kết thúc, khỏang năm 1981 đến 1984, Kim Dung có đi thăm lục địa, và từng đàm luận với Đậng Tiểu Bình và Hồ Diệu Bang.

-Đến năm 1985, Hương Cảng Đặc Biệt hành Chánh Khu Cơ Bản  Pháp Khởi Thảo Uỷ Viên Hội tuyên cáo thành lập, Kim Dung được chọn là một trong những ủy viên, đứnh về phía Hương Cảng, là thành viên phụ trách « Cơ Bản Pháp Chính Trị Thể Chế Khởi Thảo Tiểu Tổ »

Kim Dung cùng với Tra Tế Dân đề xuất  một phương án gọi là « Chính Chế Hiệp Điệu Phương Án » để bàn cãi. Đối với thời bấy giờ thì phương án này bị coi là bảo thủ, làm cản trở tiến trình dân chủ, nên không được Hương Cảng ủng hộ.

-Năm 1991, Minh Báo Công Ty ra đời, Kim Dung làm Giám Đốc Công Ty.

-Năm 2010 Kim Dung cỏn làm luận án tiến sĩ ở trường đại học Cambridge ở Luân Đôn.

Bút danh Kim Dung của ông là từ chữ Dung 鏞tách ra thành hai chữ  金 và 庸. Chữ  Dung 鏞 nghĩa là cái chuông một loại nhạc khí thời cổ (金+ 庸.)

Kim Dung trứ tác phần lớn là võ hiệp tiểu thuyết gồm 14 bộ mà ông xếp thành một câu đối:

飛雪連天射白鹿

笑書神俠倚碧鴛

Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc

Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên

(Tuyết bay đầy trời bắn hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh)

Phi Hồ Ngọai Truyện  1960

Tuyết Sơn Phi Hồ    1959

Liên Thành Quyết    1963

Thiên Long Bát Bộ   1963

Xạ Điêu Anh Hùng Truyện  1957

Bạch Mã Khiếu Tây Phong  1961

Lộc đỉnh ký   1969-1972

Tiếu Ngạo Giang Hồ   1967

Thư Kiếm Ân Cừu Lục    1955

Thần Điêu Hiệp Lữ   1959

Hiệp Khách Hành    1961

Ỷ Thiên Đồ Long Ký  1965

Bích Huyết Kiếm  1956

Uyên Ương Đao    1961

Đúng ra, còn bộ chót là Việt Nữ Kiếm.  Ngoài ra Kim Dung còn viết nhiều bài chính luận và tản văn, nhưng tiểu thuyết võ nghệ vẫn là nghề tay phải của ông.
Ông không viết thêm tác phẩm nào sau truyện Lộc Đỉnh Ký (hoàn tất năm 1972). Thay vào đó, ông hai lần xem xét lại toàn bộ các tiểu thuyết võ hiệp của mình, dự án cuối cùng dẫn đến việc tái bản Lộc Đỉnh Ký vào năm 2006.

 \”Các tiểu thuyết của Kim Dung viết không hay\”, ông viết trong \”Nguyệt Vân\”, tác phẩm được xem là Kim Dung nói về bản thân mình.
Nhưng \”khi ông viết và sau đó đọc lại tác phẩm của chính mình, ông thường khóc vì sự bất hạnh của nhân vật. Khi ông viết rằng Dương Quá mòn mỏi chờ đợi Tiểu Long Nữ cho đến khi mặt trời khuất bóng, ông khóc. Khi ông viết rằng Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn bị buộc phải chia tay nhau, ông khóc. Khi ông viết rằng Kiều Phong giết người yêu A Châu vì hiểu nhầm, ông khóc càng thảm hơn\”.
Những truyện ông viết đều xuất phát từ trái tim của ông, và cũng chạm đến vô số trái tim khác.

Kim Dung mất buổi trưa ngày 30-10-2018, hưởng thọ 93 tuổi tại bệnh viện ở Hương Cảng, để lại nhiều thương tiếc cho hàng chục triệu độc giả đã từng say mê các tác phẩm võ hiệp nổi tiếng của ông.

Tra Lương Dung là hậu duệ của Tra Kế Tá và Tra Tự Đình.

Tra Kế Tá

查  繼  佐

Tra Kế Tá (1601-1676) vốn tên là Kế Hựu, nhưng khi đi thi ở huyện viết nhầm là Tá, bèn dùng luôn làm tên. Sinh ra trong thời buổi lọan lạc, Tra Kế Tá sửa đổi  khá nhiều tự hiệu như: Mới đầu tự là Tam Tú, sau đổi ra là Y Hoàng (Tra Y Hòang), Kính Tu, hiệu là Dữ Trai, Tả Ẩn, Phương Đan, Phát Tiêu, Chước Ngọc, Hưng Trai, đến cuối đời thì lại đổi là Đông Sơn Chước Tẩu, người Viên Hoa, huyện Hải Ninh tỉnh Chiết Giang.

Lúc nhỏ nhà nghèo, nhưng ham học không biết mỏi mệt.Năm Sùng Trinh lục niên, tức năm 1633, Tra Kế Ta Đậu Cử Nhân.

Dưới triều Nam Minh Lỗ Vương, Tra Kế Tá từng giữ chức Binh Bộ Chức Phương Chủ Sự, tích cực chống lại nhà Thanh, và tham gia cuộc đấu tranh võ trang để bảo vệ Tiền Đường Giang. Tra Kế Tá từng cầm quân đánh bại quân Thanh ở Giả Sơn, và đi theo Ngự Sử Hòang Tông Hy vượt biển, đóng quân ở Đàm Sơn.

Đến khi nhà Minh bị diệt, Tra Kế Tá đổi tên là Tỉnh, tự là Bất Tỉnh, và đổi chữ 查Tra ra chữ Tra 楂, trở về tụ tập học trò để dậy học, đồng thời biên sọan « Minh Sử ».

Năm Khang Hy nhị niên, tức năm 1663, nhân liên lụy trong vụ án Minh Sử với Trang Đình Long bị bắt bỏ ngục, nhờ có Đề Đốc Quảng Đông là Ngô Lục Kỳ tấu thỉnh biện giải mới được tha.

Sau khi ra khỏi ngục, Tra Kế Tá lại đổi tên là Tả Y, hiệu là Phi Nhân Dân, ẩn cư ở Giáp Sơn tỉnh Sơn Đông, và tụ hội học trò để dậy học.Người bấy giờ gọi Tra Kế tá là Đông Sơn Tiên Sinh.

Tra Kế Tá là người đam mê lịch sưu, trứ tác rất phong phú ; Tra Kế Tá đã để ra 29 năm trời, sửa lại bản cảo đến 10 lần, phỏng vấn hàng ngàn người, mới hòan thành tác phẩm Minh sử vĩ đại « Tội Duy Lục », ghi lại những rất nhiều những tài liệu về các cuộc khởi nghĩa của nông dân cuối thời Minh mạt.

Về trứ tác, có « Ban Hán Sử Luận », « Lỗ Xuân Thu », « Sơn Đông Quốc Ngữ », « Quốc Thọ Lục », đều là tác phẩm giá trị. Ngòai ra, Tra Kế Tá còn tinh thâm âm luật, thích gẩy đàn ca xướng, trong nhà có ban nữ nhạc, do đích Tra Kế Tá dậy dỗ, và viết các tạp kịch như « Tục Tây Sương Ký », « Minh Phong Độ », các truyện truyền kỳ có « Tam Báo Ân », « Phi Phi Tưởng », và « Sơn Đông Ngọai Kỷ », “Ngũ Kinh Thuyết », « Tứ Thư Thuyết », « Thông GiámNghiêm », « Tri Thị Lục », « Nam Ngữ », « Bắc Ngữ », « Kính Tu Đường Thi Tập », « Thuyết Nghi », « Việt Du Tạp Vịnh ». Tra kế Tá còn giỏi cả thư họa.

Bồ Tùng Linh trong Liêu Trai Chí Dị, từng có lời khen ngợi  « ban ơn nhiều cho người ta  mà không cần cho biết tên , thật là chân hiệp sĩ, cổ trượng phu 厚 施 而 不 问 其 名,夫 哉!Hậu thí nhi bất vấn kỳ danh, chân hiệp liệt cổ trượng phu tai ! ».

Cũng trong Liêu Trai Chí Dị, truyện « Đại Lực Tướng Quân » có thuật truyện về Ngô Lục Kỳ.

Ngô Lục Kỳ lúc hàn vi từng đi ăn mày, Tra Kế Tá thấy Ngô Lục Kỳ là người hữu dũng khỏe mạnh, bèn mời uống rượu thật say, rồi tặng tiền bạc, sau đó bỏ ra về.

Sau này Ngô Lục Kỳ tòng quân, làm quan đến Đề Đốc, nhưng không quên ân nghĩa cũ. Khi Tra Kế Tá gặp tai nạn, Ngô Lục Kỳ ra sức cứu giúp, và từng đón Tra Kế Tá đến Quảng Đông nghỉ ngơi, và từng giúp xây cất chỗ ơ cho Tra Kiến Tá.

Ngày 29 tháng 2 năm 1676 Tra Kế Tá  qua đời, thọ 75 tuổi.

Kim Dung tác giả của những bộ tiểu thuyết võ hiệp của Trung Quốc, tên thực là Tra Lương Dung, là hậu duệ của Tra Kế Tá.

Tra Tự Đình

查 嗣 庭

Tra Tự Đình (1664-1727), tự là Nhuận Mộc, Hiệu là Hòanh Phố, người huyện Hải Ninh tỉnh Triết Giang, đậu tiến sĩ năm Bính Tuất, Khang Hy tứ thập ngũ niên, tức năm 1706, được tuyển bổ làm Hàn Lâm Viện Thứ Cát Sĩ. Năm Khang Hy tứ thập bát niên, tức năm 1709, được thụ chức Biên Tu ở Tán Qúan. Năm Khang Hy ngũ thập tứ, tức năm 1715, được làm Phó Khảo quan thi Hương ở Hồ Quảng. Sau đó từ năm  1717 đến 1719, làm Hà Nam Học Chính. Sau đó được thang làm Thị Giảng, Thị Độc, Thị Độc Đại Học Sĩ.

Năm Ung Chính nguyên niên, tức năm 1723, do Long Khoa Đa tiến cử thăng làm Nội Các Học Sĩ.

Đến tháng 6 năm Ung Chính tứ niên, tức năm 1726,Tra Tự Đình được bổ nhiệm làm chính khảo quan khoa thi hương  ở Giang Tây.

Sau đó, đến tháng 9 Tra Tự Đình trở về kinh, thì phát sinh ra vụ án ra đề thi.

Nguyên  do có người cáo giác bốn chữ \”Duy Dân Sở Chỉ 維 民 所止\”, mà Tra Tự Đình đã lấy từ Kinh Dịchdùng để  làm đề thi, có hàm ý phỉ báng và cầu chúc cho  vua Ung Chính  雍 正 bị chặt đầu.

Sở dĩ như vậy là vì hai chữ \”Duy 維\” và chữ \”止\” trong bốn chữ của đề thi \”Duy Sở Chỉ 維 民 所 止\”, theo cách chiết tự chính  là hai chữ \”Ung 雍\” và chữ \”chính 正\” bị cắt mất đầu.

Ung Chính phái người đến sưu tra những văn tự  tại ngụ sở của Tra Tự Đình ở kinh, sau đó cách chức Tra Tự Đình và  tống giam vào ngục, giao cho Tam Pháp Ty (tức Hình Bộ, Đô Sát Viện, Đại Lý Tự) điều tra vụ án.

Tháng tư năm Ung Chính ngũ niên, tức năm 1727, Tra Tự Đình bị chết trong ngục thất.

Vụ án Tra Tự Đình là một vụ án văn tự ngục lớn dưới triều vua Ung Chính và do chính Ung Chính tạo ra. Tội danh do hội đồng Cửu Khanh, Hàn Lâm,Thiêm Sự sau khi thẩm tra, kết luận  là \”Đại nghịch bất đạo, oán phỉ chớ chú\”, còn Ung Chính gán cho là \”Tâm hòai óan vọng\”, nên dù Tra Tự Đình đã bệnh chết trong ngục thất, cũng bị lôi thây ra chém đầu thị chúng. Gia sản bị tịch thâu. Các anh và con cháu từ 16 tuổi trở lên bị chém ngang lưng, vợ và con gái dưới 16 tuổi cho các đại thần làm nô bộc.

Tạị sao Ung Chính lại tạo ra vụ án văn tự ngục ghê gớm đến thế. Các sử gia giải thích là vì Tra Tự Đình ngày trước vốn xu phụ viên đại thần Long Khoa Đa, người từng với Niên Canh Nghiêu âm mưu ủng lập Ung Chính, sau bị Ung Chính ghét và diệt trừ, nay Ung Chính nhân vụ an này muốn diệt trừ nốt bè đảng của Long Khoa Đa ở trong triều.

Phạm Xuân Hy
Nguồn: Trần Huy Bích\’s Blog

ĐỌC THÊM

Một nhà văn trong trái tim bạn đọc vừa tạ thế – Một lần uống rượu với Kim Dung

Đào Tuấn Ảnh

Xung quanh việc “đọc chui” kho sách CHƯỞNG của Thư viện Viện Văn học còn có nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt không quên được mà con trai người viết mấy dòng này và con người bạn cùng khóa – cùng là thành viên của Viện – có góp một phần không nhỏ. Vì thế, đây là bài viết không chỉ rất lý thú về nội dung mà BVN xin phép tác giả đem lên đây như một nén hương lòng kính dâng lên hương hồn nhà văn tên tuổi vừa nằm xuống – mà còn giúp một số người nào đó gợi nhớ lại những gì sôi nổi một thời ở nơi từng là một trung tâm nghiên cứu văn học ít ai không quen biết hoặc không từng một lần ghé thăm.

Trân trọng gửi đến quý bạn xa gần.

Nguyễn Huệ Chi

Sau 1975, khi sách kiếm hiệp Kim Dung ra tới ngoài Bắc, độc giả mới được làm quen với tên tuổi và những tác phẩm từng rất nổi tiếng của ông ở miền Nam nhiều năm trước đó.

Ma lực cuốn hút của truyện Kim Dung

Viện Văn học có hẳn một kho sách “chưởng” để phục vụ công tác nghiên cứu. Tuy nghiên cứu văn học Nga, song tôi cũng xin được phép vào đọc kho sách này. Lúc đầu chỉ là tò mò. Sau khi đọc xong Thiên Long Bát bộ của Kim Dung, một thế giới nghệ thuật mới mẻ của văn học Trung Quốc mở ra trước mắt tôi. Thế giới này có một ma lực cuốn hút không ngờ, và không chỉ mình tôi.

 \"clip_image004\"

Nhà văn Kim Dung.

Nhiều bạn trẻ khi ấy cũng ra vào kho sách này luôn luôn, khi chạm mặt nhau ai cũng có cái nhìn bẽn lẽn, kiểu “thử đọc xem cái văn hóa đồi trụy nó ra sao?”. Thì hồi đấy, chúng tôi – những người lính tiên phong của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (ta – Tây – Trung Hoa) làm sao dám ra mặt thích “kẻ địch” như thứ văn chương kiếm hiệp tên “chưởng” này. Phải xem thường, thậm chí là coi khinh nó. Bởi thế đọc, thích, mà không biết chia sẻ cùng ai.

Ngoài xã hội hình như độc giả đói sách cũng đã quá chán với loại sách giáo huấn dạy dỗ, nhân vật hoặc như thánh, hoặc phản động, chậm tiến… nên họ cũng chuyền tay nhau “lén lút” đọc sách ngoài luồng, trong đó có truyện kiếm hiệp Kim Dung. Đối với họ, hóa ra, ngoài thứ văn học khuôn mẫu nêu trên, còn có một loại văn học khác thú vị, hấp dẫn bởi nó rất đời, rất người và được viết bởi những ngòi bút tự do, hiểu biết và tài năng.

Cuộc trò chuyện bên bàn tiệc với Kim Dung

Đọc một mạch hết những bộ sách cơ bản của Kim Dung: Thiên Long bát bộAnh hùng xạ điêuThần điêu đại hiệpỶ Thiên đồ long kýTiếu ngạo giang hồLộc Đỉnh Ký, tôi ao ước được gặp Kim Dung một lần trong đời, chuyện trò với ông. Và ước mơ tưởng chừng không thể nào thực hiện được ấy đã trở thành hiện thực.

Năm 1998, chị Tú Châu – nhà Trung Quốc học, dịch giả Kim Dung, nhận được giấy mời sang Đài Loan dự hội thảo quốc tế về Kim Dung. Hai cán bộ “trẻ” là tôi và chị Trần Hồng Vân xin bám càng đi cùng chị, tự túc vé máy bay. Đây là một cuộc hội thảo lớn có rất nhiều dịch giả, nhà văn, các nhà nghiên cứu từ mọi nước tới dự. Đến đây mới biết Kim Dung đã trở thành một hiện tượng quốc tế lớn như thế nào.

 \"clip_image006\"

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng nhà văn Kim Dung.

Trước khi gặp Kim Dung tôi luôn hình dung ông qua những nhân vật của ông, khi thì Tiêu Phong, khi Trương Vô Kị, khi Đoàn Dự, Lệnh Hồ Xung… Tới lúc đó, ngồi trên chủ tịch đoàn lại là một ông già nhỏ thó, xanh xao và mệt mỏi (nghe nói nhà văn khi ấy vừa trải qua một cuộc đại phẫu thuật).

Vậy mà ông già ấy không bỏ lấy một buổi, kiên trì ngồi nghe. Nhiều báo cáo được trình chiếu rất công phu. Mọi khía cạnh, ngõ ngách của tiểu thuyết Kim Dung được mổ xẻ, khám phá, phân tích kĩ càng và đương nhiên là bằng tiếng Anh và tiếng Trung.

Giờ giải lao tôi mon men tính chuyện làm quen với ông, nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên đành chỉ dạo xem triển lãm sách Kim Dung, những xếp đặt hoành tráng như thật diễn tả lại những cảnh trong truyện của ông, và chơi các game theo tiểu thuyết của ông.

Chiều ngày thứ ba, hội thảo kết thúc, Kim Dung lên phát biểu bế mạc. Sau khi cảm ơn mọi người, ông nói đại ý ba ngày vừa rồi các vị đã nói rất nhiều về các tác phẩm của tôi, song thú thật là tôi không hiểu các vị nói gì. Truyện của tôi không cao siêu tới thế. Cả hội trường cười ồ.

Trong bữa tiệc chia tay, ba chị em đang loay hoay tìm chỗ thì Kim Dung bước tới chào chị Tú Châu, nói ông rất thích bản tham luận của chị và có nhã ý mời ba chị em ngồi cùng bàn ăn với mình. Tim tôi thắt lại vì xúc động. Cho tới giờ tôi vẫn còn cảm thấy ân hận vì trong bữa ăn đã bắt chị Tú Châu dịch từ đầu đến cuối cuộc đàm đạo với nhà văn (thì còn ai nữa đâu!).

Tất cả những suy nghĩ trước nay về sáng tác của Kim Dung, nay tìm được chính tác giả để chia sẻ, còn ai hạnh phúc hơn tôi khi đó không? Tôi say sưa nói về những giai đoạn sáng tác của nhà văn và kết luận nó tuân theo tiến trình văn học thế giới –  đi từ chủ nghĩa lãng mạn tới chủ nghĩa hiện thực, hiện thực phê phán rồi văn học hiện đại chủ nghĩa, hậu hiện đại.

Với Lộc Đỉnh Ký – một tác phẩm hậu hiện đại – cái chu trình ấy trong sáng tác của ông đã kết thúc. Trong mắt ông tôi đọc thấy sự ngạc nhiên, nhưng ông chỉ mỉm cười nhẹ nhàng: “Thú thật là tôi không biết đấy”.

Ông hỏi tôi thích nhất nhân vật nào trong toàn bộ sáng tác của ông. Tôi thành thật: Thích rất nhiều, cả phản diện lẫn chính diện, vì cái sự “trong phản có chính, trong chính có phản”, nhưng có lẽ thích nhất là Vi Tiểu Bảo.

Ông lại hỏi vì sao tôi thích nhân vật này. Ngần ngừ một chút, tôi mạnh dạn bộc bạch hết “tâm tư”: Là vì, nếu không nhầm, với nhân vật này ông cười nhạo cái “trung tâm Hán luận”, và với nhân vật này ông không chỉ giễu nhại mà còn cảnh báo những nước đi theo vết xe của cái thiết chế chính trị – xã hội không mấy văn minh trong truyện.

Vẫn sự ngạc nhiên trong ánh mắt dịu dàng của ông, nhưng lần này ông chỉ cười. Tôi nhận thấy chị Tú Châu đã mệt vì phải dịch nãy giờ toàn những vấn đề lý luận (mà cùng với tuổi trẻ là trái tim bồng bột khiến cho cái miệng nói không ngừng), bèn… không dừng lại, mà chuyển sang đề tài khác “nhẹ nhàng” hơn.

 \"clip_image009\"

Khi tôi hỏi, trong truyện ông tỏ ra vô cùng am hiểu nghệ thuật trà, rượu, hẳn ông là “đệ tử” của hai thứ đó? Ông cười rất hiền, nói cả hai thứ ông đều không nghiện, những điều ông viết trong truyện phần do đọc sách, phần bịa ra. Võ thuật cũng vậy, ngần ấy môn phái, nào là “hóa công đại pháp”, “hấp tinh đại pháp”; “Lục mạch thần kiếm”, “Càn Khôn Đại Na Di”… trùng trùng điệp điệp, tưởng ông phải nắm chúng trong lòng bàn tay và ít nhất cũng phải là người của một môn phái nào đó.

Hóa ra ông không biết một môn võ nào, không “phiên chế” ở môn phái nào. Ông bảo, ông cũng có học, có luyện, nhưng không phải võ công, mà là… các huyệt mạch trên cơ thể con người, phần để tự chữa bệnh, phần viết cho đúng, chứ cái “nhất dương chỉ” mà chỉ sai, điểm sai là hỏng bét cả cuốn sách. Tôi hỏi, các môn phái trong truyện của ông có thật không. Ông bảo, có cái thật, cái không, từ cái thật “sáng tác” ra cái không có thật. Ôi, thật là một trí tưởng tượng siêu phàm!

Tôi hỏi, ông chuyên viết truyện kiếm hiệp, có khi nào ông lại cho ra một tiểu thuyết “bình thường”, không đấm đá. Ông bảo, mỗi người một cách viết, tôi muốn truyện của tôi hấp dẫn vì những thứ được nâng tầm văn hóa như rượu, trà, các món ăn, các “món võ” cùng cốt truyện ly kì mạo hiểm. Khi độc giả đã say mê những thứ đó họ sẽ đón nhận những cái khác nhẹ nhàng, tự nhiên và tự nguyện hơn… những điều chị có nói đôi chút ban nãy ấy. Giờ thì đến lượt tôi ngạc nhiên và trong đầu tôi bỗng nghĩ tới Dostoevski, người biết dùng sự ly kì hồi hộp của những chuyện vụ án để “dẫn dụ” bạn đọc. Ôi, những ông già tinh quái!

Kim Dung có lẽ đã bị sự “bồng bột tuổi trẻ” của tôi lôi cuốn, ông ra câu hỏi nhiều hơn, và tôi nhớ nhất ông hỏi tôi thích môn phái nào nhất. Tôi trả lời tắp lự: Cái bang và túy quyền! Vì những thứ khác phức tạp quá tôi không hiểu, còn những cái này đơn giản, dễ hiểu hơn, song quan trọng cái món túy quyền nó dạy người ta biết “vô chiêu thắng hữu chiêu” là như thế nào. Sách ông thuộc dạng “vô chiêu”.

Lần đầu tiên, trong suốt bữa ăn, Kim Dung bật cười thành tiếng. Ông bảo ông quá ngạc nhiên và hạnh phúc khi ở Việt Nam có nhiều người thích truyện của ông, dịch sách và bàn về truyện của ông say sưa đến thế.

 \"clip_image012\"

Tiến sĩ Văn học Đào Tuấn Ảnh.

Bữa ăn kết thúc, các món rất ngon trên bàn hầu như còn nguyên. Nhưng tất cả chúng tôi đều mãn nguyện. Qua cách nói chuyện dí dỏm, qua cách ông nâng ly mời rượu một cách tao nhã, qua sự thể hiện lòng biết ơn với một nữ dịch giả đến từ một đất nước không mấy được biết đến ở Đài Loan, thấy được rằng con người ông đã thấm nhuần một thứ văn hóa Trung Hoa đích thực.

Sau hội thảo ba chị em còn ở lại thăm thú Đài Loan thêm mấy ngày nữa và những gì nhìn thấy ở nơi nhỏ bé, xinh đẹp và vô cùng cần cù lam làm này thực sự đã gây ấn tượng đối với chúng tôi. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là Kim Dung – một trong những nhà văn lỗi lạc nhất của thế giới thế kỉ XX.

Hôm nay ông vĩnh biệt chúng ta để đi về cõi ấy. Hẳn nơi đó ông sẽ gặp chị Tú Châu – người dịch thật hay sáng tác của ông. Cầu cho hương hồn hai người tôi yêu quý được thanh thản.

TS Văn học Đào Tuấn Ảnh (viết riêng cho Dân Việt)

Nguồn: Bauxite Việt Nam

Bài Liên Quan

Leave a Comment