Hãy để mầm hy vọng trồi lên
Mặc Lâm
Thân phận của cuốn sách này cũng là một phần lý do giải thích thái độ ghét Trung Quốc của người Việt Nam.
Anh Trịnh Hữu Long, một nhà hoạt động trẻ hiện đang điều hành trang Luật Khoa, viết một status trên Facebook như sau:
“Đọc báo nước ngoài, cả Đông lẫn Tây, không thấy ai phân tích hay bình luận rằng Tổng thống Trump đang tiêu diệt Trung Quốc, đánh sập nền kinh tế Trung Quốc hay hạ gục chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc. Kể cả các tờ báo thân Trump và fan cuồng của Trump mà không phải người Việt cũng không thấy bình luận như vậy. Nếu có những bài báo như vậy thì hẳn đã được dịch.
Nhưng ở ta và một phần rất lớn người Việt hải ngoại thì thấy nhiều người bình luận và tin như vậy một cách rất nhiệt thành. Mức độ nhiệt thành có lẽ không kém niềm tin tôn giáo là mấy, cũng không kém niềm tin vào Hồ Chí Minh là mấy.”
Trong khi đó, từ trong nước, Linh Mục Nguyễn Đình Thục viết những giòng này trên trang Facebook của ông:
“Tôi không hiểu nhiều về chính trị. Nhưng nghe những gì TT Trump nói, nhìn những việc ông đang làm, tôi cảm thấy Việt Nam đang cần Trump để loại trừ cộng sản, cứu thoát đất nước khỏi Trung cộng. Bởi vậy tôi cầu nguyện cho đảng Cộng hoà chiếm ưu thế trong kỳ bầu cử nầy, để TT Trump có thể làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Ai là công dân Mỹ gốc Việt được bỏ phiếu mà đang lưỡng lự chưa biết nên bầu ai thì xin giúp tôi bỏ một lá phiếu cho đảng cộng hoà! (Vì tôi không được quyền đó). Tuy nhiên, lời cầu nguyện sau cùng vẫn là lời cầu xin cho Thánh ý Chúa được thực hiện!”
Hai status trên được phát biểu dựa trên một sự khác biệt căn bản: một bên là căn cứ theo logic; bên kia là niềm tin vào sự mầu nhiệm – đức tính cốt lõi của người Công Giáo. Thành ý của một linh mục trong câu viết của ông cho thấy thiết tha lắm mới khiến ông cầu nguyện như vậy bởi chính thâm tâm ông biết rằng Chúa không bao giờ nhậm lời để đảng Cộng hòa hay Dân chủ thắng thế, vì đây không phải là phần việc của Ngài.
Người Việt trông chờ sự thay đổi từ áp lực của chính phủ Trump không thể so sánh với niềm tin tôn giáo hay niềm tin vào Hồ Chí Minh. Ngưỡng vọng Hồ Chí Minh hiện nay chỉ là dư luận viên hay nhiều lắm là những cán bộ lão thành đã về vườn từ lâu, mà đã ngưỡng vọng Hồ Chí Minh thì làm sao có mong muốn Trung Quốc sụp đổ?
Người Việt tin vào hay nói đúng hơn là trông chờ Tổng thống Trump có thể làm cho chế độ Cộng sản tại Trung Quốc sụp đổ bởi sự thù ghét Trung Quốc âm ỉ hàng ngàn năm qua nhiều thời đại nhưng cho tới thời đại của ông Nguyễn Phú Trọng thì có lẽ sự căm ghét ấy đã được nâng lên nhiều lần, nhiều đến nỗi ông Trọng bị đa số người dân lẫn cán bộ trong guồng máy mặc định là người thần phục Trung Quốc một cách âm ỉ nhưng “bền vững” nhất.
Không phải người Việt muốn Trung Quốc tuyệt tích nhưng muốn được thấy nhân dân Trung Quốc không còn bị thao túng bởi chế độ cộng sản thì đúng hơn. Cộng sản Trung Quốc chính là nguồn cội gây biết bao đau khổ cho nhiều dân tộc, trong đó Tây Tạng và Tân Cương là hình ảnh gây lo sợ cho một Việt Nam kế tiếp khiến những người am hiểu dã tâm của Trung Quốc không thể ngủ yên trên nỗi ám ảnh mà báo chí thế giới nhắc đi nhắc lại không hề mệt mỏi.
Tân Cương năm 1949 rồi Tây Tạng năm 1951. Gót chân của quân đội được gọi là Nhân dân Trung Quốc đã chà đạp lên phần thân thể của hai nước láng giềng bằng nhiều cách thức. Chiếm giữ tài nguyên, di dân tràn ngập đất nước người khác qua các kế hoạch Hán hóa, tiêu diệt văn hóa và tôn giáo, phá hủy đền đài, đàn áp tu sĩ và nhất là đưa hàng trăm ngàn người cả Tây Tạng lẫn Duy Ngô Nhĩ vào các trại giam trá hình.
Bao nhiêu tu sĩ Tây Tạng đã tự thiêu vì tranh đấu cho quyền được hành đạo không bao giờ làm cho lãnh đạo Trung Quốc chùn bước. Những tu viện nguy nga tráng lệ của Tây Tạng lần hồi bị tàn phá nhằm xóa sổ ký ức của họ về lãnh đạo tinh thần Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương không được thờ phượng theo tôn giáo của họ là Hồi giáo. Nam không được để râu, nữ không được che mặt. Những cấm đoán này bị người Duy Ngô Nhĩ nổi lên chống lại và kết quả là hằng trăm ngàn người bị mang vào trại tập trung Xinjiang Swell như những tội nhân hình sự.
Người Việt trong hay ngoài nước đều nhìn Trung Quốc với ánh mắt chung. Họ chia sẻ sự manh động của Trung Quốc qua các cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và còn kéo dài nhiều năm sau nữa khiến hàng trăm ngàn người Việt sống dọc 6 tỉnh phía Bắc đã vùi thây dưới họng súng của quân xâm lược. Trung Quốc chứng tỏ không thiếu gian hùng khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam rồi sau đó bắn giết ngư dân Việt Nam, không ngại bắt cóc ngư dân đòi tiền chuộc như bọn cướp biển.
Tại sao Trung Quốc làm được? Vì họ mạnh về vũ khí, lớn về kinh tế và quan trọng hơn hết họ được sự đồng thuận của chính phủ Việt Nam qua sự im lặng gần như triệt để.
Ngoài biển thì như thế, trong bờ thì những dự án tầm cỡ quốc gia của đất nước bị lãnh đạo âm thầm bán rẻ cho họ khai thác. Bauxite Tây nguyên rồi Formosa cùng các nhà máy nhiệt điện tại Tuy Phong, Bình Thuận và cuối cùng là Đặc khu cho thuê 99 năm không ai ngoài Trung Quốc đã khiến sự uất ức tăng cao. Uất ức gây ra biểu tình, và biểu tình thì bị chính quyền đàn áp khốc liệt. Nhân quả ấy không khiến người dân căm hờn hay sao?
Qua tuyên bố của Tổng thống Trump về sự tác hại của Chủ nghĩa Xã hội đã làm người Việt giật mình, rồi cuộc chiến tranh thương mại do ông phát động trở thành sức đẩy vào những người tin rằng sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ sẽ làm cho Trung Quốc sa lầy. Động thái cương quyết trên Biển Đông của Mỹ không còn là vấn đề trình diễn, nó đã và đang xảy ra ngày một quy mô và công khai với quốc tế khiến người Việt có thêm niềm tin vào Chính phủ Trump không phải là chuyện lạ.
Chân không lại dẫm phải gai khi nhìn thấy chiếc giày dù là rách và cũ, tâm lý con người ai cũng mong mang ngay chiếc giày cứu tinh ấy để thoát khỏi đám gai góc trên con đường thiên lý.
Cứ hình dung xem, cuộc cách mạng do Trump lãnh đạo – nếu có và nếu thành công – sẽ triệt tiêu đảng cộng sản Trung Quốc. Không còn Cộng sản Trung Quốc thì sẽ không còn Đảng Cộng sản, Bộ Chính trị hay Tổng bí thư tại Việt Nam.
Người Việt tin vào thế domino này và Tổng thống Trump đối với họ không khác gì cọng rơm để bám vào bởi sự tuyệt vọng gần như chắc chắn.
Hãy để hy vọng nảy mầm dù chiếc mầm ấy đang chòi đạp trên bãi cát của sa mạc không có cơn mưa nào nuôi dưỡng.
Nguồn: Mặc Lâm’s Blog / VOA