Đảng Dân Chủ Mỹ chiếm Hạ Viện, ép TT Trump phải \”sống chung\” chính trị

Đảng Dân Chủ Mỹ chiếm Hạ Viện, ép TT Trump phải \”sống chung\” chính trị

Trọng Nghĩa / rfi
\"\"

Lãnh đạo phe Dân Chủ, bà Nancy Pelosi hoan nghênh thắng lợi của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 06/11/2018. REUTERS/Al Drago

 

Sau khi có các kết quả sơ bộ cho thấy là đảng Dân Chủ Mỹ chắc chắn chiếm được đa số tuyệt đối tại Hạ Viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào hôm qua, 06/11/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện thoại chúc mừng bà Nancy Pelosi, lãnh đạo nhóm thiểu số Dân Chủ tại Hạ Viện mãn nhiệm, và rất có thể là chủ tịch Hạ Viện Mỹ sắp tới đây. Theo văn phòng của bà Pelosi, ông Trump đã nhắc đến khái niệm « đồng thuận lưỡng đảng » mà bà Pelosi đã gợi lên trước đó trong tuyên bố mừng chiến thắng.
Lời nhắc nhở của tổng thống Mỹ nêu bật cục diện chính trị mới vừa mở ra tại Hoa Kỳ, với vị tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa bị buộc phải « sống chung » với Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ đối lập, với tất cả những phiền toái tiềm tàng.
Theo giới phân tích chính trị, nếu trong hai năm vừa qua, tổng thống Donald Trump gần như là có thể tự do tung hoành, do việc đảng của ông kiểm soát cả hai viện Quốc Hội Mỹ. Nay với đảng Dân Chủ nắm đa số tuyệt đối tại Hạ Viện, hành pháp Mỹ sẽ gặp phải nhiều hạn chế trong việc thúc đẩy các chương trình kinh tế, xã hội.
Theo hãng tin Anh Reuters, Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ có khả năng buộc tổng thống Trump phải công bố thu nhập, điều mà ông vẫn từ chối cho đến nay, cũng như cho mở điều tra về các xung đột lợi ích tiềm tàng giữa Donald Trump tổng thống và Donald Trump doanh nhân.
Ngoài ra, Hạ Viện cũng có thể thúc đẩy tiến độ các cuộc điều tra về nghi án thông đồng giữa Nga với ê-kíp tranh cử của ông Trump trước đây, một cuộc điều tra đang được công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành.
Trên phương diện chính sách trong nước, nạn nhân rõ rệt nhất của cục diện chính trị mới tại Mỹ, là dự án xây bức tường dọc biên giới với Mêhicô mà ông từng cam kết khi vận động tranh cử. Vốn đã gặp trở ngại ngay khi đảng Cộng Hòa còn thống trị cả hai viện Quốc Hội, đề án này chắc chắn sẽ bị gác qua một bên trong hai năm tới đây.
Chủ trương cải tổ thuế, cũng như chính sách bị cho là « tự cô lập » của ông trong lãnh vực thương mại cũng có nguy cơ bị xét lại.
Đó là chưa kể đến khả năng – dù rất xa vời – là ông có thể bị Hạ Viện tiến hành thủ tục truất phế, nếu bị xét rằng cố tình cản trở công việc của ngành tư pháp, hoặc thực sự có thông đồng với Nga khi vận động tranh cử vào năm 2016. Theo luật lệ hiện hành tại Mỹ, chỉ cần đa số dân biểu tại Hạ Viện đồng ý là thủ tục truất phế có thể được tiến hành. Thế nhưng, để truất phế được tổng thống, cần phải được hai phần ba thượng nghị sĩ tán đồng, điều hiện nằm ngoài tầm với của đảng Dân Chủ.
Nhìn chung, trước một Hạ Viện sẵn sàng bác bỏ các đề nghị của ông, tổng thống Mỹ sẽ bị buộc phải tìm kiếm những thỏa hiệp, điều mà ông luôn luôn từ chối từ ngày bước vào Nhà Trắng đến nay.
Theo giới quan sát, với cá tính cứng rắn, ông Donald Trump rất có thể sẽ tiếp tục làm theo ý mình, điều hành công việc bằng sắc lệnh như ông vẫn thường làm cho đến nay, không cần tìm kiếm đồng thuận ở Quốc Hội.
Với một chủ tịch Hạ Viện cũng nổi tiếng là sắt thép như bà Nancy Pelosi, triển vọng « chung sống » chính trị tại Mỹ rất có thể là sẽ nhiều sóng gió hơn là hòa bình.
Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment