Sau lá nhàu, nghi thương lái Trung Quốc thu mua cá lìm kìm gai ở Cà Mau
CÀ MAU, Việt Nam – Cá lìm kìm gai, một loại cá nhỏ mà từ trước tới nay người dân không hề quan tâm, đột nhiên được các thương lái “bí ẩn” nghi từ Trung Quốc thu mua với giá cao kỷ lục, khiến chính quyền lo lắng có thể trở thành đại dịch như ốc bươu vàng cách đây 30 năm.
Ngày 6 Tháng Mười Một, 2018, ông Nguyễn Hoàng Lâm, trưởng Phòng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, xác nhận với báo Thanh Niên ở huyện hiện đang rộ lên việc thương lái thu gom cá lìm kìm gai.
Cụ thể, Ủy Ban Nhân Dân huyện Thới Bình kiểm tra một điểm thu mua cá ở xã Biển Bạch Đông thì chủ cơ sở cho biết thu mua cá lìm kìm gai rồi phơi khô, bán cho đầu mối ở thành phố Cà Mau với giá từ 2.7 đến 3 triệu đồng (khoảng $125)/kg, tùy loại lớn nhỏ. Điểm thu mua này được đầu mối ở thành phố Cà Mau đặt hàng, đặt tiền cọc trước.
“Nhưng chủ cơ sở thu mua không cung cấp cho chúng tôi biết thông tin về người thu gom cá (nghi là người Trung Quốc). Chúng tôi cũng đã mời Chi Cục Thủy Sản đến lấy mẫu gửi về trường Đại Học Cần Thơ để xác định chủng loài, có ảnh hưởng gì hay không. Vì theo người dân, cá lìm kìm gai này rất háu ăn nhất là tôm nhỏ, cá nhỏ. Nếu người dân vì lợi trước mắt mà nhân giống cá lìm kìm gai nuôi đại trà thì sẽ bất lợi,” ông Lâm lo lắng nói.
Cũng theo báo Thanh Niên, hiện thương lái không chỉ thu mua cá lìm kìm gai tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, mà còn mở rộng ra các huyện lân cận như huyện An Minh, huyện U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang.
Để có cá lìm kìm gai đem bán, người dân đi soi vào ban đêm ở các vuông tôm và trên các kênh, sông. Trung bình một người đi soi cả đêm chỉ được vài trăm gram cá.
Theo báo Người Lao Động, việc thương lái “bí ẩn” thu mua lá nhàu trước đó cũng tại tỉnh Cà Mau, và nay lại thu mua cá lìm kìm gai khiến nhiều người dân ở Cà Mau hết sức tò mò.
Dẫu vậy, người dân vẫn bắt cá vì kiếm được nhiều tiền. Báo này cho hay, theo các cơ sở thu mua, những người đến đặt mua thường là người tỉnh ngoài. Thương lái không mua nhỏ lẻ mà chỉ thu mua lại ở các đầu mối với số lượng lớn. Những thương lái “bí ẩn” chỉ thực hiện giao dịch khi cơ sở gom đủ số lượng.
Hiện tượng này cũng tương tự như hồi ốc bươu vàng được Trung Quốc khơi mào sao đó cho du nhập vào Việt Nam để nuôi “làm thực phẩm và xuất cảng vào khoảng năm 1988.”
Thế nhưng, sau đó ốc bươu vàng thoát ra ngoài tự nhiên và gặp điều kiện sinh sống thích hợp nên đã phát triển thành loài động vật gây hại trầm trọng cho lúa ở hầu hết các tỉnh phía Nam. Có thể nói, hiện ốc bươu vàng vẫn là loài động vật gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là vụ lúa Hè Thu và mùa nước nổi. Hiện ốc bươu vàng bị xếp vào loại bị cấm nuôi ở Việt Nam.
Những năm gần đây, phía Trung Quốc tiếp tục lại có chính sách thu mua ốc bươu vàng và điều này làm dấy lên phong trao thu gom ốc bán cho tư thương Trung Quốc, nhưng để bán được ốc cho đại lý thu gom cũng đòi hỏi nhiều công đoạn.
Trung Quốc chỉ thu mua ruột ốc, nên người dân muốn bán ốc phải thực hiện công đoạn đun nước sôi, luộc ốc, khêu ốc và kết quả là nhiều địa phương phải giải quyết vấn đề bãi rác vỏ ốc bươu vàng, dẫn đến tình trạng “thương lái Trung Quốc ăn ốc, chính quyền Việt Nam đổ vỏ.”
Nguồn: Người Việt