RFI: Thất bại ở Hạ Viện, chính sách đối ngoại của Nhà Trắng không suy suyển

Thất bại ở Hạ Viện, chính sách đối ngoại của Nhà Trắng không suy suyển

Thanh Hà / rfi
\"\"

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 07/11/2018. REUTERS/Kevin Lamarque

 

Việc đa số ở Hạ Viện Mỹ về tay đảng Dân Chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 06/11 vừa qua không làm thay đổi chính sách đối ngoại mà tổng thống Donald Trump đang tiến hành, từ quan hệ với Trung Quốc và Nga, chiến tranh thương mại đến hồ sơ hạt nhân Iran.
Kể từ tháng Giêng 2019, tổng thống Donald Trump bắt buộc phải thỏa thuận với Hạ Viện do phe Dân Chủ chiếm đa số và phải chấp nhận giai đoạn \”chung sống\” về mặt chính trị. Thông thường, việc phải chia sẻ quyền lực dẫn tới việc Washington thay đổi phần nào chính sách đối ngoại. Đây là kinh nghiệm mà hai đời tổng thống Mỹ trước đây là George W. Bush và Barack Obama đã trải qua sau các cuộc bầu cử giữa kỳ hồi 2006 và 2010.
Donald Trump, từ khi lên cầm quyền, chính sách đối ngoại của nhà tỷ phú địa ốc này đã làm thế giới chới với. Không ít quốc gia, đứng đầu là các nước tây Âu, thầm mong quan hệ với Washington sẽ lắng dịu lại. Bắc Kinh, thấm mệt vì chiến tranh thương mại Mỹ -Trung theo dõi sát kết quả bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Tại Matxcơva, Putin có lẽ cũng đã quan tâm tới lá phiếu của cử tri Hoa Kỳ hơn bao giờ hết.
Nhưng phần lớn các nhà quan sát đều đưa ra một nhận xét chung là Donald Trump tiếp tục con đường mà ông đã vạch ra cho dù đa số tại Hạ Viện đã thuộc về đảng Dân Chủ, cho dù phe này có nhiều bất đồng với hành pháp trên nhiều hồ sơ như là hạt nhân Bắc Triều Tiên, quan hệ giữa Washington và Riyad …
Về hạt nhân Bắc Triều Tiên chẳng hạn, đảng Dân Chủ hoài nghi về thực tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong quan hệ với Nga, đảng này kiên quyết đòi làm sáng tỏ sự thật về nghi án Matxcơva đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cách nay hai năm, giúp ông Trump đắc cử.

Nhưng trên tất cả các hồ sơ nhậy về quan hệ giữa siêu cường số 1 với phần còn lại của thế giới, khả năng can thiệp của đảng Dân Chủ khá hạn hẹp. Bởi về mặt kỹ thuật, tại Mỹ chính sách đối ngoại thuộc thẩm quyền của tổng thống, và trong lĩnh vực ngoại giao, quyền hạn của Thượng Viện lớn hơn so với của Hạ Viện. Với kết quả bầu cử vừa qua phe Cộng Hòa của tổng thống Trump đã củng cố vị thế tại Thượng Viện.
.

Nói cách khác, dù có bất đồng với Donald Trump vì ông rút Mỹ ra khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran, nhưng Hạ Viện Hoa Kỳ không có khả năng làm đảo ngược tình thế.
Đi sâu hơn về nội dung hồ sơ nóng bỏng nhất hiện nay là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, không chỉ có nội bộ đảng Cộng Hòa mà bên Dân Chủ cũng bị chia rẽ về cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới. Trả lời hãng tin Anh, Reuters, dân biểu Eliot Angel, người có nhiều khả năng đứng đầu Ủy Ban Đối ngoại tại Hạ Viện Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới, nhìn nhận Washington cần thận trọng với Bắc Kinh. Một tiếng nói có trọng lượng khác của đảng Dân Chủ là ông Adam Schiff còn đi xa hơn khi cho rằng ông có cùng quan điểm với bên đảng Cộng Hòa và cần đưa ra các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh và xem Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh Mỹ.
Như vậy, sẽ là không tưởng nếu hy vọng rằng đa số mới ở Hạ Viện Mỹ có thể thúc đẩy bình thường hóa quan hệ kinh tế và mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Hơn nữa, thương mại cũng là một hồ sơ mà tổng thống Hoa Kỳ có thể can thiệp mà không cần có đồng thuận của Hạ Viện.
Nhìn đến một hồ sơ nhậy cảm khác đối với công luận Mỹ là chính sách nhập cư : xây một bức tường trên đường biên giới giữa Mỹ và Mêhicô vẫn là một dự án ám ảnh ông Trump. Theo lời giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Mỹ thuộc trường London School of Economics, ông Peter Trubowitz, thất bại của đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện có nguy cơ thúc đẩy tổng thống Donald Trump lại càng quyết liệt hơn nữa về chính sách di dân.
Trả lời Reuters, một nhà ngoại giao xin được dấu tên không loại trừ khả năng trong nửa cuối nhiệm kỳ, chính sách ngoại giao của tổng thống Mỹ thứ 45 còn thô bạo hơn nữa. Đương đầu với quốc tế có thể là một trong những chiêu bài của Donald Trump để chuẩn bị ra tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020.
Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment