BÁC SĨ NGUYỄN TƯỜNG BÁCH – NGƯỜI KẾT THÚC CHIẾN TRANH QUỐC CỘNG 1945
NGUYỄN TƯỜNG TÂM
Cụ Nguyễn Tường Bách. Ảnh: phebach.blogspot.com
Sự ra đi của Bác sĩ Nguyễn Tường Bách ngày 11/5/2013 tại Fountain Valley, Orange County, California, hưởng thọ 97 tuổi, đã hoàn toàn kết thúc cuộc chiến tranh Quốc-Cộng 1945… (về phe Quốc Gia).
Phe Quốc Gia ở đây được định nghĩa là những người chống lại lý thuyết Mác Xít, chống lại Cộng sản. Phe Cộng sản thì vẫn còn một người thuộc thành phần lãnh đạo từ thời 1945 là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng nên biết thêm, cụ Bách là cộng tác viên thân cận của nhóm Tự Lực Văn Đoàn từ ngày nhóm này ra số báo Phong Hóa đầu tiên (thời gian này nhóm chưa lấy tên là TLVĐ).
Thực ra vào thời 1945, cụ Võ Nguyên Giáp chỉ là một Đại Tướng gần như tự phong, tức là do phe Cộng Sản của cụ phong cho cụ chứ cụ mới chỉ thành lập được một trung đội du kích; và lực lượng vũ trang của phe Cộng Sản lúc ấy cũng chỉ vài chục người. Lịch Sử đảng Cộng Sản cũng thừa nhận sau khi Nhật thất trận, các tù nhân chính trị được chính phủ Trần Trọng Kim trả tự do, trong đó có cả những tù nhân cộng sản, thì số lượng đảng viên cộng sản chỉ khoảng 5 ngàn người. Đấy là con số do cộng sản công bố; con số thực có lẽ ít hơn nhiều.
Phe Quốc gia gồm Việt Nam Quốc Dân Đảng, và Đại Việt có lẽ số đảng viên cũng không nhiều hơn. Lúc đó Bác sĩ Nguyễn Tường Bách sáng lập lực lượng Quốc Gia Thanh Niên Đoàn, đồng thời chỉ huy lực lượng quân sự của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bác sĩ Bách cũng thú nhận số đảng viên và lực lượng vũ trang của Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng không nhiều và so với lực lượng của cộng sản có phần yếu hơn (xem hồi ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua và tập truyện Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn của Ng. Tường Bách).
Do tình cờ lịch sử, cả hai cụ Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Tường Bách đều có một số điểm tương đồng. Trước tiên, cả hai cụ cùng ở vị trí lãnh đạo cao cấp của hai lực lượng chống đối nhau thời 1945: Cụ Bách ở Việt Quốc, cụ Giáp ở Việt Minh, một tổ chức của Cộng Sản dựng lên để thu hút thành phần yêu nước cũng tương tự như tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sau này được Cộng Sản Miền Bắc lập nên năm 1960, trá hình là một tổ chức yêu nước của nhân dân miền Nam. Cả hai cụ đều là nhân vật lãnh đạo lực lượng vũ trang của tổ chức của mình. Và thật lạ lùng, cả hai cụ cùng trường thọ và là hai vị cuối cùng thuộc giới lãnh đạo cao cấp trong cuộc tranh chấp Quốc Cộng 1945. Bác sĩ Bách vừa mãn phần ở tuổi 97; cụ Võ Nguyên Giáp vẫn còn sống và đã 103 tuổi.
Cả hai cụ cùng là trí thức tiểu tư sản. Cụ Võ Nguyên Giáp xuất thân cử nhân luật và là giáo sư sử tại trường trung học Thăng Long, một trường trung học nổi tiếng vì có nhiều giáo sư nổi tiếng nhất Hà Nội thập niên 1930. Trong thời gian đó cụ Nguyễn Tường Bách học đại học Y khoa Hà Nội và tốt nghiệp Bác sĩ năm 1944, ở tuổi 28, cùng lớp với Giáo Sư Thạc Sỹ Y Khoa Trần Đình Đệ, cựu Khoa trưởng Đại học Y khoa miền Nam. Cụ Võ Nguyên Giáp lớn hơn Bác sĩ Bách 5 tuổi nên hoạt động chính trị có lẽ trước Bác sĩ Bách cũng khoảng từng ấy năm. Vào thập niên 1930 – 1940 thanh niên Việt Nam hoạt động trong các tổ chức bí mật chống Pháp ở tuổi rất trẻ. Trong hồi ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua (hồi ký VNMTKQ) ở trang 36, cụ Bách cho biết tinh thần cách mạng chống Pháp của học sinh trường Bưởi như sau, “một bạn học năm thứ ba (ghi chú của người viết, tức là mới lớp 8) có đến tìm tôi (ghi chú của người viết, lúc đó cụ Bách mới 13 tuổi và học lớp 6), và đưa một tờ truyền đơn ký tên là “Thanh Niên Ái Quốc,” rủ tôi vào một tiểu tổ lúc đó thành lập ngay trong trường. Tôi ngỏ ý tán thành.” Sau này, Bác sĩ Bách khởi đầu hoạt động chính trị từ thời còn là sinh viên y khoa trong đảng Đại Việt Dân Chính do nhà văn Nhất Linh là anh ông thành lập khoảng 1939.
Cả cụ Võ Nguyên Giáp lẫn Bác sĩ Bách đều không được huấn luyện quân sự mà đều được tổ chức của mình trao nhiệm vụ lãnh đạo quân sự. Điều đó cho thấy lực lượng quân sự của cả hai bên lúc đó đều không đủ mạnh để đương đầu với thực dân Pháp. Cụ Bách từng cười mà nói với tôi, “Chú là bác sĩ mà anh em giao cho chỉ huy quân sự thì đủ hiểu là lực lượng mình không mạnh!”
Cả hai cụ đều là đại biểu trong Quốc Hội khóa 1 năm 1946. Cụ Giáp là đại biểu của Cộng sản (núp dưới danh xưng Việt Minh). Bác sĩ Bách là đại biểu của Việt Quốc.
Trong chính phủ Liên Hiệp Quốc Cộng cụ Giáp giữ chức Bộ Trưởng Quốc Phòng. Bác sĩ Bách tuy không tham gia chính phủ Liên Hiệp nhưng khi tôi hỏi vấn đề này thì Bác Sĩ Bách cho biết cụ đã có hai người anh tham gia chính phủ Liên Hiệp với tư cách Bộ Trưởng rồi, đó là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là Bộ Trưởng Ngoại Giao và nhà văn Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long làm Bộ Trưởng Kinh Tế nên đảng Việt Quốc trao cho cụ trọng trách tổ chức nội bộ đảng. Nhưng cụ cũng cho biết trong công tác chính phủ hàng ngày cụ cũng tham gia với tư cách đại biểu của Việt Quốc, do đó cụ cũng nhiều lần trực tiếp gặp cụ Hồ Chí Minh và cụ Võ Nguyên Giáp cũng như các thành viên khác của Cộng Sản trong Quốc Hội và Chính Phủ.
Cả hai cụ đều là những nhân vật lãnh đạo cuối cùng của tổ chức của mình còn sống sót từ thời 1945 cho tới đầu thế kỷ 21. Bác sĩ Bách tuy khoảng hai năm cuối sức khỏe đã yếu, không đi lại được, nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, vẫn còn trả lời những câu hỏi liên quan tới các hoạt động văn hóa của TLVĐ và các hoạt động vũ trang chống Cộng thời 1945 cho tới lúc cụ và lực lượng Việt Quốc thất bại phải bôn tẩu sang Trung Quốc năm 1946.
Trong hai, ba tháng cuối trước khi qua đời Bác sĩ Bách tuy còn tỉnh táo nhưng đã kém trí nhớ; cụ quên cả tên những người cháu tới thăm cụ, ngay cả tôi cụ cũng không nhớ tên, chỉ biết là cháu gọi bằng chú. Thời gian này chỉ kéo dài vài tháng và Bác sĩ Bách không phải trải qua giai đoạn dùng dụng cụ trợ sinh (life support) trước khi qua đời. Như thế Bác sĩ Bách đã có một sự ra đi mau mắn của người già, một điều mà những người già đều mơ ước. Đây là một may mắn cho cụ.
Cụ Võ Nguyên Giáp không may mắn bằng. Tuy “còn sống” nhưng nghe nói từ lâu cụ Giáp đã không còn biết gì hết, phải dùng dụng cụ trợ sinh (life support).
Là em út trong gia đình Nguyễn Tường, cụ Nguyễn Tường Bách đã là một trong những cây bút trẻ nhất góp mặt trong những số báo Phong Hóa đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Lúc đó cụ mới 17 tuổi, chưa xong trung học. Tôi hỏi cụ, “Lúc đó chú tới tòa báo với tư cách một chú em nhỏ tới chơi xem các anh của chú làm báo hay chú tới với tính cách ngang hàng của người cộng tác?” Cụ nói, “Tuy lúc đó chú nhỏ, nhưng chú tới với tính cách người cộng tác; chú viết mà.”
Tuy sau này khi từ giã gia đình ra đi làm cách mạng, Bác sĩ Bách ở hoàn cảnh một gia đình khá giả như chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt hay Đôi Bạn, hai cuốn tiểu thuyết của Nhất Linh, nhưng khởi đầu cụ Bách sinh ra trong một gia đình nghèo. Có thể nói là cực nghèo (xem hồi ký về Gia Đình Nguyễn Tường của cụ Nguyễn Thị Thế, em gái cụ Nhất Linh). Tuy ông nội cụ làm tri huyện (tương đương quận trưởng hay chủ tịch huyện) Cẩm Giàng, nhưng qua đời đã lâu và gia đình trở nên túng quẩn. Bố cụ Bách lại hầu như cả đời không làm gì để nuôi gia đình. Mãi gần cuối đời bố cụ mới đi làm thông ngôn tòa sứ bên Lào. Theo gia phả bên họ Lê, tức bên họ mẹ các anh em Nguyễn Tường thì “ông Nhu làm thông ngôn ngạch tòa Công sứ”. “Ông Nhu” ở đây chính là bố của các cụ Nguyễn Tường. Bố các cụ không phải làm người bẻ ghi (người gác) ga xe lửa Cẩm Giàng như một số sách sau 1975 viết. Hồi ký của cụ bà Thế ở trang 48 cho biết bố các cụ làm thông ngôn cho ông Công Sứ Hải Tường một thời gian. Sau đó ông ta được đổi sang làm Công Sứ tỉnh Sầm Nứa bên Lào. Năm 1917, tình cờ gặp lại ông Công Sứ đó ở Hà Nội, ông Công Sứ mời bố các cụ sang làm thông ngôn cho ông ở bên Lào và ngày 31-8-1917 bố các cụ lên đường (hồi ký của cụ Thế trang 59). Nhưng bố các cụ chỉ làm được tám tháng thì qua đời vì bạo bệnh.
Kể từ đó gia đình 9 người gồm mẹ, 7 anh chị em và bà nội chỉ trông vào việc buôn gạo của mẹ cụ. Trong hồi ký VNMTKQ ở trang 8, cụ Bách viết, “Cảnh nghèo nàn thiếu thốn trong gia đình, dù mẹ tôi và bà tôi cố gắng xoay sở, cũng chưa giải quyết được vì đông con.” Trang 30, cụ lại viết về việc người con gái duy nhất trong gia đình, là chị Thế của cụ, không được đi học vì nhà nghèo, “Trong lúc gia đình khó khăn chị không được đi học nữa và về nhà giúp mẹ trong việc buôn bán…Chị cần cù đảm đương mọi việc trong gia đình, đã giúp đỡ không ít để các anh em yên tâm học hành, làm việc.” Cảnh nghèo khiến nhiều năm gia đình Nguyễn Tường không ăn tết. Trang 57 của hồi ký cụ Thế ghi, “Tết năm nay nhà không gói bánh chưng. Bà ngoại thấy tôi hỏi nhà cháu đã gói bánh chưa, tôi đáp thưa bà năm nay mợ cháu không có tiền nên không gói ạ.” Chẳng những không có tiền ăn tết mà mẹ các cụ có năm còn phải trốn nợ vào ngày cuối năm. Sau này vì lý do tuyên truyền chính trị, cộng sản lên án Tự Lực Văn Đoàn có cái nhìn xã hội của những kẻ thuộc giai tầng “bên trên” nhìn xuống. Thực ra không phải vậy. Quan niệm xã hội của anh em Nguyễn Tường trong Tự Lực Văn Đoàn đã hình thành từ cái huyện Cẩm Giàng nghèo khổ, cực kỳ nghèo khổ mà gia đình Mẹ Lê trong truyện của Thạch Lam là điển hình và gia đình các nhà văn này cũng không khá hơn các gia đình nghèo trong phố huyện, nơi theo sự kể lại trong gia đình và trong các hồi ký, chỉ có mấy gia đình giầu là gia đình mấy “chú Tầu” chủ tiệm trên phố chính của huyện. Có thể nói vào thời đó, gần như cả huyện Cẩm Giàng đều nghèo như Nhà Mẹ Lê cho nên ngoài anh em nhà Nguyễn Tường không gia đình nào có con ra khỏi phố huyện sau khi “tốt nghiệp” sơ cấp (ba năm đầu của bậc tiểu học) để tiếp tục học cao hơn. Trong hồi ký VNMTKQ, ở trang 9, cụ Bách mô tả cái nghèo của dân huyện Cẩm Giàng, “chung quanh, cảnh nghèo khổ, tiêu điều trong các gian nhà lụp xụp, cảnh chân lấm tay bùn của nông dân cặm cụi trên đồng ruộng lầm lội; những người chỉ có một cái khố che thân, cảnh chợ phiên lèo tèo…tất cả những cái đó đã ăn sâu vào trí óc chúng tôi. Về sau đã thúc dục chúng tôi muốn viết lên, muốn làm một cái gì để thay đổi tình trạng đó.” Bà chị gái của cụ, bà Thế, ở trang 53 hồi ký của riêng mình cũng ghi, “Xóm chợ gần nhà tôi toàn là người làm ruộng quê ở Hà Nam, Phủ Lý vì bị lụt lội không đủ sống nên đưa nhau đến đây. Đa số gia đình làm nghề đi kéo xe hoặc làm mướn như nhà bác Đối, đánh cá vớt tép như nhà bác Lê và còn nổi tiếng nghèo vì quá đông con.” Truyện ngắn Nhà Bác Lê nổi tiếng của Thạch Lam chính là dựa trên chuyện thực của gia đình bác Lê này. Và gia đình Nguyễn Tường cũng không khá hơn những gia đình trong xóm. Trong mấy tạp chí địa phương của Cẩm Giàng ngày nay, người dân địa phương cũng xác nhận cha ông họ thời trước 1945 thật là nghèo, không có tiền gửi con đi học ở bên ngoài phố huyện, nên toàn huyện không có người đỗ đạt, ngoại trừ mấy anh em nhà Nguyễn Tường. Cơ ngơi gọi là “Trang trại Nguyễn Tường, TLVĐ” tại Cẩm Giàng được tạo lập sau này, sau khi mấy anh em nhà Nguyễn Tường đã thành đạt ở Hà Nội, giúp mẹ trở về Cẩm Giàng lập trại để an dưỡng tuổi già (xem hồi ký về gia đình Nguyễn Tường của Nguyễn Thị Thế).
Anh em nhà Nguyễn tường sống trong hoàn cảnh gần như đáy cùng xã hội. Ở trang 54 cuốn hồi ký, cụ bà Thế viết tiếp, “Những năm mất mùa đói kém, xe kéo chẳng ai đi những gia đình này bữa cơm bữa cháo. Nhà tôi chưa phải ăn thiếu nhưng cũng chả giầu gì hơn họ.” Từ hoàn cảnh gần như đáy cùng xã hội đó, anh em Nguyễn Tường của cụ đã vươn lên qua sự thông minh và quyết tâm, và nhất là quyết tâm của một bà mẹ tuyệt vời. Trong hồi ký VNMTKQ, ở trang 30-31, cụ Bách vừa mô tả cái nghèo của gia đình vừa mô tả sự quyết tâm nuôi con ăn học của mẹ cụ qua đôi câu “cãi nhau” giữa mẹ cụ và Thạch Lam, “”Lâu nay không biết mày làm gì? Nhà đương túng bấn mà sao không mang được một đồng về? – Có lẽ vì anh bỏ trường rồi chưa làm việc gì. So với các anh lớn, có thể anh không làm cho mẹ vừa lòng lắm. Hai mẹ con cãi cọ một lúc, rồi không biết sao cả hai đều khóc. Ngạc nhiên, chúng tôi chạy ra ngoài. -Con xin lỗi mẹ, con sẽ đi làm.” Anh vừa nói vừa gạt nước mắt, trông cũng đáng thương. Chắc anh nghĩ rằng mình cũng chưa làm gì giúp mẹ. -Ừ thì mẹ cũng tha lỗi cho con. Nếu muốn đi học, thì dù thiếu thốn, cả nhà cũng sẽ giúp.””
Tất cả mấy anh em của cụ từ những năm đầu đi học đã học ở ngôi trường duy nhất, chỉ có bậc sơ cấp (3 lớp đầu bậc tiểu học) trong cái huyện Cẩm Giàng cực kỳ nghèo khổ đó. Như đã kể, dân huyện quá nghèo, không ai đủ điều kiện cho con cái theo đuổi sách đèn ở mức vượt khỏi lũy tre làng. Chỉ có mấy anh em cụ, nhờ quyết tâm của bà mẹ, là thoát khỏi sau bậc tiểu học để lên Hà Nội tiếp tục theo đuổi sách đèn. Mẹ các cụ, sau khi chồng mất, một mình phải lo kiếm tiền nuôi gia đình tổng cộng 9 miệng ăn kể cả mẹ chồng. Để vượt qua nhiệm vụ khó khăn đó, mẹ các cụ rất cương quyết, cho các con bỏ việc mặc áo tang cho hết sầu thảm, không khóc lóc để có tinh thần mà làm ăn. Ở trang 52 hồi ký cụ Thế, có ghi: “Em Bẩy lúc đó mới có ba tuổi bà tôi cũng bắt đội khăn sô, tôi thì đầu chẳng có tóc cũng phải chít khăn như người lớn, quần may bằng vải chàm trông y mán vậy. Mẹ tôi bắt bỏ hết bảo chúng nó còn bé bắt để tang chi trông sầu thảm. Bà nội khóc thì mẹ tôi nói người chết đã yên phận rồi, bây giờ bà phải thương các cháu lo sao cho khỏi chết đói, để yên con phải lo buôn bán chứ cứ ngồi khóc hoài sao, người chết cũng chả sống lại được mà người sống thì chết đói.”
Mẹ các cụ là người bà mà thế hệ chúng tôi luôn ngưỡng mộ là một phụ nữ rất cứng rắn và cương quyết trong mục tiêu theo đuổi, nhưng lại rất dịu dàng với các con cháu. Mục tiêu theo đuổi cả đời của cụ là sự học của các con trai. Khi cụ mang cốt của phu quân từ bên Lào về chôn tại Cẩm Giàng, cụ mẹ chồng nghĩ phải tìm ngôi đất nào cho phát phú ngay chứ nghèo quá đi thôi (Hồi ký cụ Thế trang 64). Nhưng cũng chính trang hồi ký này ghi, “Thầy địa lý cho mời mẹ tôi tới bàn cãi bà muốn phát phú thì con cháu học dốt, hay quý và thọ thì nghèo, bà tính sao. Mẹ tôi nói ngay quý và thọ thôi chứ phú trọc mà làm gì.” Chẳng biết có phải nhờ ông thầy địa lý người Tầu đặt mộ hay không mà sau này mấy anh em ông đều phát Quí như độc giả đều biết (nhưng không phát Phú). Mặc dù nghèo gần như không đủ ăn, nhưng với chuyện học của các con thì cụ hết lòng, kể cả phải cho tiền mua sách từ bên Pháp về cho các con học. Và may mắn thay các con cụ đều học giỏi, người nào cũng từng nhiều lần đứng nhất lớp, nhất trường, hay nhất cuộc thi và cũng từng thi nhẩy hai lớp ở bậc trung học, rút ngắn được khá nhiều thời gian và tiền bạc. Trang 62 hồi ký của cụ Thế ghi, “Các anh tức lắm về bàn với mẹ tôi gửi mua bên Pháp đủ các thứ sách đem về học gấp. Năm sau đổi tuổi đi thi đậu thành ra đỡ được hai năm, đỡ tốn bao nhiêu công lao và tiền bạc. “
Mấy anh em của cụ rất quyết tâm và thông minh nên thường chiếm giải nhất hay học thi nhẩy lớp. Từ anh Cả, hầu như cụ nào cũng học nhẩy hai lớp (hồi ký cụ Thế trang 62). Trang 62 của cuốn hồi ký cụ Thế cũng ghi muốn học vượt lớp thì phải đổi giấy khai sinh cho thêm tuổi. Từ hồi bé, trong gia đình, nhiều lần tôi đã nghe chuyện tất cả các chú bác và bố tôi đều học giỏi nên phải khai thêm tuổi để đi thi, tôi thường thắc mắc làm thế nào để các anh em của bố tôi đổi tuổi? Mới đây, đọc kỹ trong hồi ký của cô tôi, ở trang 72, cụ Thế đã ghi, “Thỉnh thoảng chúng tôi lại sang chơi bên ấp Phiên Đình là ấp có ông lý trưởng đã đưa cả triện lý trưởng cho mẹ tôi muốn đóng vào đâu thì đóng. Chắc hẳn ông không thể ngờ được cái triện đó đã giúp cho mấy nhà văn nổi tiếng trong văn học sử sau này.” Hóa ra, để đổi tên, đổi tuổi của mấy anh em nhà Nguyễn Tường, bà nội tôi cứ lấy cái triện của ông lý trưởng ấp Phiên Đình, huyện Cẩm Giàng mà “ịn” vào giấy khai sinh mới do chính cụ làm lại là xong(?) Cụ Bách cũng nhẩy hai lớp, và thường được giải nhất cuối năm. Phần thưởng mang về phải chở bằng xe kéo. Nghe vậy anh em chúng tôi thấy thực dân Pháp tuy thế mà rất chuộng sự học, cho dù là sự học của dân bản xứ.
Việc học của cụ Bách thật buồn cười, và sự đối xử của mẹ cụ cùng các anh cụ đối với việc học của cụ cũng rất thoáng; có thể nói là quá thoáng so với cả tiêu chuẩn giáo dục gia đình bây giờ. Theo dõi việc học của cụ Bách ở bậc trung học thôi cũng giúp hiểu thêm về sinh hoạt của Tự Lực Văn Đoàn ngay từ buổi đầu ra báo Phong Hóa. Năm 1929 cụ Bách thi vào trường Bưởi và đỗ thứ 28 trong khi nhà trường chỉ lấy có 130 người trong số rất đông học sinh dự thi. Cụ đỗ cao nhờ bài Pháp Văn (hồi ký VNMTKQ trang 33 và 35).
Nhưng ngay trong ngày khai trường, cụ Bách đã cảm thấy một bầu không khí ngột ngạt, khó thở, mà cụ cho là bầu không khí thực dân. Ở trang 35 cụ viết, “Một bầu không khí thực dân…tôi nghĩ. Tôi liên tưởng đến những truyền đơn, báo bí mật và những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp…Từ ngày ấy, đối với nhà trường, tự nhiên tôi đã không có thiện cảm.” Cuối cùng, sau khi mới lên năm thứ hai, tương đương lớp 7 ngày nay, cụ bỏ trường về Cẩm Giàng tự học thi Tú Tài Tây. Ở trang 41 hồi ký VNMTKQ cụ viết, “1931. Suy nghĩ vài tháng rồi, tôi lấy một quyết định mạo hiểm: bỏ học về nhà. Tôi sợ nói ra, mẹ tôi và các anh chị sẽ phê bình tới tấp và sẽ ngăn cản. Vì có ai dại mà bỏ đi một trường học tốt như vậy, không dễ thi vào. Và nếu tự học thì có làm nổi không, bằng Tú Tài đâu phải dễ lấy; mà tôi lúc này mới lên năm thứ hai.”
Gia đình cụ rất phóng khoáng, ngay cả trong việc học của con cái là việc quan trọng nhất trong mọi gia đình. Trang 44, cụ ghi nhận, “Khác hẳn với dự đoán của tôi, các anh tôi chẳng ai cho là việc đáng bàn, còn mẹ tôi sau khi do dự, cũng bằng lòng: “-Ừ thì mày về nhà mà học lấy. Nhưng phải chăm mới được.”
Năm 1933 cụ thi Tú Tài Tây phần thứ I và trượt. Tưởng cũng nên nhắc lại, năm 1929 cụ Bách mới thi đỗ vào năm thứ nhất trường Trung học Bưởi, tức là vào lớp 6. Năm 1931, ở năm lớp 7 cụ xin bỏ học để về Cẩm Giàng tự học. Thế mà năm 1933, tức là đáng lẽ mới hết lớp 9 (đệ tứ niên trường Bưởi) cụ đã đi thi Tú Tài Tây phần thứ nhất, tức là vượt 2 lớp (10, 11). Các anh em khác đều học vượt hai lớp như cụ. Mặc dù thi trượt nhưng cụ cũng đã đỗ phần thi viết, tức là đỗ các môn chính. Và cụ chỉ bị trượt vì vào vấn đáp môn Anh Văn. Anh văn cụ tự học nên phần phát âm sai hoàn toàn. Cũng trang 57 cụ kể, “gặp giám khảo hắc búa, bắt tôi đọc một một đoạn truyện “David Copperfield” của Dickens. Tôi gân cổ đọc, còn ông chỉ ngồi cười. Sau tôi mới hiểu, vì ông nghe chẳng hiểu gì hết với cái tiếng Anh lạ tại của tôi. Tất nhiên là trượt, về nhà học lại.” Đọc tới đây tôi lại nhớ tới kinh nghiệm của chính tôi. Năm 1962, tôi học đệ tam Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định, thi nhẩy tú tài I, cũng đỗ thi viết, rồi vào vấn đáp cũng trượt vì vấn đáp tiếng Anh. Ông giám khảo nói tiếng Anh với tôi rằng, “tiếng Anh của anh khiến tôi thất vọng”. Như vậy chế độ thi cử của Pháp tuy khó về nội dung nhưng lại rất mềm dẻo về thủ tục, học sinh muốn thi là nộp đơn thi, không cần học bạ gì cả. Nhưng tại sao lại có vấn đề giới hạn tuổi đi thi thì tôi chưa tìm hiểu được. Tới thời Việt Nam Cộng Hòa thì thủ tục có khó hơn một chút, là muốn thi Tú Tài I thì phải có giấy đã học lớp 11 của một trường tư hay của bất cứ một tư nhân nào có bằng cử nhân chứng nhận. Việc chứng nhận chỉ cần ký tên rồi mang công chứng chữ ký, thủ tục không quá vài phút. Chế độ thi cử hiện nay thủ tục không được dễ như vậy, chặt chẽ hơn, nhưng trình độ học sinh lại kém hơn nhiều.
Một điều đáng ghi nhận là chính cái năm thi trượt Tú Tài phần I (hè 1933), tức là đáng lẽ mới học lớp 9, cụ Bách đã bắt đầu tham gia viết báo, làm thơ trên tờ Phong Hóa. Ở trang 57 hồi ký VNMTKQ, cụ viết: “Năm đó, thi bằng Tú Tài phần thứ nhất, tôi đã “trượt vỏ chuối,” tuy đã cuốc bở hơi tai trước kỳ thi.” Ở trang 58, cụ Bách viết tiếp, “Thế là lại phải cuốc một năm nữa…Cũng may, năm ấy, tôi bắt đầu bước vào nghề viết báo, làm thơ, nên thì giờ cũng dễ trôi qua.”
Năm sau, 1934 cụ mới đỗ Tú Tài Tây phần I nhờ ông giám khảo thi vấn đáp tiếng Anh không quá khó. Như vậy sau hai năm học trong trường và ba năm tự học vất vả mới đỗ được Tú Tài Tây phần thứ I, cụ thấy không tự học được nữa mà phải vào trường. Và cụ không trở lại trường Bưởi mà xin vào trường tây Albert Sarraut. Ở trang 55 hồi ký VNMTKQ cụ kể: “Một cách chật vật, tôi cũng qua được phần thứ nhất bằng Tú Tài Tây…Nhưng phải đối diện với phần thứ hai làm sao đây? Theo ý kiến của các bạn, muốn ăn chắc, nên xin vào học trong trường Trung Học Albert Sarraut.” Ông viết tiếp, “Mùi thực dân của trường này tất sẽ nặng nề, nhưng đành phải chịu.”
Ông giỏi triết và học thi Tú Tài Triết. Trang 59 ông kể, “Vì trước kia, tôi đã ưa đọc những sách triết học, nên được giáo sư dạy môn triết mến, những tác văn của tôi thường thường ông chỉ sửa chữa rất ít và khuyến khích.” Trong nói chuyện riêng tư cụ kể nửa năm đầu cụ vất vả vì tiếng Pháp thua đám học sinh gốc của trường và thua đám tây, đầm. Nhưng nửa năm sau thì cụ vượt lên đứng đầu. Cụ viết ở trang 55 hồi ký VNMTKQ: “Cuối năm, dù không dốc hết sức để ôn tập các bài vở, nhưng may mắn tôi cũng được giải nhất trong lớp và tương đối dễ dàng qua được phần thứ hai bằng Tú Tài…” Vị giáo sư Triết người Pháp rất thích cụ và cứ ngỡ sau này cụ sẽ theo ban triết trên đại học.
Như vậy cụ đỗ Tú Tài phần II vào năm 1935. Nhưng tại sao, mặc dù học giỏi, mãi 9 năm sau, năm 1944, cụ Bách mới đỗ Bác sĩ. Từng có nhiều dịp gần gũi cụ mà chúng tôi không để ý tới chi tiết này để hỏi. Thời gian này gia đình cụ đã vươn lên tới mức bề ngoài cũng không thua kém gia đình nào; mấy anh đầu đã đi làm có chức phận. Đặc biệt anh Tam của cụ (Nhất Linh) đã tốt nghiệp cử Nhân khoa học ở Pháp về và thành lập báo Phong Hóa.
Tuy gia cảnh đã thăng tiến cả về kinh tế lẫn tiếng tăm, nhưng cụ Bách lúc nào cũng đau nỗi đau “không duyên cớ” của chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt & Đôi Bạn, hai tác phẩm của Nhất Linh được giới trẻ thời đó ưa thích. Cái nỗi đau không rõ ràng vì không liên hệ trực tiếp tới cuộc sống của bản thân và gia đình mình. Nhưng lúc nào cụ cũng suy nghĩ, muốn làm một cái gì đó…không rõ ràng. Có thể nói, tâm trạng của cụ Bách lúc đó là tâm trạng chung của giới trẻ ở cái thời có nhiều cuộc chuyển mình của đất nước từ sau cuộc khởi nghĩa bất thành đưa tới đoạn đầu đài của lãnh tụ Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông trong Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cái tâm trạng đó chắc chắn cũng là tâm trạng của Nhất Linh từ thời rất trẻ và ông đã đưa được vào văn chương. Tất cả những điều này đã được cụ Bách mô tả ở trang 32 hồi ký VNMTKQ: “Sau 1925, là một giai đoạn rung động mạnh trong xã hội Việt Nam và cũng rung động đến cả tầng lớp học sinh nhỏ…Những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp, về những truyền đơn bí mật như tờ “Hồn Nước”, in bằng thạch mà chúng tôi truyền nhau đọc, những cuộc bãi công, biểu tình, cái tên Nam Đồng thư xã v.v… đều ít nhiều khơi dậy lòng yêu nước của những tâm hồn trẻ thơ.” Và rồi cụ thể hơn, cụ viết rằng, chính cái đêm khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng mà các anh em cụ chứng kiến, hồi hộp theo dõi tại Hà Nội đã ảnh hưởng và tạo nên Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn sau này. Ở trang 37 hồi ký VNMTKQ, cụ Bách viết, “Một ngày tháng 2 năm 1930. Buổi tối, độ chín mười giờ…Bà, mẹ tôi đã đi ngủ. Nhớ lại còn ngồi trên gác đọc sách có anh Tam (Nhất Linh), anh Sáu (Thạch Lam) và tôi. Anh Cả đi làm ca đêm vắng nhà. Chung quanh im lặng. Bỗng đột ngột, vẳng từ xa đến mấy tiếng nổ, xem ra lớn hơn tiếng súng thường. Tiếng gì đây? mọi người sửng sốt. Súng? Bom, tạc đạn? Trong thời kỳ bất thường này chúng tôi nghĩ ngay tới một cuộc nổi dậy. Anh Tam chạy ra phía cửa sổ, hé mở cánh cửa nghe ngóng. Vài tiếng nổ thêm, lác đác. Trong thâm tâm, chúng tôi hi vọng đây sẽ là một cuộc tấn công lớn của cách mệnh; đều khát vọng cuộc khởi nghĩa sẽ đưa tới chấm dứt sự thống trị hung tàn của thực dân, dành được độc lập tự do cho dân tộc. Tiếng nổ hình như vọng tới từ trên, phía bờ sông. Nhưng rất nhanh, im lặng lại trở lại…Anh em chúng tôi chờ đợi một thời gian, không thấy có động tịnh gì khác, lại đặt mình xuống giường. Không ai nói với ai một câu nào, những đều biết là suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Có lẽ ai cũng đã cảm thấy thất vọng sâu xa…Mặc dầu thất bại, nhưng tấm gương anh hùng ấy vẫn luôn in mãi trong trí óc anh em chúng tôi.” Và ở trang 39, cụ kết luận về ảnh hưởng của cái đêm “cách mạng Nguyễn Thái Học” đó đối với xã hội nói chung và đối với TLVĐ sau này như sau, “Tinh thần này không những sẽ phản ảnh trong các cuộc cách mệnh sau này, mà còn sẽ phản ảnh về các lãnh vực văn hóa, xã hội. Nếu không có tinh thần này, thì nói riêng, cũng sẽ không có Nhất Linh, Phong Hóa, và Tự Lực Văn Đoàn.”
Lược qua tình hình vừa nêu, người ta có thể hiểu tại sao cụ Bách lúc đó tuy học trường Tây nhưng nỗi đau “vô cớ” vẫn ám ảnh khôn nguôi. Tình yêu và lý tưởng luôn luôn là cuộc sống và nỗi ám ảnh của tuổi trẻ. Với cụ Bách cũng vậy. Cụ Bách trẻ, đẹp trai, tài hoa, chơi nhạc hay, khiêu vũ giỏi, học cũng giỏi, lại thuộc gia đình đang nổi tiếng vì thành lập được nhóm TLVĐ, dĩ nhiên không thiếu cô mê. Trong mấy cô gái trẻ có một cô cùng lớp mà tới những ngày cuối đời mới đây, khi tới thăm cụ, tôi vẫn được nghe cụ nhắc lại. Cô ta là đầm lai, học cùng lớp. Mỗi chiều tan học cô ta thường đạp xe theo cụ trên đường về. Thời đó “Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường” (tên của Hà Nội do Thạch Lam đặt) còn yên tĩnh với những con đường chìm dưới hai hàng cây, với Hồ Gươm lóng lánh bên hàng liễu rủ, biểu tượng của thủ đô ngàn năm văn vật, với Nghi Tàm, Quảng Bá, hai tụ điểm của trai thanh gái lịch vào mỗi cuối tuần, với những nam thanh nữ tú ngày ngày đạp xe đạp từ từ dong duổi trên các ngã đường. Hà nội của những năm xưa đó chưa có khói xe, chưa có kẹt đường. Hà Nội của mơ và mộng. Bây giờ mỗi khi nói tới một Hà Nội thời êm ấm đó nhiều người Hà Nội trung niên trở lên thường nói, “Hà nội thời Tự Lực Văn Đoàn”. Nhưng chàng thanh niên Nguyễn Tường Bách lúc nào cũng u-uẩn một tâm trạng. Trong đáy cùng tâm khảm, chàng tuổi trẻ Nguyễn Tường Bách luôn có một “chàng Dũng”, sau này xuất hiện trong Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn. Không phải chỉ có cụ là có tâm trạng của chàng Dũng. Nhất Linh cũng vậy. Đã có một thời Nhất Linh trên đường lưu vong làm cách mạng đã đổi tên Nguyễn Tường Tam thành Nguyễn Tường Dũng để che dấu tung tích. Trong hồi ký VNMTKQ trang 140 cụ Bách kể: “Anh Tam lúc này lấy tên là Nguyễn Tường Dũng (đúng như tên anh chàng Dũng trong truyện Đoạn Tuyệt), bị giam vào một hang đá gần Liễu Châu…” Về cô đầm lai đó, cụ đã nói với tôi, “Cuối cùng chú nghĩ không thể yêu cô ta được, vì cô ta là đầm lai”. Và từ đó cụ cắt đứt liên hệ với cô ta. Tuy cũng như Dũng của Đoạn Tuyệt, lúc đầu chưa biết phải làm gì, nhưng việc đầu tiên đối với cụ Nguyễn Tường Bách là phải cắt đứt một “mối tình mới chớm”, chỉ vì cô ta có máu Tây.
Thế là con đường trước mặt của chàng Dũng Nguyễn Tường Bách đã khá được định hình: phải tìm cách đưa đất nước thoát vòng nô lệ thực dân Pháp. Cũng như Dũng đã giã từ Loan, dù chàng rất yêu, để lên đường làm một điều gì đó cho quê hương, chàng Dũng Nguyễn Tường Bách cũng cắt đứt một mối tình mới chớm để khởi đầu một con đường mới cho dân tộc. Ở hoàn cảnh của Cụ Bách, với 3 người anh đang mở tuần báo Phong Hóa cũng với ước vọng phải làm cuộc đổi mới cho quê hương, thì con đường hợp lý nhất và khả thi nhất đối với chàng Dũng Nguyễn Tường Bách là gia nhập cùng nhóm Phong Hóa với các anh để dùng tài văn chương của mình, qua các phóng sự, qua các bài viết, cho độc giả thấy được những nét đẹp về nước non và văn hóa dân tộc cùng những cảnh “Bùn Lầy Nước Đọng”, những cảnh khốn cùng của người dân nô lệ để từ đó mỗi người dân tự ý thức phải tìm một con đường cứu nước. Tự Lực Văn Đoàn đã khởi đi như thế; và chàng Dũng Nguyễn Tường Bách cũng khởi đi như thế.
Cụ Bách có tài văn chương và cụ mê văn chương. Cụ đã có những bài phóng sự hay. Cụ đã có ít ra là một truyện ngắn viết về một đêm Giao Thừa ở nhà thương thực cảm động. Khi hỏi về truyện ngắn này cụ Bách không còn nhớ. Tám mươi năm rồi còn gì! Tôi và Bác sĩ Nguyễn Tường Giang, con trai thứ của Thạch Lam trong nhiều lần nói chuyện với cụ có hỏi, “Tại sao chú không vào TLVĐ?” Cụ trả lời, “Vào TLVĐ đối với chú thì không khó, nhưng lúc đó việc vào TLVĐ đâu có quá quan trọng.” Chúng tôi hỏi tiếp, “TLVĐ lúc đó chưa nổi tiếng à?” Cụ cho biết, “Lúc đó TLVĐ cũng nổi tiếng rồi chứ, nhưng đâu ngờ nổi tiếng như sau này.”
Cụ có khiếu viết văn và thích viết văn. Vả lại cụ thích đọc sách triết và giỏi về triết mà. Cụ viết văn ở tuổi rất nhỏ. Ở trang 32 cuốn hồi ký, cụ viết: “qua việc đọc những tác phẩm thời ấy, tôi cũng thấy ngứa tay, và viết bừa ra mấy truyện ngắn khi còn 11, 12 tuổi.” Cụ cho biết cụ thích viết văn hơn làm bác sĩ nhưng cụ phải học đại học. Không thích nghề bác sĩ lắm nhưng cụ cho biết lúc đó toàn 3 nước Đông Dương (Việt, Miên, Lào) chỉ có một đại học Hà Nội. Mà đại học Hà Nội ngoài phân khoa Canh Nông cụ không thích thì chỉ còn lại có hai phân khoa Luật và Y. Cụ không thích Luật, học luật thời đó đa số chỉ để ra làm quan, quan huyện (quận trưởng) chẳng hạn. Tất cả các anh em cụ mặc dù có thừa điều kiện để đi vào quan trường nhưng không ai thích làm quan. Ở trang 29 hồi ký cụ viết: “Trong anh em chúng tôi, không ai thích làm quan, và cũng không thích quan. Chúng tôi không thích quan liêu, quyền quý, cũng như trọc phú chỉ biết trục lợi; không thích triều đình phong kiến và những kẻ cộng tác với bọn thực dân.”
Và thế giới quan-trường đã bị một trong các tác giả của TLVĐ là Khái Hưng chỉ trích trong tác phẩm “Gia Đình”. Như vậy cụ chỉ còn một con đường là học Y để ra làm bác sĩ. Cụ phải học bác sĩ nhưng cụ cũng luôn đau khổ vì không thích nghề này. Trong hồi ký VNMTKQ ở trang 97, cụ viết: “Trong đời tôi, có lẽ một sự lầm lẫn trong nhiều lầm lẫn khác, là việc vào học y khoa. Lấy nó làm một cái cần câu cơm hạng tốt, không hơn không kém. Vì tôi cũng như một số bạn hữu khác, lúc mới vào học, rất ít nghĩ đến tính chất “cứu nhân độ thế” hay là những câu châm ngôn của Hippocrate.” Nhưng dù sao, nghề y đã cứu cụ và gia đình cụ trong suốt gần 40 năm lưu vong bên Trung Cộng. Cụ cho biết chính nghề Y đã giúp cụ và gia đình tồn tại tương đối nhàn hạ và bình an hơn các người dân Trung Hoa cùng thời tại địa phương trong suốt mấy chục năm kẹt lại tại Trung Cộng. Đặc biệt, cụ kể, trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Cộng (1966), những đồng nghiệp hay xếp của cụ bị Hồng Vệ Binh bắt mang đi diễu phố và đánh đập tàn nhẫn, thương tật, không ai giám cứu giúp, thì cụ, vì có qui chế ngoại kiều, nên không bị Hồng Vệ Binh hành hạ, do đó cụ có cơ hội kín đáo cứu chữa những người bị đánh đập. Sau này những người đó trở lại nắm quyền đều nhớ ơn cụ.
Khi hai chúng tôi hỏi sao cụ không tiếp tục vừa viết văn vừa học Y khoa thì cụ cho biết học y khoa rất bận rộn. Vào những năm chót y khoa thì tình hình chính trị lôi cuốn nên cụ càng bận rộn hơn. Đó là lý do cụ chấm dứt con đường văn chương ngoài việc sau khi đã tốt nghiệp y khoa cụ làm chủ nhiệm rồi chủ bút mấy tờ báo của Việt Quốc trong những năm đầu của cuộc tranh chấp Quốc Cộng 1945. Hồi ký của Hứa Bảo Liên ở trang 65 và 67 ghi rằng sau khi chế độ thực dân Pháp bị xụp đổ, tờ Ngày Nay bộ mới ra đời với cụ làm chủ nhiệm. Sau đó tờ này bị đình bản, tờ Bình Minh ra đời cụ lại làm chủ nhiệm. Không lâu sau tờ này lại bị đình bản, tờ Việt Nam Thời Báo ra đời, cụ làm chủ bút. Trong những tờ báo này chủ yếu cụ viết bình luận chính trị. Chẳng bao lâu sau, tờ Việt Nam Thời Báo lại bị đình bản, tờ Việt Nam ra đời. Tờ này là cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng đối chọi với tờ Cờ Giải Phóng của Việt Minh, cụ lại được anh em cử làm chủ nhiệm với sự cộng tác của các tác giả Khái Hưng, Hoàng Đạo. Hàng ngày cụ phải đọc kỹ tờ “Cờ Giải Phóng” của Việt Minh để đối chọi những quan điểm bất đồng. Ở trang 68, tác giả Hứa Bảo Liên (nàng Loan của Nguyễn tường Bách) viết tiếp, “Đầu năm 1946, anh Bách ở luôn nhà báo cho tiện làm việc. Mỗi khi ra ngoài phải có người bảo vệ. Anh bận rộn đến nỗi tóc không cắt, râu không cạo, đầu tóc bờm xờm như người “vô gia cư”.
Trụ sở của mấy tờ báo này chính là trụ sở của TLVĐ, số 80 Quan Thánh Hà Nội (hiện nay tòa nhà to lớn này vẫn còn mang số cũ và có nhiều người cư trú, nhưng không ai biết đó là căn nhà gắn liền với những biến động văn hóa và lịch sử đất nước của một thời gian gần 15 năm cho tới 1946 khi Bác sĩ Bách chỉ huy lực lượng vũ trang Việt Quốc rút lui khỏi Hà Nội lên chiến khu của Việt Quốc ở Vĩnh Yên.
Trong thời gian sinh hoạt văn nghệ với TLVĐ cụ Bách thân với một số những cây bút trẻ như Huy Cận, Xuân Diệu…và đặc biệt cụ hay nhắc tới nhà thơ Huyền Kiêu, một nhà thơ to, khỏe và nghèo, là người bạn thân nhất của cụ. Cụ Bách đã phù rể trong đám cưới của Huyền Kiêu. Tường Bách, Đinh Hùng, và Huyền Kiêu là ba trong số những người trẻ nhất trong đám văn hữu thân cận TLVĐ. Trong số những người văn nghệ sĩ trẻ kia có thể kể thêm Xuân Diệu và Huy Cận. Đinh Hùng đã gọi nhóm 3 người bạn thân này là “ba tiểu quỷ”. Có một giai thoại về Huyền Kiêu do Đinh Hùng kể, mà nghe qua vừa thấy bùi ngùi, vừa thấy được hết cái tình cảm thân thương của anh em văn nghệ sĩ thân cận với TLVĐ, vừa thấy được phần nào, cái “bề sâu” của TLVĐ. Giai thoại đó có tựa, “Khái Hưng và Nhất Linh trong thơ Huyền Kiêu” do nhà văn Quốc Nam thuật lại lời Đinh Hùng như sau (1):
“Huyền Kiêu vốn là bạn thân thuở nhỏ của Đinh Hùng, ở Hà Nội … Là hàng xóm, gần nhà Thạch Lam nơi phường Trúc Bạch, tôi thường ghé thăm Thạch Lam, bàn chuyện thơ văn rất lấy làm tương đắc. Và rồi tôi dẫn Huyền Kiêu lại giới thiệu: “Huyền Kiêu, một nhà thơ rất có triển vọng! Tên thực anh ta là Bùi Kiều. KIÊU HUYỀN KIỀU! Huyền Kiêu, giản dị vậy!”
Thạch Lam cười xòa, vui vẻ dẫn hai bạn … thơ vào thư phòng trò chuyện. Nơi cư trú của gia đình nhà văn Thạch Lam, trong Tự Lực Văn Đoàn, là một ngôi nhà tranh đặc biệt, cất theo kiểu Nhà Ánh Sáng, do phong trào Nhà Ánh Sáng mà báo Ngày Nay phát động từ mấy năm trước. Có phòng khách, phòng ngủ, với đầy đủ tiện nghi …Tuy là nhà lợp tranh, vách bằng đất bùn nhồi rơm, láng xi măng, quét vôi sáng sủa, ngôi nhà trông thật bề thế vì vẻ cao ráo, thoáng mát của nó. Nhất là ở cạnh Hồ Tây quanh năm thoáng mát. Có vườn hoa trồng đủ cây cảnh lạ, đẹp. Một thú chơi tao nhã của tác giả “Hà Nội Băm Sáu Phố Phường”…
Một bữa vào cuối hè sang thu, Thạch Lam nhắn chúng tôi (vẫn lời Đinh Hùng) đến nhà anh dùng bữa cơm tối. Theo thông lệ, chúng tôi đến sớm, ngồi nơi vườn hoa, ngắm cảnh chiều tà trên gương hồ bát ngát … “gió rung trăng”. Thật thế đấy, nhằm đầu tháng ta, trăng mọc sớm, lơ lửng dưới làn nước trong; từng cơn gió nhẹ lướt mặt hồ, rung động …
Thạch Lam cười vui:
– Huyền Kiêu làm thơ đi! Nếu cần, tớ gà cho.
Tôi chẳng mấy ngạc nhiên, vì đã hơn lần được nghe Thạch Lam nói chuyện về Thơ, phẩm bình về các trường phái Thơ …
Tuy nhiên Huyền Kiêu vốn khiêm tốn, chỉ ậm ừ, cười bảo:
– Để lát nữa. Có lẽ sau bữa cơm tối nay, trong lúc tửu hậu trà dư … chúng mình thơ thẩn …
– Được lắm!
Đúng lúc, có tiếng chị Thạch Lam gọi. Và Khái Hưng, Nhất Linh ở đâu tới, cũng ào ra vườn. Một lát lại có cả Thế Lữ nữa.
Chủ nhà nhìn mọi người, khắp lượt, bảo:
– Quần hùng tề tựu gần đủ. Thôi mời quý vị vào dùng bữa, kẻo nguội cả.
Vào nhà thì đã thấy Nguyễn Tường Bách ở đấy từ bao giờ…
Cơm xong, chuyện vãn khá lâu. Mãi khuya đêm Nhất Linh mới bảo, vẻ thật trịnh trọng: “Lát nữa tôi sẽ phải rời xa các anh em, nên có thể đây là một đêm họp mặt để tạm biệt. Chuyến hành trình này sẽ không lâu đâu. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Bây giờ chúng ta có thể chia tay nhau được rồi. Riêng tôi, tôi còn có điều nói riêng với anh Khái Hưng, vậy các bạn ra vườn chơi, hoặc đi ngủ. Thành thật cảm ơn tất cả…”
Tôi nhớ đại ý thế, vì đã quá lâu ngày. Mọi người đều buồn nhưng không ai lên tiếng – không có can đảm lên tiếng hỏi, vì đều biết Nhất Linh là người hoạt động cách mạng. Đã đến lúc phải “mạnh tay” với thực dân Pháp, chứ không còn ở giai đoạn làm văn hóa để nâng cao dân trí người mình nữa …
Ba đứa tôi cùng kéo nhau ra vườn, ngồi nghe cá quẫy, nhìn trăng vời vợi. Có lẽ Thế Lữ đã về nhà gần đấy. Quanh quẩn vẫn chỉ có Huyền Kiêu, Thạch Lam và tôi thôi. Và Thạch Lam, lại chính là Thạch Lam, khơi mào sau khi đã nghĩ lung:
– Thơ … ra rồi! Này, hãy nghe đây! và anh đặng hắng, ngâm:
“Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề …”
Đấy câu mở đầu đấy! Huyền Kiêu hãy làm tiếp đi!
Huyền Kiêu và tôi ngơ ngác. Tôi không rõ vì sao bữa nay Thạch Lam lại nhiều … thi hứng đến thế.
– Được! Huyền Kiêu nói. “Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề …” Ờ, được đấy. Và anh ngẫm nghĩ. Câu mở của Thạch Lam thật tuyệt. Nó gợi ý cho tôi về một cái gì có thể gọi là …”cổ kính”. Một đêm tiễn đưa nhau chẳng hạn. Hệt đôi bạn Khái Hưng và Nhất Linh trong đêm khuya nay … trước giờ ly biệt.
– A, khá! Thạch Lam cười. Anh nắm bắt được ý thơ rồi đấy. Vậy cứ thế mà tiếp nối. Tôi vào nhà đem trà nóng ra đây nhá. Nhân thể coi xem họ ra sao?
Một lát sau Thạch Lam đem bình trà và tách ra, bảo:
– Anh ba tôi và Khái Hưng im lìm ngồi trong thư phòng. Cả hai đều không nói năng gì cả. Phòng không đèn đóm nên bóng tối chan hòa. Ánh trăng mờ tỏ … Có con mèo tam thể tôi nuôi quyện dưới ghế Nhất Linh ngồi. Bên cửa sổ sát vách tường, bức liễn trúc treo rung động dường như cảm thông cho đôi bạn đang nhấp chén rượu suông trong phút giờ sắp ly biệt …
Tôi chợt lên tiếng:
– Buồn thật. Mà cổ nhân cũng đã từng than: “Ôi! biệt ly sao mà buồn thế!” thật là chí lý.
Chúng tôi uống trà. Trăng vừa lặn. Gà rền tiếng gáy phía xa. Sao dần rơi … dần rơi và tôi chợt thấy lành lạnh.
Vẫn không thấy chút động tĩnh gì nơi Khái Hưng và Nhất Linh ở trên nhà. Tôi cảm nghĩ trong giờ phút thiêng liêng ấy, ta không nên vọng động. Cũng đừng hỏi han gì cả. Trời sắp sáng rồi.
Và quả thật, ở bên Hồ Tây bữa ấy, trong sân nhà Thạch Lam, ba đứa chúng tôi đều rất dè dặt, hạn chế từng câu nói, tiếng cười. Trong khi ấy Huyền Kiêu thầm lặng “làm việc”: suy tư về ý thơ và ý nghĩa của sự chia tay của đôi bạn văn Tự Lực Văn Đoàn.
Chợt Huyền Kiêu nói:
– Tôi thử đọc cho các anh nghe. Bài thơ nhan đề “Tương Biệt Dạ”. Hay, dở tùy nghi Thạch Lam và Đinh Hùng giúp sửa lại. Và anh khe khẽ ngâm sau khi dục Thạch Lam vào nhà lấy giấy bút ghi tốc ký, bất kể trời vừa sập tối lại vì trăng đã chẳng còn… Tình bạn thơ – văn giữa chúng tôi thắm thiết là thế đó.
Tương Biệt Dạ
Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vút tới sao Khuê
Quý thay giây phút gần tương biệt
Lưu luyến người đi với kẻ về.
Ngồi suốt đêm trường không nói năng
Ngậm ngùi chén rượu ánh vừng giăng
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ
Có giống như mình lưu luyến chăng?
Đã tắt lò hương lạnh phím đàn
Thư phòng sắp sẵn để cô đơn
Trời cao mây nhạt ngàn sao rụng
Một giải sương theo vạn dặm buồn
Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu
Giăng mùa Xuân đó, ai tâm sự?
Anh đã xa rồi, anh biết đâu?
Bài “Tương Biệt Dạ” của Huyền Kiêu, sáng tác vào chớm thu năm Canh Thìn – 1940, chỉ mấy tháng sau là bước sang năm Tân Tỵ – 1941… Khi hoàn thành bài “Tương Biệt Dạ”, vào nhà thì Nhất Linh đã lên đường từ lúc nào rồi …
Trong giới sinh viên tích cực hoạt động bí mật chống Pháp cụ Bách thân với cụ Dương Đức Hiền, lúc đó làm chủ tịch Tổng hội Sinh viên, sau này là chủ tịch Đảng Dân chủ. Hai cụ Nguyễn Tường Bách và Dương Đức Hiền cùng trong đảng Đại Việt Dân Chính do Nhất Linh thành lập. Trong hồi ký, ở trang 123, tình bạn của hai cụ được cụ Bách mô tả như sau: “Một buổi tối sau, có người lên gác trọ tìm tôi. Nhìn rõ, mới biết là anh Dương Đức Hiền. Chúng tôi vui mừng xiết tay nhau…cả hai đều chưa bị khó dễ. Anh Tam (ghi chú của người viết: tức Nhất Linh) vẫn mất tích. Sau có tin báo là anh đã trốn ra ngoài nước, đi Quảng Châu. Hai chúng tôi đồng ý tạm thời hãy nằm im, xem tình thế biến chuyển ra sao.”
Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, vì khác chính kiến, tình bạn thắm thiết đó tan rã. Trong hồi ký của Hứa Bảo Liên, trang 64 ghi lại mối quan hệ chặt chẽ giữa cụ Bách và Cụ Dương Đức Hiền. Tác giả cuốn hồi ký viết, “…có người bạn anh Bách là anh Dương Đức Hiền tỏ ý muốn gặp anh Bách để bàn chuyện. Hiền trước kia là bạn cùng một chí hướng và cùng tham gia vào một tổ chức quốc gia. Sau này tổ chức bị Pháp khủng bố, qua một thời gian sau đó, anh ta tham gia vào phong trào Việt Minh và sáng lập đảng Dân Chủ.”
Một cách chi tiết hơn, trong hồi ký VNMTKQ ở trang 153 cụ Bách thuật lại: “Một hôm, vào tháng 6, tôi đương ngồi sửa bài tại tòa soạn thì ở dưới đưa lên một người lạ mặt. Anh ta bảo có thư riêng của một người bạn thân nhờ đưa đến. Rồi anh rút từ ống giầy ra một tờ giấy mỏng. Dưới ký tên một người mà tôi cũng không ngờ đến: Anh Dương Đức Hiền. Đã hơn một năm, tôi không được nghe tin tức gì về anh.” Trong thư cụ Dương Đức Hiền trước cùng đảng Đại Việt Dân Chính với cụ Bách nhưng nay đã đại diện Việt Minh, hẹn gặp để bàn luận việc cộng tác chung. Cụ Bách và cụ Khái Hưng được đề cử đi gặp cụ Dương Đức Hiền. Nơi gặp cách Hà Đông độ năm cây số. Cụ Bách viết tiếp, “Chúng tôi đạp xe gần tới Hà Đông thì rẽ vào một con đường nhỏ, lầy lội, có khúc phải vác cả xe lên vai, lội bùn mà đi. Gần đến bờ sông Nhuệ, tới một tòa miếu cổ, thì thấy một người mặc quần áo nâu ra đứng đợi. Tuy quần áo khác, nhưng vẫn nhận ra được anh Hiền, gầy hơn, mặt đen sạm, nhưng hai hàm răng lại quá trắng, chẳng cần là mật thám cũng biết đây là một nông dân giả hiệu.
Chúng tôi ngồi trên thềm miếu, nhìn xuống giòng sông Nhuệ nhỏ nước chảy êm đềm, trông hao hao giống con sông Sen ở quê nhà. Chung quanh vắng không có bóng người, chỉ có một người ngồi sau miếu, có lẽ là một tay súng hộ vệ.
Sau vài lời hàn huyên, anh cho biết là đã gia nhập vào Việt Minh, với tư cách lãnh đạo đảng Dân Chủ, và khuyên chúng tôi cùng các anh em Đại Việt Dân Chính khác cũng nên tham gia Việt Minh, không nên đứng lừng khừng nữa. Anh cầm tờ Ngày Nay trong tay, phê bình chủ trương của nó không triệt để, không cách mạng theo đường lối công nông. Anh nói Việt Minh nay đã phát triển mạnh, có căn cứ quân sự, được Đồng Minh ủng hộ…Chúng tôi chỉ nghe, không giải thích gì. Có lẽ vì thế mà anh thất vọng, rằn giọng nói:
– Nếu các anh cứ lừng khừng như thế mãi, thì có ngày Nhật sẽ beng đầu các anh, mà nếu không thì cách mạng sẽ beng đầu các anh!” Cụ Bách và Khái Hưng hơi ngạc nhiên, vì lời dọa dẫm lại do một đồng chí cũ đưa ra. Hai cụ chỉ cười, đưa mắt nhìn nhau. Cuối cùng cụ Bách đáp, “Cách mạng Việt Nam thì có nhiều con đường để đi, không nhất định là phải tham gia vào Việt Minh. Song về việc hợp tác, chúng tôi sẽ về bàn với các anh em rồi sẽ trả lời sau.”
Cuộc hẹn gặp lại sau đó một tuần đã không thành, vì Cụ Hiền nhắn là cụ phải đi lên miền trên có việc cần và sẽ liên lạc lại sau. Hai bên không gặp lại cho tới mấy tháng sau, bất ngờ cụ Bách lại gặp lại cụ Hiền trong một buổi hợp tác đảng phái, mà từ bạn hữu đã trở nên đối địch. Cụ Bách viết tiếp ở trang 155, “Âu cũng là định mệnh. Chúng tôi cũng muốn hợp tác vì công cuộc chung, góp sức với nhau để đuổi quân xâm lăng ra khỏi nước. Song thực ra, hai bên có thể chân thành cộng tác với nhau không, lại là một vấn đề khó giải.”
Sự chia tay của hai cụ, chính là điển hình sự chia tay của cả một thế hệ cùng ôm mộng đánh đổ thực dân Pháp, nhưng theo hai con đường khác nhau. Thậm chí, còn có sự chia rẽ của những anh em ruột thịt cùng một gia đình, hay của hai cha con, chỉ vì lý do tương tự. Trong hồi ký VNMTKQ ở trang 100, cụ Bách viết, “Nhưng, trong hàng ngũ người Việt chủ trương giải phóng dân tộc, dành độc lập, đã có những chia rẽ sâu xa về ý thức hệ, về sách lược và đường lối hoạt động.” Thế hệ 1945 là thế hệ của những người yêu nước, dù là cộng sản hay quốc gia. Tất cả đều có một điểm chung đẹp đẽ là đánh đuổi thực dân Pháp. Trong hồi ký VNMTKQ ở trang 101, cụ Bách viết, “Nhiều phần tử trí thức và sinh viên, bị thôi thúc bởi lòng yêu nước, sẽ kế tiếp nhau tham dự vào những phong trào chống Pháp, hoặc cộng sản hoặc không cộng sản.”
Thế hệ thanh niên thập niên 1940-45 là một thế hệ “đẹp” với nhiều ước vọng dành độc lập cho tổ quốc. Đặc biệt thế hệ 1945, ở cả hai khuynh hướng Quốc, Cộng, trong tình hình thế chiến thứ II, các dân tộc thuộc địa vươn lên dành độc lập, đã là một thế hệ “huyền thoại” trong lịch sử cận đại của Việt Nam với nhiệt tình yêu nước không bờ bến, sẵn sàng từ bỏ gia đình, người yêu để lên đường cứu nước. Thế hệ 1945 huyền thoại đã được Đằng Phương (bút hiệu của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy) mô tả qua bài thơ Những Anh Hùng Vô Danh, mà những câu mở đầu thật cảm động và bi tráng: Họ là những anh hùng không tên tuổi – Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông, Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh, Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Nhưng thế hệ đó cũng trải qua nhiều bi thảm. Cái bi thảm thể hiện trong tình bạn của cụ Bách với những người bạn thân thương nhất của cụ, mà sau này, mỗi lần nhắc lại cụ vẫn bùi ngùi. Trong những chia rẽ của tình bạn, có lẽ sự chia tay với Dương Đức Hiền làm cụ ray rứt nhất. Cả hai đều có nhiệt tình chống Pháp, lúc đầu cùng chung một hướng, cùng chung một đoàn thể. Nhưng rồi sau cả hai lại theo hai con đường khác nhau: Quốc Gia và Cộng Sản. Thực ra, thế hệ thanh niên với những người như cụ Dương Đức Hiền mang bầu nhiệt huyết theo Việt Minh không phải là theo Cộng Sản. Ngày nay, khá nhiều các đảng viên Cộng Sản lão thành từ thời 1945 và cuộc kháng chiến 9 năm đã thú nhận lúc đó không biết Cộng Sản là gì, không biết chủ thuyết Mác Lê là gì, chỉ một lòng chiến đấu vì độc lập, tự do của tổ quốc.
Người Cộng Sản đã thắng keo đầu khi họ chớp thời cơ, nhân một cuộc biểu tình của công chức Hà Nội ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim ăn mừng nước nhà Độc Lập, thoát khỏi ách thực dân Pháp. Cộng Sản đã nhanh tay biến cuộc biểu tình của nhân dân Hà Nội yêu nước thành cuộc biểu tình của Cộng Sản, dưới danh nghĩa Việt Minh. Và Cộng Sản đã cướp được chính nghĩa.
Chính phủ liên hiệp Quốc Cộng hình thành sau đó đã không có được điều cơ bản là sự tin tưởng lẫn nhau của cả hai phe. Cho nên sự liên hiệp sớm đi tới tan rã. Lịch sử hợp tan của gia đình Nguyễn Tường của cụ Bách cũng gắn liền với giai đoạn hợp tan này của lịch sử dân tộc. Một ngày, cụ Bách bất ngờ tới thăm người chị, bà Nguyễn Thị Thế, nhà ở đê Yên Phụ, cũng gần nhà Thạch Lam. Tuy cùng ở Hà Nội nhưng đã lâu rồi cụ Bách vì bận việc chính sự đã không tới thăm chị và mấy đứa cháu như thường xuyên trước kia. Lần tới thăm bất ngờ này khiến bà chị và mấy đứa cháu ngạc nhiên. Cuộc gặp gỡ đã được Thế Uyên, con của bà Thế, kể lại đại khái như sau: Bất ngờ thấy chú Bách tới sau một thời gian dài vắng mặt. Lần này lại thấy chú đi có một người hộ vệ đứng ở đầu ngõ. Cũng như mọi lần, Thế Uyên lục túi cụ Bách định tìm kẹo. Nhưng lần này chàng không thấy kẹo mà chỉ lôi ra được mấy viên đạn. Cuộc nói chuyện của cụ Bách với mẹ Thế Uyên lần này ngắn ngủi và có vẻ nghiêm trọng. Cụ cho chị cụ biết cụ phải ra đi, và ra đi khá lâu, không biết bao giờ về. Đi đâu thì cụ không nói. Dĩ nhiên cùng với sự chia tay với gia đình, cụ Bách cũng phải chia tay với “nàng Loan” của cụ.
Sau khi rời Hà Nội Cụ Bách lên chiến khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Vĩnh Yên. Theo hồi ký của “nàng Loan của Bách”, Cụ Bách ít gửi tin tức về. “Nàng Loan” của cụ Bách dự tính tiếp tục học đại học tại Trung Quốc. Trong hồi ký “Nguyễn Tường Bách và Tôi” của Bà Hứa Bảo Liên, phu nhân của Cụ Bách, “nàng Loan” của cụ Bách kể chuyện giã từ giữa “Loan và Dũng” ở trang 73 như sau:
“Tự nhiên tôi nghĩ có lẽ tôi phải lên chiến khu cho anh Bách biết tôi dự tính đi học. Kỳ thực lúc đó, tôi cũng không biết hiện anh đang ở đâu? Chiến khu ở chỗ nào? Sau hỏi ra rồi tôi mới đáp xe hơi, sau chuyển sang đi thuyền đến Việt Trì. Vừa đặt chân tới đất này, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng rất mau tôi lại cảm thấy không khí khẩn trương, người đi lại rất ít. Thỉnh thoảng lại nghe có tiếng súng nữa. Tôi tìm đến trụ sở thì gặp ngay anh Bách và anh Vũ (ghi chú của người viết, tức cụ Vũ Hồng Khanh, một lãnh tụ quân sự của VNQDĐ). Có lẽ anh cũng không ngờ tôi đến thăm anh trong lúc này. Tôi cho anh biết tôi dự tính đi Trung Quốc học. Lúc đó chúng tôi cũng không biết bao giờ mới gặp lại nhau vì trong thời buổi loạn lạc này, không ai có thể tiên đoán được tương lai! Mà lúc đó anh cũng không nói cho tôi biết đảng bộ và quân đội của Việt Quốc đã dự định rút khỏi Việt Trì để lên Yên Báy. Sáng hôm sau, tôi đáp thuyền rồi đổi sang xe hơi trở về Hà Nội.”
Không đương cự nổi với Cộng Sản tại Hà Nội, cụ Bách phải dẫn lực lượng vũ trang của Việt Quốc lui về vùng chiến khu Việt Quốc ở Vĩnh Yên, nơi có đồn điền nổi tiếng của một đảng viên cao cấp của Việt Quốc là Đỗ Đình Đạo. Trên cuộc rút quân đó, lực lượng Việt Quốc và Cộng Sản (Việt Minh) đã đụng độ khốc liệt. Trong một lần giao tranh, cụ bắt được một cấp lãnh đạo của Việt Minh, sau này lên tướng. Trong tình cảm lãng mạn tiểu tư sản, cụ không trói hay đánh đập người “tù binh”, mà chỉ tước khí giới rồi cho ngủ chung với lực lượng vũ trang của cụ tại nơi đóng quân. Ngày hôm sau, hai chiếc xe hơi cắm cờ Việt Minh và cờ Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Hà Nội tới, trên xe có đại diện hai phe trong chính phủ Liên Hiệp, yêu cầu trả tự do cho người “tù binh Việt Minh” và lãnh người “tù binh” đó về Hà Nội. Người đại diện Việt Quốc trên một trong hai xe hơi đó lại chính là nhà văn Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, anh thứ tư của cụ (xem Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn của Nguyễn Tường Bách và Hồi ký của Hứa Bảo Liên)
Chẳng bao lâu sau sự chia rẽ của chính phủ Liên Hiệp Quốc Cộng đi tới chỗ tiêu diệt lẫn nhau một cách tàn khốc hơn. Tại làng Phượng Dực, quê của bà Nhất Linh, trong căn nhà của bà, Cộng Sản (dưới danh nghĩa Việt Minh), trên con đường truy lùng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và gia đình, đã bắt mang theo 4 người gồm có bà Nguyễn Tường Tam, con trai Nguyễn Tường Việt của cụ Nguyễn Tường Tam khi đó mới khoảng 14 tuổi, em ruột của bà Nguyễn Tường Tam, tên Tín, và bố tôi, cụ Nguyễn Tường Cẩm, anh thứ hai của cụ Nguyễn tường Tam. Cộng sản dắt 4 người tù họ gọi là “phản động” đi về vùng họ kiểm soát. Một hôm tình cờ, máy bay đồng minh tới bỏ bom. Văn phòng nơi giam giữ xụp đổ. Hai người tù đàn ông đang bị xích nên không thoát được. Chỉ có bà Nguyễn Tường Tam và người con trai 14 tuổi không bị trói nên thoát được. Lại vẫn là máu tiểu tư sản, anh Nguyễn Tường Việt mới đây kể lại, trước khi đi trốn, anh và mẹ đã nâng cái cây sườn nhà đổ xập đang đè lên một người cán bộ để cứu người cán bộ đang bị thương này. Sau đó hai mẹ con phải trốn 15 ngày dưới hầm trong căn nhà của một người giúp việc ngày xưa tốt bụng và trung thành mà chúng tôi gọi là anh Tí, trước khi anh giúp việc này tìm được cách đưa vợ con cụ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trốn về Hà Nội. Còn bố tôi và người em bà Nhất Linh, bị thủ tiêu mất tích kể từ đó. Cái sự bi thảm trong cuộc chiến Quốc Cộng đã xảy ra cho gia đình tất cả các anh em Nguyễn Tường của Cụ Bách cũng là những bi thảm tương tự xảy ra cho nhiều gia đình khác.
Khi bàn tới sự thất bại của phe Quốc gia trước đối thủ Cộng sản người ta thường nói tới sự quyết liệt và tài tổ chức khéo léo của phe Cộng Sản hơn hẳn phe Quốc Gia. Nhưng người ta ít bàn tới việc người Cộng Sản quyết liệt ra sao và họ tổ chức giỏi như thế nào.
Từ 1945 cho tới 1975 người Quốc Gia bị thua Cộng Sản vì thái độ “không quyết liệt với kẻ thù,” trong khi Cộng Sản thì hoàn toàn trái ngược. Trong những thanh toán nhau giữa hai phe, người Cộng Sản quyết liệt hơn ở điểm họ truy lùng toàn bộ bố mẹ, anh, chị, em, vợ con, kể cả con còn niên thiếu của đối thủ chính trị để tiêu diệt. Họ gọi chung những người đó là “thành phần phản động”. Một đòn hiểm ác hơn nữa là CS cô lập không những người bị cho là phản động mà còn cô lập cả gia đình họ. Cộng sản vận động, và đe dọa mọi người trong xóm, mọi bạn bè, họ hàng bà con không được quan hệ với cá nhân và gia đình của người bị họ cho lành “thành phần phản động”. Ngay cả những người bạn thân, học trò ruột ra đường trông thấy họ từ xa cũng né tránh sang bên kia đường, không dám chạm mặt, không dám chào hỏi dù chỉ một câu, sợ bị liên lụy có thể mang họa vào thân, nhẹ thì bị kiểm điểm, nặng thì bị đi tù. Sự cô lập, bỏ đói của Cộng sản đối với cụ Phan Khôi hay các nhà văn trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, hoặc với các trí thức từng có công với Cộng Sản như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo v.v… là những ví dụ cho thấy sự độc ác, quyết liệt của Cộng sản khác hẳn chủ trương, chính sách ôn hòa, hợp lý, hợp tình người của người Quốc Gia. Sự quyết liệt một cách độc ác của cộng sản đã được Luật gia Nguyễn Mạnh Tường mô tả khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Hòa Khánh ở trang 712 cuốn Nhân Văn Giai Phẩm của Thụy Khuê. Hòa Khánh hỏi, “Luật sư có bị bắt, bị giam cầm gì không? Trả lời, “Không. Chỉ bị đuổi ra khỏi những nơi đang làm việc. Và độc ác nhất là bị cô lập hoàn toàn. Các anh cứ tưởng tượng suốt mấy chục năm trời, không ai dám đến gặp tôi cả. Họ sợ bị liên lụy đến bản thân, đến gia đình của họ. Có khi đi ngoài đường, nhìn thấy tôi từ xa, là bạn bè, học trò cũ của tôi phải tránh đi chỗ khác.” Hòa Khánh hỏi, “trong thời gian suốt mấy chục năm trời như vậy, luật sư làm gì để sống?” Trả lời, “Không làm gì cả. Xin việc gì người ta cũng không nhận…cứ bán dần đồ đạc trong nhà mà ăn tiêu…Rồi tất cả đồ đạc cạn dần…Tôi lại sống bằng sự bố thí của anh em, bạn bè.” Đọc hết tường thuật về sự đàn áp của cộng sản đối với gia đình tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, người ta thấy kinh hãi tới độ không tưởng tượng được là có thể tàn bạo tới như vậy (2). Hoàn cảnh bị cô lập và đàn áp của tiến sĩ Trần Đức Thảo cũng kinh hãi tương tự. Và đỉnh điểm là bà vợ Tiến sĩ Trần Đức Thảo không chịu nổi phải nạp đơn ly dị với ông vào năm 1960 (3). Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, chính sách cô lập, đàn áp, bỏ tù (gọi là cải tạo), tịch thu nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, cửa tiệm, kho hàng, cơ xưởng sản xuất và triệt đường sinh sống lại được áp dụng trên qui mô rộng lớn toàn miền nam đối với hàng trăm ngàn quân nhân, công chức, doanh nhân và người Việt gốc Hoa. Và lần này không phải chỉ vài gia đình tan nát như ở miền bắc sau 1954, mà là cả chục ngàn gia đình vợ chồng bị tan nát, chia lìa.
Việc truy đuổi để tiêu diệt toàn thể bố mẹ, vợ con, anh chị em của đối thủ chính trị là điều không một tổ chức chính trị nào của người Quốc Gia chủ trương. Sự khác biệt về cách đối xử của người Quốc gia và Cộng sản đối với thành phần khác chính kiến bắt nguồn từ sự khác biệt trong lý thuyết hành động. Chủ thuyết Mác Lê dậy các cán bộ Cộng Sản phải phân loại nhân dân ra từng thành phần không chỉ dựa trên hành vi chính trị hay kinh tế của cá nhân người đó mà còn dựa trên lý lịch gia đình ba đời. Phe Quốc gia không buộc người dân khai lý lịch ba đời hay hai đời mà chỉ đòi hỏi người dân khai lý lịch về phần cá nhân họ mà thôi. Dựa trên lý lịch ba đời mỗi người dân bị Cộng sản phân loại vào một thành phần nào đó để hoặc được hưởng ân huệ hoặc bị đàn áp, triệt hạ. Ngày 5/6/2013, trên trang mạng “Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh”
(http://btxvnt.org.vn/cms/?m=16&act=view&id=124), trong bài Quá trình thành lập Xứ uỷ Trung Kỳ và các Tỉnh đảng bộ Nghệ Tĩnh, tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân viết nguyên văn, “Xứ uỷ Trung Kỳ, nhất là đồng chí Bí thư ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: thanh trừng trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ,” Cho tới hiện nay, thế kỷ thứ 21, Cộng Sản vẫn còn áp dụng nguyên tắc của luật rừng này. Ngày nay họ đàn áp, triệt hạ tất cả cha mẹ, anh chị em của những phần tử đối kháng bằng nhiều cách như ép chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê nửa chừng, ép công ty họ đang làm việc phải sa thải họ v.v… Chưa kể họ còn cho công an mặc thường phục đóng vai côn đồ hành hung, gây tai nạn giao thông v.v…Cái thâm độc của CS ở đây còn thể hiện ở điểm họ không chủ trương gây tai nạn chết người mà chỉ gây thương tật nặng. Như vậy, nạn nhân vẫn còn sống và từ đó trở thành một gánh nặng cho toàn bộ gia đình. Ví dụ thì đầy dẫy trên báo chí lề trái (blogs). Mới đây, ngày 19/6/2013 trong bài “Đinh Nhật Uy bị bắt vì “không thuyết phục được Đinh nguyên Kha nhận tội”?” (http://danluan.org/tin-tuc/20130619/dinh-nhat-uy-bi-bat-vi-khong-thuyet-phuc-duoc-dinh-nguyen-kha-nhan-toi) ký giả Trương Minh Đức viết, “Kể từ khi sinh viên Đinh Nguyên Kha bị bắt thì công an địa phương luôn sách nhiễu gia đình bằng nhiều thủ đoạn, họ thường xuyên gọi điện thoại với những khách hàng đến sửa chữa máy vi tính tại cơ sở của Đinh Nhật Uy (ghi chú của Ng. tường Tâm: người anh), công an hăm dọạ khách hàng là nếu làm ăn với gia đình “phản động” này thì hãy coi chừng đó! và cũng kể từ đó không ai dám đến làm ăn với cơ sở của Đinh Nhật Uy, thời gian vắng khách kéo dài Uy không chịu nổi với các khoản thuế, chi phí… Đành phải đóng cửa để về vườn làm bất cứ công việc gì cho gia đình. Từ một Kỹ Sư Công nghệ thông tin, chuyên gia máy tính đành phải về cuốc đất trồng rau, giăng lưới bắt từng con cá sặc để góp thêm cho mẹ Liên chờ đến chuyến thăm nuôi gởi cho em Nguyên Kha đang ở trong tù… đang thất nghiệp không giúp ích được gì nên tính lên Sài Gòn in tái bản thêm 400 cuốn sách kỹ thuật về sửa chữa máy Photocoppy mà Uy cùng mấy người bạn đồng xuất bản trước đây, nếu bán được cũng có ít tiền giúp mẹ để phụ giúp nuôi em Kha… nhưng khi vừa đến nhà in thì bị từ chối với lý do là tên của Nhật Uy có trong cuốn sách đó nên không được in tái bản!??..”
Ngày 19-6-2013 trong phản hồi bài: “Một gợi ý cho biểu tình ở VN: Đứng im để biểu tình ở Thổ …” Một khách với mã số 90908 đã viết, “Tôi không biết cách xử lý của cảnh sát các nước khắc nghiệt tới đâu, nhưng tôi biết rõ ở VN, không chỉ cảnh sát, cả một guồng máy sẽ ập xuống, không chỉ bản thân người đi biểu tình, cả gia đình thân quyền cũng vạ lây. Triệt đường sinh kế, cô lập sinh hoạt, triệu tập lên triệu tập xuống, rỉ tai, hù dọa, rồi nếu cần thì thuê mướn bọn xã hội đen hành xử kiểu côn đồ…Kể sơ sơ những thứ lồ lộ ra trước mắt mọi người thế chứ còn những chiêu ngầm gian xảo hơn, tàn bạo hơn, có thể tôi vẫn chưa kịp nắm rõ. (https://danluan.org/tin-tuc/20130619/mot-goi-y-cho-bieu-tinh-o-vn-dung-im-de-bieu-tinh-o-tho-nhi-ky#comment-90908)
Phe Quốc Gia không có một lý thuyết hành động nào phân loại người dân theo lý lịch gia đình để có chính sách đối xử tương ứng cho nên không có chính sách đàn áp, tiêu diệt thân nhân, gia đình của các phần tử Cộng Sản. Trong suốt 21 năm của chính quyền miền Nam, không một người vợ nào của Cộng Sản nằm vùng bị bắt nếu không có bằng chứng chính người đó hoạt động cho Cộng Sản. Vợ con họ cũng không bị đuổi việc cho dù đang làm việc cho chính quyền. Các khách hàng làm ăn với vợ con họ cũng không bị đe dọa để chấm dứt buôn bán với họ. Không một người con nào của cán bộ cộng sản nằm vùng hay tập kết ra Bắc bị đuổi học hay không xin được việc làm trong công sở chỉ vì liên hệ gia đình. Nhiều khi người Quốc gia còn đối xử với các đối thủ Cộng sản một cách “Quân tử tầu” nữa. Sự việc này mới đây đã được nhiều “cộng sản nằm vùng” thuật lại. Bài “Có một giờ G khác vào năm 1974” đăng trên báo Saigon Tiếp Thị (http://sgtt.vn/Loi-song/177101/Co-mot-gio-G-khac-vao-nam-1974.html) có lời thuật của “Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung”. Người phi công của Không Quân Saigon ném bom Dinh Độc Lập ngày 8.4.1975 đã thuật lại việc Chính Quyền Saigon và Trung Tướng Tư Lệnh Không Quân Saigòn đối xử với vợ con ông sau khi ông theo Cộng Sản phản bội Việt Nam Cộng Hòa như sau: “…thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn. Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán. Cánh an ninh không quân đưa xe đến nhà bắt vợ con tôi. Vợ tôi phản đối vì mình không biết gì về công việc của chồng. Họ từ tốn: “Thưa bà, chúng tôi không bắt bà (nếu bắt chúng tôi đã dùng còng số 8, trói bà chẳng hạn), chúng tôi tới đây mời bà vào phòng an ninh sư đoàn, với trách nhiệm bảo vệ sự an toàn tính mạng của bà và các con bà. Nếu bà có tài sản quý giá nào thì bà cứ mang theo”. Bài báo thuật tiếp, “Trong thời gian vợ tôi bị giam ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung tướng không quân Trần Văn Minh đến thăm với tư cách người chỉ huy có một người lính phản chiến. Ông ấy hỏi vợ tôi có cần bạn bè, người thân đến chuyện trò gì không hay cần mua sắm gì thì ông sẽ giúp đỡ.” Người Quốc gia là như vậy, “tiểu tư sản”, lại thêm “quân tử tầu”, nên thua Cộng Sản là phải.
Còn nói về tài tổ chức khéo léo của Cộng Sản hơn hẳn người Quốc Gia thì phải hiểu rằng người Quốc Gia thua kém Cộng Sản chỉ vì khác hẳn Cộng Sản, người Quốc Gia tổ chức theo nguyên tắc Pháp Quyền (rules of law), trong khi Cộng Sản không có luật, hay chỉ có luật để trưng bày, trong thực tế họ dùng luật miệng, luật rừng. Chính vì nguyên tắc Pháp Quyền của Người Quốc Gia mà đại đa số cán bộ Cộng Sản nằm vùng đã được ung dung hoạt động để cuối cùng phá hỏng cái nền dân chủ Pháp Quyền đã từng bảo vệ người dân cũng như bảo vệ chính họ. Ngày nay, họ đang tranh đấu quyết liệt đòi chính quyền Cộng Sản phải trả lại cho họ những nhân quyền họ từng được hưởng ở miền Nam mà ngày xưa chính họ phá bỏ. Để hiểu rõ điều này, tốt hơn hết nên nghe tường thuật của cựu “Việt Cộng nằm vùng” Hạ Đình Nguyên trong bài “Nguyễn Phương Uyên, tôi có thể làm gì cho em?” đăng ngày 5-11-2012 trên trang mạng Việt-studies (-http://viet-studies.info/kinhte/HaDinhNguyen_NguyenPhuongUyen.htm) ” Đối tượng mà chúng tôi chống, lúc bấy giờ, là Chính phủ Việt Nam Cọng Hòa, song lại có đôi điều mà trái tim công bằng của tuổi trẻ ghi nhớ như là nét son của một xã hội công dân – dù nó chưa tương xứng để gọi tên như thế– Tôi nhớ tại Tối Cao Pháp viện, Tổng thống VNCH – Nguyễn Văn Thiệu, đã đích thân đến Tòa án can thiệp, tranh luận tay đôi với Viện trưởng Nguyễn Minh Tiết, rằng cần phải kết án 21 SV trong số 42 SVHS đã bị bắt vừa qua là Việt Cộng, vì có bằng chứng minh bạch. Ông Viện trưởng Tiết đã cương quyết bác bỏ, vì sự tra tấn dã man là bằng chứng của ép cung, lời cung đã khai không còn giá trị. Thế là hầu hết đã được trả tự do ngay sau phiên tòa. Trong đó có một số anh chị có vai trò trong tổ chức Thành đoàn CS.” Cái tổ chức của người Quốc Gia kém xa Cộng Sản ở điểm mà chính ông Hạ Đình Nguyên cũng phải nhận định tiếp, “Dù các anh chị ấy có lập trường kiên định, một lòng trung thành với con đường lý tưởng đã chọn, song không khỏi ghi nhớ về tính cách của một vị quan tòa, và nguyên tắc, dù chưa phải là thực chất của một thể chế dân chủ, nhưng ở đó có một số điểm tựa để cho người dân tin cậy, là hệ thống luật pháp về dân sự, dù thời điểm đó đang là chiến tranh.” Người Quốc Gia tổ chức kém Cộng Sản bởi vì họ có một tổ chức tư pháp bảo vệ người dân như vậy.
Người Quốc Gia đã hành xử hoàn toàn khác người Cộng Sản, “dù thời điểm đó đang là chiến tranh” (mượn lời Việt Cộng nằm vùng Hạ Đình Nguyên) do đó trong một thời điểm của lịch sử họ đã thua.
Sự thất bại của đoàn quân Việt Quốc đã khiến cụ Bách và các đồng chí phải bôn tẩu sang Trung Quốc. Cũng như Loan và Dũng trong Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn, cuối cùng hai người cũng tái hồi. Cụ Bách và nàng Loan của cụ cuối cùng cũng tái hồi. Loan của cụ Bách tên là Hứa Bảo Liên, một cô gái xinh xắn, mau mắn, đánh bóng bàn giỏi, người Hà Nội Việt gốc Hoa, thường vào nhà thương làm thiện nguyện và quen chàng sinh viên y khoa Nguyễn Tường Bách trẻ tuổi, đẹp trai, tài hoa, đàn hay, nhẩy giỏi, học giỏi, ở đó. Như vừa trình bày ở trên, khi cụ Bách chia tay với cô Hứa Bảo Liên trong chiến khu hai người không một hứa hẹn gì. Chính trường chưa rõ nét mà cuộc đời của chàng Dũng Nguyễn Tường Bách thì vô định, sống nay chết mai, ai biết được đường tên mũi đạn. Sau khi lên thăm giã từ chàng thanh niên bác sĩ Nguyễn Tường Bách tại chiến khu của VNQDĐ tại Việt Trì, cô Hứa Bảo Liên lên đường sang du học bên Côn Minh, Trung Quốc. Sự giã từ đã tưởng như vĩnh viễn. Nhưng cuộc tái ngộ bất ngờ của hai người được nàng Loan Hứa Bảo Liên kể lại ở trang 91 cuốn hồi ký “Nguyễn Tường Bách và Tôi” như sau:
“Một buổi chiều mùa thu vào cuối tuần, tôi vội vàng ra trường để cùng các anh Tam (Nhất Linh), Long (Hoàng Đạo) và các anh em khác ra ga Côn Minh…Mọi người đang đứng đợi. Mãi lâu mới có một đoàn xe lửa từ từ tiến vào trong ga. Chuyến xe này từ Khai-Viễn tới. Tất cả mọi người đều chăm chú nhìn những hành khách đang xuống xe. Mãi sau có một anh chỉ cho mọi người nhìn theo, đằng xa có một toán người ăn mặc giống nhau, với những bộ đồ mầu xanh đã bạc. Trên vai người nào cũng đeo một túi vải và chiếc bi -đông đựng nước. Tất cả đều gầy, đen và trông có vẻ mệt mỏi so với những hành khách khác. Anh Bách gầy hơn hết, và đen rạm đến khó nhận ra. Được cái anh vẫn điềm tĩnh vui vẻ bắt tay mọi người. Cuối cùng tất cả đều vui mừng trở về trụ sở. Túi vải anh không có gì đáng giá, ngoài vài bộ quần áo thay đổi, áo len cũng không có. Trên tay anh có chiếc đồng hồ cũ và chiếc nhẫn tôi tặng cho anh trước kia, có lẽ là vật đáng giá nhất mà anh đã đem theo.” Hình ảnh tái ngộ bất ngờ của Bác sĩ Nguyễn Tường Bách và người yêu tại một sân ga xa xôi, giữa thời chinh chiến, mang đậm nét lãng mạn cách mạng của Dũng và Loan trong tiểu thuyết của Nhất Linh, Tự Lực Văn Đoàn.
Thế là một giai đoạn đầy biến động của lịch sử đất nước đã sang trang với sự thất bại của đoàn quân Việt Quốc. Đó là năm 1946 với sự tan rã của chính phủ Liên Hiệp Quốc Cộng. Khi được tôi và bác sĩ Nguyễn Tường Giang con cụ Thạch Lam hỏi, “Trong đời chú điều gì làm chú hối tiếc nhất?” thì không ngập ngừng cụ trả lời ngay: “Chú hối tiếc nhất là vào thời điểm 1945, các chú chỉ chậm chân 15 phút để rồi cuộc chiến Quốc Cộng kéo dài cho mãi tới thế hệ các cháu ngày nay.” Khi nói tới sự chậm chân 15 phút, ý cụ muốn nói tới việc Phe Quốc Gia đã không quyết liệt để có chủ trương cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim để rồi chỉ trong 15 phút bất ngờ Phe Cộng Sản đã biến cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim, ăn mừng nước nhà độc lập khỏi ách thực dân Pháp và Nhật, thành một cuộc biểu tình cướp chính quyền của phe họ.
Theo hồi ký của Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, nxb Văn Hoá, Houston, 1996, thì Bác sĩ Chữ lúc đó là đại diện chính phủ Trần Trọng Kim đã từ chối đề nghị của quân Nhật dẹp loạn Việt Minh. Ngoài ra trong một bài phát biểu tại Đại Hội Toàn Đảng Đại Việt năm 1998, tại San Jose, California, USA, ông Hoàng Nhật Tiến, đảng viên niên trưởng (sau này, năm 2006 là chủ tịch Đảng) đã tiết lộ rằng, Cụ Trương Tử Anh, lãnh tụ chung của các đảng quốc gia, đã dè dặt không muốn cướp chính quyền Hà nội nhân ngày công chức biểu tình 19/8/1945 mặc dù các đảng viên các đảng phái quốc gia đã hết sức thuyết phục. Sự thiếu quyết liệt của các đảng phái Quốc Gia đã mang lại cơ hội cho Cộng Sản chiếm được chính nghĩa trước nhân dân.
Thực ra, Việt Minh Cộng Sản không đủ cán bộ để làm cuộc biểu tình đông như vậy, họ chỉ cướp công và dấu mặt cộng sản để cướp chính nghĩa mà thôi. Tâm sự tiếc nuối của cụ Nguyễn Tường Bách đã được mô tả ngắn gọn trong tựa đề của một bài phỏng vấn cụ Bách đăng trên tuần báo Saigon USA của Luật Sư Nguyễn Tâm xuất bản tại San Jose, California, Hoa Kỳ ngày 11-1-1999; tựa đề đó là: “Lỡ Một Bước, Hận Ngàn Thu”.
Năm 1946 Bác sĩ Nguyễn Tường Bách và các đồng chí của ông đã một lần thất bại trước đối thủ Võ Nguyên Giáp và phe Cộng Sản và phải bôn tẩu sang Trung Quốc. Năm 2013, trong một trận “quyết đấu tay đôi”, vì cả hai phe giờ chỉ còn hai cụ, một lần nữa Bác sĩ Nguyễn Tường Bách lại thất bại trước cụ Võ Nguyên Giáp khi phải ra đi sang bên kia thế giới, trong khi cụ Võ Nguyên Giáp vẫn còn ở lại, dù phải mang ống thở.
Cuộc chiến Quốc Cộng thế hệ 1945 như vậy chính thức đã kết thúc. Nhưng cuộc chiến giữa những người Quốc gia, được hiểu là những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, và những đảng viên Cộng Sản mù quáng vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên khác với thời kỳ ba mươi năm chiến tranh 1945-1975, cuộc chiến Quốc Cộng hiện nay đang diễn ra với phần áp đảo nghiêng về phe đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Mặc cho trước mắt, phe Cộng Sản cầm quyền còn đang hung hãn, nhưng sự hung hãn hiện nay của phe Cộng Sản cầm quyền chỉ như sự vùng vẫy của con thú đang lâm vào đường cùng không lối thoát.