Huy Phương: Nghĩ về những người lính

Nghĩ về những người lính

Huy Phương
\"\"
(Hình: Getty Images)

 
“Bằng quân mạc thoại phong hầu sự,

Nhất Tướng công thành, vạn cốt khô!”

(Anh chớ luận bàn hầu bá nữa
Thành công một tướng, vạn xương khô.) 
 (Tào Tùng- Nguyễn Phước Hậu dịch)
Theo một định nghĩa bình thường, người lính là một thành viên của lực lượng quân đội có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ của đất nước và nhân dân (quốc phòng.) Tuy nhiên trong vài quốc gia và chế độ, người lính là công cụ để bảo vệ chế độ, đảng cầm quyền như  dưới chế độ độc tài Cộng Sản- (Trung với Đảng, hiếu với Dân.)
Trong nhiều trường hợp quân đội là lực lượng để tương tranh quyền lợi trong những vụ đảo chánh, giữa các phe phái, phần thắng chắc hẳn về tay những người có súng đạn, và các cấp chỉ huy quân đội, là các tướng lãnh trở thành những người lãnh đạo quốc gia.
Quân đội dùng cho chiến tranh mà mục đích chiến tranh, dẫn dắt bởi cấp lãnh đạo là sự tranh giành hơn thua, xung đột vì quyền lực, chiếm đoạt lãnh thổ, áp đặt chủ nghĩa hay để trả thù, rửa hận. Nhiều nhóm người và dân tộc đã nhân danh nhiều thứ như tự do, độc lập, giải phóng… để mở cuộc chiến tranh. Dù với nhân danh nào, mục đích nào, giải phóng, áp đặt hay tự vệ hay bảo toàn lãnh thổ thì chiến tranh cũng đem lại tổn thất, chết chóc cho người lính, tang tóc cho gia đình dù họ được vinh danh là những liệt sĩ hay anh hùng được tổ quốc ghi công.

\"\"

Chúng ta đã thấy hàng trăm nghìn bia mộ, những vành khăn tang của cô nhi quả phụ, những nạng chống, những chiếc xe lăn của người thương tật, cùng với xóm làng điêu tàn, và những hậu quả để lại cho đời sống cả chục năm sau trên mặt địa cầu cũng như những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn con người.
“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”
(Say chốn sa trường xin chớ mỉa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về?)
Hai câu thơ Ðường của Vương Hàn đã cho ta thấy nỗi xót xa của người chiến sĩ một lần đi không trở lại. Sau những khải hoàn môn kia, sau những vòng hoa chiến thắng, sau những ngày lễ khao quân, sau những “tướng công thành” là những đống xương Vô Ðịnh, như hai câu sau đây của Bùi Hữu Nghĩa:
“Ðống xương vô định sương phơi trắng
Vũng máu phi thường nhuộm cỏ cây!”
Chiến tranh là bên kia, bên này. Một bên vì chủ nghĩa, hăm hở đòi đi giải phóng phần đất khác, một bên cần phải cầm súng để bảo vệ cho mình. Hai bên đều thiệt thòi, chết chóc!
Bên kia: “Họ trẻ lắm những người nằm dưới đó
Áo binh nhì xanh suốt tuổi đôi mươi”
(Sông Mê Công – Anh Ngọc).
 
hay: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm!
(Lời người bên sông – Lê Bá Dương).
 
Bên này: “di tản khó, sâu dòi lúc nhúc
trong vết thương người bạn nín rên
người chết mấy ngày chưa lấy xác
thây sình, mặt nát lạch mương tanh…
(Qua Sông- Tô Thuỳ Yên)
 
hay “Kéo xác, đã bao lần gọi bạn,
Máu hòa với máu, máu tuôn thêm !
(NP. Sông Hương)
 
Không được bảo vệ bởi người lính, không đồng lao, cộng khổ, chia sẻ nhọc nhằn với quân đội, làm sao có thể yêu người lính được. Chưa ra chiến trường, chỉ mới vào quân trường, thi sĩ Nguyên Sa thấu hiểu và nói lời “xin lỗi về những nhầm lẫn dĩ vãng:”
…hãy tha thứ cho ta
những anh em đã chết
những anh em chết ở bờ ở bụi
những anh em chết ở đồn vắng trong rừng sâu
những anh em chết khi đi di hành
những anh em chết khi đi phục kích
những anh em chết mặt đẹp như hoa
một ngàn lần hơn ta
cũng chết ( Nguyên Sa- Xin lỗi về những nhầm lẫn dĩ vãng)
 
Phần thiệt thòi luôn luôn về phía người lính và gia đình.
Chúng ta đã biết đến những khải hoàn môn vĩ đại, những nghĩa trang thẳng đều những mộ bia san sát, những đài Chiến Sĩ Trận Vong, những ngày lễ lớn với đầy đủ lễ nghi quân cách, những vòng hoa tang, những bản nhạc buồn hay tiếng kèn truy điệu làm não lòng người. Nhưng những người lính đã chết không bao giờ sống lại và những tham vọng của giới cầm quyền vẫn còn tiếp diễn trên trái đất này.

\"\"

Một người lính VNCH (Vietnam 1973) – Photo by Peter Bregg  

Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam mới đây, Nam Bắc có hơn triệu người tử trận, một triệu rưỡi người bị thương tật, bạn bè hai bên không dưới vài trăm nghìn chết trên một mặt trận xa nhà. Cộng Sản miền Bắc xô đẩy hằng triệu người “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ,” để có cái kết cuộc hôm nay với chính thể xa dân, phản bội lại lời thề “cứu nước” để lại trên đất nước này những bà mẹ hy sinh năm bảy đứa con, những thương binh nghèo khó và một dất nước đầy dẫy tham ô, đạo đức băng hoại. Chỉ còn là bọn sâu mọt cầm quyền, tàn phá đất nước tan hoang. Cuối cùng người lính vô danh tràn lên trong những trận biển người, thực sự đã chết cho ai?
Ngày Cựu Chiến Binh của Hoa Kỳ là ngày kỷ niệm những tri ân của tất cả các cựu chiến binh Mỹ dù còn sống hay đã tử vong. Chúng ta, những người Việt bỏ nước ra đi, không quên 58,200 thanh niên ưu tú của nước Mỹ đã bỏ mình cho miền Nam, và những người lính VNCH, cao cả, đã hy sinh nằm xuống hay lưu lạc xứ người, dù nhiệm vụ chưa tròn!
(Huy Phương – Veterans Day 2018)
Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment