Hai nạn nhân của Mỹ
Bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu (Đệ I VNCH) và bà Imelda Marcos, cựu đệ nhất phu nhân Phi Luật Tân (phải)
Nạn nhân thứ nhất bài báo này đề cập, là bà Imelda Marcos, nguyên ; năm nay 89 tuổi, bà Marcos vừa bị tòa Manila tuyên phạt -hôm thứ Sáu mùng 9 tháng 11, 2018- tối thiểu 42 năm tù giam, về tội thành lập nhiều tổ chức tư nhân để che dấu nhiều tỉ mỹ kim mà ông chồng bà, cố tổng thống Ferdinand Marcos nhờ tham nhũng mà có được.
Bà chống án, và dư luận cho là sinh hoạt chậm chạp của tòa án Phi sẽ giúp bà không phải ngồi tù một ngày nào cả. Có thể bà không còn sống nữa để ra hầu tòa trong phiên xử kháng án.
Chồng bà -tổng thống Ferdinand Marcos- là vị tổng thống thứ 10 của người Phi; triều đại của ông kéo dài được 21 năm -từ 1965 đến 1986- trong đó có 10 năm (1972-1981) ông cai trị bằng thiết quân luật.
Tổng Thống Reagan khiêu vũ với bà Imelda Marcos, còn bà Nancy Reagan với Tổng Thống Phi Ferdinand Marcos.
Ông Ferdinand Marcos được người Mỹ tin dùng vì ông tham dự lực lượng Phi chống Nhật trong Thế Chiến Thứ Nhì, nhưng sau đó Mỹ lại chống ông vì cho là ông man khai về việc ông tổ chức lực lượng kháng chiến chống Nhật.
Được huấn luyện quân sự học đường qua chương trình ROTC, Marcos được hiện dịch hóa và nhập ngũ sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng; quân Nhật tiếp tục tấn công đến Phi Luận Tân, tướng Douglas McCarter rút khỏi Phi Luật Tân, trong lúc Marcos ở lại tổ chức chiến khu chống Nhật với 9,000 kháng chiến quân người Phi.
Sau Thế Chiến II quân đội Mỹ cho là Marcos phóng đại công trạng của ông; nhưng điều đó không còn quan trọng nữa, vì Phi Luật Tân đã trở thành một quốc gia độc lập và Marcos đã đắc cử vào thượng viện.
Ngày 30/12/1965 ông trở thành tổng thống; bốn năm sau ông tái ứng cử và lại đắc cử cho nhiệm kỳ thứ nhì; bà Imelda được truyền thông Mỹ ca tụng là vị đệ nhất phu nhân có trên 1,000 đôi giầy.
Và 1,000 đôi giầy huyền thoại.
Sử sách Mỹ ghi chép là bà Imelda được ông chồng tổng thống phong chức thống đốc Manila kiêm bộ trưởng Nhân Dụng và Sinh Thái, và bà lợi dụng chức vụ để tham nhũng hàng tỉ mỹ kim.
Năm 1973, ông Marcos tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để trở thành vị tổng thống trọn đời.
Nhưng trật tự đó bị ông Benigno Aquino Jr. thách thức. Aquino là một tù nhân chính trị bị giam biệt xứ, được trả tự do và trở về thủ đô Manila thách đố ngôi vị \’tổng thống trọn đời\’ của Marcos. Vừa xuống phi trường Manila, Aquino bị bắn chết.Vợ ông, bà Corazon Aquino thay chồng ra ứng cử, nhưng Marcos vẫn thắng cử, nhờ gian lận. Dân Phi tổ chức biểu tình với sự yểm trợ của người Mỹ, và CIA giúp ông trốn ra khỏi dinh tổng thống, rồi đưa ông sang \’tị nạn\’ tại Hawai, rồi chết mòn, chết mỏi tại đó.
Trung tá Lucien Conein
Hai chục năm trước họ đã từ chối không cứu anh em Tổng Thống Ngô đình Diệm, trong cuộc binh biến mà sau đó họ nhìn nhận là do CIA tổ chức. Các tướng lãnh VN nhận tiền của nhân viên CIA -trung tá Lucien Conein – để đảo chánh, bắt và giết hai ông Diệm và Nhu, tạo ra người đàn bà -nạn nhân thứ nhì của chính sách ngoại giao Mỹ- bà Ngô đình Nhu. Tính theo thứ tự thời gian, bà Nhu là nạn nhân thứ nhất.
Bà Nhu không có mặt tại VN ngày chồng bà bị giết trong lòng một chiếc xe lội nước M113. Đang ở California, trả lời những ký giả Mỹ phỏng vấn bà ngày mùng 4 tháng 11, 1963 về việc đau lòng đó, bà bảo họ, “Nếu người Mỹ tưởng là giết chồng tôi và anh chồng tôi là chấm dứt mọi khó khăn của họ tại Việt Nam thì họ tưởng lầm. Việc làm bất chính đó khởi đầu cho mọi khó khăn của họ.”
Câu trả lời đó được truyền thông Mỹ nhắc lại như một lời tiên tri ứng nghiệm 10 năm sau, ngày Mỹ bỏ chạy trên chiến trường Việt Nam.
Nhưng một số người Việt vô lương tâm và vô trách nhiệm vẫn tung tin nhảm là bà Nhu ra ngoại quốc đem theo hàng tỉ mỹ kim để ký thác vào nhiều ngân hàng Mỹ và Pháp. Điển hình là những bài báo, những cuộn video, họ dựng lên.
Lý do khiến bà Nhu được gửi sang Mỹ ngày mùng 9 tháng Chín, 1963 là để giải độc dư luận Mỹ về tình hình VN do các phóng viên Mỹ diễn dịch với nhiều ác ý về cuộc đấu tranh chống chính phủ của phong trào Phật Giáo.
Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ đánh giá bà Nhu là một \’đe dọa\’ cho Hoa Kỳ; họ khuyến cáo Đại Sứ Henry Cabot Lodge tìm cách bắt bà vĩnh viễn ly hương, không được trở về Việt Nam nữa.
Trong lúc Đại Sứ Lodge về Mỹ thảo luận về những khó khăn tại Việt Nam, thì ông xử lý thường vụ William Trueheart báo cho chính phủ Việt Nam biết khả năng Mỹ phải cắt viện trợ, nếu không giải quyết ổn thỏa cuộc tranh chấp Phật giáo.
Hai anh em ông Diệm và ông Nhu bị giết một cách thảm khốc, man rợ trong lòng một chiếc xe lội nước M113.
Không hiểu rõ dư luận Mỹ, bà Nhu tố cáo lời đe dọa của ông Trueheart là \’blackmail\’, khiến tình hình càng gay cấn hơn. Tổng Thống John F. Kennedy đích thân hỏi dàn cố vấn của ông phương cách làm bà Nhu dịu giọng.
Bà Nhu đến Hoa Kỳ ngày mùng 7 tháng Mười, 1963, Tổng Thống Kennedy định không cho phép bà nhập cảnh, trong lúc Liên Hiệp Quốc đòi mở cuộc điều tra về việc chính phủ VN đàn áp Phật Giáo. Phó Tổng Thống Lyndon Johnson gặp và khuyến cáo bà đừng làm tình hình khó khăn hơn nữa bằng những câu tuyên bố nẩy lửa của bà.
Nhưng bà Nhu vẫn quyết liệt trình bày sự sai lầm của đại sứ Mỹ bảo vệ thượng tọa Thích Trí Quang ngay trong Tòa Đại Sứ Mỹ tại Saigon. Bà tố cáo Trí Quang là một tên cộng sản.
Việc bà Nhu nói lên một sự thật mà 10 năm sau người Mỹ mới phát giác ra là bà nói đúng, đã khiến họ phải giết chồng bà và anh chồng bà. Bà có trách nhiệm trong những diễn biến đáng tiếc đó? Có thể. Tối thiểu bà cũng phạm lỗi không thông cảm khuyết điểm của Mỹ.
Dù sao bà cũng đã trả giá cho thái độ quyết liệt của bà chống lại những sai lầm của Mỹ tại VN; trong lúc bà Marcos không chống Mỹ, mà giờ này vẫn còn lãnh án tù dài đến mức trả trọn đời vẫn chưa trả hết.
Có cách nào làm khác hơn việc Hoa Kỳ đã đối xử với hai phụ nữ này không?
Tìm hiểu được hai trường hợp này, người Mỹ sẽ tìm được phương thức thắng trận chiến Trung Đông đã quá dài, quá thê thảm.
Nguồn: Viễn Đông