VN chỉ cấm đoán thôi không giải quyết được nạn tin giả
Chưa bao giờ người Việt Nam được tiếp nhận nhiều lượng thông tin như hiện nay.
Tuy nhiên, sự bủng phát triển vũ bão của Internet và mạng xã hội, người Việt Nam đã được tiếp cận thông tin đa dạng và đa chiều hơn rất nhiều so với những thế hệ trước đây.
Nhờ đó, tri thức, hiểu biết của người Việt Nam đã tăng đáng kể. Bên cạnh mặt tính cực Internet và mạng xã hội đem lại, chúng cũng có những ảnh hưởng tiêu cực.
Do thông tin được đăng tải và truyền đi quá dễ dàng trên Internet và mạng xã hội dẫn đến hiện tượng tin giả, thông tin không có kiểm chứng tràn làn gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
Tin giả hay trong tiếng Anh gọi là \’fake news\’ không chỉ có ở Việt Nam mà tồn tại ở mọi nơi trên thế giới, nhưng vì sao tin giả lại quá phổ biến, được nhiều người tin vào hay chia sẻ trên mạng xã hội ở Việt Nam nhiều như vậy. Theo tác giả dưới đây là một số nguyên nhân:
1. Giáo dục thiếu phản biện
Điều đầu tiên, do giáo dục Việt Nam khá lạc hậu, trong khi ở các nước phương Tây, giáo dục của họ khuyến kích học sinh, sinh viên phản biện lại mọi vấn đề, nhìn vấn đề đa chiều, không có vùng cấm.
Trong khi đó, giáo dục Việt Nam, không khuyến khích tư duy phản biện, nhiều khi mặc nhiên những lời giảng của giáo viên hay sách vở là đúng. Do đó, rất nhiều người Việt Nam không có tư duy phản biện, hay \”nhẹ dạ cả tin\”.
Dẫn đến, người Việt rất dễ tin vào những thông tin mơ hồ, không chính xác, không có nguồn gốc rõ ràng. Những thông tin nay được đăng tải và chia sẻ tràn lan trên mạng.
Theo quan sát của cá nhân người viết bài, một số loại tin đồn như sau dễ được lan truyền dù độ khả tín thấp, hoặc thậm chí chỉ là tin giả.
Tin chính trị: lãnh đạo của Đảng Cộng sản và nhà nước bị đầu độc chết, bị quản thúc, hay tin về sức khoẻ của lãnh đạo nói chung.
Tin về kinh tế: chuyện ngân hàng nào đó phá sản, hết vốn; tin những đại gia nhiều tiền bị bắt hay bị hại, thậm chí bị \’ám sát\’.
Tin về xã hội: các vụ án bạo lực như giết người, hiếp dâm.
Tin về giới showbiz: các vụ yêu đương, đánh ghen, tạo scandal để nổi tiếng.
Tin y học: như sừng tê giác chữa bệnh ung thư, nấm chữa bệnh.
2. Báo chính thống bị kiểm soát
Tiếp theo, nhiều người cho rằng các báo chí chính thống tại Việt Nam bị kiểm soát, hạn chế viết về nhiều nội dung, hay viết báo theo chỉ đạo theo định hướng.
Do đó, thông tin báo chí chính thống tại Việt Nam thường nghèo nàn về nội dung đôi khi chưa phản ánh khách quan sự việc. Vì lẽ đó, nhiều vấn đề nhạy cảm người dân tìm đến những nguồn tin không chính thống. Đôi khi, nhiều người tin rằng nguồn tin ngoài luồng lại phản ánh trung thực và chính xác hơn tin chính thống.
3. Tính hiếu kỳ và chạy theo đám đông
Tiếp nữa, do nhiều người Việt có tính hiếu kỳ, a dua theo số đông. Khi thấy thông tin lạ được đưa lên mạng ngay lấp tức được nhiều người chia sẻ và bình luận mà không cần để ý rằng thông tin đó có chính xác hay không.
Ví dụ như ở Việt Nam gần đây có tin về vụ bà chủ quán trà đá \’cho chân vào chậu nước trà\’ rồi vẫn bán cho khách, khiến cho dư luận phẫn nộ, tẩy chay bà bán nước.
Nhưng thật ra câu chuyện do một khách hàng tự cho chân mình vào chụp ảnh rồi đưa lên mạng xã hội để gây chú ý.
4. Lý do kinh tế và mạng xã hội
Lý do tiếp theo tin giả tin đồn lại phố biến như vậy ở Việt Nam là do trục lợi về kinh tế.
Số lượng người dùng và thời gian dành cho mạng xã hội tại Việt Nam là rất lớn.
Theo thống kê, mạng xã hội lớn nhất hiện nay trên thế giới là Facebook. Ở Việt Nam, hiện có số lượng tài khoản Facebook tới 58 triệu, đứng thứ 7 trên thế giới năm 2017.
Một thống kê khác thì, trung bình một ngày người Việt Nam dành 2,12 tiếng để truy cập mạng xã hội, riêng đối với Facebook thời gian truy cập mạng xã hội này là nhiều nhất (3,55 tiếng), cao hơn so với mức trung bình 1,42 tiếng.
Với thời lượng và số lượng sử dụng mạng xã hội nhiều như vậy đã phát sinh ra các hoạt động kinh doanh đi kèm. Những trang mạng xã hội của cá nhân hay tổ chức nào càng có số lượng like hoặc share càng lớn thì càng thu được nhiều tiền từ mạng xã hội, nhãn hàng quảng cáo hay từ những nguồn khác nữa.
Do đó, để thu hút nhiều like và share, rất nhiều người dùng đến cả những thủ đoạn như tung thông tin giả và thất thiệt để gây chú ý.
Blogger A, một người sở hữu mạng xã hội có lượng người like hơn 10 ngàn cho biết, để có nhiều like, anh ta đã phải làm những chuyện không nên ví dụ như đưa lên mạng những tấm ảnh thương tâm vô đạo đức, thậm chí còn đua theo nói xấu những người nổi tiếng.
5. Pháp luật không nghiêm
Lý do sau cùng, hiện tại Việt Nam chế tài pháp luật chưa đầy đủ, chặt chẽ, xử lý không nghiêm những người đưa thông tin đồn hay giả mạo nhằm trục lợi, hay có tác hại xấu đến cá nhân, tổ chức và cộng động xã hội.
Điều này khiến nhiều người phát tán thông tin giả mạo thoải mái mà không phải mấy quan ngại là sẽ bị pháp luật đụng tới.
Tóm lại, Internet và mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho con người bên cạnh đó cũng có mặt tiêu cực như đã đề cập đó là thông tin giả mạo, tin đồn.
Để hạn chế được mặt tiêu cực này, theo tác giả, Việt Nam nên cần thực hiện các giải pháp như sau:
- Khi có tin đồn tin giả xuất hiện cần có sự xác minh và đưa ra thông báo ngay lập tức của cơ quan có trách nhiệm, tránh những thông tin này lây lan gây tác hại rộng.
- Phương pháp giáo dục và đào tạo của Việt Nam nên thay đổi, từ phương thức giáo dục áp đặt ý nghĩ lên người học, cần được thay bằng dạy cho học sinh, sinh viên tư duy phản biện, hoài nghi mọi vấn đề được dạy. Điều này không chỉ giúp học sinh có khả năng phân biệt được thông tin nào là thật hay giả mà còn giúp họ phát triển khả năng sáng tạo, khám phá ra những điều mới mẻ.
- Việt Nam cần có quy định pháp luật rõ ràng liên quan đến vấn đề tung tin giả tạo, thất thiệt gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Những xử lý này cần được công bố rộng rãi để mang tính răn đe những người chia sẻ thông tin phải có trách nhiệm với những gì mình đã đưa ra.
Cuối cùng thì cần phải thừa nhận tự do báo chí là rất quan trọng để chống tin giả, do đó không nên có vùng cấm trong báo chí mọi vấn đề đều có thể đưa lên mặt báo để xã hội, công chúng đánh giá một cách công bằng, khách quan.
Điều này giúp cho không chỉ báo chí chính thông thu hút, tạo niềm tin với nhiều bạn đọc, chống lại thông tin giả, không có nguồn gốc mà có ích cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của David Nguyễn, một sinh viên Việt Nam đang học tại London.
Nguồn: BBC