CSVN có thật lòng bỏ việc cấp phép ca khúc trước 1975 và của hải ngoại?
SÀI GÒN, Việt Nam – Hôm 15 Tháng Mười Một, ông Nguyễn Quang Vinh, quyền cục trưởng Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch được báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời: “Theo dự thảo về nghị định mới trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, ranh giới việc cấp phép phổ biến các ca khúc mới với các tác phẩm sáng tác trước 1975 và tác phẩm của người Việt đang sinh sống tại nước ngoài sẽ được xóa bỏ.”
Tờ báo cũng trích lời bà Tuyết Minh, chuyên viên phòng Nghệ Thuật, Cục Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn: “Các bài hát trước hay sau 1975, trong nước hay hải ngoại cũng đều là cảm xúc của con người nên việc cấp phép phải dựa trên thẩm mỹ nghệ thuật. Tác phẩm không đi ngược với pháp luật, kể cả ngôn từ, giai điệu… thì đáng được đến với công chúng.”
Một số báo ở Việt Nam khi đưa tin về nghị định này cũng viết rằng “không còn khái niệm ‘nghệ sĩ Việt kiều’ vì văn bản pháp luật mới thể hiện ‘người Việt định cư ở đâu vẫn là người Việt’”.
Tuy vậy, trả lời báo Thanh Niên hôm 15 Tháng Mười Một, ông Nguyễn Quang Vinh nói thêm: “Chúng tôi đang đề ra phương án đưa ra tiêu chí cấm. Bất kể bài nào phạm những điều này sẽ không được hát. Bài hát trước hay sau năm 1975 đều như vậy. Các sản phẩm nếu có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân, hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng sẽ không được sử dụng dưới mọi hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng.”
“Không phải một bài hát đã được cấp phép thì hát ở đâu cũng được vì còn phụ thuộc vào tính chất văn hóa của không gian hát nữa. Giao quyền cho địa phương để tự quyết việc bài hát nào phù hợp không gian ở đấy, vào thời điểm nào. Nếu nói cứ bài hát Bộ cấp phép thì có thể hát bất cứ đâu thì hơi vô cảm với nghệ thuật,” ông Vinh nói thêm.
Điều này được hiểu là tuy có nghị định mới trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn nhưng chính quyền CSVN vẫn chủ trương làm khó các tác phẩm trước năm 1975 thuộc diện bị quy chụp “có nội dung xuyên tạc lịch sử” hoặc “đi ngược lại lợi ích quần chúng”–hai khái niệm rất mơ hồ, nhưng có thể được suy đoán là các bài hát nhạc vàng, nhạc lính VNCH.
Một trường hợp tiêu biểu cho vụ “cấp phép nhỏ giọt” ca khúc là dòng nhạc Phạm Duy tuy có hàng ngàn bài hát nhưng số được cấp phép trình diễn tại Việt Nam có thể “đếm trên đầu ngón tay”.
Trước đây, để tổ chức đêm nhạc Phạm Duy tại Sài Gòn, Công Ty Phương Nam Phim đã phải vất vả xin giấy phép cho mỗi show diễn. Hồi năm 2009, báo Việt Nam đưa tin “thêm 12 ca khúc nhạc Phạm Duy được cấp phép lưu hành”. Đến năm 2013, con số này là “thêm 8 ca khúc của Phạm Duy”. Năm 2014, “cấp phép thêm 22 ca khúc của Phạm Duy.
Từ sau thời điểm này, Công Ty Phương Nam Phim tạm ngưng tổ chức đêm nhạc Phạm Duy nên người ta không rõ có thêm ca khúc nào của ông được cấp phép.
Trong một diễn biến khác, ca sĩ Chế Linh, người từng bị CSVN cho vô “sổ đen” vì hát nhạc lính VNCH, đến nay vẫn chưa được cấp phép trình diễn tại Sài Gòn. Tháng Hai, 2017, đêm nhạc Chế Linh ở Sài Gòn “đột ngột bị hủy vài giờ trước đêm diễn” khiến ông bị sốc phải nhập viện.
Một ca sĩ khác của dòng nhạc vàng, Tuấn Vũ, được báo VnExpress ghi nhận sắp tổ chức đêm nhạc “Mười Năm Tái Ngộ” vào ngày 9 Tháng Mười Hai ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia “sau 5 năm bị cấm diễn”.
Hồi năm 2013, ông Tuấn Vũ bị Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn đưa vào danh sách cấm diễn ở Việt Nam cùng với các ca sĩ Thanh Tuyền, Tuấn Vũ, Gia Huy, Mạnh Đình và vợ chồng nghệ sĩ hài Quang Minh,Hồng Đào. Nguyên do được báo Dân Trí thời điểm đó nêu: những nghệ sĩ kể trên tham gia trình diễn trong show của Trung Tâm Asia “có nội dung kích động, chống đối, nói xấu Việt Nam”.