Hai lãnh đạo Khmer Đỏ đối mặt với phán quyết
Khieu Samphan (trái) và Nuon Chea đều đang thụ án chung thân vì các tội danh khác. REUTERS
Hôm nay, Tòa án Khmer Đỏ dự kiến sẽ đưa ra phán quyết đối với hai lãnh đạo còn sống cuối cùng của chế độ Pol Pot về tội diệt chủng.
Đó là Nuon Chea, 92 tuổi, Phó tổng bí thư Đảng Cộng sản Campuchia, cấp dưới của Pol Pot, và Khieu Samphan, 87 tuổi, Chủ tịch Nước Campuchia Dân chủ.
Họ đang bị xét xử vì tội diệt chủng đối với người Chăm theo đạo Hồi và người thiểu số gốc Việt ở Campuchia.
Có tới khoảng hai triệu người đã bị sát hại dưới chế độ tàn bạo Khmer Đỏ từ năm 1975 đến 1979.
Nhiều người trong số đó chết vì đói khát và lao lực, hoặc bị xử tử vì bị coi là kẻ thù của nhà nước.
Cả hai cựu lãnh đạo Pol Pot đang thụ án chung thân sau khi bị kết án một số tội ác chống lại loài người vào 2014.
Tuy nhiên, một phán quyết có tội hôm nay sẽ là sự thừa nhận chính thức đầu tiên rằng những gì chế độ Khmer Đỏ đã thực hiện là sự diệt chủng như được định nghĩa theo luật pháp quốc tế.
Cả hai sẽ bị phán quyết dựa trên nhiều tội ác chống lại loài người – bao gồm giết người, nô lệ và tra tấn – và các vi phạm trong các Công ước Geneva.
Khmer Đỏ là ai?
Khmer Đỏ là những người theo chủ nghĩa Mao cực đoan thành lập một chế độ cai trị Campuchia từ 1975 đến 1979, dẫn đầu bởi Saloth Sar, thường được biết đến là Pol Pot.
Chế độ này được thành lập bởi những người trí thức từng được giáo dục ở Pháp, tìm cách tạo ra một xã hội tự lực và nông nghiệp: thành phố trống trải và tất cả người dân buộc phải làm việc trên các hợp tác xã nông thôn.
Nhiều người đã làm việc cho đến chết trong khi những người khác bị bỏ đói khi nền kinh tế sụp đổ.
Trong bốn năm nắm quyền bằng bạo lực, Khmer Đỏ cũng giết tất cả những người họ cho là kẻ thù – gồm giới trí thức, nhóm người thiểu số, cựu quan chức chính phủ và gia đình của họ.
Chế độ này đã bị đánh bại trong một cuộc xâm lược của Việt Nam vào 1979. Pol Pot bỏ trốn và vẫn được tự do cho đến năm 1997, rồi chết khi bị quản thúc tại gia một năm sau đó.
Tại sao tòa án này lại gây tranh cãi?
Tòa án Khmer Đỏ (ECCC) được thành lập vào năm 2006 bao gồm các thẩm phán Campuchia và quốc tế.
Đến nay ECCC chỉ mới kết án ba người vì tội ác của chế độ Khmer Đỏ nhưng với chi phí tiêu tốn lên đến 300 triệu đô la.
Năm 2010, ECCC đã kết tội Kaing Guek Eav, còn được gọi là Duch, người quản lý trung tâm tra tấn Tuol Sleng khét tiếng và nhà tù ở Phnom Penh.
Trong khi đó cựu bộ trưởng ngoại giao Khmer Đỏ, Ieng Sary, cũng là đồng bị cáo với Khieu Samphan và Nuon Chea, lại chết trước khi các thẩm phán đưa ra phán quyết trong hai phiên tòa trước vào 2014.
Vợ ông ta, bà Ieng Thirith, bộ trưởng bộ xã hội của chế độ và đồng bị cáo, đã được xét là không đủ điều kiện tâm lý để bị xét xử và qua đời vào 2015.
Mặc dù còn một số vụ án đối với bốn thành viên Khmer Đỏ khác, nhưng Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc ECCC mở thêm bất kỳ phiên tòa mới nào.
Bản thân Hun Sen cũng chính là một cựu thành viên cấp trung của chế độ Khmer Đỏ.
Thủ tướng Campuchia nói rằng người dân của ông muốn vượt qua quá khứ và những cuộc truy tố khác có thể dẫn đến bạo lực.
Khmer Đỏ đã tiến hành một cuộc nổi loạn sau khi bị lật đổ, mặc dù hàng ngàn đã từ bỏ chế độ này vào những năm 1990 trước khi nhóm này tan rã hoàn toàn vào 1999.
Hiện tại nhiều nơi trên Campuchia, nạn nhân và những kẻ từng tra tấn họ vẫn đang sống cạnh nhau trong làng.
Nhưng nhiều người Campuchia không còn quan tâm đến phiên tòa và thế hệ trẻ thì mong muốn đất nước họ được biết đến bằng một điều gì khác thay vì là \”mảnh đất tàn sát\”.
Nguồn: BBC