Dù vắng mặt, ảnh hưởng của TT Mỹ vẫn đè nặng trên thượng đỉnh ASEAN
Trọng Nghĩa / Rfi
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (P), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (G) và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh ngày 15/11/2018. REUTERS/Edgar Su
Theo ông Malcolm Cook, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore, điều oái oăm ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này là \”người lãnh đạo quan trọng nhất và được nói đến nhiều nhất… – tức là tổng thống Trump – lại là người duy nhất không hiện diện\”.
Thế nhưng ảnh hưởng tổng thống Mỹ lại được thấy trong rất nhiều động thái của các nước còn lại, mà nổi bật nhất là sự kiện các nước quốc gia từ Nam Á đến Đông Á đã đẩy nhanh tốc độ hình thành các mối quan hệ đa phương về thương mại và đầu tư giữa các nước với nhau.
Trung Quốc, nước bị Mỹ coi là đối thủ chủ chốt, đã góp phần thúc đẩy chiều hướng này, một cách để đối phó với Mỹ.
Theo chuyên gia kỳ cựu này, vào lúc các chính sách của ông Trump có khuynh hướng phá vỡ trật tự tự nhiên mà châu Á phụ thuộc, việc ông Trump có biểu hiện lơ là châu Á, không có mặt tại chỗ để trấn an, đã tạo ra tâm lý bất an trong vùng và các nước châu Á đã phải \”cố tìm ra những phương cách hoạt động mà không dựa vào Mỹ quá nhiều\”.
Cũng như đối với hội nghị ASEAN ở Singapore vừa kết thúc, tổng thống Trump cũng sẽ bỏ qua Thượng Đỉnh APEC tại Papua New Guinea vào cuối tuần.
Vào năm 2017, ông Trump đã tham dự cả hai cuộc họp ASEAN và APEC, nhưng quyết định không đến châu Á của ông năm nay, đã làm dấy lên hoài nghi về chiến lược khu vực của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.
Phó tổng thống Mike Pence, người đại diện cho tổng thống Trump tại Singapore, đã liên tục khẳng định rằng cam kết của Hoa Kỳ đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rất \”kiên định và bền bỉ\”.
Tuy nhiên, trong tư cách là phó tổng thống, những tuyên bố trấn an của ông Pence được cho là chỉ có sức nặng tương đối mà thôi.
Nguồn: RFI