Mỹ sẽ cùng với Úc xây dựng một căn cứ hải quân tại Papua New Guinea

Mỹ sẽ cùng với Úc xây dựng một căn cứ hải quân tại Papua New Guinea

 
\"\"

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (giữa), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (quay lưng) tại APEC, Papua New Guinea ngày 17/11/2018. REUTERS/David Gray

 

(Trọng Nghĩa / RFI)  –  Tại hội nghị thượng đỉnh APEC, ngoài lãnh vực kinh tế, thương mại, phó tổng thống Mỹ vào hôm nay, 17/11/2018, còn tấn công Trung Quốc trên các vấn đề an ninh và ngoại giao. Ông Mike Pence một mặt tuyên bố rằng Mỹ sẽ hợp tác với Úc trong kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân cho đảo quốc Papua New Guinea, một mặt khác công khai tiếp xúc với đại diện Đài Loan dự hội nghị APEC.
Ngay tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Doanh Nghiệp APEC, phó tổng thống Mỹ cho biết sẽ hợp sức với Úc trong việc xây dựng một căn cứ hải quân mới tại Papua New Guinea, một dự án được xem là một động thái để kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng Thái Bình Dương.
Mới đây, Úc đã công bố kế hoạch tu bổ và phát triển căn cứ Hải Quân Lombrum của Papua New Guinea trên Đảo Manus của nước này. Phát biểu hôm nay, ông Mike Pence xác nhận rằng « Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Papua New Guinea và Úc về sáng kiến ​​chung của hai nước tại căn cứ hải quân Lombrum… (và) sẽ làm việc với hai nước này để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi trên biển ở vùng quần đảo Thái Bình Dương. »
Theo hãng tin Pháp AFP, ý định của Bắc Kinh muốn xây dựng một cơ sở quân sự trên đảo Blackrock, Manus hay Vanuatu đã làm dấy lên lo ngại từ Canberra đến Washington, sợ rằng điều đó sẽ cho phép Trung Quốc giành ưu thế hải quân ở vùng Nam Thái Bình Dương.
Một số nhà phân tích được Reuters trích dẫn ghi nhận là một căn cứ hải quân Trung Quốc tại Manus sẽ đe dọa tàu thuyền phương Tây qua lại vùng Thái Bình Dương, đồng thời cho Bắc Kinh một cơ sở quân sự gần đảo Guam của Mỹ.

Phó tổng thống Mỹ tiếp xúc với đặc sứ Đài Loan

Trong một động thái khác nhằm thách thức Trung Quốc, phó tổng thống Mỹ vào hôm nay đã gặp gỡ ông Trương Trung Mưu (Morris Chang) đặc sứ của Đài Loan đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC.
Thông tin do một nhà báo theo dõi hội nghị loan báo không cho biết chi tiết về cuộc gặp, nhưng riêng việc ông Pence tiếp xúc với đại diện chính thức của Đài Loan là một động thái có thể làm Trung Quốc giận dữ.
Một đặc điểm của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương là thành viên không nhất thiết phải là một quốc gia, mà có thể là một « nền kinh tế ». Điều đó cho phép Đài Loan hiện diện trong APEC cho dù không được đa số các nước trên thế giới công nhận.
Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng lại là nước ủng hộ Đài Loan mạnh nhất trên trường quốc tế, đồng thời có luật cho phép cung cấp cho Đài Loan vũ khí để tự vệ.
Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment