Phía sau hình ảnh TQ huênh hoang tại APEC 2018
Ngày 15/11, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đến thăm Papua New Guinea, sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2018) tổ chức tại đây vào ngày 17. Thực tế, bức tranh “viện trợ Trung Quốc” (CHINA AID) tràn ngập vùng đất này đã gây nhiều lo ngại.
Trước hội nghị, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đến Papua New Guinea và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các quốc đảo Thái Bình Dương đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật báo Kinh tế Hồng Kông (Hong Kong Economic Times) cho rằng mục đích của ông Tập là “tạo thanh thế” trước APEC: thứ nhất là để tạo hình ảnh quốc tế tích cực, thứ hai là để mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Bắc Kinh nỗ lực ủng hộ nước nghèo mở “hội nghị nhà giàu”
Papua New Guinea từng được coi là nơi ít có khả năng nhất để tổ chức các hội nghị quốc tế. Thủ đô Port Moresby của nước này bị tờ The Economist của Anh đánh giá là “thành phố khó sống nhất trên thế giới”, vì nạn tội phạm tràn lan, khoảng 40% dân số có mức sống dưới 1 USD (đô la Mỹ) một ngày, gần một nửa dân số sống trong khu ổ chuột.
Tuy nhiên, để tổ chức hội nghị thượng đỉnh này, Papua New Guinea đã chi 330 triệu đô la Úc trong vòng ba năm (khoảng 234 triệu USD), tờ United Daily của Đài Loan trích dẫn ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, để tổ chức hội nghị thượng đỉnh này, trong ba năm qua Papua New Guinea đã phải chi 1,5 tỷ đô la Úc (khoảng 1 tỷ đô la Mỹ).
Thâm hụt ngân sách nhà nước của Papua New Guinea năm 2019 ước tính là 800 triệu đô la Úc (khoảng 570 triệu USD), để tổ chức hội nghị thượng đỉnh này nhà cầm quyền Papua New Guinea phải mua 40 chiếc Maserati để chở các nhà lãnh đạo thế giới, giá mỗi chiếc khoảng 300.000 USD, chuyện này đã khiến người dân căm giận.
Vài ngày trước, tờ Người Úc (The Australian) đưa tin, trong dự toán ngân sách của Papua New Guinea năm 2019, chi phí cho y tế bị giảm 2%, còn chi phí cho nghĩa vụ trả nợ và chi phí hành chính tăng vọt. Trong khi đất nước này đang gặp khó khăn trong việc tái thiết sau khi mới trải qua một trận động đất tàn phá và một dịch bệnh bại liệt trẻ em.
Là quốc gia nghèo nhất trong tổ chức APEC, nước này có khả năng tổ chức “hội nghị nhà giàu” lớn như vậy?
Phóng viên BBC gần đây đã đến Papua New Guinea tìm hiểu, được nghe hướng dẫn viên giới thiệu với cô rằng hội nghị thượng đỉnh này do Trung Quốc thực hiện: các con đường địa phương, địa điểm và thậm chí cả các trạm xe buýt đều được xây dựng bằng tiền của Trung Quốc.
Hầu hết các hoạt động APEC sẽ tiêu tốn khoảng 35 triệu đô la Úc (khoảng 26 triệu USD) được điều tiết bởi Trung tâm Hội nghị do Trung Quốc viện trợ xây dựng, ngoài ra Bắc Kinh đã tặng 9 xe cứu hỏa, 50 xe buýt lớn và 35 xe buýt mini cho sự kiện này.
Trong 10 năm qua, quy mô viện trợ và đầu tư của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương đã tăng lên đáng kể. Theo Bản đồ Hỗ trợ Khu vực Thái Bình Dương của Viện Lowy, viện trợ của Trung Quốc cho Papua New Guinea vào năm 2016 là khoảng 20,83 triệu USD, nhưng con số đó tăng gấp ba lần sau một năm.
Cách làm của ĐCSTQ khiến phương Tây cảnh giác
Cách làm của ĐCSTQ đã làm cho nước Úc ở vùng bờ biển đối diện Papua New Guinea cảnh giác. Vào năm 1975 Papua New Guinea đã độc lập khỏi Úc trở thành thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh.
Trong một bài phát biểu vào ngày 1/11, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết, ĐCSTQ đang thực hiện ảnh hưởng chưa từng thấy ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Khi mới nhậm chức vào đầu tháng Tám, ông cho biết Úc đang thúc đẩy ảnh hưởng của mình trong khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả việc xây dựng căn cứ Hải quân Lombrum Naval Base ở đảo Manus tại Papua New Guinea.
Để tăng cường mối quan hệ giữa các quốc gia phương Tây và quốc đảo Thái Bình Dương, vào tuần trước Úc đã công bố sẽ cung cấp 2,1 tỷ USD cho các khoản vay và phát triển cơ sở hạ tầng cho các quốc đảo Thái Bình Dương. Động thái được giới quan sát xem như nhắm vào ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương.
Hãng tin AFP Pháp chỉ ra, một cuộc chiến căng thẳng gây ảnh hưởng ở khu vực Nam Thái Bình Dương đang ngày càng tăng lên. Khu vực đảo nhỏ này rất quan trọng đối với vận tải đường thủy quốc tế, đã trở thành vùng tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington để tăng cường sức mạnh quân sự và kinh tế trên khắp Thái Bình Dương.
Papua New Guinea cách quần đảo Mariana vài nghìn cây số, là nơi tọa lạc căn cứ quân sự chính của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương: căn cứ hải quân Guam.
Một báo cáo quân sự gần đây của Mỹ về sức mạnh quân sự của ĐCSTQ chỉ ra, hoàn toàn có khả năng quân đội Trung Quốc thực hiện các hoạt động quân sự vượt qua chuỗi đảo đầu tiên. ĐCSTQ có thể sẽ “thể hiện khả năng chiến đấu chống lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ và căn cứ quân sự Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả đảo Guam”.
“Vành đai và Con đường” gây nghi ngờ
Trong thực tế, những tiếng nói đối lập trong nội bộ ở Papua New Guinea cũng rất lớn.
Tỉnh trưởng Gary Juffa của tỉnh Oro Province tại Papua New Guinea bày tỏ nghi ngờ về tăng đầu tư của Trung Quốc, ông ví dụ: Đại lộ Trung Quốc đầu tư xây dựng là “một con đường hoàn hảo”, nhưng “ai mà biết được lý do tại sao họ lại xây dựng nó?”
Allan Bird, nghị sĩ quốc hội nước này cho biết ông rất lo lắng về áp lực trả nợ Trung Quốc: “Dưới những hợp đồng chi phí cao ngất, nhà thầu Trung Quốc đang xây dựng đường giao thông, những người Trung Quốc đang làm việc trong các dự án này, còn chúng ta phải trả nợ”. Ông cũng chia sẻ rằng người Úc cũng hỗ trợ cho đất nước ông nhưng “chúng tôi không cần phải hoàn trả”, thực hiện đấu thầu công khai, công ty của Papua New Guinea có thể đấu thầu.
Thời báo Tự do Đài Loan (Liberty Times) chia sẻ nguồn tin tiết lộ, trong thời gian tổ chức APEC, các quan chức Trung Quốc cũng yêu cầu treo cờ 5 sao dọc theo các tuyến đường chính chào đón ông Tập Cận Bình, nhưng Papua New Guinea phải từ chối vì dựa trên sự tôn trọng đối với mỗi quốc gia tham dự, nhấn mạnh sẽ rút hết cờ 5 sao khỏi các đường phố trong ngày 16 để giữ hình ảnh công bằng của nước chủ nhà.
Đối với Mỹ và các nước phương Tây đang kiềm chế ảnh hưởng của ĐCSTQ, Đài BBC Anh đã cho biết, mặc dù các quan chức ở các nước Đông Nam Á không muốn công khai chỉ trích ĐCSTQ, nhưng có những chia sẻ kín với phóng viên BBC rằng các chính sách mới đối với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Trump đã khích lệ họ nói dám thẳng thắn hơn.
Nguồn tin cũng chỉ ra, do áp lực của Mỹ lên Bắc Kinh đã khiến các quốc gia khác mạnh dạn hơn để chỉ trích Bắc Kinh, trong khi vốn dĩ trước đây họ thường giữ im lặng. Sri Lanka, Malaysia và thậm chí Pakistan đã bày tỏ lo ngại về các dự án của Trung Quốc. Ví dụ như Panama, mặc dù nước này từng hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc, nhưng giờ gây họ đang tìm kiếm các đối tác đầu tư mới ngoài Trung Quốc.
Trí Đạt / Tri Thức VN