Đã đến lúc Đông Nam Á phải chọn đứng về Mỹ hay Trung Quốc?
Tân Bình / Tri Thức VN
APEC 2018 kết thúc hôm 18/11 mà không thể đưa ra tuyên bố chung do mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, trong quan hệ địa chính trị quốc tế, các nước Đông Nam Á thường tìm cách tránh bị cuốn vào cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa các siêu cường chính. Nhưng leo thang căng thẳng Mỹ – Trung gần đây, đặc biệt cuộc khẩu chiến Mike Pence – Tập Cận Bình tại APEC 2018, cho thấy rõ ràng rằng những quốc gia nhỏ và trung bình tại Thái Bình Dương sớm muộn gì cũng phải có lựa chọn dứt khoát đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc tại Papua New Guinea hôm Chủ Nhật (18/11) đã lần đầu tiên trong lịch sử không đưa ra được tuyên bố chung. Nguyên nhân chính của việc này là hai siêu cường Mỹ, Trung Quốc không tìm được tiếng nói chung về các vấn đề thương mại.
“Quý vị biết đó, có hai người khổng lồ trong một căn phòng. Tôi còn biết nói gì hơn?”, Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neil nói với báo chí trong ngày bế mạc APEC hôm 18/11.
Không khí tại APEC năm nay đã nóng lên từ hôm 17/11, trong cuộc đấu khẩu căng thẳng giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Pence kêu gọi các nước trong khu vực đứng về phía Hoa Kỳ, không bị dẫn dụ bởi chính sách ngoại giao bẫy nợ thiếu minh bạch của Bắc Kinh.
“Chúng tôi không nhấn chìm các đối tác trong một biển nợ. Chúng tôi không ép buộc, không hối mại, không làm ảnh hưởng đến nền độc lập của quý vị”, Phó Tổng thống Mỹ nói. Ông Mike Pence nói về “vành đai nhằm bóp nghẹt” và “con đường một chiều”, ám chỉ “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Trong khi cuộc chiến thương mại tiếp tục căng thẳng, ông Tập Cận Bình lớn tiếng ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, kêu gọi hợp tác lớn hơn và phê phán “chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương”, còn ông Mike Pence thì cảnh báo Washington không hề nhường bước nếu Trung Quốc không chịu thay đổi thái độ.
“Chúng tôi đã thực hiện hành động quyết định để giải quyết mất cân bằng [thương mại] của chúng tôi với Trung Quốc. Chúng tôi đã đánh thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và chúng tôi có thể tăng hơn gấp đôi con số đó”.
“Mỹ sẽ không bao giờ thay đổi lộ trình này cho tới khi Trung Quốc thay đổi cách [hành xử] của họ”, ông Pence nhấn mạnh.
Trao đổi trên Bloomberg, ông Kunihiko Miyake – cựu quan chức bộ ngoại giao Nhật bản và hiện đang làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ritsumeikan cho hay: “Đây là một tập trong cuộc tranh đấu quyền bá chủ giữa Mỹ và Trung Quốc – nó sẽ diễn ra trong một thời gian. Đó sẽ là một cuộc Chiến tranh Lạnh, dù chúng ta có gọi tên nó như thế hay không”.
Một khi mâu thuẫn Mỹ – Trung leo thang thành Chiến tranh Lạnh, chắc chắn việc phân cực là rõ ràng và sẽ không còn dư địa cho chính sách “đánh đu” bấy lâu nay của các nước nhỏ, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.
Đông Nam Á nói riêng và các nước nhỏ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung lâu nay vẫn tìm cách cân bằng mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Những nước này gặt hái lợi ích thương mại với nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc, đồng thời lại phụ thuộc vào cái ô an ninh của Mỹ để kiềm chế sự bành trướng lãnh thổ của chế độ Bắc Kinh.
Việc leo thang thương chiến Mỹ – Trung đã dấy lên viễn cảnh rằng các quốc gia nhỏ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhất là các nước Đông Nam Á, bây giờ sẽ cần lựa chọn đứng về một bên, đặc biệt trong bối cảnh thuế quan của Mỹ tăng cao đe dọa thay thế chuỗi cung ứng đã hình thành từ lâu.
Theo Bloomberg, đầu tháng này, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson đã cảnh báo về một “Bức màn sắt kinh tế” chia tách thế giới nếu Mỹ và Trung Quốc thất bại trong việc giải quyết các khác biệt chiến lược. Điều này có thể dẫn tới hai bên sẽ từ chối công nghệ, vốn và đầu tư của nhau, đảo ngược hệ thống thương mại quốc tế đã được thiết lập từ nhiều thập kỷ qua.
Tuần trước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên đến mức mà các nước Đông Nam Á một ngày nào đó có thể phải “chọn bên này hoặc bên kia”.
“Tôi nghĩ điều chúng ta mong muốn là không phải đứng hẳn về phía bên nào. Tuy nhiên có những tình huống buộc ASEAN phải lựa chọn bên này hoặc bên kia. Tôi hy vọng chuyện đó sẽ không sớm xảy ra”, ông Lý phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của ASEAN hôm 15/11.
Ông Minxin Pei – một học giả Trung Quốc chuyên về mối quan hệ Mỹ – Trung tại trường Cao đẳng Claremont McKenna ở California, Mỹ nói trên Boomberg rằng các nước Đông Nam Á không muốn làm kẻ thù của Trung Quốc. “Trong vài năm tới, cả Trung Quốc và Mỹ sẽ cố gắng hết sức để quyến rũ các nước trong khu vực này”, ông Pei nói.
Đánh giá của ông Pei là đồng điệu với nhận xét của ông Shi Yinhong – giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông Yinhong cho hay: “Khi mâu thuẫn với Mỹ tăng lên, cách tiếp cận của Trung Quốc với các nước láng giềng đã thay đổi. Trung Quốc muốn tìm kiếm thêm nhiều bạn hữu nhất có thể vào thời điểm này”.
Được biết, sau hội nghị APEC tại Papua New Guinea, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới thăm Brunei và Philippines – một đồng minh lâu năm của Mỹ nhưng đã chuyển sang thân cận với Trung Quốc dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte từ giữa năm 2017.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence tại APEC đã nói rằng Mỹ cung cấp “lựa chọn tốt hơn” cho các quốc gia trong khu vực và thông báo kế hoạch kết hợp cùng với các đồng minh Thái Bình Dương xây dựng điện lưới trị giá 1,7 tỷ USD tại Papua New Guinea. Mỹ cùng với Úc cũng sẽ tái xây dựng một căn cứ hải quân tại đảo quốc nhỏ bé ở Thái Bình Dương này.
Ông Pence đồng thời trấn an các nước khu vực rằng: “cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực này không có nghĩa là sự thù địch. Chúng tôi tin những vấn đề này có thể được giải quyết tại bàn đàm phán”.
Tuy nhiên, như cựu quan chức bộ ngoại giao Nhật bản Kunihiko Miyake đã nói “cuộc tranh đấu quyền bá chủ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một cuộc Chiến tranh Lạnh, dù chúng ta có gọi tên nó như thế hay không”. Vậy thì, vị thế trung dung của Đông Nam Á trong thế cuộc này liệu còn có thể giữ được?
Nguồn: Tân Bình / Tri thức VN