Thành lập Toà án điều tra nạn mổ cướp nội tạng sống của Trung Cộng, Luật sư Hoàng gia Anh chủ trì
Thiên Thảo (Tian Cao) Cuộc đàn áp Pháp Luân Công, TIN TỨC 18/11/2018 6 Minutes
Dưới sự kêu gọi của Liên minh Quốc tế Ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Lạm dụng cấy ghép nội tạng (ETAC), vào ngày 6/10, một Tòa án độc lập chuyên trách điều tra tình trạng ĐCSTQ mổ cướp nội tạng sống của tù nhân lương tâm đã được tuyên bố thành lập tại thủ đô London, Anh. Tòa án này được chủ trì bởi Luật sư hoàng gia Anh, Bá tước Sr. Geofrey Nice QC.
ETAC là một tổ chức liên minh được thành lập bởi các luật sư, học giả, nhà đạo đức học, các nhân sĩ, chuyên viên nghiên cứu trong giới y học và những nhà hoạt động nhân quyền. Mục đích của tổ chức này là ra sức ngăn chặn tội ác mổ cướp nội tạng sống mà ĐCSTQ gây ra. Đây là một tổ chức hoạt động với tôn chỉ phi lợi nhuận, phi chính phủ có trụ sở tại Úc.
Theo nội dung văn bản tuyên bố của Tòa án độc lập, mục tiêu của cuộc điều tra này là tất cả các tội danh hình sự liên quan đến hoạt động mổ cướp nội tạng sống của các cơ quan, tổ chức tiến hành dưới sự bảo trợ của ĐCSTQ.
Chủ tịch ban chấp hành của ETAC Susie Hughes bày tỏ “Tòa án dân sự độc lập có thể cung cấp cho những người sống sót và gia quyến của các nạn nhân một vài phương án giải quyết”.
Từ năm 2000 đến nay, ĐCSTQ luôn bị cộng đồng thế giới lên án, chỉ trích, cáo buộc thực hiện hoạt động mổ cướp nội tạng sống của tù nhân lương tâm, trong đó phần lớn nạn nhân là các học viên Pháp Luân Công. Quy mô khổng lồ của ngành công nghiệp ghép tạng tại Trung Quốc cùng nhiều chứng cứ khác cho thấy rằng ĐCSTQ đã tiến hành hoạt động mổ cướp nội tạng sống trên quy mô quốc gia để kiếm lợi nhuận.
Bá tước Nice chủ trì điều tra
Tòa án độc lập bao gồm 8 thành viên, tòa án này do Luật sư hoàng gia (Queen’s Counsel) Bá tước Nice chủ trì.
Bá tước Nice là luật sư nổi tiếng trên thế giới trong các vấn đề liên quan đến tội danh hình sự. Từ năm 1998 đến 2006, ông đã chủ trì Tòa Hình sự Quốc tế xét xử Tổng thống Nam Tư Milosevic. Từ năm 2009 đến 2012, ông đảm nhận vai trò chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Luật sư. Từ năm 2012 đến 2016, ông là Giáo sư Luật tại Học viện Gresham, London.
Những thành viên khác của Toà án độc lập bao gồm:
– Luật sư nhân quyền Hamid Sabi, người từng là cố vấn pháp luật của tòa án độc lập điều tra tội danh chính trị trong cuộc đại thảm sát diễn ra tại Iran.
– Chuyên gia ghép tạng, Giáo sư Martin Elliott, chuyên khoa tim của Đại học London.
– Luật sư nhân quyền Malaysia Andrew Khoo, Chủ tịch Liên hiệp Ủy ban Hiến pháp Hiệp hội Luật sư Malaysia.
– Luật sư nhân quyền, hình sự quốc tế người Mỹ Regina Paulose.
– Luật sư nhân quyền người Iran, nhà sáng lập Liên hiệp Tư pháp Iran Shadi Sadr
– Chuyên gia doanh nghiệp công ty niêm yết Nicholas Vetch.
– Học giả lịch sử, Giáo sư Arthur Waldron, Khoa Lịch sử của Đại học Pennsylvania, Mỹ.
Phiên họp nhân chứng đầu tiên vào tháng 12 tại London
Vào tháng 12 năm nay, Tòa án độc lập sẽ tổ chức phiên họp lấy lời khai nhân chứng công khai tại London. Trong phiên họp kéo dài ba ngày này, Tòa sẽ thu thập chứng cứ được cung cấp bởi 30 nhân chứng cùng các chuyên gia, vào ngày cuối cùng của phiên họp là 10/12 (Ngày Nhân quyền Quốc tế), Toà sẽ tiến hành phiên thẩm định. Những phiên họp khác của Tòa sẽ được sắp xếp theo tình huống thực tế.
Giáo sư Wendy Rogers, Chủ tịch của ETAC, bày tỏ rằng “Để giải quyết vấn đề tội phạm trên quy mô lớn thế này, cộng đồng quốc tế cần đưa ra những phân tích pháp lý mạnh mẽ”.
“Tòa án sẽ cung cấp những phân tích pháp lý cùng những bằng chứng rõ ràng dựa trên các báo cáo về hoạt động mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ. Những cuộc điều tra như thế này của Tòa sẽ cung cấp những tài liệu cho các tổ chức, chính phủ trên thế giới để thúc giục họ hành động mạnh mẽ hơn”, Giáo sư Rogers cho biết.
Tòa án độc lập là dạng toà án được hình thành tự giác bởi các tổ chức xã hội dân sự. Hình thức này trước đó đã được sử dụng để điều tra hành vi xâm phạm nhân quyền ở các nước, ví dụ như vấn đề nô lệ tình dục trong quân đội Nhật từ thế chiến thứ hai cùng nhiều vấn đề quan trọng khác mang tầm quốc tế.
Tòa án dân sự độc lập thường xử lý những tội ác nghiêm trọng trên quy mô lớn, thường là những vụ án mà chính phủ các nước không hề để tâm hoặc không thể điều tra, thông thường (nhưng không hạn chế) là án giết người. Ngoài việc giúp đỡ thân nhân của các nạn nhân, những quyết định của tòa án này cũng là tài liệu cung cấp cho các tổ chức, chính phủ để thúc giục họ có những hành động mạnh mẽ hơn.
Nguồn bài gốc được đăng lần đầu trên Epoch Times, được dịch và đăng trên Thiên Thảo’s Blog.
Ảnh nền: Bức tượng đồng “Nữ thần công lý” được dựng trên Tòa án Hình sự trung ương ở Anh và xứ Wales. Nữ thần công lý giữ thanh kiếm ở bên phải và giữ cán cân công lý ở bên trái.
Thành lập Toà án điều tra nạn mổ cướp nội tạng sống của Trung Cộng, Luật sư Hoàng gia Anh chủ trì