Ai sở hữu Biển Đông?

Ai sở hữu Biển Đông?

The Week  /  Dịch giả: Châu Minh Dũng

\"\"
Đá Xu Bi (Subi Reef) là một trong các đảo nhân tạo đang được Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông. Nguồn: Getty Images

 
Ông Mike Pence tuyên bố rằng, tuyến đường vận chuyển đứng giữa những tranh chấp nảy lửa này “không thuộc về bất kỳ quốc gia nào” – nhưng Bắc Kinh không đồng ý.
Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence vừa khoét rộng thêm căng thẳng Mỹ – Trung bằng cách nhấn mạnh rằng, Biển Đông không thuộc về bất kỳ quốc gia nào.
Trong mấy tuần vừa qua, Mỹ đã khiến Bắc Kinh tức giận bởi các hoạt động tuần tra “vì tự do hàng hải” ngay trên tuyến đường thủy của những tranh chấp lãnh hải, một động thái mà Trung Quốc xem như mối đe dọa chủ quyền.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Singapore hôm thứ Sáu vừa rồi, ông Pence nói: “Biển Đông không thuộc về bất kỳ quốc gia nào, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nhổ neo và bay qua bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia của chúng tôi đòi hỏi”.
Nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, với phạm vi đều rất rộng. Trung bình mỗi năm có khoảng 3 ngàn tỷ Mỹ kim (khoảng 2,33 ngàn tỷ Euro) giá trị hàng hóa được lưu thông qua vùng biển này, đây cũng là nơi có ngư trường phong phú và nhiều khả năng chứa lượng dầu và khí thiên nhiên với trữ lượng lớn, theo Reuters.
Liên Hiệp quốc nói gì
Biển Đông tiếp giáp Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, theo viện nghiên cứu của Lowy có trụ sở ở Sydney. Tăng trưởng kinh tế khu vực trong mấy năm gần đây đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng tàu vận chuyển hàng hóa qua đây, đó cũng là tuyến đường quan trọng để nhập khẩu hàng hóa đến các nước bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sau những căng thẳng gia tăng giữa các nước này hồi thập niên 1980, Liên Hiệp quốc đã soạn thảo Công ước về Luật biển (UNCLOS), có hiệu lực vào năm 1994.
Thỏa thuận này nhằm cân bằng lợi ích kinh tế và an ninh của các nước liên quan bằng cách chia vùng biển này thành các vùng kinh tế độc quyền – mỗi vùng kéo dài khoảng 200 hải lý tính từ bờ biển của mỗi nước giáp Biển Đông – đồng thời khiến vùng biển còn lại trở thành một vùng biển quốc tế.
Để thực thi luật này, các quốc gia bên thứ ba được phép tiến hành các hoạt động tuần tra quân sự “vì tự do hàng hải”.
Trung Quốc vs thế giới
Mặc dù Trung Quốc là một bên tham gia ký kết UNCLOS, chính phủ nước này tin rằng họ có quyền sở hữu dựa trên lịch sử đối với một vùng biển rộng lớn được đánh dấu bởi đường biên mà Bắc Kinh gọi là “đường chín đoạn”.
Không một quốc gia nào khác công nhận đường chín đoạn và vào năm 2013, một tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết ủng hộ Philippines, sau khi tuyên bố rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của quốc gia này bằng cách vạch ra đường chín đoạn lấn sâu vào vùng kinh tế độc quyền của Philippines.
Căng thẳng đặc biệt tích tụ ở một loạt các hòn đảo không người giữa biển, nơi có tài nguyên thiên nhiên phong phú và ngư trường rộng lớn, được nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền.
Quần đảo Trường Sa gần Philippines, là nơi đứng giữa tranh chấp căng thẳng nhất. Báo Japan Times tường thuật, Bắc Kinh “đã xây dựng một dải radar được kết nối với nhau, thiết bị tấn công điện tử, ống phóng tên lửa và sân bay” trên quần đảo này.
Trung Quốc cũng đã bồi đắp được khoảng 3.200 mẫu đất trên các đảo nhân tạo từ năm 2013 bằng cách sử dụng các phương pháp cải tạo, theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại có trụ sở tại Hoa Kỳ.
“Chiến lược của Trung Quốc đặt ra một thách thức nghiêm trọng cho các nước láng giềng, đặt họ vào thế tiến thoái lưỡng nan trong việc tìm đối sách trước dã tâm bành trướng của quốc gia này”, báo Japan Times cho biết thêm.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tuần trước, ông Pence nhấn mạnh rằng, “hoạt động quân sự hóa và mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp và gây nguy hiểm”, đồng thời “đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia và gây rủi ro cho thế giới”.
Tuyên bố đó đã bị bác bỏ bởi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), bà nói rằng, không có quốc gia nào “cung cấp bất cứ bằng chứng nào về bất trắc trong tự do hàng hải hoặc khi bay qua” Biển Đông bởi hoạt động của Trung Quốc. Để kết thúc cuộc tranh luận theo hướng cho thấy mâu thuẫn còn lâu mới kết thúc, bà nói thêm: “Tôi xin được nhắc nhở ông Pence rằng Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS”.

Nguồn: Tiếng Dân

Bài Liên Quan

Leave a Comment