Trần Văn: Bắt hàng loạt: Vẫn chỉ nhằm gạt dân

Bắt hàng loạt: Vẫn chỉ nhằm gạt dân

Trần Văn

\"\"

Dân oan và nhà báo ‘vây’ trụ sở tiếp dân tại Thủ Thiêm. Hàng loạt vụ bắt giữ quan chức liên quan đến tham nhũng nói chung tại Việt Nam vẫn không thể giải quyết được cái gốc của vấn đề.

 
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đừng xem phòng – chống tham nhũng như một vở kịch, tình thế đã khác.
Vì chỉ muốn biểu diễn quyết tâm chống tham nhũng để… an dân nên hậu quả do tham nhũng gây ra đối với chính trị – kinh tế – xã hội càng ngày càng trầm trọng.
Thật tâm chống tham nhũng, hôm 20 tháng 11, Quốc hội Việt Nam không gạt bỏ các giải pháp xử lý tài sản, thu nhập bất minh ra khỏi Luật Phòng – Chống tham nhũng mới…

***

Sự kiện công an tống giam ba cựu viên chức của chính quyền TP.HCM (ông Nguyễn Hữu Tín – cựu Phó Chủ tịch TP.HCM, ông Đào Anh Kiệt – cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, ông Trương Văn Út – cựu Phó Phòng Quản lý đất đai của Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM) được nhiều người xem là bằng chứng về một đợt “củi – lửa” mới.
Người ta không giấu diếm hy vọng rằng, những Lê Thanh Hải (cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM), Nguyễn Văn Đua (cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM), Tất Thành Cang (Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM), Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch TP.HCM)… rộng hơn là những Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông), Trương Minh Tuấn (cựu Thứ trưởng Thông tin Truyền thông)… đều sẽ thành “củi”.
Giả sử tất cả những cá nhân mà công chúng mong bị biến thành “củi” được thảy hết vào lò thì sao? Thiệt hại do hành vi tham nhũng của họ gây ra đối với kinh tế – xã hội có thể khắc phục được không? Chắc chắn là không! 96 triệu dân Việt Nam và các thế hệ hậu sinh vẫn oằn lưng gánh tất cả hậu quả do dung túng tham nhũng gây ra cả trong quá khứ, ở hiện tại, lẫn tương lai.
Thành ủy TP.HCM có thể chỉ đạo Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Thuận (doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM), hủy bỏ thương vụ bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 34,2 héc đất ở Nhà Bè để tránh bị thiệt hại khoảng 2.000 tỉ đồng nhưng có thể thu hồi những công thổ, công thự ở trung tâm quận 1, TP.HCM mà giá trị cao hơn gấp nhiều lần giờ đã đổi chủ không? Nếu không, ai sẽ gánh chịu những thiệt hại đó? Đốt thành tro bao nhiêu “củi” thì khắc phục được hậu quả?
Tại sao các sai phạm của những Tín, Kiệt, Út, Son, Tuấn… vốn đã được đề cập, bàn luận từ lâu nhưng mãi đến gần đây mới được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nhìn tới? Câu trả lời đơn giản là vì tương quan giữa thế và lực của các băng nhóm quyền lực thay đổi. Thành ra cũng là làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng Phạm Sỹ Quý – em trai Bí thư Yên Bái, Trịnh Văn Chiến – Bí thư Thanh Hóa, Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch kiêm Phó Bí thư thành phố Đà Nẵng,… hoàn toàn vô sự.
Không phải công lý mà tương quan giữa thế và lực của các băng nhóm quyền lực cũng sẽ là lý do Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn,… có thể thoát nạn hoặc chỉ bị phủi bụi ở mông. Luật pháp là một chuyện nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghĩ sao, muốn gì là chuyện khác. Chuyện sau quan trọng hơn chuyện trước.

***

Cho dù các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam liên tục khẳng định: Tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm, chống tham nhũng không có vùng cấm – nhưng Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng vẫn tiếp tục được nâng lên, đặt xuống suốt từ 2015 đến nay vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt: Kê khai tài sản. Kiểm soát tài sản. Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Dựa trên Công ước Phòng – Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption – UNCAC), cách nay vài năm, khi soạn thảo Luật Hình sự mới, bộ phận soạn thảo đã đề nghị xem tất cả những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản là phạm tội “làm giàu bất chính”.
Lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không… đồng tình, Quốc hội phủ quyết nên Luật Hình sự 2015, sau này Luật sửa đổi Luật Hình sự 2015 vào năm 2017 không có tội “làm giàu bất chính”. Đó là lý do hệ thống tư pháp chỉ truy tố – xét xử tướng Phan Văn Vĩnh, tướng Nguyễn Thanh Hóa “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, do không chứng minh được cả hai đã “nhận hối lộ”.
Nếu Luật Hình sự có tội “làm giàu bất chính”, chẳng riêng tướng Vĩnh, tướng Hóa, rồi những Tín, Kiệt, Út,… bị phạt tù “vì tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản” mà các khối tài sản ấy còn bị tịch thu, sung công. Chống tham nhũng lẽ ra phải như thế nhưng làm như thế thì nhà tù không còn chỗ chứa các viên chức phạm pháp và số viên chức mất sạch không cả triệu thì cũng vài trăm ngàn! Chẳng có bao nhiêu viên chức muốn như thế vì đa số đã nhúng chàm.
Thất bại trong việc hình sự hóa “làm giàu bất chính” theo tinh thần của Liên Hiệp Quốc, khi soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, bộ phận soạn thảo, tiếp tục đưa ra một số giải pháp để giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc. nhưng không có giải pháp nào được chấp nhận.
Hồi tháng 9, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam, một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, từng than trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, bộ phận soạn thảo đã đề ra sáu giải pháp để xử lý những tài sản, thu nhập mà các viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc nhưng bốn đã bị gạt bỏ, chỉ còn hai. Tuy nhiên “so với yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng” của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thì cả hai vẫn chưa phải là giải pháp toàn diện, xử lý mỹ mãn (1).
Chuyện chưa ngừng ở đó. Tuần trước, khi hai giải pháp còn lại nhằm xử lý tài sản không thể giải trình về nguồn gốc của những viên chức giàu có bất minh trong Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ có 209/485 (43%) đại biểu Quốc hội đồng ý để Tòa án quyết định về tài sản, thu nhập mà các viên chức không giải trình được. Chỉ có 156/485 (32%) đại biểu Quốc hội tán thành thu thuế thu nhập cá nhân đối với những tài sản, thu nhập mà viên chức không đưa ra được giải trình hợp lý về nguồn gốc (2).
Ngày 20 tháng 11, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng. Luật Phòng – Chống tham nhũng mới vẽ vời đủ thứ nhưng không có bất kỳ qui định nào về xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (2). Cần nhớ, cách nay ba năm, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từng tuyên bố, sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng vì thiếu giải pháp hữu hiệu để xử lý tài sản, thu nhập của các viên chức giàu có bất minh và điều đó sẽ răn đe, ngăn chặn viên chức làm giàu bất chính.
Phòng – chống tham nhũng mà không tán thành bất kỳ giải pháp nào, cả về hình sự lẫn dân sự để xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì phòng thế nào, chống làm chi? Nếu khăng khăng đòi xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải “không gây xáo trộn, không tác động tới ai” thì xét về bản chất, những “lò”, “củi” có khác gì “nhất tiễn hạ song điêu”, một “điêu” là giải quyết mâu thuẫn nội bộ để củng có quyền lực, “điêu” còn lại để lừa gạt về quyết tâm chống tham nhũng?
Chú thích
(1) https://dantri.com.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-nhieu-can-bo-co-tai-san-rat-lon-ma-khong-the-giai-trinh-20180910105202887.htm
(2) http://vneconomy.vn/xin-y-kien-xu-ly-tai-san-bat-minh-khong-phuong-an-nao-qua-ban-20181115105218073.htm
(3) https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/21990/quoc-hoi-thong-qua-luat-phong-chong-tham-nhung-sua-doi
Nguồn: Trần Văn\’s Blog / VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment