Trung Quốc vẫn muốn được đối xử như nước đang phát triển
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn
Trung Quốc sẽ không phản đối những thay đổi nhằm để cập nhật hóa những luật lệ thương mại toàn cầu miễn là những luật lệ đó vẫn đem lại lợi ích cho Trung Quốc với tư cách là một quốc gia đang phát triển, một quan chức Chính phủ Trung Quốc cho biết hôm 21/11.
Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn cũng nói rằng bất kỳ thay đổi nào cũng phải giải quyết chủ nghĩa bảo hộ và việc lạm dụng kiểm soát xuất khẩu cũng như xem xét an ninh – ý muốn nói đến xung đột thương mại của Bắc Kinh với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hồi tháng Sáu, Bắc Kinh đã đồng ý làm việc với Liên minh châu Âu để đề xuất những thay đổi đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết các vấn đề như chính sách công nghệ, trợ cấp và doanh nghiệp nhà nước – tất những vấn đề mà Bắc Kinh chịu chỉ trích. Các quan chức Mỹ than phiền rằng cơ quan trọng tài thương mại quốc tế này quá quan liêu và chậm thích nghi với môi trường thay đổi.
Ông Vương nói rằng mô hình phát triển của mỗi nước “phải được tôn trọng” – ý muốn nói đến kinh tế do khu vực Nhà nước làm chủ đạo của Trung Quốc, vốn đã gây ra nhiều lời than phiền rằng Bắc Kinh vi phạm các nghĩa vụ mở cửa thị trường.
Bắc Kinh đã cáo buộc ông Trump phá hoại hệ thống thương mại toàn cầu với việc đi ra ngoài khuôn khổ WTO để tăng thuế quan vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ông Trump nói rằng biện pháp đó là cần thiết bởi vì WTO không thể giải quyết được những lời phàn nàn về việc Trung Quốc ăn cắp công nghệ, trợ giá và nền công nghiệp do khu vực Nhà nước lãnh đạo.
Trung Quốc “sẵn sàng đảm nhận những nghĩa vụ tương thích với trình độ phát triển của riêng chúng tôi,” ông Vương nói tại một cuộc họp báo.
“Chúng tôi không cho phép các thành viên khác tước của chúng tôi quyền được đối xử đặc biệt và ưu đãi mà các nước đang phát triển được hưởng,” ông nói.
Ông Vương không đưa ra chi tiết về những thay đổi nào Bắc Kinh có thể ủng hộ. Nhưng ông nói rằng cần phải giải quyết vấn đề trợ cấp nông nghiệp – một lời phàn nàn thường xuyên của các quốc gia đang phát triển đối với các nước công nghiệp hóa – và sự phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp nhà nước (ý nhắc đến các giới hạn đối với các công ty của chính phủ Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài).
Thái độ khăng khăng của Bắc Kinh rằng họ vẫn là một nước đang phát triển do đó được hưởng những quy chế đặc biệt mặc dù họ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một nhà sản xuất chế tạo lớn đã khiến các đối tác thương mại của họ bực tức. Điều này có thể làm giảm cơ hội đạt được thỏa thuận về cải cách WTO để làm hài lòng Mỹ, châu Âu và các nước khác.
Nhiều nước cũng lên án chính sách thương mại của ông Trump nhưng lại hòa giọng cùng với Mỹ để chỉ trích những rào cản mà Trung Quốc dựng lên đối với thị trường của họ và chính sách công nghệ.
Washington và Bắc Kinh đã áp thuế trị giá hàng tỷ đô la lên hàng hóa của nhau sau khi Mỹ than phiền rằng Trung Quốc đã đánh cắp hoặc gây áp lực với các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.
Hoa Kỳ cũng phản đối kế hoạch ‘Made in China 2025’ của Chính phủ Trung Quốc để tạo ra những công ty cạnh trạnh trong lĩnh vực tự động và các công nghệ khác. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng điều này sẽ làm xói mòn vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các ngành công nghệ.
Ông Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau trong tháng nào ở Buenos Aires trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 bao gồm những nền kinh tế lớn. Các nhà phân tích khu vực tư nói rằng ít có khả năng cuộc họp này sẽ giải quyết được vấn đề.
Ông Vương không đưa ra chi tiết nào về lập trường đàm phán của ông Trump. Tuy nhiên ông nói rằng Trung Quốc hy vọng các thành viên G-20 có thể “bàn bạc có hiệu quả” về cải cách WTO.
“Trung Quốc hy vọng rằng hội nghị G-20 có thể ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và chống lại chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch,” ông nói.
Ông cũng cảnh báo rằng một vấn đề “đe dọa sự tồn vong của WTO” là tình trạng của các trọng tài để phán xử trong các tranh chấp thương mại. Chính quyền Trump đã ngăn chặn việc bổ nhiệm trọng tài vào cơ quan phân xử của WTO, khiến cho cơ quan này chỉ còn lại ba ghế có người trong số bảy ghế.
Nguồn: VOA