Cô Tursun, 29 tuổi, là người Duy Ngô Nhĩ may mắn được đến Hoa Kỳ sau những lần bị bắt giam và tra tấn tàn bạo ở khu tự trị Tân Cương.
Trao đổi với các phóng viên ở Washington thông qua một dịch giả, Mihrigul Tursun cho biết cô đã bị tra tấn và lạm dụng trong khoảng thời gian bị bắt vào trại giam, nơi mà chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hàng trăm ngàn người dân tộc thiểu số, theo AP.
Cô đã bị tra hỏi trong 4 ngày liên tiếp mà không được ngủ, bị cạo đầu và phải trải qua những đợt kiểm tra y tế trong lần thứ 2 bị bắt giữ ở Trung Quốc vào năm 2017.
Sau khi bị bắt lần 3, cô bị tra tấn tồi tệ hơn. “Tôi nghĩ rằng tôi thà chết còn hơn là trải qua sự tra tấn này và cầu xin họ hãy giết tôi đi,” cô Tursun nói với các phóng viên tại cuộc họp Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington.
Cô kể cô lớn lên ở Trung Quốc, sau đó đến một trường đại học ở Ai Cập để học tiếng Anh. Cô gặp chồng và sau đó có với nhau 3 đứa con.
Năm 2015, cô Tursun đến Trung Quốc sống với gia đình và bị bắt giữ, cô bị chia tách khỏi những đứa con bé nhỏ của mình. Ba tháng sau khi được thả ra, một bé con của cô đã qua đời, còn hai bé kia gặp vấn đề về sức khỏe. Khoảng 2 năm sau, cô bị bắt lần 2. Vài tháng sau khi được thả ra, cô bị giam lần 3 trong 3 tháng cùng với 60 người phụ nữ khác.
Cô kể mọi người phải chia nhau ngủ, sử dụng nhà vệ sinh trước camera an ninh và phải hát những bài ca ngợi Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Ngoài ra cô và các tù nhân buộc phải dùng thuốc không rõ tên, thuốc làm họ bị yếu đi và chất lỏng màu trắng gây ra triệu chứng chảy máu ở những phụ nữ, có người thì bị mất kinh nguyệt. Trong thời gian 3 tháng, 9 người đã bị bức hại cho đến chết.
Một ngày nọ, cô được dẫn vào căn phòng và bắt ngồi trên chiếc ghế cao, hai chân và tay bị khóa. Cô bị đặt một thứ giống như mũ bảo hiểm trên đầu và họ bắt đầu cho điện giật từ trên xuống, toàn thân thể của cô bị rung dữ dội và cô cảm thấy đau đớn đến từng tĩnh mạch.
Sau khi bọt trắng từ miệng trào ra, cô bắt đầu mất ý thức. Việc sau đó cô không còn nhớ gì nữa. Những từ cuối cùng cô nghe được là “mày là người Duy Ngô Nhĩ thì mày là tội phạm”.
Cuối cùng, cô cũng được thả ra và mang con đến Ai Cập, nhưng cô được lệnh phải trở về Trung Quốc. Khi ở Cairo, cô đã liên lạc với chính quyền Hoa Kỳ và đến Virginia định cư vào tháng 9.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc đã bắt giữ tới 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ để thực hiện những gì họ gọi là “thống nhất dân tộc”.
Hôm thứ Hai (26/11), có hơn 270 học giả từ 26 quốc gia đã đưa ra tuyên bố chung và thu hút sự chú ý về “các vụ lạm dụng nhân quyền hàng loạt và các cuộc tấn công có chủ ý vào các nền văn hóa bản địa” đang diễn ra tại Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời khi yêu cầu bình luận.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính rằng kể từ tháng 4/2017, chính phủ Trung Quốc đã bắt và giam giữ từ 800.000 đến hơn 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và những người Hồi giáo khác trong các trại cải tạo chính trị.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các chính sách phản tác dụng này và giải phóng tất cả các trường hợp bị bắt giữ tùy tiện. Chúng tôi cam kết thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người vi phạm nhân quyền và lạm dụng, kể cả xem xét các biện pháp để chống lại các quan chức ở Tân Cương,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Thanh Hiền
Bài Khác
-
Hòa bình cho Ukraina : Trump sẽ « bắt tay » với Putin để chấm dứt sớm chiến tranh ?
Truyền thông Mỹ ngày 11/11/2024 loan tin rằng Donald... -
Các biện pháp khẩn cấp cứu vãn kinh tế của Trung Quốc chưa đủ để trấn an
Đăng ngày: 15/10/2024 Bơm thêm gần 500 tỷ đô la... -
Xung đột ở Cận Đông : Bước ngoặt quan hệ đồng minh Mỹ – Israel?
Đăng ngày: 10/10/2024 Israel dường như ngày càng ít tham... -
Một năm xung đột dải Gaza và những tác động đối với bầu cử Mỹ
Lễ tưởng niệm một năm các nạn nhân loạt...