Chuly sưu tầm
SMARTPHONE VÀ TÔI
Nguyễn Tường Bách
buddha image in iphoneTrong thời đại này, xuôi ngược trên mọi nẻo đường Đông-Tây, ta bắt gặp một hình ảnh mới mẻ. Mọi nơi, mọi lúc, nhất là trong xe lửa, xe bus, tàu điện ngầm… người ta chú mục nhìn vào cái màn hình nhỏ xíu của chiếc điện thoại smartphone. Trước đây người ta cũng đọc sách đọc báo trên xe để tận dụng thì giờ, nhưng sách báo của ngày nọ chỉ là phương tiện tạm thời, không thể so sánh với màn hình của smartphone ngày nay. Điều gì đã xảy ra trong thế kỷ XXI này?
Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một biến chuyển quan trọng trong tâm lý con người, đó là khái niệm “xã hội” hay “thực tại” đang mang những nội dung hoàn toàn mới, đặt nền tảng trên khối lượng thông tin khổng lồ do internet mang lại. Đặc tính nổi bật nhất của những thực tại này là tính chất “ảo” của chúng, chúng chỉ tồn tại trong tâm ý con người. Thế nhưng chúng đang dần dần hiện hữu như thực và đã có nhiều học giả báo động. Điều này làm ta nhớ đến quan niệm của Phật giáo về thực tại bình thường, trong đó, thực tại này đã được xem là “ảo” rồi. Nay, trong thời đại mới, thực tại ảo đang chiếm lĩnh sinh hoạt con người. Tình trạng này có thể được ta gọi là “ảo chồng lên ảo” và thực ra không hề làm các nhà Phật học bối rối. Nhưng hãy nói lại từ đầu.
Cá thể và xã hội
Mỗi con người khi sinh ra đều có xã hội xung quanh và càng ngày càng mở rộng không gian xã hội của mình. Đứa trẻ khi còn trong gia đình thì xã hội của nó là cha mẹ, anh chị em và các thành viên khác. Đến tuổi đi học, không gian xã hội được nới ra thành thầy cô, bè bạn và tất cả những người sống xung quanh nhà trường. Tương tự như thế trong tuổi đi làm, thời kỳ thành lập gia đình, xã hội con người liên tục được mở rộng bằng những số người liên hệ. Khi hoạt động giao tiếp được mở rộng, thông qua du lịch, giao tế, nghề nghiệp… không gian xã hội con người được nhân lên nhiều lần, tinh tế phức tạp hơn, chứa nhiều sắc thái khác nhau hơn. Toàn bộ xã hội của một người có khi được gọi bằng thuật ngữ của đạo Phật là “y báo” của cá thể đó. Trong một số định nghĩa nhất định thì không gian đó cũng được gọi là “thực tại” của người đó.
Từ xưa tới nay, xã hội (như định nghĩa ở trên) được xây dựng bằng sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Các mối tiếp xúc đó chủ yếu thông qua ba tánh: tánh thấy, tánh nghe và tánh xúc chạm để hình thành. Thông qua ba giác quan quan trọng đó, con người thu nhận thông tin bên ngoài, rồi dựa vào suy tư lý luận để tạo nên một thế giới nội tại riêng. Cái riêng đó tạo nên tính cách đặc trưng của mỗi người mà cái tổng hoà của nó có thể tạm gọi là cái Tôi. Cái Tôi đó lại tác động ngược lại vào xã hội bằng tính cách riêng và năng lượng riêng. Qua đó, xã hội và cái Tôi là một sự tương tác qua lại, liên tục chuyển biến, phần lớn nằm trong bình diện vô thức. “Y báo” và “chánh báo” vì thế là một tác động qua lại không bao giờ dừng nghỉ. Tâm “chấp ngã” sẽ xảy ra trong trường hợp này, khi cá thể tin có một cái Tôi trường tồn, độc lập với mọi biến chuyển của xã hội bên ngoài. Tâm”chấp ngã” không hề biết rằng cái mà ta gọi là Tôi chẳng qua nói về một tổng hợp của năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, mà năm uẩn đó hình thành tuỳ theo tác động từ bên ngoài theo luật Duyên khởi.
Cái Tôi và công cụ
Khác với thú vật, con người là loài biết chế tạo và sử dụng công cụ. Trừ một vài loài khỉ biết sử dụng cành cây để hái trái thì hầu như thú vật không có loài nào biết sử dụng công cụ. Ngược lại, con người biết sử dụng công cụ từ rất sớm trong lịch sử phát triển của mình. Ở đây ta hiểu “công cụ” là vật thể ngoài thân nhưng được sử dụng để tăng cường và mở rộng phạm vi hoạt động của thân. Trong thời xa xưa, ta có thể xem cần câu bắt cá, lồng bẫy thú rừng, giáo mác cung tên… là phương tiện gia tăng khả năng hoạt động của thân. Vì khả năng của thân người vô cùng hạn chế, thua xa sinh vật, xưa nay con người mơ ước bay được như chim, lặn sâu như cá, vạn dặm cách xa vẫn nghe nhìn được, những điều mà truyện thần thoại của thế kỷ XX vẫn còn ghi lại.
Ngày nay ai cũng biết, nhờ công cụ mà con người “thấy” được những vật thể vô cùng xa, cách đến hàng triệu năm ánh sáng, và vô cùng bé như nguyên tử. Người tiêu thụ bình thường có thể dùng thiết bị kỳ diệu di chuyển bay lặn khắp nơi, nghe nhìn cách xa vạn dặm. Ta có thể nói, trọng tâm của nền khoa học kỹ thuật của loài người chính là tiến trình chế tạo và sử dụng công cụ, nâng tầm và mở rộng khả năng của thân người trong ba tánh: tánh nghe, tánh thấy và tánh xúc chạm. Một khi ba khả năng đó được mở rộng một cách kỳ diệu thì trí năng suy luận của con người cũng được nâng lên tầm cao mới, đó là cái biết được mở rộng trong mọi hướng.
Do công cụ là “cánh tay nối dài” của mình, con người yêu thích nó như vật bất ly thân. Từ chiếc xe đạp của trẻ, cái cày của nông dân, ống nghe của bác sĩ… cho đến các thiết bị tinh tế trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học, tất cả đều nâng cao khả năng của thân người, đều gia tăng năng lực thêm cho tâm trí. Công cụ thiết yếu như thế cho thân và tâm của con người nên nó là một phần của cái Tôi khi xuất hiện trong xã hội.
Từ thực tại giả đến xã hội ảo
Thực tại giả (simulation) được hình thành trong khoảng giữa thế kỷ XX. Mục đích của nhà thiết kế thực tại giả là tập dượt phản ứng trước trạng huống hiểm nguy bằng những mô hình động. Khoảng từ những năm 70 thì thực tại giả trở thành một môn học hẳn hoi, được thiết kế ngày càng tinh tế. Thực tại giả được biết đến nhiều nhất trong việc huấn luyện phi công trong máy bay chiến đấu hay dân sự, hay trong các mô hình tình huống nhằm đối phó các hiểm hoạ trong các nhà máy phức tạp.
Loại thực tại giả này được thiết kế trên ba tánh, gồm tánh thấy, tánh nghe và tánh xúc chạm của con người. Thao tác viên được đặt vào trong một khung cảnh đóng kín với ánh sáng, hình ảnh, âm thanh của tình huống thực. Thông qua ghế ngồi, dụng cụ thao tác tay chân, độ rung lắc của thiết bị, con người được đặt vào một khung cảnh giả tạo, được lập nên bằng cái thấy, cái nghe và sự xúc chạm của chương trình vận hành. Viên phi công sẽ thấy mình như đang lái máy bay thực và đang sử dụng khí giới chiến đấu chống lại kẻ địch. Thực tại giả này ngày càng tinh tế và dẫn dắt con người đến chỗ thực sự quên mình là ai và sống thực trong một tình huống khác. Ngày nay, loại thực tại giả này được ứng dụng rộng rãi trong nhiều trò chơi tiêu khiển, đáp ứng cho những ai muốn tìm cảm giác mới trong các trò chơi như lái xe, đua ngựa, phi thuyền, tàu lặn…
Loại thực tại vừa kể tuy hấp dẫn giới thanh niên muốn tìm cảm giác lạ nhưng không làm cho người ta mê thích cho lắm. Sau khoảng mươi phút, những ai tham dự trò chơi đều cảm thấy một sự lặp lại nhàm chán vì thiết bị chương trình điều khiển dù quy mô tới đâu cũng chỉ có giới hạn. Ta tạm gọi thực tại giả này là thực tại “cơ khí”, vì tuy chúng có đối đáp với con người nhưng tất cả đều nằm trong vòng tiên liệu của người lập trình.
Từ khoảng 20 năm nay, trên thế giới hình thành một loại thực tại giả khác, đó là các “mạng xã hội”. Trong bài này ta hãy gọi các mạng xã hội này cũng là một thực tại giả, hay gọi nó là “thực tại điện tử”. Đặc trưng của loại thực tại này là chúng chỉ là một khung không gian ảo, bao gồm hàng triệu hàng tỉ người tham gia, nội dung của chúng không do ai tiên liệu cả, chúng bao gồm hàng triệu giao tiếp qua lại, không có quy định gì cả.
Trên cơ sở internet với khối lượng thông tin khổng lồ, truyền trong một thời gian cực ngắn, mạng xã hội được thành lập và cho thấy một điều rất mới mẻ xảy ra trong xã hội con người. Nếu trong xã hội quy ước, người ta giao thiệp với nhau bằng tiếp xúc trực tiếp thì trong xã hội ảo người ta kết thành một cộng đồng trong một không gian tưởng tượng. Nếu trong xã hội quy ước, người ta dùng ba tánh, tánh thấy, tánh nghe, và tánh xúc chạm làm cơ sở để trở thành bạn bè đối tác, thì trên mạng xã hội, người ta dùng “thông tin” để xây dựng quan hệ. Thông tin vượt qua ngưỡng của thấy nghe và xúc chạm để đi thẳng vào Ý. Trong mạng xã hội, con người sử dụng “ý căn” của mình một cách nhanh chóng, giản đơn và đồng thời với hàng ngàn hàng vạn người khác.
Đó là lý do tại sao ngày nay nhiều người, nhất là giới thanh niên, bị mạng xã hội thu hút không sao cưỡng nổi. Chỉ với một phát biểu trên mạng, trong nháy mắt đã có hàng chục lời phản hồi, làm sao người thanh niên không khỏi dán mắt vào màn hình và chờ đợi có ai sẽ nói gì về chính mình. Thông tin trên mạng vốn do tự mình nêu lên về chính cá nhân mình và quan niệm riêng của mình, chúng mang đầy tính chất của tự ngã. Vì thế, đối đáp qua lại trên mạng càng thêm tính hấp dẫn, ngoài khả năng rộng khắp và nhanh nhạy, chúng còn có khả năng vuốt ve và tăng cường cái Tôi, vốn là điểm yếu của con người bình thường.
Smartphone và Tôi
Cũng lý do đó mà ta hãy nhìn lại tính chất của smartphone. Nó không phải chỉ là cái đặt lên bàn để khoe khoang như nhiều người nói đến. Tầm quan trọng của nó trong thời đại ngày nay là nó chính là “công cụ” để vào mạng xã hội, để vào đó nói về cái Tôi và cái của Tôi. Nó chính là chiếc cầu bắc cho Tôi từ một thế giới đầy buồn phiền và cô độc đi vào một không gian ảo diệu, trong đó có hàng ngàn người đang sẵn sàng nghe Tôi tâm sự và nói về mình. Liệu những người kia có “sẵn sàng” thực không thì không ai biết, vì đây chỉ là không gian ảo, họ ở bên kia bờ đại dương. Hay họ là nam mà giả thành nữ, hay họ là già mà khoe mình trẻ, hay họ nghèo rớt mồng tơi mà khoe mình triệu phú. Tất cả đều là thông tin, mà thông tin thì không ai kiểm chứng.
Smartphone là cái Tôi thứ hai của thế hệ ngày nay. Rất nhiều nhà xã hội và chuyên gia giáo dục lên tiếng báo động về tình trạng có nhiều người lâm vào cảnh ghiền nghiện thiết bị nhỏ bé này. Nhiều nhà nghiên cứu về tương lai loài người, nhiều triết gia phân vân về khả năng con người sẽ sa vào các thực tại giả, các xã hội ảo và không còn biết đâu là “thực”. Họ lo ngại, một khi con người được cho vào “chơi” trong một thế giới như thế giới loài bướm chẳng hạn, liệu khi trở về có còn bình thường không? Phải chăng lúc đó người ta sẽ phân vân không rõ mình đã hoá ra bướm hay bướm hoá ra mình như ngày xưa Trang Chu đã nghĩ ngợi thâm sâu.
Nhưng tại sao người Phật tử không hề lúng túng? Những điều đi vào tâm trí, dù thông qua nghe nhìn hay xúc chạm, dù qua thông tin đến với “ý căn”, tất cả đều diễn lại trong đầu con người và mỗi cá thể có một mối quan hệ với những điều đó. Mối quan hệ đó làm nên thế giới, dù đó là nhãn thức, nhĩ thức hay ý thức. Tất cả chúng vốn đều là huyễn, tức là chúng đều do tâm trí của chúng ta phóng chiếu ra ngoài mà thành thế giới. Thế gian thật đã là huyễn cảnh, mà không gian mạng cũng là huyễn cảnh nốt, là cảnh giới “huyễn của huyễn”. Nhưng “huyễn” không có nghĩa là không có tác động; chúng làm nên đời sống, có vui có buồn, có thành công thất bại, có phiền não, có an lạc.
Mạng xã hội là một biến chuyển vô cùng to lớn trong đời sống của loài người, nó sẽ còn biến thiên vô tận và bất ngờ. Trong tương lai, có lẽ chúng ta sẽ có thể còn sống trong nhiều thực tại khác nhau, và vẫn sẽ cho là “có thực”. Nếu hiểu rõ chữ “huyễn” của Phật, con người hy vọng sẽ sống tự tại hơn.
Nguyễn Tường Bách
Thư Viện Hoa Sen