Biển Azov : Mặt trận thứ ba của Nga và \”chiến lược con lửng\”
Eo biển Kertch nối biển Azov và Hắc Hải. (Studio graphique FMM)
Như vậy là 5 năm sau vụ ủng hộ phe nổi dậy ở quảng trường Maïdan, 4 năm rưỡi sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, rồi sau đó là cuộc chiến ở Donbass khiến 10.000 người thiệt mạng, nay Matxcơva đã mở mặt trận thứ ba trong cuộc chiến chống Ukraina. Lần này là nhằm thôn tính biển Azov, « không hơn, không kém ».
Diễn tiến này không làm các nhà quan sát – vốn quan tâm đến tình hình ở thành phố cảng Mariupol, Ukraina – ngạc nhiên. Hồi tháng 10, đặc phái viên của báo Le Monde, Benoît Vitkine, đã mô tả cặn kẽ cách mà Nga siết chặt gọng kìm quanh các cảng biển Azov của Ukraina kể từ khi Matxcơva cho xây trái phép cây cầu nối từ Crimée đến Nga gần eo biển Kertch. Được khánh thành hồi tháng 05, với sự hiện diện của tổng thống Nga Vladimir Putin, chiều cao của cây cầu đã được tính toán kỹ để cản trở nhiều tàu vận chuyển hàng đến hai cảng của Ukraina hay đến đó nhập hàng.
Chiến lược của Nga rất rõ ràng : bóp nghẹt dần dần vùng lãnh thổ này của Ukraina bằng cách ngăn cản các hoạt động nhập hàng hay xuất khẩu qua đường biển, nhất là trong bối cảnh các trận chiến ở vùng xung đột phía bắc thành phố Mariupol khiến sân bay địa phương phải đóng cửa và vận chuyển đường bộ trở nên phức tạp.
Lời tiên đoán nói trên đã đưa ra, nhưng ngoài các nước vùng Baltic và Ba Lan, vốn thường rất nhạy cảm trước các hành động của Nga, thì « sự chú ý của quốc tế » vẫn chỉ là sự chờ đợi. Phương Tây kêu gọi hai bên xuống thang, giảm căng thẳng. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm kêu gọi nguyên thủ Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Ukraina Petro Porochenko hành động hợp lý.
Trong khi đó, tổng thống Ukraina Porochenko cho thông qua thiết quân luật một tháng tại các vùng miền nam nước này. Phản ứng khá chậm, nhưng tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 28/11 đột nhiên dọa hủy cuộc gặp với đồng nhiệm Putin, dự kiến được tổ chức ở Buenos Aires, bên lề thượng đỉnh G20, vào cuối tuần này.
« Chiến lược con lửng »
Trong khi đó Nga lại cho rằng chẳng có gì xảy ra hết. Cần hòa giải ư ? Nhưng mà để làm gì ? Ngoại trưởng Nga phát biểu như vậy từ Paris hôm thứ Ba. Còn tại Berlin, trong một cuộc họp báo, Alexeï Pouchkov, chủ tịch một ủy ban của Quốc Hội Nga, cho rằng cảm xúc mà vụ này tạo ra là « hơi thái quá một chút » và khẳng định « sau một tuần, mọi chuyện sẽ được quên đi ».
Cách nay một năm, một chuyên gia Nga lưu ý trong một bài viết được tổ chức Carnegie ở Matxcơva đăng tải là chính sách đối ngoại của Nga là thực hiện « chiếnlược con lửng ». Con lửng vốn là loài vật « thông minh và hung dữ, nó dùng nanh và vuốt vượt quá cả sức mạnh thực sự của mình. Nó có thể tấn công các con vật ngay từ khi nhìn thấy nếu chúng là một mối đe dọa thực sự với nó, kể cả sư tử, hổ báo hay cá sấu Mỹ. Con lửng không thể giết những con vật đó, nhưng có thể đẩy lui chúng. Con lửng cũng có trí nhớ đáng ngạc nhiên : nó nhớ tất cả những con vật đã tấn công nó, và nó báo thù ».
Thông điệp của tác giả nói trên cho thấy vụ việc giữa Hải Quân Nga – Ukraina hôm 25/11 không phải là một sự cố. Việc Nga khám soát tàu của Ukraina là sự phô trương sức mạnh nhằm thể hiện rằng Matxcơva làm chủ lối vào biển Azov.
Quan chức Nga Pouchkov trấn an quốc tế rằng đó không phải là một giai đoạn thù hằn mới mà chỉ là « sự tiếp nối ». Le Monde kết luận đó là một tin xấu cho Kiev và các đồng minh phương Tây của Ukraina, vì trong khi những nỗ lực của các nước này nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc xung đột ở Donbass vẫn giậm chân tại chỗ, thì Matxcơva không những không mở lối thoát mà ngược lại còn lao sâu hơn vào xung đột.