Chuyện cái quần
FB Nguyễn Thông
Thực ra thì có một thời, thời nghèo đói thiếu thốn ở miền Bắc, phổ biến cụm từ “quần thủng đít” trong ngôn ngữ hằng ngày. Ảnh minh họa
Hôm trước ngồi chơi với mấy bác sồn sồn, cũng độ ngoài 50 trở lên cả rồi. Sau nhiều năm đánh vật với cuộc mưu sinh, nhìn tóc các cụ đã muối tiêu cả, có mấy ông trắng phớ, hiểu rằng thằng cha thời gian rất ác, nó chẳng chừa ai, dù đó là quan chức có cỡ, giám đốc đại gia, hay thằng bét dem cú đỉn như mình. Tự dưng thấy bình đẳng khi ngó tóc nhau. Bao nhiêu năm lăn lộn với đời, mất hết cả tuổi xanh tuổi đỏ, chỉ lời mỗn mái tóc bạc
Một tay gục gặc khoe, ông có biết thằng này không, tôi chơi với nó từ hồi mặc quần thủng đít. Vài người hỏi, quần thủng đít nghĩa là sao, y giải thích là từ hồi còn bé tí, nghèo, thiếu thốn, đến cái quần lành cũng chả có, quần rách thủng lộ cả đít nhưng vẫn cứ mặc. Y giải thích một thôi một hồi, đúng là người bắc có lý luận vẫn khác. Bọn kia phục lăn. Tôi chỉ cười, bởi y đã nhầm, nhưng đang vui, mình chả nên làm giảm sự hăng hái của bạn bè.
Thực ra thì có một thời, thời nghèo đói thiếu thốn ở miền Bắc, phổ biến cụm từ “quần thủng đít” trong ngôn ngữ hằng ngày. Nhưng không phải do nghèo mà đít quần bị thủng. Nói theo cách bây giờ, quần thủng đít là một mô đen, kiểu quần cho trẻ nít. Những đứa vừa qua giai đoạn cởi truồng bắt đầu biết đi thì được thày bu may cho cái quần thủng đít. Gọi như vậy chưa chính xác lắm, đúng ra phải là thủng đáy (quần). Dưới đáy, chỗ con chim, không may bít lại mà chừa một đoạn. Khi mắc đái, thằng bé chỉ việc kéo vòi ra là tè, rất nhanh, không bị đái ra quần. Và cũng nói ngay, quần này chỉ dành cho bọn con trai, chứ con gái không được hân hạnh mặc quần thủng đít.
Nhân chuyện quần, lẩn mẩn nhớ những điều liên quan tới nó, tất nhiên là vào thời đói nghèo, bao cấp, thiếu thốn ở miền Bắc. Biết tới đâu, nhớ điều gì thì biên ra thôi.
Những năm cuối thập niên 50 tới giữa thập niên 70, tôi chứng kiến cuộc sống cực kỳ thiếu thốn. Nông dân quê tôi chỉ mong được ăn mặc đủ đầy nhưng đó là ước mơ xa xỉ, xa vời. Ăn chả mấy khi no, còn đói thì triền miên. Bao nhiêu thóc gạo nộp hết cho nhà nước để nuôi quân đánh giặc. Bụng đói cật rét. Quần áo chỉ bộ nghiêm bộ nghỉ, vá chằng vá đụp. Mấy ông thợ may làng tôi, ông Phúng, ông Cảnh, bác Đúng, sau có thêm mấy vị dân phố sơ tán về sống bằng nghề may, thực ra may chả bao nhiêu mà chủ yếu là vá. Vá tay xấu nên đem tới thợ may vá cho đẹp hơn. Mỗi người lớn chỉ được tiêu chuẩn vải 3,6 mét/năm mua theo tem phiếu nên quần áo mặc tới nát bao giờ không thể vá được nữa thì mới rục. Không có cái quần tây nào thoát khỏi “diện mạo” hai đầu gối và hai mông đít được vá dầy như mo nang, thời bấy giờ gọi là chần, hoặc tích kê. Thợ khéo thì mổ ống quần ra, lót miếng vải vào trong và chần đường chỉ thật dày, những anh vụng thì chỉ đắp miếng vải tiệp màu quần ra phía ngoài và may 4 xung quanh, giống như quần anh Dậu trên phim Tắt đèn.
Nhân nhắc về màu. Quần tây mặc sà sã chịu mưa chịu nắng nên chóng bạc màu. Màu phổ biến nhất là xanh nước biển, sau có xanh sĩ lâm, đen. Thời chiến tranh, lại sống ở nông thôn, màu tối thích hợp nhất. Mặc đồ màu sáng dễ bị máy bay phát hiện. Cán bộ còn kể rằng có hai anh chị đi chơi đâu về, mặc quần áo trắng chở nhau xe đạp ngang đồng trống, áo đã trắng, lại xe đạp ghi đông nhôm ánh lên sáng chói, bị máy bay thấy bắn rốc két chết. Cũng chả biết chuyện có thật không nhưng suốt thời gian dài chả ai dám mặc màu trắng. Lại nhớ, những chiếc xe đạp con trâu (gọi là xe con trâu bởi cao to hơn xe đạp thường) do Trung Quốc viện trợ sơn đen sì từ cái ghi đông tới khung, vành, cả con ốc bé tí, được giải thích rõ để chống phản quang, không cho máy bay Mỹ phát hiện.
Hai loại vải may quần tây là vải chéo và ka ki, đều của nhà máy dệt Nam Định. Bọn trẻ con, học sinh thường chỉ mặc vải xanh chéo. Phải cán bộ, thanh niên, người đi thoát ly có lương mới dám may quần ka ki. Đứa nào có người nhà đi bộ đội thế nào cũng được anh nó cho bộ quần áo cũ, hãnh diện lắm. Năm 1970, ông anh tôi sau gần 3 tháng huấn luyện trên Yên Tử lên đường hành quân vào Nam. Tôi được ông anh cho bộ Tô Châu mới nguyên, thực quý hơn vàng, mặc suốt thời cấp 3 và sinh viên, mãi đến năm 1975 mới bỏ bởi không thể vá được nữa. Điều đặc biệt là vải Tô Châu màu bền kinh khủng, rách vẫn xanh rười rượi. Công nhận vải Tàu tốt thật.
Quần bạc màu quá thì đem nhuộm. Nghề nhuộm là nghề phổ biến ở miền Bắc thời trước 1975 và cả về sau này. Hồi ấy tôi để ý có mấy nghề “sống khỏe” nhờ sự đói nghèo thiếu thốn, là nhuộm, vá quần áo, bơm mực bút bi, bơm vá xe đạp, làm bánh quy gai xốp. Hà Nội và Hải Phòng những năm đó, phố nào cũng nhan nhản dịch vụ đói nghèo ấy. Chính tôi có cái quần tây từng đem ra cửa hàng nhuộm ở Ngã Tư Sở nhuộm những 2 lần, lần đầu nhuộm xanh, về mặc vài hôm bị loang lổ, lại nhảy tàu điện 5 xu từ Mễ Trì vào tận nơi bắt đền. Bà chủ hàng nhuộm giải thích chỉ có nhuộm màu tím than mới không loang thôi, đành tặc lưỡi nhuộm tím than. Mất thêm 2 hào. Quần nhuộm mặc trông như mới nhưng mau rách bởi khi nhuộm thợ cho vào cái chảo gang to đun sôi sùng sục, ngâm nửa tiếng đồng hồ trong chảo ấy thì quần sắt cũng phải mủn.
Lại nhớ lớp tôi hồi ấy đám con nhà nghèo đông lắm. Chỉ trừ mấy cán bộ đi học, hầu như đứa nào cũng mặc quần vá, quần nhuộm. Có hôm, hình như thằng Vương thì phải, đi đâu về bị mưa, khi tới ký túc xá tôi nhìn thấy chân y xanh lè, coi kỹ hóa ra màu quần nhuộm nó bị thôi, dính vào người. Nay thì y là giáo sư rồi, chắc chả nhớ thời hàn vi xanh xao ấy. (còn tiếp)
Nguyễn Thông