Chuly sưu tầm
Trái tim bồ tát giữa đời nhiễu nhương
Trong cuộc sống hôm nay, có những trường hợp nhũng lạm hàng ngàn tỷ tiền mồ hôi nước mắt của dân nghèo, khiến trái tim chúng ta không khỏi sôi sục máu căm hờn. Nhưng cũng có những tấm lòng bồ tát biết cúi xuống từng số phận bất hạnh để sẻ chia nhau từng manh áo, miếng cơm, những câu chuyện đời thường nghe qua mà rơi nước mắt.
Câu chuyện về anh Đoàn Minh Hùng là một trường hợp như thế. Tôi ở không xa anh, cùng chung một quận, thế mà những việc anh làm từ gần 10 năm qua, giờ mình mới biết. Tự trách mình, rồi cũng tự an ủi mình: muộn còn hơn không.
Được biết gia đình anh từ dưới quê lên sống ở vùng ven Sài Gòn, tại số 166 đường Phan Anh, Phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú. Năm 2009, nhìn thấy 2 em học sinh gần nhà phải bỏ học vì nghèo, thương quá, anh gọi chúng qua và dạy chúng học.
Chẳng ngờ lớp học tình thương nhỏ nhoi của anh lớn dần, lớn dần, và đến nay đã có hơn 130 em!
Mỗi em một cảnh đời, có em mồ côi cha hoặc mẹ, có em không còn cả cha lẫn mẹ, có em cha mẹ còn đủ, nhưng vất vả mưu sinh, sáng sớm ra đi, tối mịt mới về. Phần anh Hùng, khi mới trôi dạt lên đất Sài Gòn tìm kế mưu sinh, anh đã làm nhiều nghề, từ nghề sửa cân đến nghề đạp xe ba bánh đi bán đĩa (CD) dạo.
Đời sống ngày càng khó khăn, khi lớp học tình thương đông dần, chỉ việc đáp ứng nhu cầu học tập của các em không cũng đã quá sức, anh Hùng đã ba lần về quê ở huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu để bán đất; hai lần đầu bán hai miếng đất của anh, lần thứ ba, người mẹ già cảm thông với việc làm của con, tặng luôn cho anh miếng đất thuộc quyền sở hữu của cụ để anh bán.
Ngày nay, mỗi buổi chiều, các em đến nhà anh Hùng, là một quán cà phê với 5-6 chiếc bàn, vài mươi cái ghế, ăn bữa cơm chay miễn phí rồi ráp nhau ngồi học. Anh chị mưu sinh bằng quán cà phê nhỏ, khi nào huyết áp không tăng thì anh đến chợ sửa cân cho các bạn hàng, chị Hùng cũng đi bỏ mối vài mặt hàng nho nhỏ để kiếm thêm thu nhập.
Tiếng lành đồn xa, tấm lòng của anh Hùng làm xúc động những trái tim đồng cảm, một số em học sinh, sinh viên, thậm chí cả người dân thường, đã tình nguyện đến để dạy cho các em mỗi ngày. Có em là học trò cũ của lớp, nay lớn khôn, đã trả ơn người thầy cũ bằng việc thường xuyên đến giúp thầy kèm cặp những em nhỏ đến sau. Học trò của anh Hùng cũng có cả những người lớn tuổi, những lao động nghèo, công cuộc mưu sinh vất vả khiến họ quên đi rất nhiều chữ nghĩa đã học. Họ tìm đến lớp học tình thương để rèn lại những gì đã học từ lâu.
Học trò của anh được dạy đúng câu “tiên học lễ, hậu học văn”, trước khi bắt đầu học, các em đồng loạt chắp tay trước ngực niệm Phật nhiều lần. Trong mọi sinh hoạt, các em được chăm sóc, uốn nắn từng lời ăn tiếng nói.
Hiện nay thu nhập của gia đình anh Hùng từ cái quán cà phê nhỏ và tiền bỏ mối rau củ của vợ anh chỉ cáng đáng nổi từ 50% đến 60% tổng chi phí mỗi ngày, nào tiền thuê nhà, tiền cơm chiều cho trên dưới 100 em, tiền điện nước cho lớp học rộng lớn, vì thế anh phải ăn dần vào tiền tích lũy từ việc bán ba miếng đất ở quê nhà. Tôi hỏi thật anh: nếu phải ăn thâm dần như thế thì chừng bao lâu nữa, anh vét sạch hết tiền bán ba miếng đất? Anh trả lời tôi bằng một nụ cười buồn: hai năm nữa!
Hai năm nữa, số phận của gia đình anh ra sao, số phận của hàng trăm em thơ nghèo khổ, ham học sẽ ra sao? Những câu hỏi làm cho lòng ta chùng xuống trong một nỗi buồn khó tả.
Dù chỉ là một nông dân không học nhiều, thật thà, chất phác, nhà nghèo, song anh Đoàn Minh Hùng là điểm sáng rực rỡ giữa cái tăm tối của một xã hội mà chuyện lừa gạt, dối trá, đói nghèo diễn ra trước con mắt chúng ta mỗi ngày. Tôi cúi đầu ngưỡng phục trước tấm lòng cao cả của anh, khi anh hi sinh cả tài sản cuối cùng của gia đình mình để chăm lo cho những trẻ em nghèo bất hạnh.
***
Chị Thuy Le, tôi vui mừng vì chúng ta đã tìm được điều mình mong muốn, có thể đáp ứng phần nào tâm nguyện của chị và những lời gửi gắm chân tình chị đã dành cho tôi. Tôi luôn cảm kích trước tấm lòng của một người Việt tha hương vẫn đau đáu nghĩ đến quê nhà. Tôi thật hạnh phúc khi biết rằng hôm nay, và sẽ còn nhiều hôm sau nữa, chúng ta có dịp mang đến cho những phận đời bất hạnh còn đầy rẫy trong cuộc sống này những niềm vui nhỏ nhoi, giúp các cháu có thêm động lực phấn đấu học tập trong cảnh đói nghèo.