Đi tìm bí quyết giúp các cụ đạt ý nguyện “sống lâu trăm tuổi”

Chuly sưu tầm

Đi tìm bí quyết giúp các cụ đạt ý nguyện “sống lâu trăm tuổi”

‘Sống lâu trăm tuổi’ có lẽ là ước mơ của không ít người, thậm chí còn có người mong được trường sinh bất lão, cả hai đều có thể biến thành hiện thực, chỉ là bạn chưa biết cách mà thôi…
Vậy:

– Các yếu tố làm người già tăng tuổi thọ là gì?
– Làm thế nào để các cụ sống yên vui, khỏe mạnh khi tuổi thọ càng cao?
Ở Pháp từ năm 1990, tổ chức khoa học Ipsen đã tiến hành một công trình nghiên cứu đặc biệt nhan đề: “Đi tìm bí mật của các cụ già trăm tuổi”. Tiến sĩ Michel Allard, Giám đốc y học của tổ chức này đã đăng kết quả nghiên cứu đó trên báo Thời sự Dược học.

Vì sao có đề tài nghiên cứu này?

Từ lâu vấn đề tăng tuổi thọ ở xã hội văn minh được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Theo thống kê ở Pháp, năm 1953 mới có 100 cụ già 100 tuổi, đến 1990 đã có 4.000 người. Nếu tính các cụ trên 85 tuổi, thì vào năm 1990 Pháp đã có 700.000 người (1,2% dân số). Dự đoán năm 2000, nước này sẽ có 1 triệu cụ già trên 85 tuổi. Thống kê khoa học còn dự đoán đến năm 2020, tuổi thọ bình quân ở Pháp là 86,5 tuổi (với nữ giới) và 78,4 tuổi (với nam giới). Trong thế kỷ qua, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng 25 năm, đó là do các tiến bộ và kinh tế, điều kiện vệ sinh, tiến bộ về y dược học (ví dụ phát hiện kháng sinh mới và thuốc tiêm chủng mới…). Tuy nhiên, con người vẫn bị lão hóa theo quy luật tự nhiên và phụ thuộc vào nhiều yếu tố (như nguồn gốc gia đình, cách sống riêng). Công trình nghiên cứu trên muốn góp phần trả lời câu hỏi: Hiện nay sống đến 100 tuổi có phải là niềm mong ước không? Có khoảng 1.000 bác sĩ (nội khoa và lão khoa) tham gia tích cực vào công trình này. Cuộc điều tra tiến hành theo 3 giai đoạn: – Tìm kiếm các cụ 100 tuổi qua phát hiện của thầy thuốc. – Xác định tuổi chính xác của các cụ. – Tiến hành nghiên cứu vì y học và xã hội nhân khẩu học.

Một số kết quả nghiên cứu

Qua phân tích 756 hồ sơ (663 cụ bà và 93 cụ ông), với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức nghiên cứu chuyên khoa như: Tổ chức quốc gia về lão khoa (FNG), Viện nghiên cứu quốc gia về nhân khẩu học (INED), Viện quốc gia về thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE), Hội lão khoa của Pháp (SFG), các nhà chuyên môn đã nêu lên những thông tin trên để góp phần giải đáp 2 vấn đề nêu ở đầu bài:

Kết quả đáng lưu ý là tỷ lệ 7 cụ 100 tuổi nữ giới mới có 1 cụ 100 tuổi nam giới; sự khác nhau rõ ràng cả về số học cũng như về mọi thông số. Điều ngạc nhiên là về mọi mặt, nam giới có tiêu chuẩn khỏe mạnh hơn.Tiến sĩ Michel Allard kết luận một cách hóm hỉnh: “Nếu con người mong muốn sống trăm tuổi thì về mặt thống kê, nên là nữ giới. Nhưng khi đã đạt 100 tuổi thì lại nên là nam giới vì cuộc sống khỏe mạnh sẽ thoải mái hơn”.

Vì sao nữ giới sống lâu hơn nam giới:- Có thể có yếu tố di truyền, và yếu tố thuộc về nữ tính. – Phụ nữ muốn tự bảo vệ và dễ chấp nhận các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
– Nữ giới cảm thấy mình có nhiệm vụ sống lâu hơn vì gia đình và con cháu.

Liệu có gien sống lâu không? Hiện đã tìm thấy gien có liên quan đến tật bệnh làm giảm tuổi thọ. Ở các cụ già 100 tuổi, sự phân phối gien khác so với các nhóm cư dân khác.Tương lai, người ta có thể có thông tin chính xác và cơ bản hơn về các gien điều hòa và điều tiết lão hóa, và có thể định vị những vùng quyết định lão hóa; đến khi đó, sẽ có ngân hàng gien tốt sẵn sàng phục vụ và khi đó con người có thể tưởng tượng tới vấn đề đi thay gien theo ý muốn.Các tiến bộ này sẽ có thể ứng dụng cho các bệnh có gien di truyền cũng như trong lãnh vực lão khoa.

Có thể phác họa hình ảnh điển hình cho cụ già 100 tuổi không?

Kết quả nghiên cứu không đồng bộ và biểu hiện khác nhau ở các cụ. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể phác họa hình ảnh của nhiều cụ 100 tuổi như:

Tính tự chủ cao, sống có trách nhiệm, đi lại gần như bình thường, tinh thần rất minh mẫn.

Có cụ bà sống tới 101 tuổi, đã lao động nhiều, sống không thiếu thốn nhưng không có gì quá đáng, hàng xóm nói cụ vui vẻ, có tính quyết đoán còn bác sĩ gia đình thì nói cụ chưa hề thực sự ốm đau bao giờ.

Dĩ nhiên một người không phải là hình ảnh của cả một cư dân cao tuổi, nhưng những cụ 100 tuổi vẫn khỏe mạnh ở cơ thể, tinh thần và sinh học, sẽ trở thành động lực tích cực cho cuộc đời mỗi người.

***

Nước ta cũng có nhiều cụ đạt 100 tuổi, thậm chí có cụ (đã mất) được coi là thọ nhất thế giới. Tuy nhiên, kinh nghiệm và thông tin về nghiên cứu ngoài nước, có thể làm phong phú thêm những điều ta đã biết về các cụ trong nước. Chắc chắn noi gương các cụ, mỗi người chúng ta có thể rút ra những kết luận bổ ích cho tương lai cộng đồng và cả tương lai riêng mỗi người chúng ta.

Về phần trường sinh bất lão, thực tế chúng ta vẫn có cách, nhưng có lẽ nó thuộc về một phạm trù mà khoa học không tài nào chạm đến được. Bạn có thể tự tìm hiểu và chia sẻ với chúng tôi.

Theo ykhoa.net

Bài Khác

Leave a Comment