Đối phó Trung Quốc: Mỹ, Nhật, Ấn kêu gọi tự do hàng hải tại châu Á
Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump (G), thủ tướng Nhật Shinzo Abe (T) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề G20. Ảnh ngày 30/11/2018. REUTERS/Kevin Lamarque
Hôm qua 30/11/2018, ba nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Achentina, lần đầu tiên cùng lên tiếng kêu gọi tự do hàng hải tại châu Á. Đây là động thái nhằm chứng tỏ sự đoàn kết trước thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Nhật Shinzo Abe và thủ tướng Ấn Narendra Modi – ba nhà lãnh đạo cánh hữu đã gặp gỡ nhau trong vòng 15 phút. Cuộc gặp ba bên này mang tính biểu tượng hơn là nhằm hoạch định chiến lược, nhưng chứng tỏ Mỹ-Nhật-Ấn đều lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Tokyo và New Delhi lâu nay vẫn tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh, trong khi ông Trump đang gây áp lực nặng nề về thương mại lên Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định mối quan ngại về việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố : « Nhật, Mỹ, Ấn đều cùng chia sẻ những giá trị căn bản và lợi ích chiến lược. Khi cả ba chúng ta cùng hợp sức làm việc, thì sẽ mang đến thịnh vượng và ổn định hơn cho khu vực cũng như cho thế giới ».
Về phía thủ tướng Ấn Narendra Modi ghi nhận, ba chữ đầu tên nước bằng tiếng Anh (Japan, America và India), viết tắt là JAI trong tiếng Hindi có nghĩa là « trường tồn ».
Chính quyền Trump ngày càng nói nhiều hơn về « Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở », một khẩu hiệu lâu nay được ông Abe ưa thích. Nhật luôn nhấn mạnh rằng toàn bộ châu Á phải rộng mở cho hàng hải và thương mại. Ấn Độ thì xưa nay luôn tránh liên minh với các cường quốc khác, dù có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ cũng có cuộc gặp riêng rẽ với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Còn tổng thống Mỹ tối nay bàn bạc với ông Tập về các bất đồng thương mại Mỹ-Trung, vấn đề được chú ý nhiều nhất trong kỳ G20 này.