Blogger, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy tâm tình với BBC về cuộc sống và công việc buôn bán cà phê ở Buôn Hồ trước ngày ra tòa hôm 22/11.
Tòa án Nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk dự kiến xử sơ thẩm bà Thục Vy về cáo buộc tội “Xúc phạm quốc kỳ” theo Điều 276 Bộ luật Hình sự 1999.
Bà Thục Vy được biết đến như người sáng lập tổ chức Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, với mục tiêu cổ vũ các giá trị của nhân quyền và ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là nữ giới.
Thông cáo do tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty) phát đi hồi tháng 8/2018 viết: “Thông qua hoạt động và viết blog ủng hộ quyền của phụ nữ, dân tộc thiểu số và nhân quyền nói chung, bà Huỳnh Thúc Vy đã làm việc không mệt mỏi để vạch trần các hành vi vi phạm. Vì điều này, bà và gia đình đã phải hứng chịu sự giám sát, đe dọa và quấy rối không ngừng.”
Bà thường xuyên viết blog về các vụ đàn áp nhân quyền bao gồm cả những vụ đàn áp nhắm tới các sắc dân thiểu số ở Việt Nam.
Bà hiện đang sinh sống cùng chồng và con gái 25 tháng tuổi tại làng Hà Lan A ở Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Hôm 12/11, bà Thục Vy nói với BBC: “Từ khi có con nhỏ, tôi dành nhiều thời gian chăm sóc con nên công việc chung có xao nhãng đôi phần, việc viết lách không còn đều đặn như trước.”
“Tuy vậy, trong lòng tôi, khao khát được sống có ích càng cháy bỏng hơn. Vì giờ mình đã có con, những việc mình làm không chỉ cho chính bản thân mình, bạn bè và cộng đồng nữa, mà còn cho một con người bé bỏng mang huyết thống của mình.”
“Tôi nhận thấy công việc và cuộc sống của mình không những mang lại lợi-hại cho con mà còn là tấm gương cho con trưởng thành.”
“Có nuôi một đứa trẻ từ lúc sinh ra đến khi hai, ba tuổi, tôi mới thấu hiểu rằng để một con người được sinh ra và lớn lên tốn rất nhiều tâm huyết và công lao của cha mẹ, bà con và xã hội.”
“Bởi vậy, nếu một người lớn lên không làm được điều gì to lớn hơn bản thân mình thì thật bội ơn những gì mình được nhận hưởng.”
“Lý tưởng về nhà nước pháp trị, xã hội tự do dân chủ của tôi cũng chỉ bắt nguồn từ nhận thức: Muốn sống có ích, muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng, thứ lợi ích thiết thực nhưng lâu bền và mang tính gốc rễ chứ không chỉ có lợi ích vật chất.”
BBC: Trải nghiệm đặc biệtcủa một người vốn quen với cuộc sống ở thành phố nay sống ở buôn làng là gì?
Huỳnh Thục Vy: Làng Hà Lan A ở Buôn Hồ trong mắt những người chưa từng đặt chân đến là một làng quê vùng rừng núi. Nhưng không phải, theo hiểu biết của tôi, đây là một giáo xứ Công giáo do ông Ngô Đình Diệm khai mở từ 1954, một vùng đất đai trù phú.
Hiện tại, tôi có cảm nhận, mức sống và trình độ dân trí của người dân trong làng Hà Lan A này cao hơn hẳn mức trung bình trong cả nước. Theo tôi, đó là nhờ: Ông bà tổ tiên người Công giáo tỵ nạn Cộng sản; cuộc sống của người dân chỉ phụ thuộc vào việc sản xuất cây công nghiệp (hồ tiêu, cà phê) nên họ khá độc lập về kinh tế, không quá sợ hãi chính quyền; con cái họ sinh ra, lớn lên coi trọng việc buôn bán và nông nghiệp, không trông mong vào làm công chức trong hệ thống chính quyền.
Có lẽ nhờ những yếu tố đó nên nhận thức của họ độc lập hơn và phi Cộng sản. Đa phần người trong làng có smartphone để truy cập Internet.
BBC: Có phải một trong những thử thách đáng kể nhất với nhà hoạt động ở Việt Nam là việc mưu sinh khi mà công chuyện làm ăn, kiếm tiền của họ thường bị làm khó dễ? Bà vượt qua thử thách này thế nào?
Huỳnh Thục Vy: Đúng vậy, đó là thử thách khá lớn. Việc tôi mở kho chứa hàng và trưng bảng hiệu của công ty cà phê AmaRin Coffee của mình ở Sài Gòn từng bị công an gây khó dễ. Họ bắt tôi phải dỡ bảng hiệu công ty xuống. Việc thuê nhà ở của vợ chồng tôi và các em tôi ở Sài Gòn nhiều lần không ổn vì công an gây áp lực cho các chủ nhà trọ.
Họ canh giữ chặt chẽ vào các cuối tuần không cho em trai tôi đi giao hàng cho khách, thậm chí còn nhiều lần đến đập phá chỗ trọ của em tôi. Những sách nhiễu trong cuộc sống hằng ngày và thử thách trong việc mưu sinh đã buộc em trai tôi phải sang Thái Lan xin tỵ nạn. Còn vợ chồng tôi về quê chồng (Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) sinh sống và thay vì bán hàng cà phê sạch có mặt bằng trưng bày thì tôi bán hàng qua mạng. Cuộc sống của vợ chồng tôi đến nay tạm ổn trong sự ủng hộ và bao bọc của bà con giáo xứ Vinh Đức, làng Hà Lan A. Nhưng dường như chính quyền lại muốn bứng tôi ra khỏi mảnh đất lành này, khỏi Tây nguyên, nơi có những người giáo dân ủng hộ tôi và có các anh chị em người Thượng cần Thục Vy làm tiếng nói cho họ.
BBC: Bà trù liệu khả năng phiên tòa ngày 22/11 sẽ kết thúc thế nào và nếu đó là một bản án tù giam thì sao?
Huỳnh Thục Vy: Tôi tin rằng mục đích của chính quyền và công an Đăk Lăk là dùng thủ tục tố tụng và phán quyết của vụ án này để: Đe dọa người dân nơi tôi đang sinh sống. Người dân ở đây yêu mến và ủng hộ tôi. Họ nhìn thấy người dân bảo vệ tôi trong buổi biểu tình chống luật Đặc khu ngày 10/6/2018 nên họ lo sợ đó sẽ là tiền lệ bất lợi cho họ trong thời gian tới; kiềm chân tôi để ngắt các liên kết của tôi với bạn bè người sắc tộc Tây nguyên bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; dùng bản án để áp lực tinh thần gia đình tôi nhằm thúc giục tôi đưa ra lựa chọn rời khỏi Việt Nam.
Chắc họ nghĩ rằng một bản án tù giam 3 năm là vừa đủ để các mục đích trên của họ được thành đạt. Bản án giam tối đa 3 năm đủ nhẹ để không gây tiếng tăm trong cộng đồng quốc tế, họ không thích có một trường hợp Mẹ Nấm thứ hai nữa. Và bản án giam cũng đủ nặng để áp lực tôi bỏ nước ra đi trong thời gian việc thi hành án bị tạm hoãn vì tôi có con nhỏ dưới 3 tuổi. Họ nghĩ rằng thời gian một năm sắp tới bị kiềm chân ở nhà bằng lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú, và chờ con nhỏ đủ 3 tuổi để bị tống giam, tôi sẽ tìm cách bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Người bào chữa cho tôi trong phiên tòa sắp tới, Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho tôi nhiều sự ủng hộ về tinh thần hơn là lời khuyên pháp lý cụ thể vì tôi đã có những chủ kiến riêng của mình trong vụ án này.
BBC: Được biết bà từng viết trên trang cá nhân: “Nếu mình có thể nhắn với anh Trần Huỳnh Duy Thức lúc này, mình sẽ nói: Anh ơi, đồng ý ra đi đi…” Bà có bình luận gì về lựa chọn đi hay ở lại của người tù là nhà hoạt động/giới bất đồng?
Huỳnh Thục Vy: Tôi tin rằng, một người tài giỏi như Trần Huỳnh Duy Thức nếu chọn ra khỏi Việt Nam thì ông sẽ vẫn có những vận động hữu ích cho đất nước. Nhưng tôi cũng vô cùng trân quý nhiệt huyết của ông muốn làm ngọn đuốc giữ ấm mãi tinh thần người đấu tranh trong nước và rọi sáng góc tối tăm Việt Nam cho cộng đồng quốc tế thấy rõ.
Bằng tình cảm chân thật bình thường, tôi ủng hộ ông ấy ra đi, bằng lý trí xét đoán lợi hại trong công cuộc chung, tôi muốn ông ở lại Việt Nam.
BBC: Theo bà dự đoán, tình hình của giới hoạt động tại Việt Nam sẽ thế nào sau ngày 1/1/2019, khi luật An ninh mạng có hiệu lực?
Huỳnh Thục Vy: Theo tìm hiểu của tôi, từ nửa năm nay, dù luật An ninh chưa có hiệu lực, nhiều facebooker đã bị vô hiệu hóa tài khoản hoặc bị gỡ post Facebook.
Tuy không là người bi quan nhưng tôi tin rằng tình trạng bóp nghẹn tự do ngôn luật sẽ còn tồi tệ hơn trong vài tháng tới. Một loạt các nhà bất đồng chính kiến đã bị tống giam sau 2/9/2018 vì bị nghi ngờ tổ chức biểu tình chống Nhà nước. Đến giờ, thân nhân của họ và công luận vẫn chưa biết an nguy của họ giờ ra sao. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam có thể sẽ ngày càng tệ hơn nên giới hoạt động buộc phải có những giai đoạn “nín thở qua sông” để bảo toàn lực lượng.
BBC: Trong hành trình vận động cho quyền con người tại Việt Nam 10 năm qua, bà tự hào mình đã làm được những gì và còn tiếc vì điều gì chưa làm được?
Huỳnh Thục Vy: Tôi nghĩ rằng, so với nhiều nhân vật trong giới đấu tranh khác, những việc tôi làm được không bằng một nửa. Nhưng tôi có may mắn được nhiều anh chị em tiếp sức, trợ giúp nên công việc khá trôi chảy. Tôi tiếc là mình chưa có đủ sức khỏe và sự trưởng thành về tinh thần đủ để hoạt động năng nổ hơn và liên kết với những anh chị em trong nước nhiều hơn nữa trong các hoạt động chung.
—
Câu chuyện về Huỳnh Thục Vy nằm trong loạt bài Global Vietnamese – Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.