Giữ con hay giữ việc? Nữ thực tập sinh Việt ở Nhật phải chọn

Giữ con hay giữ việc? Nữ thực tập sinh Việt ở Nhật phải chọn

 

\"\"

Lao động Việt Nam ở Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình VnEconomy)

 

Nhiều thực tập sinh nước ngoài ở Nhật Bản đang bị dồn vào tình huống phải làm một chọn lựa vô cùng khó khăn. Nữ thực tập sinh lỡ mang thai bị chủ nhân hoặc các tổ chức liên hệ buộc phải chọn: giữ việc hay giữ con?

Trong một số trường hợp, các tổ chức đào tạo để chuẩn bị cho chương trinh học nghề cấm thực tập sinh có quan hệ tình cảm, nếu mang thai sẽ bị phạt vạ. Các chuyên gia pháp lý lo ngại những cách hành xử này có thể cấu thành tội vi phạm nhân quyền.

Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản thuật lại câu chuyện của một thực tập sinh Việt Nam, bị dằn vặt trước quyết định liệu có nên phá thai để tiếp tục làm việc hầu trả nợ cho gia đình, hoặc rời Nhật Bản để có thể giữ giọt máu của mình, rốt cuộc đã chọn giải pháp chạy trốn khỏi nơi làm việc.

Cô gái 22 tuổi đã tìm đến một nhà tạm trú do một tổ chức nhân quyền điều hành ở Tokyo để ẩn náu. Cô tâm sự: “Em có thai hai tháng.” Cô cho biết chỉ phát hiện ra mình có thai sau khi hoàn tất 1 tháng đào tạo tiền thực tập. Theo lời kể thì cha của thai nhi là một người đàn ông Việt Nam cô gái quen trước khi sang Nhật, nhưng ông này đã chối bỏ, nói ông không phải là cha của thai nhi.

Cấp trên của cô ra tối hậu thư và đề nghị có thể cho cô thuốc phá thai nếu cần:

“Phá thai, nếu không tôi sẽ gửi cô về lại Việt Nam. Tùy cô quyết định.”

Xuất thân từ một khu vực nghèo ở miền Bắc, cô gái sang làm việc tại một hãng sản xuất giấy ở Tây Nhật Bản theo một chương trình đào tạo thực tập sinh. Cô cho biết cô quyết định đi Nhật vì gia đình túng bấn do mẹ cô lâm trọng bệnh phải chữa trị, đẩy cả gia đình vào tình cảnh mang nợ nần. Bà của cô đã phải mượn 1 triệu yen, tương đương 8,813 đôla, để đưa cô sang Nhật Bản.

Qua các dịch vụ kết nối mạng, cô thiếu nữ lâm vào đường cùng kêu cứu Sơ Maria Lan, một nữ tu Công giáo ở Kawaguchi, quận Saitama. Và Công đoàn Lao động Zentouitsu thu xếp để cô thoát khỏi tình trạng bế tắc này.

Tại một cơ sở đào tạo tiền thực tập ở miền Tây Nhật Bản, các ứng viên buộc phải ký vào đơn, chấp nhận các điều kiện như “cấm có quan hệ tình cảm với người khác phái.” Các quy định nêu lên rõ rệt “phái nam và phái nữ không được tới phòng thăm viếng nhau.”

Tuy các quy định đó chỉ áp dụng cho các thực tập sinh trong thời kỳ trước thực tập, đơn này còn có thêm một điều khoản đòi hỏi các thực tập sinh phải “tuân thủ các quy định của công ty, vốn về phần lớn cũng tương tự như những quy định của chúng tôi, thế cho nên đừng mất cảnh giác, và tiếp tục tuân thủ các quy định ấy trong 3 năm tới.”

Trong một tài liệu phân phối cho các giảng viên, cơ sở này ghi rõ:

“Nếu muốn sinh con, một nữ thực tập sinh bị buộc phải trở về nước và trả tiền phạt.”

Sơ Lan cho biết bà đã nhận hàng loạt email và điện thoại kêu cứu của các nữ thập sinh người Việt lâm vào cảnh tương tự như trong câu chuyện này. Sơ Lan kể chuyện về một thai phụ 32 tuổi có ý định quyên sinh sau khi chạy trốn khỏi nơi làm việc vì bị chủ nhân buộc phải rời Nhật Bản.

Đền Nisshinkutsu ở một quận nhỏ tại Tokyo đã từng làm lễ tang cho một số học sinh và thực tập sinh chết ở Nhật Bản. Từ năm 2012 tới cuối tháng Bảy năm 2018, đền này ghi nhận có 101 ca tử vong, trong số này có 24 trẻ sơ sinh chết trong bụng mẹ, hoặc bị phá.

Nguồn: VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment