Kế hoạch xây khu tưởng niệm ‘nhà thơ làm kinh tế’ bị phản đối
Một con đường được đặt tên Tố Hữu ở Hà Nội
Nhiều người Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ phản đối kế hoạch tốn hàng chục tỷ đồng để xây khu tưởng niệm ông Tố Hữu, một cố lãnh đạo bị xem là vừa “bóp nghẹt tự do sáng tác” vừa “có vai trò trong việc đẩy kinh tế vào siêu lạm phát” thời nửa đầu thập niên 1980.
Thông tin về kế hoạch xây khu tưởng niệm xuất hiện trên các báo Đại Đoàn Kết và Thừa Thiên-Huế lần lượt vào các ngày 24/11 và 2/12.
Theo hai báo này, Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu” tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tức quê gốc của ông, nhằm “tri ân” những đóng góp của ông cho “sự nghiệp đấu tranh cách mạng” và “xây dựng đất nước”.
Tin cho hay, việc xây dựng khu tưởng niệm, có diện tích mặt bằng hơn 4.200 m2, sẽ được “thực hiện và hoàn thành năm 2019” với số tiền 28 tỷ đồng từ “ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác”.
Nhà thơ có tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920, đã làm “công tác văn nghệ, tuyên huấn” cho chính quyền của những người cộng sản Việt Nam từ năm 1947.
Với nhiều tác phẩm được xuất bản và đưa vào giảng dạy trong trường học, giới tuyên giáo Việt Nam ví “chặng đường thơ” của Tố Hữu là “chặng đường lịch sử của cả một dân tộc”.
Nhờ quá trình công tác, ông được giao “những chức vụ quan trọng”, ban đầu là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và sau đó là trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước.
Tiểu sử được nhà nước công bố cho thấy, ông Tố Hữu từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (tương đương phó thủ tướng).
Ông qua đời năm 2002, thọ 82 tuổi, và được đặt tên đường ở thủ đô Hà Nội và thành phố Huế.
Tuy nhiên, trái với các thông tin chính thống, giới hoạt động vì dân chủ, tiến bộ và các nhà quan sát độc lập khác lại nhìn thấy ông Tố Hữu như một người “đàn áp tự do tư tưởng và điều hành kinh tế kém cỏi”.
Nhiều tài liệu và bài trả lời phỏng vấn các của các nhân chứng trực tiếp hay các nhà nhà nghiên cứu với VOA, BBC, RFA, RFI, v.v… trong các năm qua cho thấy ông Tố Hữu, khi nắm chức trưởng ban Tuyên Huấn trung ương của đảng thời cuối những năm 1950, đã “trực tiếp đứng ra thực hiện” chiến dịch “tiêu diệt” phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm kêu gọi dân chủ, tự do cho giới văn nghệ sĩ, trí thức.
Trong vụ này, theo các nhân chứng như nhà thơ Lê Đạt hay nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, “có trên dưới một chục người” bị lãnh án tù, còn nhiều người khác “bị đưa đi lao động cải tạo tại các công nông trường”.
Về điều hành kinh tế, tên tuổi ông Tố Hữu bị xem là gắn với thời kỳ Việt Nam phải chịu siêu lạm phát, có lúc lên đến hơn 770% vào năm 1986, cũng trùng với các nhiệm kỳ ông nắm chức tương tương với phó thủ tướng thường trực, từ tháng 2/1980 đến tháng 6/1986.
Ở thời kỳ này, người dân truyền miệng nhau câu vè “nhà thơ làm kinh tế, thống chế đi đặt vòng”, để ám chỉ việc ông Tố Hữu được giao thẩm quyền quan trọng hơn trong chính phủ so với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được giao làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình từ năm 1984-1987.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Kienthuc.net.vn vào năm 2013, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói rằng câu vè đó là “một sự chua chát” nhưng lại điển hình của việc “sử dụng năng lực con người không đúng chỗ”.
Bày tỏ ý kiến về kế hoạch xây khu tưởng niệm ông Tố Hữu, nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy viết trên Facebook cá nhân hôm 2/12: “Tôi phản đối […] Gia đình hay ai đó ngưỡng mộ ông ta bỏ tiền xây thì cứ việc, ở khoảnh đất riêng. Không được liên quan đến ngân sách dù ngân sách cấp nào […] Sự nghiệp của Tố Hữu, về chính trị thì bóp nghẹt tự do sáng tác, thể hiện rõ nhất là vụ đánh nhân văn gia phẩm […] Trong xây dựng XHCN [Xã hội Chủ nghĩa] thì ông ta có tác phẩm giá lương tiền, làm xã hội lao đao […] Việc xây tượng đài ông ta mà liên quan đến cái chung thì chỉ chọc giận cộng đồng”.
Dịch giả nổi tiếng Phạm Nguyên Trường, người cũng thường lên tiếng cổ súy dân chủ, tiến bộ, có chung quan điểm phản đối. Ông nói với VOA:
“Tôi thấy ông Tố Hữu chả có công trạng gì với dân tộc cả. Ông ấy phá hoại là nhiều. Tôi cho rằng việc xây dựng là để một số người nào đó kiếm tiền chứ họ cũng chẳng tôn trọng gì ông Tố Hữu nữa vì ông ấy chết lâu lắm rồi mà”.
Ông Trường nêu ra một lý do nữa để phản đối, đó là tình trạng thiếu trường học, bệnh viện ở nhiều nơi, trong đó có chính tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Viết trên Facebook cá nhân hôm 2/12, nhà báo kỳ cựu Đặng Tâm Chánh đã trích dẫn chính một câu thơ của Tố Hữu – “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” – để làm tương phản cho nghịch cảnh đã và đang diễn ra là chính quyền xây “những tượng đài bạc tỉ trong lúc ngân sách vay mượn khắp nơi còn chưa đủ để mở trường học, xây thư viện, làm đường, bắc cầu…”
Ông Chánh, người từng giữ chức Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị và Trưởng ban Chính trị – Xã hội báo Tuổi Trẻ, đưa ra lời kêu gọi: “Dừng lại đi, một cách nghiêm khắc và nghiêm túc, hỡi những người cộng sản”.
Trong các diễn đàn có nền tảng là mạng xã hội, nhiều người ví việc xây khu tưởng niệm ông Tố Hữu nói riêng và các tượng đài các lãnh đạo cộng sản khác nói chung như là “chết rồi còn hút máu dân”.
Nguồn: VOA