Một cuộc biển dâu .

Chuly sưu tầm

Một cuộc biển dâu .

Linh đinh bèo nước biết về đâu?
Ðậu bến An Giang thấy những rầu,
Bảy Núi mây liền, chim nhíp cánh,
Ba dòng nước chảy, cá vênh râu.
Có rau nội quạnh, dân xanh mặt,
Không trái bần khô, khỉ bạc đầu…

Cử nhơn Phan Văn Trị .
Lão Bích day mặt qua một bên. Nắng đổ xuống từng đóm lửa đỏ như mấy cục sắt trong lò rèn mới rút ra, chóa lên rồi bay bổng xa dần, trở nên phiêu diêu, mát rượi như bầy đom đóm vô hình bay trong đêm. Ðúng ba ngày rày, lão chỉ uống nước chớ không ăn một hột cơm nào. Hai hôm đầu, lão lấy cớ lả mệt. Hôm sau, đứa con lão bới cơm đầy chén, lão hứa sẽ ăn khi khỏe người. Chờ khi nó nằm ngủ trưa, lão đổ cơm trở vào nối, thảy xuống nước vài hột để nhìn bầy cá linh bu lại giành mồi, phóng mình lên… Giờ phút này, bụng dạ của lão thơ thới lạ thường, không biết đói là gì. hay là nó đã tê liệt rồi? Nhịn đói năm ba ngày liên tiếp không phải là một lý do đầy đủ để chết; sức người chịu dai lắm nếu hãy còn cảm giác biết đói. Ðằng này lão không đói nữa: phân nửa thân xác của lão, từ ngực trở xuống, dường như đã lìa. Từ ngực trở lên, qua hơi thở phơn phớt, lão ngỡ chỉ còn lớp da nhăn bọc xương khô. Bịnh lão hoành hành từ mười năm qua đã giúp lão trút nhẹ lá phổi, duy còn đôi mắt và hai lỗ tai. Nhưng hai giác quan này đã biến đổi, hư hao quá nhiều. Bây giờ là ngày hay đêm? Ở đây là biển trần khổ hay là ở trên bồng lại? Trong mớ ánh sáng lung linh, dường như có muôn ngàn gương mặt khác nhau hiện ra không rõ rệt, dịu hiền như ngọc nữ kim đồng, trong tiếng tiêu, tiếng sáo, tiếng đờn cò, giữa bầy phụng hoàng bay lượn.

Thằng Kim, đứa con lão, quát to:

– Quạ! Quạ đừng!

Lão Bích giựt mình thở phì phào:

– Quạ à? Vậy mà cha tưởng là…

Thằng Kim bò trên xuồng, hươi dầm định đập lũ qua đang liều lĩnh bu lại mũi xuồng. Lão Bích lắc đầu:

– Nó muốn rỉa xác tao thì cứ rỉa. Coi chừng chìm xuồng… Rán bơi tới nữa… Con ơi!

Rồi lão nắm tay nó mà kéo lại sát mặt:

– Thấy chòm cây, xóm nhà nào trước mặt không? Hừng sáng rồi hả?

Thằng Kim hoảng hồn, đoán rằng cha nó đang hấp hối. Mặt trời sắp lặn. Nó bơi mạnh. Qua lượn sóng to này nó hồi hộp, chưa kịp nghỉ tay là lượn sóng khác tràn tới. Ðằng xa kia, ẩn hiện trên ngọn sóng ngọn lúa xanh rì. Từ hồi sáng, mặc dầu nó bơi liên tiếp, cảnh vật chung quanh vẫn y hệt. Nước chảy hăng, tràn lan từ bờ sông Hậu Giang ra vịnh Xiêm La, chảy mãi về hướng Tây. Nó thắc mắc: nước ở đâu mà nhiều quá, ngập đồng ruộng, sâu cỡ hai thước, mênh mông không bờ bến như biển khơi. Hồi hôm qua, lão Bích dẫn giải:

– Ðây vùng ruộng sạ thuộc tình Long Xuyên. Hằng năm, nước lên vài tháng rồi giựt xuống. Ði tắt như vầy hơi cực nhưng không ai xét giấy thuế thân.

Giờ đây, nó mới hiểu rõ sự thật của tiếng “hơi cực”. Nhớ lúc đi qua phá Ðại Ngãi để vượt ngang sông dài Hậu Giang, nước sâu, sông rộng nhưng nó cảm thấy đẽ thở hơn. Sông rộng có giới hạn, bơi non một giờ là qua khỏi; giữa sông nhiều cù lao nổi lên giúp người đi đường vững tinh thần, rủi chìm xuồng thì lội vô cù lao. Vùng ruộng sạ này có khác! Bờ Bến ở tận chơn trời, nước tuy cạn nhưng có thể giết người, nạn nhân dầu lội giỏi, vượt năm bảy ngàn thước cũng không tìm được một căn nhà sàn, một ngọn tre mà nương tựa.

Mặt trời xuống, ngày một thấp. Và rặng cây ban nãy biến đâu mất rồi? Nó tự hỏi. Mặt nước xanh tươi, đám ruộng sạ của ai hiện ra hàng trăm công đất. Lạc vào đó e ngọn lúam vướng vào dầm khó bơi, nó quay xuồng qua phía tay mặt. Sóng gió đà dịu xuống. Phía trước mũi xuồng, lố nhố những đốm đen ngòm, chuyển động như giăng ngang kin1 chân trời.

Lão Bích nói vọng lại, yếu ớt:

– Thấy bờ bến gì chưa?

Nó nghiêng tai nghe tiếp.

– Ba để lại cho con cái áo này… Yếu quá… ba ngồi dậy cổi áo không được. Con..

Nó trố mắt. Hai chân của cha nó im lìm như khúc gỗ bỗng nhiên cựa quậy, giãy dụa.

– Sao… sao không cha?

Thằng Kim la rú lên, bò tới. Tay chân ba nó đã lạnh ngắt, mặt thì xanh đen. Nó khóc không nên tiếng, nước mắt nước mũi cứ tuôn xuống.

Ðằng xa… xóm nhà hiện ra. Nó rú lên. Nhưng tiếng hú nghẹn trong cuống họng. Chụp cây dầm, nó quơ lên trời làm dấu hiệu.

… Một chiếc xuống ba lá rẽ nước tiến lại, người ngồi trên xuống quát lớn:

– Gì vậy? Té xuống ruộng hả?

– Không! Ba tôi chết rồi.

Khách nọ ngồi xuống, rờ vào lão Bích rồi nhìn thằng Kim:

– Ở đâu tới vậy? Tội quá. Người này là ba của chú em à?

– Dạ ở cù lao Ông Chưởng…

Khách lẩm bẩm:

– Thì cũng ở trong vòng tỉnh Long Xuyên… Biết sao bây giờ! Ði đâu mà lỡ đường như vậy? Có bà con với ai gần đây không?

Thằng Kim chắp tay lại:

– Ông giúp dùm tôi. Không ai hết. Không ai hết.

– Ðể coi.

Khách quay lưng, đưa tay ngoắc chiếc xuồng phía sau. Thằng Kim đã hiểu những lằng đen ở chân trời khi nãy là bầy trâu vô số kể đang lặn hụp. Trâu quậy, sóng nước chuyển nghe đùng đùng. Hơi trâu thở khì khì như cây rừng khi nổi gió. Hàng trăm cặp sừng cong vòng, nhọn lễu nhô trên bộ mặt ngơ ngác ba góc, giống hệt những trái ấu khổng lồ.

Khách bảo em bé ở xuống sau:

– Ðừng cho trâu đi theo. Không khéo chìm xuống người ta bây giờ! Mày đẫn chú này lại chòi ông Hai Tích…

Ðứa bé đáp:

– Rồi ai coi chừng trâu phía sau?

Khách ngẫm nghĩ:

– Vậy thì mày đưa một đỗi, gần tới nhà Hai Tích thì hú một tiếng cho ổng hay. Rồi trở ra lẹ. Ngoài này tao len trâu chậm chậm chờ mày…

Rồi day lại thằng Kim:

– Chú em đi với em này lại nhà quen của tôi. Họ giúp giùm cho.

° ° °

Em bé bơi trước. Thằng Kim theo sau, trong dạ buồn điếng nhưng cũng khuây khỏa được ít nhiều. Nó cúi đầu nhìn: tay chân cha nó đã rút lên, mặt nghiêng một bên khuất dưới cái nón lá; có lẽ khi nãy ông khách nọ đã chú ý đậy mặt dùm cho nó.

Ông khách bỗng bơi xuống theo, kêu nó:

– Ngừng lại nghe tôi căn dặn: thằng nhỏ đó sợ ma lắm. Chiều rồi, đừng cho nó thấy. Chú em lấy cái nóp này của tôi đem về nhà ông Hai Tích. Không chừng sáng mai tôi về tới. Ðừng buồn. Ông Hai Tích cũng như tôi…

Hai căn chòi nằm lú trên mặt nước. Khói cơm bay tỏa cuồn cuộn, tản mác trở về phía mặt trời mọc. Quạ đậu sắp hàng trên nóc nhà, há mỏ kêu rồi bay bổng vòng quanh xuồng. Em bé rú lên:

– Ông Hai ơi! Có khách của chú Tư Lập nè!

Rồi nó quày quả trở lại. Thằng Kim nói:

– Cám ơn.

Ðứa bé nhìn lại trong xuồng thằng Kim:

– Sao ông này nằm hoài… Kêu ổng thức dậy, tới bến rồi!

Thằng Kim méo mặt, nước mắt lại tuôn xuống. Như đoán được trách nhiệm giao phó nãy giờ, đứa bé rùng mình, la lên một tiếng “trời” rồi bơi đi tuốt.

Nghe thằng Kim thuật lại hoàn cảnh của cha nó, ông Hai Tích thở dài, gọi bà Hai nấu cơm thêm để thằng Kim cùng ăn. Thằng Kim nuốt không vô; hồi xế trưa đến giờ tâm trí nó bận rộn vì một câu hỏi mà nó không dám thốt ra: “Chôn ba nó ở đâu? Làm sao mà chôn?”. Bà Hai gọi ông Hai ra phiá sau. Hai vợ chồng nói qua lại thì thào. Ông Hai trở ra:

– Ý của cháu như thế nào? Miệt này, mùa này ai rủi ro thì cũng vậy. Bác coi cháu như người nhà nên mới nói thiệt. Phải chôn gấp nội chiều nay, lòng vòng chờ sáng mai không lợi ích gì.

Thằng Kim hỏi:

– Thưa bác, chôn ở đâu?

Ðoán được vẻ lo âu sợ hãi ấy, ông Hai Tích ngập ngừng:

– Nói chôn cho đúng tục lệ chớ đất ở đâu mà chôn? Tứ bề là nước. Có hai cách: một là xóc cây tréo ở giữa đồng rồi treo lên mặt nước, chờ khi nước giựt mới đem chôn lại dưới đất. Như vậy mất công lắm, diều quạ hoành hành. Chi bằng bó xác lại rồi dằn cây dằn đá mà neo dưới đáy ruộng…

Thằng Kim đập đầu xuống sàn nhà, hai tay bứt tóc:

– Trời ơi, phải biết vậy, ba tôi đi tới xứ này làm chi…

Bà Hai Tích rưng rưng nước mắt:

– Cháu đừng khóc. Trời định vậy. Ở đây ai cũng vậy; người có của, ai tới xứ này? Trách cha, trách mẹ, trách trời là thêm tội. Cháu thắp nhang đi, lạy không được thì xá ba xá. Bác ra tay dùm. Trời chạng vạng, lát nữa tối tăm, khó lắm.

Bước ra sau hè để coi bóng mặt trời rồi ông Hai Tích lật đật trở lại phía trước, tay cầm chai rượu. Ông dở cái nón che mặt lão Bích, phun rượu kéo tay chân xác chết ra cho ngay ngắn.

Hai chiếc nóp gói kín xác kẻ bạc mạng. Bà Hai vào nhà rút mười sợi dây choại, chuyền xuống. Sau rốt, hai ông bà lum khum khiêng xuống suồng cái thớt trên của cây cối xay lúa cũ.

Xuồng rời khỏi nhà, mỗi lúc một xa. Thằng Kim khóc đòi đi theo… để tự vận. Bà Hai Tích nói:

– Lớn rồi, cháu không phải là con nít nữa mà đòi liều mạng dại dột như vậy. Coi như là xong một cái tai nạn…

Thỉnh thoảng, ông Hai Tích day mặt lại, khoát tay như ra dấu bảo người trong nhà đừng trông theo. Biết cử chỉ của mình vô hiệu quả, ông cho xuồng tẽ qua một bên hông trong nhà không ai nom thấy cảnh tượng đau xót cuối cùng. Ðôi mắt thằng Kim mở rộng, trừng trừng. Cả mặt nước giờ đây hiển hiện như con ác thú khổng lồ há miệng ra nuốt trọn thân xác cha nó rồi ngậm miệng lại, giận dữ vì chưa no. Nhưng chỉ giây phút thôi! Mặt nước trở lại yên tịnh, phải chờ khi da trời tỏ rạng sao Hôm, nắng vàng chìm xuống, cơn gió Nam mới nổi lên lần nữa, triền miên đến khi gà gáy văng vẳng.

Ngay bàn thờ giữa, khói hương cháy đỏ. Ý của ông Hai và bà Hai là cầu siêu cho vong hồn người bạc mạng. Phần thằng Kim thì sau khi uống trọn gáo nước lạnh, nó nằm ngả trên sàn, mệt lịm, ngủ tự hồi nào. Nó mớ. Nó trở mình đấm tay, đạp chân nghe rầm rầm. Ông Hai, bà Hai lấy chiếc chiếu đắp cho nó.

Bà Hai nói:

– Tội nghiệp. thân nó đơn chiếc mà gặp cảnh này…

Ông Hai cau mày:

– Biết vậy thì tại sao hối nãy bà tiếc cái cối xay lúa? Bộ bà muốn cho ba nó nổi sình lềnh trên mặt nước hay sao?

– Ðừng nói nữa ông ơi. Tới mùa nước giựt, bề nào ông cũng rán nhớ hốt xương, chôn cất kỹ lưỡng dùm nó. Tôi khổ lắm…

Ông Hai hớp miếng rượu:

– Không cần… Ðất ruộng này rải rác, Lũ khũ… xương người ta với xương trâu, thứ trâu “len” đi xa bị bịnh mà chết dọc đường. Tới mùa cày ruộng, năm nào cũng vậy, tôi gặp xương đó hoài.

– Rồi ông làm sao?

– Thì cày đất lấp lại cho lúa sạ mọc lên. Mình cứ tưởng đó là xương của người hồi đời Bàn Cổ… Chớ nhìn nhận rằng nó còn tươi trẻ hơn bộ xương mà mình đang mang đây thì… mình phải suy nghĩ cho phận làm người của mình quá! Mấy bữa đó, tôi buồn, về nhà khảo tiền của bà để mua rượu uống, bà không hiểu nên rầy tôi… Bà nhớ không?

Thằng Kim lại trở mình, đập tay xuống sàn nhà…

Sơn Nam.

https://www.facebook.com/chuly.tran.1/videos/2234580880144863/UzpfSTEwMDAwNTEyMzcwNDE2MDoxMDY5Nzk1NjY5ODY3ODgw/

Pause
-32:21
Additional Visual Settings
Click to enlarge
Mute

Bài Khác

Leave a Comment