Bố mẹ “giật mình” khi đọc được ước mơ của con trẻ

Chuly sưu tầm

Bố mẹ “giật mình” khi đọc được ước mơ của con trẻ

Nếu là cha mẹ, bạn có giật mình trước lá thư bày tỏ nguyện vọng này của bé: “Ước gì con là chiếc điện thoại thông minh”.

Nếu ai đó hỏi bạn về kí ức mà mình trân quý nhất thuở thơ ấu bên cha mẹ, bạn sẽ nhớ đến kỉ niệm hay khoảnh khắc nào?

Phải chăng đấy là khi ba bạn dạy bạn chơi thể thao? Hay là khoảng thời gian được mẹ “kèm cặp” làm bài tập về nhà rồi thưởng cho bạn những món ăn ngon sau đấy? Cũng có thể là một buổi dã ngoại cùng đại gia đình hoặc đơn giản là 1 ngày “lười biếng” nằm bên nhau trên ghế sofa và cùng xem TV? Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ quãng thời gian gắn bó bên gia đình, cảm thấy thực sự hạnh phúc, được bao bọc trong yêu thương, hài lòng và mãn nguyện.

Quay về thực tại – thời đại của công nghệ tân tiến ngày nay, nếu con cháu chúng ta được hỏi câu hỏi tương tự về kí ức tuổi thơ gắn liền với gia đình, không biết chúng sẽ liên tưởng đến kỉ niệm nào? Liệu đó có phải là khoảng thời gian mà chúng ta cho phép chúng sử dụng điện thoại của mình để chơi điện tử?

Mời bạn đọc tiếp câu chuyện buồn sau đây:

Sau bữa ăn tối, cô giáo viên bắt đầu chấm điểm bài tập về nhà của học sinh. Lúc đó, chồng cô đang quanh quẩn với chiếc điện thoại trên tay chơi trò điện tử yêu thích: “Candy Crush Saga”. Sau khi kiểm tra xong bài tập cuối cùng, nước mắt bỗng tuôn trào từ mắt cô.
Chồng cô nhận ra tiếng khóc, anh ân cần hỏi: “Tại sao em lại khóc vậy, em yêu?”, “Chuyện gì đã xảy ra?”
Cô trả lời: “Hôm qua em giao bài tập cho học sinh về đề tài: ‘Điều ước của con…’”
“Được rồi, nhưng tại sao em lại khóc”, chồng cô tiếp tục hỏi, nhưng không thể rời mắt khỏi điện thoại.
“Bài văn cuối cùng đã khiến em vô cùng xúc động”, cô đáp lại.
Câu trả lời khiến chồng cô tò mò hơn và hỏi, “vậy trong bài văn đã viết những điều gì mà có thể khiến em khóc?”
“Hãy lắng nghe nhé”, cô vợ vừa sụt sịt vừa bắt đầu đọc.

“Điều ước của con là được trở thành chiếc điện thoại thông minh. Ba mẹ con yêu điện thoại nhiều lắm. Cả hai đều quan tâm đến nó nhiều đến mức đôi khi họ đã quên dành tình yêu thương cho con. Khi ba trở về nhà sau cả ngày đi làm vất vả, ba không muốn chơi với con nhưng luôn có thời gian ở bên chiếc điện thoại. Dù là lúc cả hai ba mẹ đều bận làm việc đến mấy, nhưng chỉ cần chiếc điện thoại kêu 1 cái thì đã được quan tâm, nhưng không phải con … kể cả khi con khóc. Ba mẹ còn thích chơi điện tử trên điện thoại cơ, chứ đâu còn muốn chơi với con. Còn lúc ba mẹ nói chuyện với ai đấy trong điện thoại thì ba mẹ sẽ không bao giờ lắng nghe con nói, dù đấy có là điều vô cùng quan trọng. Nên … con ước mình được biến thành chiếc điện thoại thông minh của ba mẹ”.

Sau khi lắng nghe xong bài viết, chồng cô đã rất cảm động và hỏi: “Ai đã viết bài này?”
Người vợ nhìn anh và nói, “con trai chúng ta”.

Các bạn thấy đấy, chúng ta không nên ưu tiên những thứ vật chất để đánh đổi lấy hạnh phúc gia đình và sự gắn bó giữa các thành viên. Điện thoại di động chỉ nên là thứ công cụ hỗ trợ cuộc sống chứ không phải để cai trị chúng ta. Bây giờ chưa phải là muộn để tìm lại những giá trị đích thực về “thời gian gia đình”, quay về những ngày thơ ấu, khi mà chúng ta không bị dán mắt vào mạng internet và trò chơi điện tử.

Hãy quên chiếc điện thoại đi trong chốc lát. Nói chuyện với con của bạn, vị hôn phu hay người bạn tâm tình của mình. Nói chuyện với những người bạn trân quý và giúp họ cảm thấy được yêu thương. Và như vậy, bạn cũng sẽ nhận lại được tình yêu từ họ, thứ tình yêu đích thực mà chiếc điện thoại kia không bao giờ có thể mang lại.

Hãy cùng chia sẻ câu chuyện này đến những người yêu thương và thức tỉnh những ai đang đắm chìm trong thế giới di động.

Bình An, dịch từ EliteReaders.com

Bài Khác

Leave a Comment