Pháp : Hiệu ứng ‘‘quả cầu tuyết’’ của phong trào Áo Vàng

Pháp : Hiệu ứng ‘‘quả cầu tuyết’’ của phong trào Áo Vàng

Thùy Dương / RFI

\"\"

Những người biểu tình thuộc phong trào Áo Vàng trên đại lộ Champs-Elysées ở thủ đô Paris, ngày 24/11/2018.Bertrand GUAY / AFP

 

Nước Pháp đang « dậy sóng » với phong trào đấu tranh Áo Vàng (« Gilets jaunes »). Nhiều người nhận định cuộc khủng hoảng Áo Vàng là một trong những hồ sơ gây bùng nổ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Emmanuel Macron. Phong trào Áo Vàng xuất phát từ đâu, được tổ chức như thế nào, có gì khác biệt với các phong trào đấu tranh xã hội trước đây tại Pháp ?

Từ phong tỏa các giao lộ, kho xăng dầu để chống tăng thuế nhiên liệu, giờ các yêu sách của phong trào Áo Vàng đã tăng lên đến khoảng 40 điều. Họ biểu tình đòi cải thiện mãi lực, tăng thu nhập tối thiểu, thậm chí yêu cầu giải tán Thượng Viện, đòi tổng thống Emmanuel Macron từ chức… Các nhà quan sát đặc biệt chú ý đến hiệu ứng « quả cầu tuyết », hay tính chất lan tỏa mau lẹ của phong trào thông qua mạng internet. Ông Eric Drouet, một trong những người khởi xướng phong trào, cho biết chỉ trong hai ngày nghỉ cuối tuần (17 và 18/11), số người đăng ký tham gia biểu tình trên Facebook tăng từ hơn 10 nghìn người lên gần 100.000.
Mạng xã hội : Nơi khởi nguồn phong trào
Trước tiên, nói về nguồn gốc, nhiều người vẫn nghĩ ngày 17/11/2018 là thời điểm khởi đầu của phong trào đấu tranh Áo Vàng chống tăng thuế xăng dầu, nhưng thực chất đó là ngày thứ Bảy đầu tiên diễn ra tổng biểu tình và phong tỏa các trục lộ giao thông, kho xăng dầu, với sự tham gia của gần 288.000 người.
Lùi xa hơn nữa, vào tháng 05/2018, cô Priscilla Ludosky, 32 tuổi, sống ở vùng ngoại ô Paris Seine-et-Marne, quản lý một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên mạng internet, nhận thấy giá xăng dầu tăng vọt. Cô tìm hiểu trên mạng internet và phát hiện ra rằng 2/3 giá xăng dầu là do thuế. Và Priscilla Ludosky tung đơn kiến nghị lên mạng xã hội Facebook, nhưng ý tưởng của cô gần như không được chú ý nhiều. Cho tới mùa thu, khi một phóng viên của báo địa phương La République de Seine-et-Marne liên hệ với Priscilla Ludosky để viết về kiến nghị của cô, đơn kiến nghị của Priscilla Ludosky trên Facebook mới thu được 700 chữ ký ủng hộ, trong khi cô hy vọng đạt được 1.500 chữ ký.
Trong khi đó, cũng ở vùng Seine-et-Marne, Eric Drouet, một lái xe đường dài 33 tuổi, chán ngán về tình trạng xăng dầu tăng giá, đã quyết định cùng hiệp hội tài xế Muster Crew tập hợp người đấu tranh bằng cách tổ chức một chuyến đi bằng xe cơ giới trên các đường vành đai Paris vào ngày thứ Bảy 17/11. Vợ của của Eric Drouet tình cờ đọc được bài báo viết về Priscilla Ludosky trên báo địa phương La République de Seine-et-Marne và kể cho anh nghe. Ngay lập tức, họ liên lạc với Priscilla Ludosky và chia sẻ kiến nghị của cô trên trang Facebook của mình. Rồi Eric Drouet và Priscilla Ludosky quyết định tổ chức một phong trào đấu tranh chung.
Ngày 21/10/2018, tờ Le Parisien viết bài về ý tưởng chung của Eric Drouet và Priscilla Ludosky. Các báo khác chia sẻ thông tin từ báo Le Parisien. Hiệu ứng « quả cầu tuyết » bắt đầu. Eric Drouet kể với FranceInfo là chỉ trong hai ngày nghỉ cuối tuần đó, trên Facebook số người đăng ký tham gia biểu tình ngày 17/11 tăng từ 13.000 người lên thành 93.000. Cũng chỉ trong vài ngày, số người ký đơn kiến nghị chống tăng thuế xăng dầu tăng từ 10.000 người lên thành 200.000 người.
Tại sao phong trào mang tên Áo Vàng « Gilets jaunes» ? « Gilets jaunes» là những chiếc áo phản quang màu vàng mà mọi người lái xe phải có sẵn trong xe phòng khi xảy ra tai nạn trên đường thì mặc vào, ra khỏi xe để các tài xế khác dễ nhìn thấy, kể cả ban đêm, để giúp đỡ và cũng để tránh đâm vào họ. Như vậy, nói một cách hình ảnh, chiếc Áo Vàng tượng trưng cho điểm chung của các tài xế – những người đi đầu phong trào đấu tranh tập hợp tại các giao lộ, đòi chống tăng giá xăng dầu và cũng là để truyền tải thông điệp về những khó khăn của họ.
Do không thể tổ chức cho hàng trăm ngàn người lái xe đến tận Paris, hơn nữa, nhiều người trong nhóm cũng không có đủ tiền mua xăng đi 600 km đến tận thủ đô, nên nhiều người tham gia phong trào tranh đấu quyết định tiếp tục tổ chức phong tỏa một số trục lộ trong địa bàn tỉnh thành nơi họ sinh sống.
Các \’\’youtuber bất đắc dĩ\’\’
Không chỉ lan tỏa trên mạng xã hội Facebook, các thành viên phong trào Áo Vàng còn tận dụng Youtube làm công cụ đấu tranh. Ông Fabien, một nông dân tham gia phong tỏa trạm thu phí xa lộ ở Saint-Germain-Laval, tỉnh Loire, quyết định ghi hình vidéo gửi tới tổng thống Emmanuel Macron. Trong vidéo, ông Fabien ngồi trong chiếc xe máy kéo và mời chủ nhân điện Elysée tới thăm trang trại của ông để biết cuộc sống hàng ngày của người nông dân cực khổ thế nào.
Theo gót ông, hàng trăm người khác trở thành « youtuber bất đắc dĩ ». Họ kể về nỗi mệt mỏi, chán chường khi phải đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn, rồi đăng tải vidéo lên các trang mạng xã hội.
Ngày 18/10, bà Jacline Mouraud, 51 tuổi, sống ở vùng Bratagne, đăng tải trên trang Facebook của bà đoạn băng vidéo tố cáo tổng thống Macron « vây dồn tài xế », ý nói đến việc tổng thống cho tăng thuế xăng dầu, đẩy người đi xe cơ giới vào tình trạng khó khăn. Vidéo của bà Mouraud được 6 triệu lượt người xem, con số cao ngoài sức tưởng tượng đã đưa Jacline Mouraud trở thành một gương mặt nổi bật của phong trào Áo Vàng. Bà được mời tới nhiều chương trình của các kênh BFMTV, CNews, LCI … khiến bộ trưởng Môi Trường Pháp, Emmanuelle Wargon, cũng phải chọn cách đối đáp tương tự : Ngày 04/11, nữ bộ trưởng tự quay và đăng tải vidéo lên mạng Twitter.
Từ một phong trào tự phát do vài công dân khởi xướng để chống tăng thuế xăng dầu, khởi nguồn từ mạng xã hội, Áo Vàng đã nhanh chóng trở thành một phong trào đấu tranh quy mô quốc gia với hàng loạt yêu sách trên nhiều lĩnh vực. Giờ đây, sau ba ngày thứ Bảy biểu tình rầm rộ, gây rúng động toàn nước Pháp, không ai có thể phủ nhận chính Internet và mạng xã hội đã góp phần giúp phong trào Áo Vàng được duy trì và lan tỏa trong những tuần qua, cho dù đây là phong trào không có người lãnh đạo, không có sự dẫn dắt của các nghiệp đoàn.
Không người lãnh đạo, liệu Áo Vàng có giành chiến thắng ?
Phong trào tự phát của công dân, phi chính trị và cũng không có sự dẫn dắt của các nghiệp đoàn, không người lãnh đạo và cũng không có đại diện chính thức, đó là những nét chính của phong trào Áo Vàng. Ngoài những thiệt hại kinh tế nặng nề do phong trào đấu tranh Áo Vàng gây ra, báo chí cũng như giới chuyên gia trong những ngày qua cũng tập trung phân tích rất nhiều về những khác biệt nói trên của Áo Vàng so với các phong trào đấu tranh xã hội kiểu truyền thống ở Pháp.
Trả lời phỏng vấn của FranceInfo ngày 15/11/2018, nhiều thành viên phong trào khẳng định họ đấu tranh chống lại giới tinh hoa chính trị, chống các đảng phái chính trị, họ đấu tranh với tư cách công dân, để thể hiện sự chán ngán của công dân, để chống chính sách của tổng thống Macron, chứ không phải để ủng hộ một đảng phái chính trị nào. Chính vì thế, có cả những người là thành viên đảng cực hữu hoặc cực tả, nhưng kể cả những người này cũng cho biết họ đấu tranh với tư cách là công dân chứ không phải với tư cách thành viên các đảng phái chính trị.
Nhiều người mới chỉ lần đầu tiên tham gia phong trào xã hội, một số khác quay trở lại phong trào xã hội sau một thời gian rất dài vắng bóng. Giải thích về « sự thức tỉnh » này cho dù phong trào thiếu vắng người lãnh đạo và nghiệp đoàn, trong chương trình đặc biệt của đài RFI ngày 03/11 về phong trào Áo Vàng, ông Romain Pasquier, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp CNRS, chuyên gia về các phong trào xã hội, giảng viên Viện Khoa Học Chính Trị ở thành phố Rennes, cho biết :
« Tôi nghĩ rằng, chúng ta thực ra đang sống trong một nền dân chủ xã hội mà các tổ chức mang tính trung gian đã suy yếu trong những năm qua, kể cả ở cộng đồng phi tôn giáo hay Công giáo, vai trò của các tổ chức nghiệp đoàn ở Pháp yếu hơn so với nhiều nước khác. Chính vì thế, nhiều người tìm thấy trong phong trào này những điểm tích cực và lợi ích của việc thể hiện thái độ rõ rệt. Đơn giản là việc thể hiện thái độ rõ rệt tạo lập các mối liên kết, và bằng một cách nào đó tạo ra tình đoàn kết.
Và xã hội của chúng ta vốn được cá nhân hóa, nhưng qua hoạt động tập thể thì tìm lại được những nét tích cực và phẩm giá cho những người làm việc tốt, chỉ đơn giản như vậy thôi. Đó là lợi ích của việc tham gia phong trào tập thể, đó là phần thưởng cho những người đấu tranh, đó là giá trị của tình đoàn kết. »
Nhưng theo chuyên gia Romain Pasquier thì có một vấn đề : Trên truyền hình, ở mỗi cuộc phỏng vấn, lại có một đại diện khác nhau của phong trào Áo Vàng phát biểu, chứ không phải cùng là những gương mặt nhất định và thường xuyên có sự tranh cãi về người đại diện cho phong trào. Và chuyện này sẽ gây khó khăn nếu phong trào Áo Vàng muốn « thoát ra trong danh dự » hay muốn những yêu sách chủ chốt của họ được đáp ứng :
« Cho đến nay, không có những cuộc thảo luận thực thụ trong nội bộ phong trào để họ xem những tư tưởng then chốt thực sự của họ là gì. Như vậy, họ vừa có những vấn đề liên quan đến các yêu sách, đòi hỏi, họ lại gặp vấn đề về thiếu người lãnh đạo. Nếu họ không giải quyết được những vấn đề trên, cho dù là đây là một lực lượng xã hội mạnh mẽ, thì vẫn có nguy cơ do tính tự phát rất cao của phong trào, những người đấu tranh cuối cùng sẽ mệt mỏi trong những ngày hay những tháng tới đây.
Theo một cách nào đó, phong trào có thể tan biến nhanh cũng như khi nó xuất hiện. Hiện giờ thì chưa phải như vậy, vì thực ra thì hiện thời việc có lực lượng tham gia đông đảo và duy trì được lực lượng và triển vọng của việc có khả năng gây thêm sức ép cho chính phủ đang tạo ra tình đoàn kết. Họ đang tự nhủ rằng chiến thắng là điều có thể. »
Rõ ràng là những nghiệp đoàn, những tổ chức có cơ cấu tồn tại từ lâu và hoạt động như chất xúc tác kết nối những người tham gia phong trào đấu tranh không hiện diện, hay hầu như không hiện diện ở phong trào Áo Vàng. Không những vậy, phong trào còn không có cả các đại diện chính thức được các thành viên công nhận.
Vậy, phong trào sẽ thành công hay thất bại ? Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này trong chuyên mục tranh luận ngày 28/11/2018 trên đài RFI Pháp ngữ, ông Frank Georgi, giảng viên lịch sử đương đại ở Đại học Paris 1 Sorbonne, nhà nghiên cứu thuộc Trung Tâm Lịch sử Xã hội trong thế giới đương đại nhấn mạnh đến việc việc tồn tại song song hai vấn đề là « tính tự tổ chức trong phong trào và sự không rõ ràng, lộn xộn hết sức trong các yêu sách, đòi hỏi, thậm chí có những đòi hỏi mâu thuẫn nhau ».
Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment