Qua sử chí Trung Quốc hãy tìm hiểu về chủ quyền nước này tại Biển Đông (phần V)
Bởi AdminTD – 17/09/2017
Hồ Bạch Thảo
16-9-2017
Tiếp theo phần I; phần II; phần III và phần IV
V. Đời Nguyên
1. Nguyên Sử [元史, History of Yuan] do Tống Liêm làm Tổng tài, trong quyển 63, phần Địa Lý Chí chép về đảo Hải Nam cũng tương tự như đời Tống, đảo có 3 quân ; riêng châu Quỳnh đời Tống, thì nay gọi là Càn Ninh Quân Dân An Phủ Ty. Vị trí đảo Hải Nam từ bắc, sang tây, xuống nam, sang đông lần lượt gồm: Càn Ninh Quân Dân An Phủ Ty, quân Nam Ninh, quân Cát Dương, quân Vạn An; tất cả đều trực thuộc Hải Bắc Hải Nam Đạo Tuyên Uỷ Ty. Xin dịch chi tiết như sau:
– “Càn Ninh Quân Dân An Phủ Ty…. 75. 837 hộ, 128. 184 nhân khẩu, đồn điền hơn 290 khoảnh, chia làm 7 huyện: Quỳnh Sơn, hạng dưới, đặt thành quách của ty; Trừng Mại, hạng dưới; Lâm Cao, hạng dưới; Văn Xương, hạng dưới; Lạc Hội, hạng dưới; Hội Đồng, hạng dưới; Định An, hạng dưới. ”
[乾甯軍民安撫司,. . 。戶七萬五千八百三十七,口一十二萬八千一百八十四。本路屯田二百九十餘頃。領縣七:
瓊山,下。倚郭。澄邁,下。臨高,下。文昌,下。樂會,下。會同,下。定安。下。]
– “Quân Nam Ninh…9. 626 hộ, 23. 652 nhân khẩu; chia làm 3 huyện: Nghi Luân, hạng dưới; Xương Hoá, hạng dưới; Cảm Ân, hạng dưới. ”
[南寧軍,…。戶九千六百二十七,口二萬三千六百五十二。領縣三:
宜倫,下。昌化,下。感恩。下。]
– “Quân Vạn An…. 5. 341 hộ, 8. 686 nhân khẩu; chia làm 2 huyện: Vạn An, hạng dưới, đặt thành quách của quân; Lăng Thuỷ, hạng dưới. ”
[萬安軍,…。戶五千三百四十一,口八千六百八十六。領縣二:
萬安,下。倚郭。陵水。下。]
– “Quân Cát Dương…1. 439 hộ, 4. 735 nhân khẩu; có 1 huyện: Ninh Viễn, hạng dưới. ”
[吉陽軍,…。戶一千四百三十九,口五千七百三十五。領縣一:
寧遠。下。]
2. Về đời Nguyên Hàn Chấn Hoa trong NQCĐSLHB trưng sử liệu trong Quỳnh Hải Phương Dư Chí [瓊海方輿志] của Thái Vi như sau:
[Quỳnh Châu] phía ngoài bao bọc bởi biển lớn, tiếp với châu Ô Lý Tô Mật Cát Lãng; phương nam thì Chiêm Thành, tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông thì Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường; đông bắc phía xa thì Quảng Ðông, Mân [Phúc Kiến], Chiết [Chiết Giang]; gần thì có Khâm [Khâm Châu], Liêm [Liêm châu], Cao [Cao Châu], Hóa [Hóa Châu]. Ði biển 4 ngày tới Quảng Châu, 9 ngày đêm đến Phúc Kiến, 15 ngày đến Chiết Giang.
Sử liệu này cũng tương tự như lời trích dẫn trong Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát thuộc đời Tống. Đây chỉ giới thiệu Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường cách phủ Quỳnh Châu đằng xa, ngoài vòng biển bao bọc, cũng giống như Chiêm Thành, Chân Lạp, Giao Chỉ; nhưng họ Hàn bảo rằng quần đảo được nhập vào đảo Hải Nam quản hạt, quả là điều vô lý. Nếu bảo rằng do đảo Hải Nam quản hạt, thì tại sao trong phần Địa Lý Chí, thuộc Nguyên Sử ghi tại phía trên, không hề đề cập đến.
3. Ðời Nguyên cuối năm Chí Nguyên thứ 29 [1293] Sử Bật được lệnh mang quân đến nước Trảo Oa [Java], khởi hành từ châu Tuyền, Phúc Kiến đến Thất Châu dương gặp gíó bão, thuyền chao đảo, quân lính mấy ngày không ăn, gió thổi lạc đến Vạn Lý Thạch Ðường cuối cùng men được vào duyên hải Giao Chỉ, Chiêm Thành, để tiếp tục hành trình. Nội dung được chép trong 2 bộ: Nguyên Sử [元史] của Tống Liêm, và Tân Nguyên Sử [新元史] của Kha Thiệu Văn như sau:
“Năm Chí Nguyên thứ 29, được ban chức Vinh Lộc Ðại phu, giữ chức Trung thư tỉnh Bình chương chính sự các xứ Phúc Kiến, được lệnh mang quân đến Trảo Oa;có Hắc Mễ Thất,Cao Hưng giữ chức Phó. Mang 150 chiếc kim phù; vải lụa, bạch (1) mỗi thứ 200 tấm để thưởng cho người có công. Tháng 2, Bật mang 5000 quân hợp với các quân khác, xuất phát từ châu Tuyền [Phúc Kiến]. Gặp gió bão, ba đào nỗi lên, thuyền xốc ngược lên,quân lính mấy ngày không ăn được, qua Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Ðường, đến Giao Chỉ, biên giới Chiêm Thành. ”
[二十九年,拜榮祿大夫、福建等處行中書省平章政事,往徵爪哇,以亦黑迷失、高興副之,付金符百五十、幣帛各二百,以待有功。十二月,弼以五千人合諸軍,發泉州。風急濤涌,舟掀簸,士卒皆數日不能食。過七洲洋、萬里石塘,歷交趾、占城界 ]
Ðây là chuyến đi lạc hướng vì sóng gió, còn hành trình thường lệ được Trương Tiếp mô tả trong Ðông Tây Dương Khảo đời Minh là từ Thất Châu Dương, đến biển Giao Chỉ theo hướng Nam, qua bờ biển Chiêm Thành, đảo Côn Lôn, rồi hành trình tiếp đến Trảo Oa [Java].
4. Hàn Chấn Hóa trích sử liệu trong Ðảo Di Chí Lược [島夷志畧] của Uông Ðại Uyên đời Nguyên nói về Côn Ðảo như sau:
“Xưa núi Côn Lôn có tên là Quân Ðồn sơn, núi cao mà vuông, đáy trải dài đến mấy trăm lý, nghiễm nhiên trên biển cả, cùng các nước Chiêm Thành, Tây Trúc hướng đến, dưới có biển Côn Lôn, nên lấy đó làm tên. Thuyền buôn các nước đi Tây Dương, thuận gió 7 ngày đêm có thể đến đó; ngạn ngữ có câu:”Thượng hữu Thất Châu, hạ hữu Côn Lôn”, ý chỉ phía trên có Thất Châu Dương đáng sợ, phía dưới có Côn Lôn]. ”
[古者崑崙山,又名軍屯山。山高而方,根盤幾百里,截然乎瀛海之中,與占城東西竺鼎峙而相望。下有崑崙洋,因是名也。舶泛西洋者,必掠之。順風七晝夜可渡。諺云:「上有七州,下有崑崙,針迷舵失,人船孰存。」…
Nguyên văn mô tả Côn Lôn có núi cao, gần Chiêm Thành, đúng là Côn Ðảo nước Việt Nam ngày nay. Nhưng họ Hàn cho Côn Lôn là Nam Sa [Spratly Islands], nơi đó không hề có núi cao, và biển Côn Lôn thành biển Nam Sa ; dụng ý muốn chứng tỏ rằng thuyền bè Trung Quốc xưa có đi qua Nam Sa! (2). Ðiều vô lý này đã bị nhiều thư tịch Trung Quốc phủ nhận:
– Ðời Nguyên Chu Ðạt Quan, trong Chân Lạp Phong Thổ Ký [眞腊風土記], dùng kim chỉ nam với 48 hướng, mô tả hải trình đến nước Chân Lạp [Cam Pu Chia] khá chính xác; cho biết biển Côn Lôn gần nước Chân Lạp. Từ biên giới Chân Bồ thuyền theo hướng 232. 5 độ đến biển Côn Lôn, rồi quẹo vào cửa biển thứ tư, [có thể là cửa sông Hàm Luông] (3), sau đó đi tiếp đến kinh thành Chân Lạp:
“Thuyền khởi hành ra biển từ Ôn Châu [thuộc tỉnh Chiết Giang] theo hướng Ðinh Mùi [202. 5 độ] qua các hải cảng tại Mân [Phúc Kiến], Quảng [Quảng Ðông], biền Thất Châu [ phía đông đảo Hải Nam], biển Giao Chỉ, rồi đến Chiêm Thành. Lại từ Chiêm Thành theo chiều gió khoảng nửa tháng đến Chân Bồ thuộc biên cảnh nước này. Từ Chân Bồ theo hướng Khôn Thân [232. 5 độ] qua biển Côn Lôn, rồi vào cảng. Cảng biển có mấy chục, duy cảng thứ 4 có thể vào, còn mấy cảng khác cát cạn thuyền lớn không vào được. Nhưng nhìn khắp xung quanh thấy nhiều cây mây, cổ thụ, lau lách trên cát vàng, lúc thảng thốt khó nhận ra được; vì vậy người đi thuyền cho việc tìm đúng cảng là điều khó khăn. Từ cảng theo sông lên phía bắc, thuận nước lên có thể nữa tuần đến Tra Nam, là quận phụ thuộc. Từ Tra Nam đổi sang thuyền nhỏ, thuận nước chạy thêm hơn 10 ngày, đến thôn Bán Lộ, thôn Phật, biển Độ Đạm, đến vùng đất gọi là Can Bàng, tiếp 50 lý nữa đến thành ”
[自溫州開洋,行丁未針。歷閩、廣海外諸州港口,過七洲洋,經交趾洋到占城。又自占城順風可半月到真蒲,乃其境也。又自真蒲行坤申針,過崑崙洋,入港。港凡數十,惟第四港可入,其餘悉以沙淺故不通巨舟。然而彌望皆修藤古木,黃沙白葦,倉卒未易辨認,故舟人以尋港為難事。自港口北行,順水可半月,抵其地曰查南,乃其屬郡也。又自查南換小舟,順水可十餘日,過半路村、佛村,渡淡洋,可抵其地曰干傍,取城五十里。]
– Ðông Tây Dương Khảo [東西洋考] của Trương Tiếp đời Minh cung cấp phương hướng từ đảo Côn Lôn đến Xích Khảm Sơn [ Phan Rang], và nước Bành Hanh [Pahang] như sau:
Từ Xích Khảm Sơn[Phan Rang] theo hướng đơn Mùi [210 độ], thời gian 15 canh đến núi Côn Lôn
Lại từ núi Côn Lôn theo hướng Khôn Mùi [217. 5 độ] thời gian 30 canh đến Ðấu Dự, lại theo hướng Ðinh Ngọ [187. 5 độ] đến nước Bành Hanh [tức Pahang thuộc Mã Lai]. (4)
Xét đoạn văn trích dẫn trên, trung bình thuyền bè thời xưa 1 canh đi được 60 lý, 1 doanh tạo lý tương đương . 58 km; vậy từ đảo Côn Lôn đến Phan Rang là 522 km, đến Pahang là 1044 km. Với những con số nêu trên, nếu kiểm chứng qua bản đồ hiện nay thì có thể chấp nhận được; còn nếu bảo Côn Lôn là đảo Nam Sa [Trường Sa ] thì khoảng cách còn tăng lên gấp bội!
Thế nhưng trong Tống Hội Yếu [宋㑹要] có nêu địa danh biển Côn Lôn, bàn về sử liệu này Hàn Chấn Hoa lại cho rằng biển Côn Lôn bao quát vùng biển tại đảo Côn Lôn thuộc miền Nam Việt Nam (5). Có lẽ vì sử liệu này đề cập đến vùng đất giáp Chân Lạp, Chiêm Thành, nên họ Hàn đành phải thuận theo sự thực, không thể luận bàn khác được:
Ngày 20 tháng 7 năm Gia Ðịnh thứ 9 [1216], người nước Chân Lý Phú (6) muốn đến Trung Quốc. Từ nước này ra biển 5 ngày tới Ba Tư Lan, thứ đến biển Côn Lôn, qua nước Chân Lạp, vài ngày đến nước Tân Ðạt Gia (7), vài ngày sau đến biên giới Chiêm Thành, qua biển khoảng 10 ngày. Phía đông nam là Thạch Ðường, có tên Vạn Lý; biển chỗ này hoặc sâu hoặc cạn, nước chảy gấp nhiều đá, thuyền bị lật chìm đến 7,8 phần 10, không thấy bờ núi. Rồi đến Giao Chỉ, 5 ngày sau đến châu Khâm, Châu Liêm. ( Nguyên chú: gọi là gió thuận toàn tại mùa hè, lúc gió Nam thổi. Khi trở về nước đợi gió Bấc mùa đông; nếu không theo như vậy không thể đến nơi được. (8)
Cũng như với trường hợp Thất Châu dương, địa đanh Côn Lôn họ Hàn chia thành 2 vị trí, thứ nhất là đảo gần bờ biển miền nam Việt Nam, thứ 2 tại quần đảo Nam Sa; lập luận gỉả thực lẫn lộn, cố dẫn giải theo ý tác giả muốn!
5. Cũng trong Ðảo Di Chí Lược [島夷志畧], Uông Ðại Uyên chép về Vạn Lý Thạch Đường như sau:
“Vạn Lý Thạch Đường.
Cái xương của Thạch Đường bắt đầu từ Triều Châu, chạy quanh co như con rắn dài, vắt ngang biển đến các nước. Người ta thường bảo “Vạn Lý Thạch Đường”; nhưng tôi suy ra không phải chỉ có vạn lý mà thôi đâu! Thuyền từ cửa Đại Dư (9), mang 4 buồm, nhờ gió vượt sóng, như bay trên biển. Đến Tây Dương, hoặc ngoài 100 ngày; nếu cho rằng 1 ngày 1 đêm chạy được 100 lý, thì vạn lý cũng không hết. Xem nguồn địa mạch rõ ràng có thể khảo được: một mạch đến Trảo Oa [Java], một mạch đến Bột Nê [Borneo] cùng Cổ Lý Địa Muộn [Timor], một mạch xa Tây Dương đến đất Côn Lôn [Việt Nam]. Vì vậy Cái Tử Dương Chu Tử bảo rằng đất nước ngoài và Trung Nguyên có sự tương liên, phải đúng như vậy chăng!
Xem thế thì thấy hải dương rộng vô bờ, Thạch Đường dấu trong đó, ai hiểu được thì biết rõ, tránh nó đi là hên, đụng nó là xui; bởi vậy kim chỉ nam Tý Ngọ liên quan đến vận mệnh con người; nếu không phải là tay thuyền trưởng rành nghề thì làm sao tránh khỏi lật thuyền chết chìm. Nếu đắc ý được một lần, cũng chớ nên đi tiếp lần khác; há lẽ chọn sóng gió làm con đường gần ư!”
[萬里石塘石塘之骨,由潮州而生。迤邐如長蛇,橫亙海中,越海諸國。俗云萬里石塘。以余推之,豈止萬里而已哉!舶由岱嶼門,掛四帆,乘風破浪,海上若飛。至西洋或百日之外。以一日一夜行百里計之,萬里曾不足,故源其地脈歷歷可考。一脈至爪哇,一脈至勃泥及古里地悶,一脈至西洋遐崑崙之地。蓋紫陽朱子謂海外之地,與中原地脈相連者,其以是歟!
觀夫海洋泛無涯涘,中匿石塘,孰得而明之?避之則吉,遇之則凶,故子午針人之命脈所係。苟非舟子之精明,能不覆且溺乎!吁!得意之地勿再往,豈可以風濤為徑路也哉!]
Vạn Lý Thạch Đường được đưa vào trong sách Đảo Di Chí Lược, dưới mắt tác giả họ Uông, Vạn Lý Thạch Đường là đảo của người Di, tức các nước phía nam Trung Quốc. Huống hồ vị trí Vạn Lý Thạch Đường rất lớn nằm giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Java, Borneo, Timor, và Côn Lôn [Việt Nam]; như vậy không thể là hải đảo thuộc chủ quyền Trung Quốc như nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa đã khẳng định trong NQNHSLHB (10).
Chú thích:
Bạch: loại hàng dệt bằng tơ trần.
Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 48.
Lúc bấy giờ lãnh thổ Nam phần Việt Nam, thuộc Thuỷ Chân Lạp; thuyền vào kinh thành nước này phải dùng sông Cửu Long. Sông này tính từ bắc xuống nam, lần lượt có cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông; như vậy cửa Hàm Luông, sông tương đối lớn, ứng vào cửa thứ tư.
Đông Tây Dương Khảo, quyển 9.
Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, chú thích số 3, trang 43.
Chân Lý Phú: một nước tại phía nam Chân Lạp.
Tân Ðạt Gia: một nước xưa, giữa Chiêm Thành và Chân Lạp.
NQNHCÐSLHB, trang 43.
Đại Dư: cửa biển tại châu Tuyền, Phúc Kiến.
Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 49.