Qua sử chí Trung Quốc hãy tìm hiểu về chủ quyền nước này tại Biển Đông (phần VII)
Hồ Bạch Thảo
16-9-2017
VII. Đời Thanh
1. Trong Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] (1) Hàn Chấn Hoa trưng tư liệu từ quyển 4 Quảng Đông Thông Chí [廣東通志], tại mục Hình Thắng phủ Quỳnh Châu ; để cho rằng Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Ðường được nhập vào lãnh thổ châu Vạn:
“Châu Vạn có 3 đoạn nước bao bọc bởi biển, 6 chỗ liên tiếp với núi;tại châu trị trong chốn yên ba ẩn hiện Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường”.
[萬州三曲水環泮宫六連山障州治千里長沙萬里石塘煙波隱見]
Tư liệu này chỉ có giá trị như những câu văn tả cảnh tổng quát từ đằng xa, không xác định được chủ quyền. Trích tư liệu từ mục Hình Thắng [形勝] tức thắng cảnh, là một sự lầm lẫn cố ý; vì cũng tại quyển 4 này, bên cạnh mục Hình Thắng có mục Cương Vực [疆域] tức biên cương khu vực ghi rõ vị trí giới hạn châu Vạn, đáng phải nêu ra thì họ Hàn dấu đi; chứng tỏ thiếu tính chất minh bạch của nhà nghiên cứu. Nay xin trích dịch nguyên văn, để thấy được việc ghép Trường Sa Thạch Đường xa xôi vào lãnh thổ châu Vạn với hai bề ngang dọc 205 lý, 120 lý, là điều vô lý:
“Châu Vạn tại phía đông nam phủ thành 450 lý [261 km. ], đất rộng 205 lý [118 km. ], bề dọc 120 lý [70 km. ]. Phía đông tới bờ biển 25 lý [14. 5 km. ], tây đến núi Giá Cô Đề thuộc dân tộc Sinh Lê 180 lý [104 km. ], nam đến bờ biển 25 lý [14. 5 km. ], bắc đến biên giới huyện Lạc Hội 95 lý [55 km. ]; đông bắc đến lãnh Liên Chi 70 lý [40 km. ], tây nam đến biên giới huyện Lăng Thuỷ 100 lý [58 Km. ], tây bắc đến động Lê tại lãnh Hoành 160 lý [92 km. ], đông nam đến bờ biển 30 lý [17 km. ]”
[萬州在府城東南四百五十里其地廣二百零五里袤一百二十里 東至海岸二十五里 西至鷓鴣啼山一百八十里外係生黎 南至海岸二十五里北至樂㑹縣界九十五里 東北至蓮岐嶺七十里 西南至陵水縣界一百里 西北至横嶺黎峒界一百六十里 東南至海岸三十里]
2. Về tư liệu quan phương, ngoài Quảng Đông Thông Chí không thể không nhắc đến Khâm Định Đại Thanh Nhất Thống [欽定大清一統志], một bộ sách đồ sộ của triều đình nhà Thanh, mỗi phủ được dành riêng một quyển. Cương vực phủ Quỳnh Châu, tức đảo Hải Nam, được mô tả như sau:
“Phủ Quỳnh Châu tại phía tây nam tỉnh lỵ Quảng Đông 1700 lý [986 km. ], đông tây 970 lý [562 km. ], nam bắc 995 lý [577 km. ]; đông đến bờ biển châu Vạn 490 lý [284 km. ], tây đến bờ biển châu Đam 480 lý [278 km. ], nam đến bờ biển châu Nhai 965 lý [559 km. ], bắc đến bờ biển 10 lý [5. 8 km. ]; Đông nam đến bờ biển huyện Lăng Thuỷ 540 lý [313 km. ], tây nam đến bờ biển huyện Cảm Ân 810 lý [470 km. ], đông bắc đến bờ biển huyện Văn Xương 160 lý [93 km. ], tây bắc đến bờ biển huyện Lâm Cao 280 lý [162 km. ], từ phủ lỵ đến kinh sư 9715 lý [5635 km. ].”
[瓊州府在廣東省治西南一千七百里東西距九百七十里南北距九百九十五里東至萬州海岸四百九十里西至儋州海岸四百八十里南至崖州海岸九百六十五里北至海岸十里東南至陵水縣海岸五百四十里西南至感恩縣海岸八百一十里東北至文昌縣海岸一百六十里西北至臨髙縣海岸二百八十里自府治至 京師九千七百一十五里].
Riêng về cương vực châu Van, Đại Thanh Nhất Thống Chí (2) chép:
“Châu Vạn tại phía đông nam phủ Quỳnh Châu 400, 500 lý [232 km- 290km], từ đông sang tây 205 lý [118 km], nam chí bắc 120 lý [69 km]; phía đông từ châu lỵ đến biển 25 lý [14. 5 km], phía tây cách động Lê 180 lý[104 km], phía nam đến bờ biển 25 lý [14. 5 km],phía bắc đến huyện Lạc Hội 95 lý [55 km]. Phía đông nam giáp biển 30 lý[17 km], tây nam giáp huyện Lăng Thủy 100 lý [58 km], đông bắc đến biển 70 lý[40 km], tây bắc đến động Lê 160 lý [92 km]. ”
[萬州在府東南四百五百里東西距二百五里南北距一百二十里東至海岸二十五里西至黎界一百八十里南至海岸二十五里北至樂㑹縣界九十五里東南至海岸三十里西南至陵水縣界一百里東北至海岸七十里西北至黎峒一百六十里]
Thử hỏi châu Vạn rộng từ đông sang tây 205 lý [118 km], phía đông từ châu lỵ đến biển 25 lý [14. 5 km] thì Vạn Lý Trường Sa, và Thiên Lý Thạch Ðường xa xôi, có thể đặt vào trong đó được không? Ngoài ra để tham khảo thêm, xin giới thiệu bản đồ phía đông đảo Hải Nam in trong Khâm Định Đại Thanh Nhất Thống Chí [欽定大清一統志], tại trang đầu, quyển 350 như sau:
Nhìn trên bản đồ từ bắc chí nam có những địa danh được phiên âm gồm: huyện Văn Xương, huyện Hội Ðồng, huyện Lạc Hội, châu Vạn, và đảo Ðộc Châu Sơn. Lưu ý: trong lãnh thổ châu Vạn chỉ ghi đảo Ðộc Châu sơn, ngoài ra không hề có tên Thiên Lý Trường Sa, và Vạn Lý Thạch Ðường.
3. Bộ sử cuối cùng trong Nhị Thập Ngũ Sử [Twenty- five History Books];cần được nêu lên đó là Thanh Sử Cảo [清史稿, The Draft History of Qing ]. Sau cách mệnh Tân Hợi [1911], chính phủ Dân quốc tại Bắc Kinh cho lập Quốc sử quán để biên tu chính sử, giao cho Triệu Nhĩ Tốn làm chủ biên. Bộ sử đã hoàn thành, tuy chưa duyệt xong lần cuối, nhưng vì thời cuộc bức xúc bèn đem ra in, đặt tên là Thanh Sử Cảo. Bản thân bộ sử có nhiều tư liệu phong phú, các Học giả không thể xem thường, nên được đưa vào Nhị Thập Ngũ Sử.
Thanh Sử Cảo chép Địa lý chí đảo Hải Nam trong quyển 72, cho biết năm Quang Tự thứ 31 [1905] cắt một phần phía nam phủ Quỳnh Châu, đặt ra châu trực lệ Nhai Châu, châu này lãnh 4 huyện, trong đó có huyện Vạn:
“Châu trực lệ Nhai Châu [Tam Á thị Sanya]: xung yếu, đông.
Châu lệ thuộc đạo Quỳnh Nhai; trước kia lệ thuộc phủ Quỳnh Châu, năm Quang Tự thứ 31 [1905] thăng làm châu trực lệ. Cách tỉnh lỵ [Quảng Châu] phía bắc 2. 680 lý, đông tây rộng 242 lý, nam bắc 175 lý, bắc cực cao 18 độ 27 phân, kinh sư nghiêng 47 độ 36 phân. Lãnh 4 huyện…” [崖州直隸州:沖,繁。隸瓊崖道。崖州舊隸瓊州府。光緒三十一年,升為直隸州。東北距省治二千六百八十里。廣二百四十二里,袤一百七十五里。北極高十八度二十七分。京師偏西七度三十六分。領縣四。]
Châu Vạn ghi trong Đại Thanh Nhất Thống Chí thời Càn Long, Thanh Sử Cảo chép đến đời Quang Tự đổi thành huyện Vạn; cũng giống như các đời trước, không có tên quần đảo Trường Sa Thạch Đường nằm trong đó, phía đông huyện này chỉ có biển Độc Châu và đảo núi Độc Châu mà thôi:
“Huyện Vạn [Vạn Ninh Thị Wanning]: xung yếu, đông.
Huyện tại phía đông bắc châu Nhai 370 lý; trước kia lệ thuộc vào phủ Quỳnh Châu, năm Quang Tự thứ 31 [1905] trực thuộc vào châu. Phía đông có núi Đông Sơn [Dongshan Ridge], bắc có lãnh Lục Giao, phía đông nam giáp biển; trên biển có núi Độc Châu [Dazhou Island] xung quanh là biển Độc Châu. Phía tây bắc có sông Long Cổn [Longgun River] phát nguyên từ động Tung Hoành, cong về phía nam chảy sang đông hợp với Lưu Mã Hà, rồi theo hướng đông bắc vào phần đất huyện Lạc Hội, cong sang đông nam lại trở vào phía bắc huyện; phía đông có nhánh qua khe Liên Đường, cong sang phía bắc đến Lạc Hội hợp với sông Vạn Toàn [Wanquan River], dòng chính qua lãnh Liên Chi phía đông nam ra biển. Lại có sông Đô Phong Thuỷ cũng phát xuất từ động Tung Hoành, chảy theo hướng đông nam, chia thành 4 gồm: cảng Hoà Lạc, Cảng Bắc Cảng [Gangbei Port], Bạch Cẩu Giản, sông Kim Tiên Hà chảy ra biển tại phía đông bắc huyện trị. Phía nam có sông Thảng Dung Hà, phát nguyên từ núi Giá Cô phía tây bắc, chảy theo hướng đông nam đến sông Sấu Điền thì chia dòng, lại hợp với Thạch Qui Hà chảy theo hướng đông nam ra biển. Có Tuần ty Long Cổn, một trường muối tại Tân An. ”
[萬沖,繁。州東北三百七十里。萬州舊隸瓊州府,光緒三十一年降為縣,來屬。東:東山。北:六連嶺。東南濱海。海中有獨洲山,其下曰獨洲洋。西北:龍滾河,出縱橫峒,南屈而東,與流馬河合,又東北入樂會,屈東南復入縣北。東別出為蓮塘溪,屈北至樂會,合萬全河。其正渠,東南過連岐嶺入海。又都封水亦出縱橫峒,東南流,歧為四派:曰和樂港,曰港北港,曰石狗澗,曰金仙河,至縣治東北入海。又南,踢容河,出西北鷓鴣山,東南至瘦田村分流,與石龜河合,又東南流入海。有龍滾巡司。鹽場一,曰新安]
4. Cần phải lưu ý thêm, Trung Quốc ban hành chính sách cấm biển từ giữa triều Minh cho đến triều Thanh. Chính sách này được trân trọng ghi trong Khâm Định Đại Thanh Hội Điển [欽定大清會典] như sau:
“Cấm biển: Phàm những đất canh tác ngoài biển bị cấm; những cư dân gần biển không được vụng trộm đến các đảo tụ tập canh tác, rồi chứa chấp bọn gian. ” (3)
[海禁 凡海外耕種之禁海濱居民不得潛住島嶼招聚耕墾致藏姦匪]
Minh Sử, quyển 5, trong phần Chí về Thực Hoá, trình bày sự giao dịch buôn bán không sòng phẳng giữa quan lại Trung Quốc với dân buôn Nhật [Nuỵ], dẫn đến việc người Nhật cướp phá tại vùng tỉnh Chiết Giang, khiến viên Tuần phủ phải ra lệnh cấm biển:
“Năm thứ 26 [1547], hàng trăm thuyền Nuỵ đến cướp phá, đóng lâu tại Ninh Ba, Đài; mấy ngàn quân đổ bộ cướp đốt. Tuần phủ Chiết Giang Chu Hoàn điều tra biết rằng những chủ thuyền đều là những quan to, hoặc thuộc dòng họ lớn, buôn bán với Phiên [Nuỵ] qua lời nói trung gian để kiếm lời to, nhưng hàng không giao đúng lúc, do vậy gây nên loạn. Bèn cấm biển nghiêm khắc, cho huỷ thuyền, tâu xin giáng chức những người thuộc họ lớn. ”
[二十六年,倭寇百艘久泊寧、臺,數千人登岸焚劫。浙江巡撫硃紈訪知舶主皆貴官大姓,市番貨皆以虛直,轉鬻牟利,而直不時給,以是構亂。乃嚴海禁,毀餘皇,奏請鐫諭戒大姓 – 卷八十一 志第57 食貨五]
Sang đến thời nhà Thanh, việc cấm biển thực hiện một các khá qui mô, bằng cách hoạch định giới tuyến dọc ven biển, rồi cưỡng bách di cư tất cả dân chúng thuộc phía ngoài giới tuyến vào trong nội địa. Khang Hy Thực Lục ghi lại sự việc như sau:
“Tháng 3 năm Khang Hy thứ 17[1678]…Dụ các Vương, Đại thần họp bàn việc chính trị: ‘Giặc biển bàn cứ tại các xứ như Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến], cấu kết với giặc trong núi, phiến động mê hoặc địa phương, nguyên do dựa vào dân ven biển tại vùng tỉnh Phúc Kiến. Đáng theo lệ vào năm Thuận Trị thứ 18 [1661] lập ranh giới, đem dân chúng ngoài ranh giới đồng loạt di cư vào nội địa; thân sức cấm biển nghiêm, tuyệt đường giao thông…”
[康熙十七年。戊午三月. 諭議政王大臣等、海寇盤踞廈門諸處、勾連山賊、煽惑地方、皆由閩地瀕海居民為之藉也。應如順治十八年立界之例、將界外百姓、遷移內地。仍申嚴海禁、絕其交通。]
Bàn về biện pháp cấm biển hữu hiệu, mục Nghiêm Dương Cấm trong quyển 9 Quảng Đông Thông Chí [廣東通志], ghi lại lời Thông chính Ðường Thuận [唐順] thời Minh nhấn mạnh việc cấm biển không chỉ đuổi dân từ hải đảo vào vùng an toàn mà thôi. Còn cần phải kê tra dân chúng, điều tra kẻ khả nghi giúp đỡ bọn cướp biển, khiến người dân trong nội địa không còn có thể liên lạc tiếp tế cho bọn cướp biển ẩn trốn tại các hải đảo bên ngoài:
“Việc cấm biển nghiêm, điều tra người lén ra đi, cần tìm tòi âm mưu từ bên trong. Chỉ kê tra kẻ dùng mái chèo ra biển, mà không điều tra âm mưu bên trong thì chưa tuyệt được nguồn gốc. Cần ra lệnh cho quân vệ, quan chức địa phương lập sổ sách theo thứ tự 1,2 ,3 kê tra dân tại duyên hải, cùng nghề nghiệp sinh nhai, rồi tùy lúc kềm cặp ràng buộc. Nếu như có những kẻ du đãng bỏ nghề nghiệp, hành tung bí mật, đi về chè chén, có vẻ khả nghi; thì ra lệnh cho người trong làng đến quan để tố cáo. Lấy 30 lượng bạc của phạm nhân, thưởng cho người tố cáo, cùng điều tra sự tình của phạm nhân rồi trị tội nặng. Những người biết chuyện mà cố tình giấu diếm, thì cũng phạt tội, nhưng giảm nhẹ hơn tội nhân. Thi hành phép Bảo giáp (4) nghiêm là phương cách giảm thiểu đạo tặc, bởi vậy nơi ven biển dân bôn đào tụ tập thì việc kiểm soát không thể không nghiêm. ”
[明通政唐順之云洋禁之嚴有宜查其外出者有宜查其内伏者其外出者寸板下海嚴為稽察此大較也而内伏不清則根株未抜宜責令軍衛有司將沿海居民逐一清查造册在官稽其生理時加約束如有游民廢業行踪詭秘來往酧酢殊有可疑許令同里之人赴官首告即於犯人名下追銀三十兩充賞本犯嚴究情由從重論治若鄰佑人等知情故匿不先首告罪發之日减本犯一等治之葢保甲之法為弭盗之原而海濵多逋逃藪則尤不容不嚴也]
Thời Gia Khánh viên Tổng đốc đốc Lưỡng Quảng Ngô Hùng Quang xin chế tạo nhiều thuyền để ra biển bắt cướp. Quan điểm của vua Gia Khánh cũng giống như Thông chính Đường Thuận nêu trên, bác lời tâu của Hùng Quang, khẳng định quốc sách là phòng thủ tại cảng và truy lùng những người trên bờ ngầm mua bán hợp tác với bọn cướp. Xin trích dịch chiếu thư của vua Gia Khánh như sau:
Ngày 2 Kỷ Tỵ tháng 12 năm Gia Khánh thứ 12 [30/12/1807]
“. . . Còn trong tấu triệp Ngô Hùng Quang trình bày rằng “Thuyền cướp qua lại đợi chờ mới liên lạc được với bọn gian trên bờ, nếu thuyền binh khẩn trương theo tung tích truy nã, thì bọn chúng không thi thố được thủ đoạn. Vậy muốn ngăn tiếp tế, nên tu tạo nhiều thuyền, xuất dương truy bắt. ”
Ðiều này không đúng, về bọn cướp biển, gạo, nước, thuốc súng đều nhờ vào trên bộ. Bọn giặc trên bờ và dưới nước vốn quen nhau, ngầm giao dịch, cũng không phải chờ bọn cướp biển lên bờ tìm kiếm mới được tiếp tế. Tổng chi, đáng ra lệnh các quan văn võ tại cửa biển mật cho tuần tra, nghiêm bắt, trừng trị nặng; khiến bọn phỉ trên bờ co rút lại, thì mới đoạn tuyệt việc tiếp tế.
…Ðiều đó khẳng định rằng việc cấm bọn phỉ tiếp tế tất phải nghiêm tra trên bờ, làm vững rào dậu là biện pháp chính. Phúc Kiến nghiêm cấm tiếp tế tại cửa biển, thực hiện hữu hiệu, tỉnh Quảng Ðông cần nhất luật thực hiện. . .” (Nhân Tông Thực Lục quyển 189, trang 7)
Cùng đề cao sách lược phòng thủ thụ động nơi ven biển, tại quyển 9, mục Hải Phòng, trong Quảng Ðông Thông Chí [廣東通志], Tổng đốc Hác Ngọc Lân tóm tắt :
“ Phàm thuyền đến không cho đậu, đi không tiếp tế ; thì dân chúng duyên hải đều được yên gối mà ngủ. ”
Với chính sách cấm biển, phòng biển ngay tại bờ, tỉnh Quảng Đông đã lập sẵn 62 vị trí xung yếu làm giới tuyến cho các vệ, sở canh gác. Quân lính chỉ chịu trách nhiệm phòng thủ phía trong giới tuyến, riêng phía ngoài, coi như vùng biển quốc tế không thèm biết đến. Riêng từ huyện Lạc Hội [nay thuộc huyện Văn Xương] được ghi là điểm khởi đầu ranh giới tiếp giáp với biển An Nam (5):
“Xung yếu:
Từ huyện Lạc Hội [樂會 Wenchang, Hải Nam], phủ Quỳnh Châu, khởi đầu tiếp giáp với biên giới An Nam…. . ”
[衝要: 自瓊州樂會縣接安南界起…. ]
Với chính sách cấm biển từ các đời Minh, Thanh; Trung Quốc đã từng bỏ các đảo như Châu Sơn [zhowshan], trấn Kim Đường [ Jintang Island], đảo Ngọc Hoàn [Yuhoan] thuộc tỉnh Chiết Giang; Hạ Môn [Xiamen] thuộc tỉnh Phúc Kiến; còn vùng biển xung quanh đảo Hải Nam thì thuộc Việt Nam. Qua sử, chí, Trung Quốc; có thể chứng minh rằng sách lược nước này không đoái hoài đến biển cả.
5. Cuối cùng vào buổi tàn cuộc của triều Thanh, nhờ ngọn gió Tây phương thổi đến, giúp họ hiểu rõ vị trí đặc thù và tài nguyên phong phú của biển. Một người tỏ ra bén nhạy với thời cuộc là viên Thuỷ sư đề đốc Lý Chuẩn; y lợi dụng tình trạng Việt Nam trong vòng đô hộ Pháp, nên vào năm Quang Tự thứ 33 [1907] mang các tàu như Phục Ba, Sâm Hàng đến đảo Hoàng Sa để dành chủ quyền. Điều kẹt cho y, quần đảo này chưa hề nằm trong lãnh thổ Trung Quốc nên các đảo không có tên; bởi vậy y bèn tuỳ tiện lấy tên hai tàu “Phục Ba”, “Sâm Hàng” đặt tên cho 2 đảo, lấy tên quê y tại huyện “Lãnh Thuỷ” tỉnh Tứ Xuyên đặt tên cho một đảo khác, rồi nhân có giếng nước ngọt trên một đảo, bèn đặt tên đảo này là “Cam Tuyền”. Nhắm khua chiêng gióng trống cho mọi người biết, y cho bắn đại bác, treo cờ; khắc bia trên hòn đảo được đặt tên là Phục Ba, với hàng chữ như sau:
“Đại Thanh Quang Tự năm thứ 33, Thuỷ sư Quảng Đông Đề đốc Lý Chuẩn tuần thị đến nơi này. ” (6)
[大清光绪三十三年广东水师提督李准巡视至此]
Bấy giờ gần cách mệnh Tân Hợi, các tỉnh Trung Quốc tự tiện điều hành như những sứ quân, việc làm của Lý Chuẩn chỉ thừa lệnh viên Tổng đốc Quảng Đông, riêng triều đình Thanh không biết. Bởi vậy phần Bản Kỷ về năm Quang Tự thứ 33, hoặc Thanh Sử Cảo không đề cập đến việc này, và trong phần Chí cũng không có đảo Tây Sa [Paracel].
Chú thích:
- Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 66.
- Khâm Định Đại Thanh Nhất Thống [欽定大清一統志],Hoà Khôn Chủ biên, quyển 350.
- Khâm Định Đại Thanh Hội Điển quyển thứ 65.
- Bảo giáp: tổ chức dân binh trong làng.
- Quảng Ðông Thông Chí [廣東通志], Tổng đốc Hác Ngọc Lân chủ biên, quyển 9.
- Nguyên văn trong bài “Đại Thanh Quang Tự Lý Chuẩn năm 1909 tuần thị nơi này” [大清光绪李准1909年巡视至此].
Kết luận:
Bàn về chủ quyền đất đai cần phải ghi rõ ràng vị trí, giới hạn, diện tích, do đơn vị hành chánh nào quản lý. Hoặc ít ra cũng chép được tương đối chi tiết như sách Hoàng Việt Địa Dư Chí [皇越地輿誌] của Phan Huy Chú [潘輝注] thời Nguyễn, viết về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với những nét như sau:
“Quảng Ngãi
Phủ Tư Nghĩa có 3 huyện, nay là trấn Quảng Ngãi; 3 huyện gồm 9 tổng, 216 xã. Huyện Chương Nghĩa xưa là huyện Nghĩa Giang, gồm 3 tổng 93 xã. Huyện Bình Sơn xưa là huyện Bình Dương, gồm 3 tổng, 70 xã. Huyện Mộ Hoa gồm 3 tổng, 53 xã. Phủ nằm trong trấn Quảng Nam, thượng du bao bọc bởi núi, hạ lưu giáp biển, địa thế rộng rãi. Thời Thái Vương cai trị, cải thành 3 huyện thuộc Quảng Ngãi; vật lực giàu có, lúa ngũ cốc không biết bao nhiêu mà kể. Vàng, bạc, châu báu, trầm hương, tốc hương rất tốt đẹp. Voi ngựa súc vật có nhiều, ngoài biển có hải đảo, cảnh vật u nhã.
Bãi Hoàng Sa
Xã thôn An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn gần biển, phía đông bắc ngoài biển có nhiều đảo. Núi đảo trùng điệp, có đến hơn 130; các đảo cách nhau bởi biển hoặc một ngày đường hoặc mấy canh, dưới núi có suối nước ngọt. Trong các đảo này có bãi Hoàng Sa, dài khoảng 30 lý, bằng và rộng rãi, nước trong tận đáy, trên đảo yến nhiều vô số, chim có đến hàng ngàn hàng vạn, thấy người vẫn quây quần không tránh. Bên bờ các vật lạ rất nhiều, có loại ốc hoa văn tên là ốc tai tượng to như chiếc chiếu, trên bụng có hạt cườm bằng đầu ngón tay, màu đục không được như ngọc trai, vỏ có thể tạc thành bia, có thể chế thành vôi sơn quyét; có loại ốc xà cừ làm đồ trang sức rất tốt đẹp, có loại ốc hương thịt có thể muối ăn, đồi mồi trên đảo khá lớn, có loại tên hải ba, vỏ mỏng có thể làm khí mãnh trang sức, trứng bằng đầu ngón tay lớn; lại có loại tên hải sâm tục gọi là đột đột, bơi lội bên cạnh các đảo, đánh bắt được đem xát qua bằng vôi, bỏ ruột, phơi khô; lúc ăn tẩm với tương cua đồng, ăn cùng với tôm, thịt rất tốt. Các thuyền buôn phần lớn gặp nạn tại đây.
Các triều vương trước (chúa Nguyễn) đặt đội Hoành Sa 70 người, dùng người xã An Vĩnh luân phiên đi. Hàng năm vào tháng 3 nhận chỉ thị sai đi, mang 6 tháng lương, dùng thuyền nhỏ 5 chiếc, trương buồm xuất dương, 3 ngày 3 đêm đến đảo; tại đây mặc tình đánh bắt cá ăn, được đồ quí khí vật trên thuyền rất nhiều, lại lấy được hải sản rất nhiều. Ðến tháng 8 trở về, vào cửa Eo để đệ nạp cho thành Phú Xuân. ”
Tôi ra công sưu tầm trong sử, chí Trung Quốc, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra được một tư liệu nào về chủ quyền quần đảo Tây Sa [Paracel Islands], Nam Sa [Spratly Islands] tương tự. Đến năm 2016, nhân đọc bài báo nhan đề Chúng Ta Ca Tụng Quang Minh Nhưng Mang Theo Ngàn Năm Hắc Ám [我们歌颂光明 却带来千年黑暗] của Thượng tướng không quân Lưu Á Châu [刘亚 洲], con rể cố chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm,đăng lại trên báo mạng Cấm Văn [禁文]. Ông nhận xét về lịch sử như sau:
“ Cái chìa khoá khiến Trung Quốc mất biển, do trải qua các triều đại thống trị không có quan niệm về chủ quyền biển ”
[中国失去海洋的关键是历代统治者没有海 权观念.]
Nhận xét đó có phần đúng, quả thật trong sử chí quan phương [官方, official] của Trung Quốc, không có tư liệu nào khẳng định chủ quyền của nước này tại Biển Đông.