Vua Gia Long Tuyên Bố Chủ Quyền Hoàng Trường Sa.

Trần Đức Anh Sơn

\"anh-1\"

Chân dung vua Gia Long do một họa sĩ người Pháp vẽ vào thế kỷ XIX.

1. Kế nghiệp tiền nhân

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh (1762 – 1820) lên ngôi vua ở Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long, chính thức khai lập vương triều Nguyễn. Không chỉ cai quản một nước Việt Nam thống nhất và dài rộng như ngày nay, vua Gia Long còn quan tâm đến việc chiếm hữu và xác lập chủ quyền đối với những vùng biển đảo mà tiền nhân đã dày công khai phá, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

1.1. Tiền nhân mở lối

Theo ghi chép trong nhiều thư tịch cổ như Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư  (Đỗ Bá, 1686), Hải ngoại kỷ sự (Thích Đại Sán, 1699), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776)… thì từ thế kỷ 17, người Việt đã dong thuyền đến các hải đảo ở giữa biển Đông để đánh bắt hải sản và khai thác yến sào trên các hòn đảo. Họ gọi tên dải đảo, đá, bãi ngầm này là Bãi Cát Vàng hoặc Cồn Vàng, còn các sử liệu Hán văn thì ghi là Hoàng Sa, Vạn Lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa…, trong khi tư liệu và bản đồ của phương Tây thì định danh nơi này là ParcelPracel, Paracels, Paraselso

Cuối thế kỷ 17, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập đội Hoàng Sa, hàng năm cử đội này ra Hoàng Sa để thăm dò, đo đạc hải trình, khai thác yến sào trên đảo và thu nhặt vũ khí, vàng bạc, hàng hóa… từ các con tàu của nước ngoài khi đi ngang qua Hoàng Sa thì gặp nạn và bị chìm trong vùng biển này. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn của Đỗ Bá  chép: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm,đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Mỗi lần có gió tây nam thì thuyền buôn các nước đi ở phía trong trôi giạt ra đây; gió đông bắc thì thuyền buôn chạy phía ngoài cũng trôi giạt vào đây, đều bị chết đói hết cả. Hàng hóa đều vứt bỏ nơi đây. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối đông, đưa 18 chiếc thuyền đến đây thu nhặt hàng hóa, của cải, phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạnDanh xưng Bãi Cát Vàng – Hoàng Sa bấy giờ được dùng để gọi tên cho cả dải đảo, đá, bãi ngầm ở giữa biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Về sau, người Việt mới phân biệt quần đảo Hoàng Sa với các hải đảo, bãi ngầm khác nằm trong vùng biển phía nam Hoàng Sa. Vùng biển này được đặt tên là Bắc Hải; hải đảo, bãi ngầm nơi đây về sau được gọi là Vạn Lý Trường Sa hay Trường Sa.

\"ky-1-anh-02\"

Đoạn viết về Bãi Cát Vàng và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn của Đỗ Bá, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội).

Năm 1708, Mạc Cửu, một người Hoa lưu vong đã có công khai phá vùng đất Hà Tiên ở phía nam trở thành một vùng đất trù phú, đã dâng vùng đất này cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn sáp nhập Hà Tiên vào lãnh thổ Đàng Trong, ban cho Mạc Cửu chức Tổng binh cai quản trấn Hà Tiên. Năm 1711, Tổng binh Mạc Cửu ra Phú Xuân để tạ ơn chúa Nguyễn Phúc Chu, được chúa hậu thưởng và giao cho tổ chức khảo sát đo vẽ quần đảo Trường Sa.

Như vậy, đến đầu thế kỷ 18, chính quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã quản lý một vùng lãnh thổ rộng lớn, trải đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo ở biển Đông và trong vịnh Thái Lan. Từ nửa sau thế kỷ 18, ngoài đội Hoàng Sa, chúa Nguyễn còn lập thêm đội Bắc Hải (trực thuộc đội Hoàng Sa) có trách nhiệm khai thác hải vật; kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực “các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên” (Phủ biên tạp lục). Hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải kéo dài cho đến cuối thế kỷ 18, được tổ chức có hệ thống và liên tục. Hàng năm từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, chính quyền đều sai cử hai đội này ra Hoàng Sa và Trường Sa thực thi công vụ.

Các bộ lịch sử và địa chí được biên soạn vào thời Nguyễn (1802 – 1945) như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt địa dư chí… đều ghi chép về việc các chúa Nguyễn đã khai phá, chiếm hữu và tổ chức khai thác các nguồn lợi ở Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển đảo khác của Việt Nam, với biên chế chặt chẽ, hoạt động chuyên nghiệp: đội Hoàng Sa chuyên khai thác ở vùng biển đảo Hoàng Sa; đội Bắc Hải trực thuộc đội Hoàng Sa nhưng phụ trách các đảo xa hơn về phía nam, gồm quần đảo Trường Sa, đảo Côn Lôn và các đảo trong vịnh Thái Lan; đội Thanh Châu chuyên khai thác yến sào ở các đảo ngoài khơi vùng biển Bình Định; đội Hải Môn hoạt động ở Cù lao Thu và các đảo phụ cận ở ngoài khơi vùng biển Bình Thuận…

Kế tiếp các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn (1771 – 1801), dù ở trong tình trạng chiến tranh với họ Nguyễn và đối phó với ngoại xâm như Xiêm La (1785), Mãn Thanh (1788 – 1789) vẫn quan tâm và duy trì hoạt động của đội Hoàng Sa. Một thư tịch cổ đề ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 (1786) do quan Thái phó Tổng lý quân binh dân chư vụ thượng tướng công của triều Tây Sơn gửi cho Cai đội Hoàng Sa thời đó có chép: “Sai Hội Đức hầu, Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa và các xứ cù lao ngoài biển, thu lượm vàng bạc, đồ đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, hải ba, cá quý… mang về kinh đô dâng nộp theo lệ”. Điều này chứng tỏ nhà Tây Sơn vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của đội Hoàng Sa nhằm khai thác các lợi ích kinh tế và kiểm soát chủ quyền biển đảo nước ta đương thời.

1.2. Nguyễn triều kế nghiệp

Năm 1803, sau khi lên ngôi được một năm, vua Gia Long đã cho tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và đặt vào trong cơ cấu tổ chức chung của các đội Trường Đà, có chức năng khai thác và quản lý toàn bộ khu vực biển Đông.

\"anh-3\"

Đoạn viết về việc vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa trong Đại Nam thực lục chính biên, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội).

Sách Đại Nam thực lục chính biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cho biết: năm 1803 vua Gia Long ra lệnh cho quan chức ở phủ Quảng Ngãi “lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa1; năm 1815 vua “sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình2; năm 1816 vua “lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình3; năm 1817 vua tiếp nhận địa đồ đảo Hoàng Sa do thuyền Ma Cao vẽ và dâng lên, ban thưởng 20 lạng bạc cho họ về việc này.4

\"anh-4\"

Đoạn viết về việc vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa khảo sát và đo đạc thủy trình trong Đại Nam thực lục chính biên, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội).

\"anh-5\"

Đoạn viết về việc vua Gia Long tiếp tục sai thủy quân ra khảo sát Hoàng Sa vào năm 1816 trong Đại Nam thực lục chính biên, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội).

Đặc biệt, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa phối hợp cùng thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 được nhiều nguồn tư liệu phương Tây đương thời ghi nhận, coi đây là dấu mốc quan trọng xác nhận sự chiếm hữu chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa và là biểu tượng của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Đây là một sự chuyển biến quan trọng về nhận thức của vua Gia Long, từ kế nghiệp tiền nhân khai thác Hoàng Sa, Trường Sa một cách tự nhiên, tiến đến việc công khai việc chiếm hữu Hoàng Sa, tạo điều kiện cho các triều đại kế vị thúc đẩy mạnh mẽ việc xác lập, kiểm soát và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này và những vùng biển đảo khác của Việt Nam.

\"anh-6\"

Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở trên đảo Lý Sơn.

2. Dấu mốc 1816 trong tư liệu phương Tây

Việc vua Gia Long chính thức tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816, dù được ghi chép ngắn gọn trong sử sách của triều Nguyễn, nhưng lại được người phương Tây coi là một sự kiện trọng đại và được phản ánh trong nhiều tư liệu xuất bản ở phương Tây vào đầu thế kỷ 19 bằng các ngôn ngữ: Pháp, Anh, Đức, Ý…

2.1. Nhân chứng và bằng chứng

Hồi ký Le mémoire sur la Cochinchine (tiếng Pháp) của Jean-Baptiste Chaigneau, một người Pháp là đại thần của triều đình Gia Long, xuất bản ở Paris (Pháp) năm 1820, có đoạn viết: “Vương quốc Cochinchine (tên người phương tây gọi Việt Nam lúc đó) mà vị vua hiện nay (vua Gia Long) tuyên xưng hoàng đế gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc Cao Miên, một vài đảo có dân cư ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel (quần đảo Hoàng Sa) hợp thành từ những đảo nhỏ, bãi ngầm và mỏm đá không có người ở. Chỉ đến năm 1816 đương kim hoàng đế mới chiếm hữu được quần đảo này”.

Tập san Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China (tiếng Anh) do John Crawfurd biên soạn, xuất bản tại London (Anh) năm 1830, có đoạn viết: “Năm 1816, vua Cochin China đã chiếm một quần đảo không có người ở và hiểm trở bao gồm nhiều đá, đảo nhỏ, bãi cát… gọi là Paracels. Theo đó, nhà vua tuyên bố quần đảo này thuộc chủ quyền nước này, mà hầu như sẽ không bị tranh chấp”.5

\"Journal

Đoạn viết về việc vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 trong tập san Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China, do John Crawfurd biên soạn, xuất bản tại London năm 1830.

Sách Die Erdkunde von Asien (tiếng Đức) của Carl Ritter, xuất bản tại Berlin (Đức) năm 1834, đã miêu tả các đảo thuộc vương quốc Cochinchina, trong đó có Paracels là “dãy đảo đá san hô đầy nguy hiểm, nổi tiếng vì nhiều rùa và cá, nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. Những đảo nhỏ đầy cát và rong này vốn được hoàng đế Cochinchina tuyên bố chủ quyền từ năm 1816 và không gặp bất kỳ sự phản đối nào của các nước lân bang”.6

Bài Note on the Geography of Cochin China (tiếng Anh) của Jean Louis Taberd, Giám mục người Pháp bên cạnh triều đình Gia Long, in trên tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal, xuất bản tại Calcutta (Ấn Độ) năm 1837, có đoạn viết: “Quần đảo Pracel hay Paracels là một khu vực chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát… Những người dân xứ Cochinchina gọi khu vực đó là Cồn Vàng… Mặc dù rằng hình như loại quần đảo này chỉ có độc những tảng đá ngầm mà không có gì khác, và độ sâu của biển hứa hẹn những điều bất tiện hơn là sự thuận lợi, nhưng vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông đã tăng cường được quyền thống trị lãnh thổ của mình bằng sự sáp nhập tội nghiệp đó. Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông”.7

\"Journal

Đoạn viết về việc vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 trong bài Note on the Geography of Cochin China của Giám mục Jean Louis Taberd, in trên tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal, xuất bản tại Calcutta năm 1837.

Sách Taschenbuch zur Verbreitung geographischer Kenntnisse (tiếng Đức) của Johann Gottfried Sommer, xuất bản tại Praha (Czech) năm 1839, có đoạn viết: “Trong vùng biển (Nam) Trung Hoa, chỉ có các đảo sau thuộc chủ quyền Cochinchina là quan trọng: Pulo-Condore (Côn Đảo), Pulo-Canton hay là Col-lao-Ray (Cù lao Ré) và Tscham-col-lao hay là Col-lao-Tscham (Cù lao Chàm). Ngoài các đảo này ra, năm 1816, vua Cochinchina đã chiếm hữu bãi đá san hô nguy hiểm và không có người sinh sống, gồm nhiều bãi đá và cồn cát có tên là ParaclesKhó ai có thể phản đối chủ quyền của Cochinchina về phần đất mới chiếm của vương quốc này”.8

\"Traité

Đoạn viết về việc vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 trong sách Taschenbuch zur Verbreitung geographischer Kenntnisse của Johann Gottfried Sommer, xuất bản tại Praha năm 1839.

Sách Del vario grado d’importanza degli stati odierni (tiếng Ý) của Cristoforo Negri, xuất bản tại Milano (Ý) năm 1841, ghi nhận: “Vào năm 1816, vua của vương quốc Cocincina đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa”.9

Hồi ký Voyage pittoresque en Asie et en Afrique (tiếng Pháp) của J.B. Eyriès, xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1841, có đoạn viết: “Có nhiều đảo tại đế chế An Nam: ta lưu ý về phía nam – đông nam của đảo Hải Nam có quần đảo Paracels, là một chuỗi đá ngầm rất nguy hiểm do các bãi cát và mỏm đá ở xung quanh. Các đảo này không có người ở, nhưng do việc khai thác đồi mồi và cá ở đây rất nhiều, hoàng đế An Nam đã cho chiếm hữu nó vào năm 1816 mà các lân bang không hề có ý kiến gì”.10

Sách L’Univers: Histoire et description de tous les peuples (tiếng Pháp) do Jean Yanoski và Jules David biên soạn, xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1848, có đoạn viết: “Chúng tôi nhận xét rằng từ 34 năm nay, quần đảo Paracels (người Annam gọi là Cát Vàng) đã có người An Nam chiếm đóng… Chúng tôi không biết là họ có thiết lập ở đây một cơ sở hay không (có lẽ là với mục đích để bảo vệ việc đánh cá chẳng hạn); nhưng chắc chắn là hoàng đế Annam đã thiết tha muốn gắn thêm cái hoa nhỏ này vào vương miện của mình, vì nhà vua đã phán đoán về vấn đề tự mình đi chiếm hữu nó, và năm 1816 vua đã long trọng cắm tại đây lá cờ của Annam”.11

\"Voyage

Đoạn viết về việc vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 trong sách L’Univers: Histoire et description de tous les peuples do Jean Yanoski và Jules David biên soạn, xuất bản tại Paris năm 1848.

– Sách L’univers. Histoire et description de tous les peuples. Japon, Indo-Chine, etc.(tiếng Pháp) của Adolphe Dubois de Jancigny, xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1850, có đoạn viết: “…Từ hơn 34 năm, quần đảo Paracel, (người Annam gọi là Cát Vàng), là một dải đảo quanh co với nhiều đảo chìm và nổi, quả là rất đáng sợ cho các nhà hàng hải, đã do những người Annam chiếm giữ. Chúng tôi không biết rằng họ có xây dựng cơ sở của mình hay không, nhưng chắc chắn rằng hoàng đế Annam đã quyết định giữ nơi này cho triều đại mình, vì rằng chính ông đã thấy được rằng tự mình phải đến đấy chiếm hữu nó, và năm 1816 nhà vua đã trịnh trọng cắm ở đây lá cờ của Annam”.12

\"anh-11\"

Bản đồ Partie de la Cochinchine trong bộ Atlas Universel do nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen biên soạn và xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) năm 1827. Trên tờ bản đồ này có vẽ quần đảo Paracels và ghi chú đó là một phần thuộc về vương quốc Cochinchine thuộc đế chế An-nam.

2.2. Không hề có tranh chấp với láng giềng

Những trích dẫn trên đây từ các tư liệu của phương Tây đương thời cho thấy người phương Tây đánh giá cao việc vua Gia Long cho người ra Hoàng Sa cắm cờ và tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này chứng minh việc kế thừa hoạt động khai phá, chiếm hữu tự nhiên quần đảo Hoàng Sa mà nhiều thế hệ người Việt đã thực thi liên tục trong hàng trăm năm trước, nay được vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu chính thức. Điều quan trọng là lời tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long, theo các tư liệu phương Tây ghi nhận, đã không gây nên một cuộc tranh chấp nào với các nước láng giềng đương thời.

Các tư liệu phương Tây cũng ghi nhận rằng mặc dù quần đảo Hoàng Sa xa xôi, cách trở, chứa đựng nhiều bất trắc và nguy hiểm hơn là hứa hẹn những thuận lợi nhưng vua Gia Long vẫn quyết định sáp nhập quần đảo này vào lãnh thổ Việt Nam nhằm để “tăng cường quyền thống trị” (lời của Giám mục Jean Louis Taberd).

Sự sáp nhập này đã thể hiện một “tầm nhìn chiến lược” của vua Gia Long đối với một quần đảo có vị trí quan yếu trong chiến lược làm chủ mặt biển của vua Gia Long, đồng thời đề phòng các nước láng giềng dòm ngó và tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền trên quần đảo này.

Sự kiện này cũng khẳng định các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục và hòa bình từ hàng trăm năm trước, thông qua các hoạt động do nhà nước tổ chức, do nhà vua trực tiếp chỉ đạo. Vua Gia Long là người đã kế thừa xuất sắc vai trò chỉ đạo này và đã củng cố vững chắc chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa mà các thế hệ tiền nhân đã xác lập từ trước.

3. Triều Nguyễn thực thi chủ quyền

\"anh-14\"

Thuyền chiến thời Nguyễn. Tranh vẽ của Nguyễn Thứ, họa sĩ cung đình thời Nguyễn.

Sự kiện vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 được ghi nhận trong sách Đại Nam thực lục bằng một dòng ngắn gọn: “Gia Long năm thứ 17(1816)… [vua] lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình”.13

3.1. Nhân chứng đầu tiên

Trong khi đó, nhiều tư liệu do người phương Tây biên soạn và xuất bản vào đầu thế kỷ 19 đã ghi nhận việc này như một sự tuyên bố chiếm hữu chính thức của vua Gia Long, kèm theo đó là những miêu tả về địa lý – tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa, điểm lược quá trình khai phá và chiếm hữu của người Việt đối với quần đảo này và bình luận về mục đích sáp nhập Hoàng Sa vào lãnh thổ Việt Nam của vua Gia Long. Thậm chí có tư liệu còn viết rằng đích thân nhà vua đã đến cắm cờ và long trọng tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa như các ghi chép của Giám mục Jean Louis Taberd (1838), của các tác giả Jean Yanoski và Jules David (1848), của Adolphe Dubois de Jancigny (1850).

Đối chiếu với các nguồn sử liệu Việt Nam và căn cứ vào thực tế cai trị đất nước của các vua triều Nguyễn, có thể xác quyết rằng vua Gia Long không đích thân đi ra Hoàng Sa để cắm cờ và tuyên bố chủ quyền. Nhà vua chỉ sai cử đội Hoàng Sa cùng với thủy quân của triều đình ra Hoàng Sa để làm việc này, coi đó là một hoạt động thường xuyên, tiếp nối việc khai chiếm Hoàng Sa và Trường Sa từ các thời trước để duy trì sự chiếm hữu của người Việt đối với hai quần đảo này. Có lẽ vì thế mà sử sách của triều Nguyễn ghi chép sự kiện này khá khiêm tốn. Tuy nhiên theo quan điểm của học giới phương Tây thì sự kiện này có một ý nghĩa to lớn. Bởi lẽ, trong thời kỳ này chủ nghĩa tư bản đang ráo riết chinh phục những vùng đất còn lại ở phương Đông, sau khi đã hoàn tất quá trình chinh phục và thực dân ở châu Phi và châu Mỹ. Vì thế họ coi việc tuyên bố chiếm hữu lãnh thổ theo kiểu thức phương Tây là những dấu mốc quan trọng để xác lập sự chiếm hữu và chủ quyền đối với những vùng đất mới khai phá.

Ghi chép đầu tiên của người phương Tây về tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long vào năm 1816, là của Jean-Baptiste Chaigneau trong cuốn hồi ký Le mémoire sur la Cochinchine, viết vào khoảng trước năm 1820.

Jean-Baptiste Chaigneau (1769 – 1832) là sĩ quan hải quân người Pháp đã phụng sự Nguyễn Ánh từ năm 1796 theo tiến cử của Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Ông được Nguyễn Ánh phong chức Đại úy hải quân và được giao chỉ huy chiếc tàu Long Phi trang bị 32 khẩu đại bác với 300 thủy thủ đoàn, và đã tham gia tất cả các trận thủy chiến với quân Tây Sơn, trong đó, có trận đánh lớn đánh bại lực lượng thủy quân Tây Sơn tại vùng biển Quy Nhơn vào năm 1801. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, Jean-Baptiste Chaigneau trở thành một trong ba đại thần người Pháp trong triều đình Gia Long, được giao chỉ huy những chiến hạm thiện chiến nhất của triều Nguyễn đương thời: Jean-Baptiste Chaigneau chỉ huy tàu Long Phi, Philippe Vannier (1762 – ?) chỉ huy tàu Phụng Phi và De Forçanz (? – 1811) chỉ huy tàu Bằng Phi. Jean-Baptiste Chaigneau tiếp tục phục vụ vua Gia Long cho đến tháng 11 năm 1819 thì mới đưa gia đình trở về Pháp để nghỉ phép 3 năm theo ân đãi của vua Gia Long, sau đó thì trở lại Nam Kỳ làm Lãnh sự Pháp ở Sài Gòn theo lệnh vua Louis XVIII vào năm 1821.14

Như vậy, Jean-Baptiste Chaigneau đã ở bên cạnh vua Gia Long trong giai đoạn cuối của công cuộc phục quốc (cuối thế kỷ 18) cho đến những năm cuối của triều Gia Long. Vì thế, ông là chứng nhân trong sự kiện vua Gia Long sai cử binh thuyền và đội Hoàng Sa đi ra quần đảo Hoàng Sa “để xem xét, đo đạc thủy trình” vào năm 1816. Với tầm nhìn của một sĩ quan hải quân thiện chiến, đã từng là tình nguyện quân trên các tàu chiến của Hải quân hoàng gia Pháp từ năm 12 tuổi.15

Jean-Baptiste Chaigneau đã chinh chiến ở các vùng biển Ấn Độ, Macao và biển Đông, khai chiếm nhiều vùng đất mới ở phương Đông để phục vụ lợi ích của nước Pháp, trước khi trở thành cận thần của vua Gia Long. Có lẽ vì thế mà ông hiểu được giá trị và ý nghĩa của việc vua Gia Long sai người ra Hoàng Sa “cắm cờ và long trọng tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa” vào năm 1816. Ông coi đây là sự tuyên bố chủ quyền chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa của vương triều Nguyễn và đã ghi chép sự kiện này trong cuốn hồi ký Le mémoire sur la Cochinchine, xuất bản ở Paris năm 1820. Có lẽ đây là nguồn sử liệu đầu tiên của phương Tây đề cập sự kiện vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa vào năm 1816, tạo niềm cảm hứng và cơ sở dữ liệu cho những ghi nhận sự kiện này của học giới phương Tây sau này.

3.2. Những hoạt động thực thi chủ quyền

Từ tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long vào năm 1816, hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được tiến hành liên tục và triệt để hơn dưới triều Minh Mạng (1820 – 1841): năm 1833, vua Minh Mạng phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 104, tờ 18b-19a). Năm 1834, vua Minh Mạng sai Giám thành vệ đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng hơn 20 thủy quân đi ra Hoàng Sa vẽ bản đồ (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 122, tờ 23a). Năm 1835, vua Minh Mạng sai Cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và thợ ở Giám thành vệ cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định chở vật liệu ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia đá và xây bình phong trước miếu.16

\"anh-12\"

Đoạn viết về việc vua Minh Mạng chuẩn tấu của bộ Công, sai Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền ra Hoàng Sa vẽ bản đồ và cắm mốc chủ quyền vào năm 1836 trong Đại Nam thực lục chính biên.

Đặc biệt, năm 1836, vua Minh Mạng sai Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ các đảo, hòn, bãi cát… thuộc quần đảo này. Khi ra đo đạc ở Hoàng Sa, Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 cọc gỗ, trên cọc có khắc dòng chữ Hán (Việt dịch): “Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc, đến đây khắc lưu chữ này” (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165, tờ 24b-25a). Đây là hình thức cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa do Phạm Hữu Nhật thực hiện theo lệnh của vua Minh Mạng. Những chuyến đi ra Hoàng Sa đo đạc, lập bản đồ từ năm 1834 đến năm 1836 của Thủy quân, Giám thành vệ và phu thuyền trong đội Hoàng Sa đã cung cấp thông tin, dữ liệu để triều đình Minh Mạng hoàn thành bản đồ chính thức của nước Đại Nam vào năm 1838. Đó là Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ hành chính đầu tiên của nước ta có sự phân biệt Hoàng Sa với Vạn Lý Trường Sa.

\"anh-13\"

Mộc bản triều Nguyễn (tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV) khắc in sách Đại Nam thực lục chính biên về việc vua Minh Mạng chuẩn tấu của bộ Công, sai Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền ra Hoàng Sa vẽ bản đồ và cắm mốc chủ quyền vào năm 1836.

Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động mạnh và hiệu quả dưới thời Gia Long cho đến đầu thập kỷ 20 của thế kỷ 19 thì được tích hợp vào đội Thủy quân của triều Nguyễn. Những “hùng binh Hoàng Sa – Bắc Hải” nay đã trở thành thủy quân trong quân đội chính quy của triều đình, tham gia vào hoạt động thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới thời Nguyễn.

Về mặt pháp lý, sự kiện tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa năm 1816 dưới triều Gia Long đã góp phần xác lập nội dung: “Chủ quyền bắt nguồn từ sự chính thức chiếm hữu thực sự và thực thi chủ quyền một cách liên tục” suốt thời Nguyễn (trong thế kỷ 19), sau khi các chúa Nguyễn đã xác lập nội dung “Chủ quyền bắt nguồn từ sự sử dụng và chiếm hữu lâu đời một lãnh thổ vô chủ” (trong các thế kỷ 17 – 18). Đây là hai trong bốn nội dung của nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” đã được đưa ra trong Định ước Berlin ký ngày 26.6.1885 và được tái khẳng định trong Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausannenăm 1888 về nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới sau này.

3.3. Kẻ đến sau

Gần 100 năm sau sự kiện vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa, tháng 5 năm 1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Trung Quốc) là Trương Nhân Tuấn mới sai Thủy sư đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy ba chiếc thuyền đi ra thám thính quần đảo Hoàng Sa. Ngày 6.6.1909, Lý Chuẩn cho quân đổ bộ lên đảo Hoàng Sa và tuyên bố “chiếm hữu” quần đảo này, chính thức nhảy vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, mà trước đó gần một thế kỷ vua Gia Long đã chính thức tuyên bố chiếm hữu và các thế hệ kế thừa đã thực thi chủ quyền đó một cách liên tục, hòa bình và không có một quốc gia láng giềng nào lên tiếng tranh chấp.

T.Đ.A.S.

Chú thích

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 22, tờ 2a.

2 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 50, tờ 6a.

3, 13 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 52, tờ 15a.

4 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 55, tờ 19b.

5 John Crawfurd, Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China, (London, 1830), 243-244.

6 Carl Ritter Die Erdkunde von Asien, Vol. 3, (Berlin, 1834), 922.

Jean Louis Taberd, “Note on the Geography of Cochin China”. The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. 6, Part 2, (Calcutta, 1837), 745.

Johann Gottfried Sommer, Taschenbuch zur Verbreitung geographischer Kenntnisse, (Praha, 1839: 296).

9 Cristoforo Negri, Del vario grado d’importanza degli stati odierni, (Milano, 1841), 421.

10 J.B. Eyriès, Voyage pittoresque en Asie et en Afrique, (Paris, 1841),  201.

11 Jean Yanoski et Jules David, L’Univers: Histoire et description de tous les peuples, (Paris, 1848), 555.

12 Adolphe Dubois de Jancigny, L’univers. Histoire et description de tous les peuples. Japon, Indo-Chine, etc. (Paris, 1850), 550.

14, 15 H. Cosserat, “Những người Pháp phục vụ vua Gia Long”, Những người bạn cố đô Huế(BAVH), tập 4, (Huế: Thuận Hóa, 1917), 200-207, 201.

16 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 154, tờ 4a-4b).

Bài Khác

Leave a Comment