Mặc Lâm: Bóng xích và Lăng Bác

Bóng xích và Lăng Bác

Mặc Lâm

\"\"
Cổ động viên Việt Nam trong trận gặp Miến Điện hôm 20 tháng 11, 2018.

Từ ngàn xưa chuyện mê tín chưa bao giờ rời xa đời sống cộng đồng, chí ít nó cũng mang lại cho người cùng khổ một niềm tin vào sự thay đổi cuộc đời họ nhờ vào quyền lực của thần thánh. Từ ông thần hoàng ở đầu làng đến các vị thần khác trên bàn thờ trong gia đình hay các anh hùng quốc gia trở thành thần cũng không hiếm trong đời sống tâm linh của người dân. Mê tín là tin tưởng vào sự nhiệm mầu tuy hầu hết những nhiệm mầu ấy không bao giờ trở thành sự thật. Vậy mà người ta vẫn bám vào cái sự không thể xảy ra ấy làm chỗ dựa khi đời sống vật chất quá thiếu thốn hay quá thừa thãi, sự mâu thuẫn này chỉ xảy ra ở các nước chậm tiến và đặc biệt ở những nơi mà đồng tiền kiếm được một cách bất chính.

Những năm gần đây hình ảnh các lãnh đạo cao cấp thi nhau dựng chùa, xây tượng Phật cũng như đến chùa dâng hương không còn hiếm hoi trên các phương tiện truyền thông. Nhìn các vị chức sắc nhà nước thì thụp quỳ lạy trước các hình tượng tôn nghiêm người ta không thể không ngạc nhiên vì chính họ trước đây một thời gian ngắn đã cổ vũ hay ít ra cũng đồng tình với câu mà Karl Marx từng khẳng định: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại”, nay thì họ ung dung thưởng thức loại thuốc phiện ấy trước dư luận. Thuốc phiện không còn là vùng cấm nữa, ít nhất đối với cán bộ các cấp khi họ được bật đèn xanh bởi các ông cựu Chủ tịch nước hay cựu Thủ tướng ba Dũng, người sủng ái Trần Bắc Hà đến nỗi mỗi lần đến chùa dâng cúng đều không thiếu mặt của y.

Nhà giàu như họ đến chùa không vì lẽ sám hối, họ đến chùa để dâng tiền cúng dường như một hành vi đút lót thần thánh cho tài sản mà họ kiếm được không bị kiểm kê trước khi về làm người… tử tế.

Tin vào sự can thiệp của thần thánh không những xảy ra tại các ngôi chùa nổi tiếng, nó đã và đang lây lan trên toàn xã hội, không chừa nơi nào kể cả những nơi mà thần thánh cũng sợ không dám xuất hiện vì đám đông không ai kiểm soát có thể ném đá những ông thần vô tình ngã về phe này hay phe khác. Đó là nơi mà khái niệm ăn thua không dính tới Thần tài hay Quan công nhưng lại có vẻ liên quan tới cái gọi là phong thủy.

Phong thủy và mê tín là một cặp bài trùng, chúng liên kết và bảo vệ nhau mọi nơi mọi lúc. Làm ăn thua lỗ được các thầy phong thủy khuyên nên đổi bếp, đổi cả giường nằm. Dựng vợ gã chồng thời nay không còn xem tử vi mà chuyển qua phong thủy. Hai vợ chồng sau khi cưới nhờ thầy phong thủy xem nhà hướng nào, cái gương trong nhà ra sao và trước nhà có nguồn mạch của thời vận làm cho cặp vợ chồng sắp cưới có sống lâu với nhau được không.

Ngay cả trong bóng đá, một sinh hoạt thể thao thuần nhất cũng có phong thủy dính vào. Sự việc tại sân Mỹ Đình vừa mới xảy ra là một ví dụ vừa hài hước lại không kém phần nghiêm túc.

Hài hước vì người ta tin rằng những trái bóng bằng xi măng bị xích dính vào nhau trước sân bóng Mỹ Đình làm cho đội nhà không bao giờ chiến thắng, chỉ từ huề tới thua, và nhiều khi thua sấp mặt.

Nhưng không thiếu nghiêm túc vì chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã yêu cầu dịch chuyển hơn 40 quả bóng xích này đi nơi khác sau khi dư luận cho rằng vì bóng bị xích nên bóng đá Việt Nam… không thể nào cất cánh!

Nếu phong thủy thực sự có thể chuyển dịch và thay đổi số phận, sinh mệnh hay tương lai của con người, hay vận mệnh một dân tộc như cách mà nhà nước đang làm đối với một sân bóng như vậy thì tại sao không thay đổi, chuyển dịch một vật thể lớn hơn, ảnh hưởng tới vận mệnh cả dân tộc rõ ràng hơn và nhất là liên quan tới phong thủy một cách mật thiết hơn, đó là lăng Hồ Chủ Tịch đang nằm tại một điểm then chốt của thủ đô, tức là long mạch của quốc gia – việc làm mà chính Hồ Chủ tịch khi còn sống không bao giờ mong muốn.

Ông viết trong di chúc của mình là mong muốn được hỏa táng chứ không muốn trở thành một xác ướp nằm lạnh lẽo trong bốn bức tường dày không kém tường của nhà tù Hỏa lò hết năm này tới năm khác.

Bản di chúc viết tay năm 1968 được báo chí công bố của Bác Hồ có toàn nguyên văn như sau:

“Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì điện táng càng tốt hơn.

Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.

Nên có kế hoach trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”*

Bác Hồ dù có được nhà nước gọi là gì thì ngắn gọn lại vẫn là một hoàng đế, chẳng qua cách dùng từ ngữ khác nhau nhằm vào những chủ đích không trong sáng của nhà nước. Khi Hoàng đế có di chúc thì mọi người trong nước phải nghe theo, huống gì di chúc của Bác rất hợp lẽ và tiết kiệm cho người dân bao nhiêu là tiền bạc nhưng Bộ chính trị đã cố tình làm sai lời Bác nhằm củng cố địa vị của họ hơn là tôn kính một lãnh tụ vĩ đại.

Cái lăng của Bác nếu được dịch chuyển sẽ là một cuộc cách mạng về tư duy của phong thủy. Nếu đủ can đảm làm điều này thì đất nước sẽ cất cánh ngoạn mục không cần tranh cãi, vì lẽ nếu hợp lòng dân thì dời núi lấp sông dân cũng đưa lưng gánh vác!

Mặc Lâm

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/giai-ma-di-chuc-ho-chi-minh-194035.html

Nguồn: Mặc Lâm\’s Blog / VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment