Lucy Hooker & Daniele Palumbo – Phóng viên kinh doanh & Phóng viên chuyên về phân tích dữ liệu, BBC News
Huawei: Sự phát triển nhanh chóng của hãng công nghệ TQ
Huawei là một đứa con điển hình trong ngành công nghệ đang phát triển rất sôi động của Trung Quốc.
Hãng đã vươn lên, trở thành một hiện tượng trong những năm gần đây, từ một nhà sản xuất hộp tổng đài điện thoại có quy mô nhỏ trở thành hãng đi đầu toàn cầu trong ngành công nghệ viễn thông.
Huawei đã trở nên quen thuộc với nhiều người nhờ các điện thoại di động gắn thương hiệu này, nhưng hãng cũng hoạt động sang nhiều mảng khác – từ dịch vụ đám mây điện toán cho tới công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Bất chấp những tranh cãi ngày càng tăng quanh việc liệu các thiết bị viễn thông của Huawei có chứa những đe dọa an ninh hay không, về việc các thương vụ làm ăn của hãng bị chặn ở một số nước, và gần đây nhất là về vụ Canada bắt giữ một trong các lãnh đạo cao cấp của hãng, bản thân Huawei vẫn tiếp tục phát triển đều trên toàn cầu.
Đáng chú ý nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là Huawei đã càn quét thị trường các mặt hàng điện tử dân dụng, đặc biệt là điện thoại thông minh.
Hồi đầu năm nay, hãng qua mặt Apple trong lượng máy điện thoại di động được đưa ra trên toàn thế giới.
Các lô hàng được chở đi không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc các máy điện thoại trong đó sẽ đến được tay người tiêu dùng, nhưng việc tăng sản lượng và tăng mức độ phân phối hàng đi các nơi cho thấy mức độ phổ biến của Huawei, bao gồm cả các đời máy cao cấp lẫn các máy có giá bình dân hơn mang thương hiệu Honor.
Việc mở rộng doanh số các sản phẩm điện thoại di động diễn ra bất chấp việc hãng phải đối diện với thái độ thù nghịch chính trị ở một số nơi trên thế giới, nhất là tại Mỹ.
Tại đây, không có nhà cung cấp dịch vụ di động nào hỗ trợ Huawei, cho nên tuy khách hàng có thể mua được điện thoại Huawei nhưng các sản phẩm này không được quảng bá tiếp thị rộng rãi.
Thế nhưng thiết bị cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, là mảng chiếm phần lớn nhất trong hoạt động của Huawei và là phần bị Washington phản đối, mới là phần tạo tác động lớn nhất.
Hoa Kỳ đã cấm dùng thiết bị Huawei cho các mạng viễn thông, cảnh báo về các rủi ro an ninh, và kêu gọi chính phủ các nước hãy ra lệnh cấp tương tự. Bất chấp điều này, ở mọi nơi trên thế giới, ngay cả ở châu Mỹ, thị trường cho các sản phẩm của Huawei đã tăng nhanh trong năm qua.
Quyết định của Washington trong việc cấm sử dụng thiết bị của Huawei trong hạ tầng viễn thông dựa trên lý do an ninh đã được New Zealand, Úc và Nhật Bản noi theo.
Việc Hoa Kỳ áp lực lên chính phủ các nước làm dấy lên câu hỏi liệu sự bành trướng ra toàn cầu của hãng có bị chặn lại ở một số vùng trong thời gian tới hay không.
Tuy nhiên, hiện nay Huawei đang tự mình nắm giữ một trong các phần lớn nhất hoạt động kinh doanh của mình, đó là doanh số bán thiết bị cơ sở hạ tầng viễn thông chuyên cho điện thoại di động, chẳng hạn như các thiết bị cần thiết để hỗ trợ việc triển khai các mạng dịch vụ 5G.
Thế nhưng việc Huawei sẽ tiếp tục tăng đến chừng nào nữa sẽ không chỉ phụ thuộc vào thái độ chính trị của các nước phương Tây.
Nó sẽ còn phụ thuộc cả vào việc các sản phẩm của hãng công nghệ khổng lồ này tốt đến mức nào so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Trước đây, hãng từng bị cáo buộc – giống như nhiều công ty Trung Quốc khác – là sao chép công nghệ do phương Tây phát triển rồi sau đó qua mặt các đối thủ nhờ khả năng cạnh tranh về giá thành.
Nhưng Huawei hiện đang chi mạnh tay hơn so với nhiều hãng hùng mạnh khác trên thế giới trong việc nghiên cứu và phát triển.
Viễn cảnh không thật sáng sủa cho Huawei nếu so bây giờ với thời trước.
Nhưng Huawei đã qua được cuộc khủng hoảng tài chính nhờ vào thị trường nội địa rất mạnh tại Trung Quốc, theo phân tích gia chuyên về lĩnh vực này tại IHS Markt, Stephane Teral, chỉ ra.
Điều tương tự có thể sẽ lại xảy ra nếu như hãng mất thêm các hợp đồng ở thị trường phương Tây.
Nguồn: BBC