Thái độ chống Trung Cộng gia tăng tại Phi Luật Tân
.
MANILA – Trong tháng qua, Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã có một chuyến thăm chính thức gây nhiều sóng gió, kẹt xe thê thảm tại Phi Luật Tân. Chuyến đi của ông đưa đến một thỏa thuận về việc hợp tác thăm dò tài nguyên dầu hỏa ở Biển Đông, đồng thời làm tăng thêm thái độ chống Trung Cộng trong công chúng Phi Luật Tân. Thái độ đó cũng gây lo lắng cho cộng đồng người gốc Hoa tại nước này. Họ sợ bị kỳ thị, trở thành dê tế thần cho làn sóng chống Trung Quốc.
Tính cho tới tháng Chín năm nay, niềm tin tưởng của người Phi Luật Tân đối với Trung Quốc đã xuống tới mức âm 13, theo một cuộc thăm dò của Social Weather (thời tiết xã hội). Trong cuộc khảo sát này, 72 phần trăm trong số những người Phi Luật Tân được hỏi đều nói rằng điều “rất quan trọng” là Phi Luật Tân phải giành lại được quyền kiểm soát lãnh thổ đang bị tranh chấp với Trung Quốc trong vùng biển của Philippines.
Đối với nhóm thiểu số người Phi Luật Tân gốc Trung Hoa ở nước này, họ lo ngại rằng làn sóng bài Trung Quốc sẽ tràn sang thái độ chống người gốc Hoa. Người gốc Hoa ở nước này chỉ chiếm 1 phần trăm dân số, nhưng theo ước tính lại kiểm soát hơn 50 phần trăm tài sản.
Nữ ký giả Solita Monsod, một bình luận gia được nhiều người kính nể, đã đặt nghi vấn về lòng trung thành của người Phi gốc Hoa. Bà khẳng định rằng “một người Phi Luật Tân gốc Trung Hoa sẽ không bao giờ, chẳng khi nào dứt khoát nói rằng trước tiên họ là người Phi Luật Tân, và sau đó là người Trung Hoa.”
Trong khi đó ông Bong Go, một người từng ứng cử vào thượng viện và là cựu phụ tá đặc biệt cho tổng thống, đã chế giễu những người biểu tình trong chuyến thăm của Tập Cận Bình, khi nói, “Biểu tình phản đối Trung Quốc, nhưng rồi bạn đi đâu? Các khu thương xá đều do người Tàu làm chủ! Bạn mua đồ phụ tùng ở đâu? Các cửa hàng của người Trung Hoa! Hãy coi lại những chiếc áo sơ mi bạn đang mặc, chúng là do người Tàu làm ra!”
Bà Monsod cho thấy sự thiếu hiểu biết và một thế giới quan đã lỗi thời. Còn ông Go mặt khác thì không đi. Ông là một người Phi gốc Hoa, và ông nói nhắm tới một thông điệp là Trung Quốc và người Trung Hoa đã ở đây rồi và đang nắm thế lực.
Chỉ cần đi vào khu phố Makati, một trung tâm kinh doanh ở thủ đô Manila, những bảng quảng cáo dọc theo các đường hầm dành cho khách bộ hành đều được viết bằng tiếng Trung Hoa, mà không có bản dịch Anh ngữ hoặc tiếng Filipino (Phi Luật Tân). Thẻ đến nơi cho các chuyến bay quốc tế mới đây đã được thay đổi để bao gồm Hoa ngữ, mà lại xóa đi tiếng Filipino.
Trong lãnh vực viễn thông, cuối cùng Phi Luật Tân cũng đã có thêm một bên thứ ba rất cần thiết, thay vì chỉ có hai công ty. Và công ty thứ ba lại là một liên doanh giữa một nhà kinh doanh thân cận với Tổng Thống Duterte và công ty China Telecom.
Như trong nhiều cuộc khủng hoảng khác trên thế giới hiện nay, làn sóng di cư đóng một vai trò quan trọng. Phần lớn người Trung Hoa ở Phi Luật Tân chạy thoát sang đây trong những năm trước khi chế độ cộng sản khóa cổng Trung Quốc vào năm 1949. Họ đã trải qua nhiều thập niên tranh đấu chống lại những luật kỳ thị nhắm vào các cơ sở kinh doanh và lối sống của họ. Đa số người Tàu đều không được công nhận là công dân Phi Luật Tân, cho đến khi Tổng thống Ferdinand Marcos cấp cho họ đầy đủ quyền công dân, thông qua Đạo Luật Nhập Tịch Đại Quy Mô trong năm 1975. Hiện nay họ đều tự xem mình là người Phi Luật Tân, và không biết một quê hương nào khác.
Thế rồi làn sóng di dân Trung Hoa kế tiếp từ đại lục tuôn sang đây bắt đầu trong thập niên 1990. Ban đầu được gọi là người xinqiao (tân kiều), tức di dân mới. Hơn 20 năm kế tiếp, họ không còn mới nữa. Và từ một giọt nước nhỏ họ đã trở nên một trận lụt lớn.
Sự hiện diện của người tân kiều đã nhanh chóng gia tăng trong những năm gần đây, gây ra bất mãn nơi cả người Phi Luật Tân cũng như người Phi gốc Hoa. Không giống như Mỹ hoặc Anh, nơi mà những người di cư đến từ những nước nghèo hơn, những người Trung Hoa di cư mới này bước vào thị trường với nhiều vốn liếng, đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao, đặc biệt là giá nhà. Phần lớn hoạt động của họ tập trung vào cờ bạc trên mạng, vốn là bất hợp pháp khi hoạt động ở Trung Quốc; điều hành các trang web từ Phi Luật Tân tránh được luật hạn chế này.
Hơn 100,000 di dân đã định cư tại khu vực đô thị Metro Manila từ tháng Chín năm 2016. Nhiều người bị nghi ngờ là ở trong nước này một cách bất hợp pháp, hoặc ở lại nhờ visa du lịch – 1.6 triệu công dân Trung Quốc đã vào Phi Luật Tân với tư cách du khách trong năm nay. Bộ Lao Động xác nhận rằng trong số những người này, hầu hết sau đó đã chuyển đổi visa thành giấy phép làm việc.
Với sự hiện diện này của những người mới Trung Quốc, cộng với lập trường nhượng bộ của Phi Luật Tân trong cuộc tranh chấp lãnh thổ, và một tổng thống bị nhiều người coi là đang nằm trong túi của Trung Quốc, thì không có gì gây ngạc nhiên khi thái độ chống người Trung Hoa đang bắt đầu tràn lan.
Nguồn: Viễn Đông