Truyền thông TQ tách vụ bắt GĐ Huawei với đàm phán thương mại với Mỹ
.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 10/12 lên án vụ bắt giữ Giám đốc điều hành hàng đầu của công ty công nghệ khổng lồ Huawei, nhưng không ghép vụ này với các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ. Theo Reuters, đây là một nỗ lực rõ ràng nhằm tránh gây phương hại đến viễn cảnh đạt được thỏa thuận.
Các giới chức cao cấp của Nhà Trắng hôm Chủ nhật nhấn mạnh rằng việc Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ chỉ là một vấn đề thực thi pháp luật và không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích “yêu cầu vô lý” của Mỹ đối với Canada về việc bắt giữ bà Mạnh khi bà quá cảnh Vancouver vào ngày 1/12. Nhưng Bộ thương mại Trung Quốc, cơ quan tham gia vào việc đàm phán thương mại, đã từ chối bình luận về vấn đề này.
“Hiện tại, có vẻ như đã có sự đồng ý mong manh ở Trung Quốc và Hoa Kỳ là không liên kết hai vấn đề với nhau”, Reuters dẫn bài bình luận của tờ báo có ảnh hưởng của Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo, nhận xét.
Trong một bài bình luận khác, Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng Hoa Kỳ sẽ “tự cô lập mình khỏi nền kinh tế kỹ thuật số của thế giới nếu Mỹ muốn xa lánh Huawei”.
Tờ nhật báo Trung Quốc, China Daily, trong một bài xã luận về vụ bắt giữ, nói rằng hy vọng Canada sẽ không “cầm nến cho ma quỷ hành động bẩn thỉu”.
Nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc lại rất ít đề cập đến sự căng thẳng của vụ Huawei đối với các cuộc đàm phán thương mại, có khả năng khuấy động thị trường toàn cầu khi các nhà đầu tư lo ngại điều đó có thể làm hỏng những nỗ lực giảm bớt căng thẳng thương mại.
Tu Xinquan, một chuyên gia thương mại tại Đại học Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh, nói rằng Bộ thương mại Trung Quốc không đề cập đến vấn đề Huawei vì phải tập trung vào các cuộc đàm phán.
“Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng không ghép hai việc này với nhau”, Reuters dẫn lời ông Tu nói.
“Nếu bạn không thấy bất kỳ bàn luận nào trên truyền thông Trung Quốc, thì đó chính là ý định của chính phủ”.
Niềm tự hào dân tộc
Bà Mạnh, 46 tuổi, đang đối mặt với những cáo buộc của Hoa Kỳ nói rằng bà đã lừa dối các ngân hàng đa quốc gia về quyền kiểm soát của Huawei đối với một công ty hoạt động tại Iran.
Vụ bắt bà Mạnh xảy ra vào đúng vào ngày Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina để tìm cách giải quyết cuộc chiến thương mại đang leo thang.
Hai bên đã đồng ý hoãn việc tăng thuế quan mà Mỹ dự tính áp đặt lên số lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào ngày 1/1, từ 10% lên 25%, trong khi hai bên đàm phán về thặng dư thương mại song phương khổng lồ của Trung Quốc và các khiếu nại của Mỹ cho rằng Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ.
Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ nhì thế giới. Công ty này đang đứng đầu trong công nghệ mạng di động thế hệ thứ năm (5G).
Viện dẫn mối lo ngại về an ninh, chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện một loạt các bước để chặn công ty này khỏi một số khu vực của thị trường Hoa Kỳ. Trung Quốc xem đây là một nỗ lực nhằm kiềm hãm công ty của Trung Quốc.
Huang Jing, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Pangoal của Trung Quốc, nói rằng việc gán ghép hai vấn đề “sẽ có nguy cơ gây khó khăn hơn cho việc đạt được thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán”.
Nhưng chuyên gia Tu cảnh báo rằng cơn thịnh nộ của công chúng đối với vụ bắt giữ bà Mạnh cuối cùng có thể buộc Bắc Kinh phải sử dụng các biện pháp gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán.
“Nếu điều này tiếp diễn, nó có thể khiến chính phủ Trung Quốc rơi vào tình thế rất khó khăn. Huawei là niềm tự hào dân tộc của người dân Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Tu nói.
Trái với một số tranh chấp gần đây của Trung Quốc với các quốc gia khác, có rất ít bằng chứng về một chiến dịch có tổ chức nhằm khuấy động hành vi chống Mỹ, hoặc người tiêu dùng bắt đầu tránh xa hàng hóa của Hoa Kỳ vì cuộc chiến thương mại.
Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời Báo, Hu Xijin, trong một bài phát biểu tại diễn đàn thường niên của tờ báo hôm thứ Bảy, đã nói bằng giọng điệu hòa nhã rằng các thương hiệu nước ngoài, bao gồm nhà sản xuất điện thoại Mỹ Apple, không nên trở thành mục tiêu của cơn thịnh nộ dân tộc sau vụ bắt giữ bà Mạnh.
“Đây cũng là một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trong việc cải thiện mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ và phương Tây, và không dẫn mối quan hệ Trung-Mỹ về hướng Chiến tranh Lạnh”, ông Hu nói trong lúc đang cầm chiếc iPhone.
Nguồn: VOA