Áo Vàng : Tổng thống Pháp nhượng bộ để cố dập tắt khủng hoảng
THỤY MY , THU HẰNG / RFI
Tối qua 10/12/2018 tổng thống Pháp Emmanuel Macron cố gắng làm dịu cơn giận dữ của những người Áo Vàng (Gilets Jaunes), qua việc loan báo một loạt những biện pháp xã hội nhằm cải thiện sức mua, đồng thời nhìn nhận đã không ý thức được tầm vóc của cuộc khủng hoảng.
Trong bài diễn văn rất được chờ đợi dài 13 phút đọc trên truyền hình, tổng thống Macron tuyên bố tình hình khẩn cấp về kinh tế và xã hội, cho biết những biện pháp mới đưa ra nhằm « giúp cho người lao động có thể sống tốt hơn ngay từ đầu năm tới ».
Cụ thể, lương tối thiểu được tăng thêm 100 euro ngay từ đầu năm 2019 nhưng giới chủ không phải trả thêm đồng nào. Giờ phụ trội không bị đánh thuế, và thuế cũng không tăng đối với những người về hưu có thu nhập dưới 2.000 euro một tháng. Emmanuel Macron cũng đề nghị giới chủ chi tiền thưởng cuối năm cho nhân viên, nếu có thể, số tiền này sẽ không kéo theo bất cứ khoản đóng góp hay sắc thuế nào.
Tổng thống Pháp cũng thú nhận đã không hiểu được « sự giận dữ và thất vọng » của người dân, cho rằng cuộc khủng hoảng có nguyên nhân sâu xa là các chính sách từ 40 năm qua. Ông nhận phần trách nhiệm của mình, đồng thời loan báo sẽ có nhiều cuộc tham vấn với các cơ chế trung gian như các nghiệp đoàn, hiệp hội giới chủ.
Ngược lại, Emmanuel Macron tỏ ra không khoan nhượng đối với những kẻ lợi dụng các cuộc xuống đường của Áo Vàng để đập phá, hôi của…như vụ phá hoại Khải Hoàn Môn mà hình ảnh đã được truyền đi khắp thế giới. Tổng thống Pháp khẳng định : « Không có sự phẫn nộ nào biện minh được việc tấn công vào cảnh sát, hiến binh…Khi bạo động lên cao, tự do không còn tồn tại ».
Ông Macron cũng bác bỏ đề nghị tái lập ISF (thuế đánh vào những người có tài sản trên 1,3 triệu euro), bị Áo Vàng coi là một bất công xã hội, nhưng theo ông là có tác dụng kích thích đầu tư, tạo công ăn việc làm.
Tất cả những biện pháp được tổng thống Pháp loan báo tối qua, sẽ do ngân sách gánh chịu, có nghĩa là tất cả những người đóng thuế. Theo một ước tính ban đầu, các biện pháp này có thể tốn kém từ 8 đến 10 tỉ euro, có nguy cơ làm thâm hụt ngân sách vượt quá giới hạn do EU ấn định là 3% GDP.
Áo Vàng là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà vị tổng thống trẻ tuổi phải đối mặt kể từ khi được bầu lên năm 2017, và đây là lần đầu tiên mà Emmanuel Macron phải nhượng bộ. Các cuộc bạo động xảy ra trong bốn đợt xuống đường kể từ ngày 17/11 dữ dội chưa từng thấy, tổng cộng có 4.523 vụ câu lưu và 4.099 người bị tạm giam, thiệt hại về kinh tế hàng tỉ euro. Bài diễn văn quan trọng tối 10/12 của tổng thống Macron thu hút đến 21 triệu người theo dõi (chỉ tính ba kênh truyền hình TF1, France 2 và M6), một kỷ lục tương đương với trận chung kết Cúp bóng đá thế giới.
Biện pháp của tổng thống Pháp chưa đủ thuyết phục phe Áo Vàng
Trong bài phát biểu truyền hình trực tiếp dài 13 phút tối 10/12/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cố nối lại đối thoại với bốn biện pháp lớn về mặt kinh tế và xã hội. Theo kết quả thăm dò ý kiến của OpinionWay thực hiện cho đài truyền hình LCI, 54% người dân muốn phong trào Áo Vàng ngừng biểu tình sau loạt biện pháp được tổng thống Macron công bố. Tuy nhiên, vẫn theo kết quả thăm dò này, 64% người dân tiếp tục ủng hộ phong trào.
Nội bộ phe Áo Vàng và đại diện các đảng chính trị đối lập đã có những phản ứng trái ngược về bài diễn văn của tổng thống Macron. Nhiều người kêu gọi tiếp tục biểu tình trong « Màn V ».
Trên mạng xã hội Facebook, một số thành viên của nhóm La France en colère (Nước Pháp nổi giận), tỏ ra không hài lòng vì cho rằng « 100 euro sẽ chẳng giúp được gì cả » và kêu gọi « đấu tranh để giảm thuế giá trị gia tăng ».
Một số bình luận khác có vẻ dịu giọng hơn khi nhận thấy « một bước thay đổi lớn chỉ trong vòng một tháng. Dĩ nhiên, cần phải tiếp tục cho đến khi các biện pháp đó được áp dụng ». Tuy nhiên, tinh thần chung là « không buông xuôi gì hết », theo khẳng định của Vincent, một người Áo Vàng, khi trả lời RFI : « Chúng tôi tiếp tục biểu tình để thể hiện sự bất bình. Chúng tôi không thay đổi ý kiến ». Một số khác đòi giảm tất cả chi phí hàng tháng : tiền thuê nhà, tiền điện, bảo hiểm…
Trả lời đài phát thanh RTL, tổng thư ký công đoàn CFDT Laurent Berger cho rằng tổng thống Macron đã « tìm ra đúng ngôn từ để miêu tả tình trạng xã hội bị xuống cấp » tại Pháp. Tuy nhiên, « những giải pháp được nêu ra chỉ mang tính ngắn hạn và chưa có câu trả lời cho trung và dài hạn ». Tổng thư ký công đoàn Force ouvrière, Yves Veyrier, tỏ ra cứng rắn hơn trên kênh truyền hình CNews, khi cho rằng « những câu trả lời của tổng thống là chưa đủ ».
Theo AFP, về phía đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (Les Républicains LR), chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ Viện, Eric Woerth, kêu gọi phe Áo Vàng ngừng biểu tình ở các nút giao thông vì trong phát biểu của tổng thống Pháp có « các biện pháp tức thì và cụ thể ». Nghị sĩ Guillaume Pelletier của đảng LR cho biết « không thất vọng » về những biện pháp « dành cho nước Pháp bình dân » được tổng thống Macron công bố.
Phía đảng Xã Hội, thông qua phát biểu của thư ký Olivier Faure, tỏ ra không hài lòng và sẽ quyết định trong ngày 11/12/2018 trình dự thảo kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ cùng với nghị sĩ đảng Cộng Sản và Nước Pháp Bất Khuất (Les Insoumis) hay không. Ông Jean-Luc Mélanchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất, cho rằng chính người đóng thuế sẽ phải chi trả cho các biện pháp của tổng thống, chứ không phải là những người cực giầu. Riêng bà Marie Le Pen, chủ tịch đảng Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement national), cho rằng Emmanuel Macron « lùi để bật xa hơn ».
Nguồn: RFI