Đế chế tỷ USD của Huawei có thể bị ông Donald Trump phá hủy
Một số lo ngại cho rằng Huawei có thể sẽ chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ tương tự ZTE trước đó. Điều này sẽ giáng một đòn chí mạng vào công ty công nghệ Trung Quốc.
Tại khuôn viên rộng lớn của Huawei Technologies ở Thâm Quyến, các bức tường tại khu ẩm thực được trang trí bằng những trích dẫn từ người sáng lập công ty, tỷ phú Ren Zhengfei.
Phòng nghiên cứu của công ty này được thiết kế trông giống như Nhà Trắng ở Washington. Tuy nhiên, điều gây tò mò nhất là hình ảnh ba con thiên nga đen đang bơi quanh hồ.
Đối với Ren, một cựu quân nhân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), những con thiên nga đen này có ý nghĩa như một lời nhắc nhở để tránh sự tự mãn và tinh thần chuẩn bị cho mọi cuộc khủng hoảng bất ngờ.
Nó giống như tình trạng hiện nay của Huawei, khi Giám đốc tài chính, bà Meng Wanzhou, cũng là con gái của ông Ren đang bị giam giữ ở Canada và đối mặt với nguy cơ dẫn độ của Mỹ về việc vi phạm lệnh trừng phạt với Iran.
Ông Ren Zhengfei, người sáng lập tập đoàn Huawei. Ảnh: Bloomberg. |
Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh Huawei liên tục gặp khó khăn giữa căng thẳng Trung Quốc và Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump nhiều lần cáo buộc thiết bị của Huawei tiềm ẩn nguy cơ an ninh mạng và thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn công ty này cung cấp sản phẩm cho các nhà mạng không dây trong quá trình nâng cấp lên mạng 5G.
Ông Ren là một nhân vật có tiếng trong giới kinh doanh tại Trung Quốc. Ông xây dựng lên một đế chế viễn thông với doanh thu 92 tỷ USD trong bối cảnh các nhà làm luật phương Tây liên tục cản trở.
Theo IDC, Huawei hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh số một tại Trung Quốc. Trong năm qua, công ty này đã vượt qua Apple để vươn lên vị trí thứ hai trên toàn cầu.
So với các đại gia Internet tại Trung Quốc, tên tuổi của Huawei không nổi tiếng bằng nhưng doanh thu năm ngoái của công ty lớn hơn nhiều so với Tập đoàn Alibaba, Tencent hay Baidu. Khoảng một nửa doanh thu của công ty đến từ nước ngoài, trong đó dẫn đầu là châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Hình ảnh thiên nga đen tại khuôn viên Huawei ở Thâm Quyến. Ảnh: Bloomberg. |
Tốc độ phát triển trên toàn cầu của Huawei đã bị đình trệ trong nhiều năm, từ khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) ngăn chặn hãng này mua lại một công ty viễn thông trong nước vào năm 2008. Gần đây, Australia, New Zealand và Mỹ tuyên bố không sử dụng các thiết bị mạng từ Huawei.
Việc bắt giữ và truy tố bà Meng tại tòa án Mỹ có thể gây ra hậu quả rất lớn và nghiêm trọng cho Huawei. “Bà ấy là con gái của CEO Ren Zhengfei, một cựu sĩ quan PLA. Việc Huawei bị cáo buộc thực hiện các giao dịch với Iran mới chỉ là khởi đầu”, George Magnus, một nhà kinh tế tại đại học Oxford nói.
Nguy cơ từ lệnh trừng phạt
Lệnh cấm đối với việc mua công nghệ và linh kiện từ Mỹ sẽ giáng một đòn chí mạng vào Huawei. Đầu năm nay, chính quyền Trump đã áp dụng một lệnh trừng phạt tương tự với đồng hương ZTE. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến sự sống còn của công ty. Hiện nay, cả Huawei và ZTE đều bị cấm trong các giao dịch của chính phủ Mỹ.
Lệnh cấm thương mại toàn diện của Mỹ không chỉ áp dụng cho linh kiện phần cứng mà còn không cho Huawei sử dụng phần mềm và các bằng sáng chế của các công ty Mỹ.
Doanh thu của Huawei đã tăng nhanh hơn nhiều so với đối thủ Cisco trong những năm gần đây. |
“Nếu Huawei không được cấp phép sử dụng hệ điều hành Android từ Google hoặc các bằng sáng chế của Qualcomm trong công nghệ 4G và 5G, công ty sẽ không thể phát triển điện thoại thông minh hoặc các thiết bị mạng”, Edison Lee và Timothy Chau, hai nhà phân tích tại Jefferies Securities nhận định.
Chưa hết, các công ty gặp rắc rối pháp lý tại Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng tại một số thị trường khác. “Các yêu cầu về cơ sở hạ tầng viễn thông của chính phủ đã ngăn chặn nhà cung cấp Trung Quốc tại một số thị trường quan trọng. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không bị chính phủ ngăn cấm có thể bắt đầu hạn chế việc sử dụng thiết bị từ Huawei trong việc xây dựng mạng 5G của họ\”, Mark Cash, nhà phân tích tại Morningstar Research cho biết trong một email với Bloomberg.
Khởi đầu khó khăn
Trong chiến dịch \”Đại nhảy vọt\” diễn ra vào cuối những năm 1950, nạn đói đã tràn đến thành phố quê nhà của Ren sau khi các chính sách công nghiệp hóa và tập thể hóa thất bại. Ren cho biết khi đó mỗi bữa sáng mẹ ông đều nhét vào tay ông một mẩu bánh ngô. Sau này, nhờ điểm số tốt, ông thi đỗ vào trường Học viện Kỹ thuật Xây dựng và Kiến trúc Trùng Khánh.
Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc trong ngành kỹ thuật dân dụng. Đến năm 1974, ông gia nhập Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc với tư cách là một người lính, và làm việc tại một cơ sở sợi hóa học ở Liêu Dương. Huawei cho biết tại đây ông đã vươn lên trở thành phó giám đốc, nhưng không giữ cấp bậc trong quân sự. Do đó, tính cách của ông ảnh hưởng khá nhiều từ quân đội.
“Các nhà quản lý và chuyên gia của chúng tôi cần hành động như các tướng lĩnh, kiểm tra cẩn thận và nghiên cứu tỉ mỉ mọi vấn đề”, ông Ren nói trong một bài phát biểu được đăng trên trang web dành cho nhân viên Huawei.
Năm 1983, ông rời quân đội và cùng người vợ đầu tiên của mình làm việc tại một công ty ở Thâm Quyến. Tuy nhiên biến cố xảy ra, ông phải bán hết mọi tài sản để trả khoản nợ liên quan đến đối tác kinh doanh. Cuộc sống càng trở nên bế tắc hơn khi ông mất việc tại tập đoàn Nanyou, đồng thời cuộc hôn nhân với người vợ đầu tiên cũng tan vỡ.
Trở lại cuộc chơi
Sau khoảng thời gian đó, ông cố gắng tìm cho mình một lối thoát. Lúc này, Trung Quốc bắt đầu mở cửa kinh tế. Ông thành lập Huawei cùng 4 người khác vào năm 1987 với số vốn ban đầu hơn 3.000 USD. Đây là con số tối thiểu cần có theo quy định tại Thâm Quyến.
Một trung tâm nghiên cứu của Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Huawei bắt đầu bằng việc kinh doanh thiết bị viễn thông, sau đó kỹ thuật viên của công ty đã có thể tự nghiên cứu và sản xuất các bộ thu phát tín hiệu.
Công nhân của họ làm việc nhiều giờ trong điều kiện thời tiết nóng ẩm và chỉ có quạt trần. Công ty cũng được biết đến với văn hóa nệm. Công nhân sẽ được phát cho nệm để nghỉ ngơi trong văn phòng sau khi làm việc quá tải.
Năm 2006, Hu Xinyu, một công nhân 25 tuổi, người có thói quen làm việc trong nhiều giờ và sau đó ngủ tại văn phòng, đã chết vì viêm não virus. Không lâu sau, một số nhân viên khác của Huawei tự sát. Những cái chết liên tục đã khiến công ty phải sửa đổi chính sách làm thêm giờ và bổ sung một nhân viên y tế.
Khác với đa số công ty trên thị trường, Ren chỉ trả cho công nhân của mình một nửa khoản lương, số tiền lương và thưởng còn lại sẽ chuyển thành cổ phần của công ty.
Điều này đồng nghĩa với việc tất cả nhân viên tại Huawei đều nắm giữ cổ phần. Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy ông Ren nắm giữ 1,4% cổ phần, tương đương với khối tài sản trị giá 2 tỷ USD.
Văn hóa loài sói
Để cạnh tranh thị phần với các công ty nước ngoài, Huawei áp dụng \”văn hóa của loài sói\” cùng nhiều kỹ năng bán hàng. Nhân viên của công ty thường đông hơn nhiều lần so với các đối thủ.
Huawei cũng được biết đến là một công ty chịu khó đầu tư nghiên cứu. Theo báo cáo của công ty 2017, trong số 180.000 nhân viên có khoảng 80.000 nhân viên đang tham gia vào R&D.
Khuôn viên tại Huawei. Ảnh: Bloomberg. |
Thuộc sở hữu chung của các nhân viên, Huawei được biết đến với một nền văn hóa có tính kỷ luật cao, trong đó không ai được phép sử dụng tài xế riêng hoặc máy bay hạng nhất bằng tiền của công ty, bao gồm cả Ren.
Gần đây, Tổng thống Trump đã ký một dự luật cấm chính phủ sử dụng công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Huawei. Thậm chí, ông Trump đã liên lạc với một số quốc gia để khuyến cáo họ tránh sử dụng thiết bị của Huawei.
Trong một bài phát biểu gần đây được đăng trên mạng nhân viên của Huawei, Ren tỏ ra cứng rắn “chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ hay chịu áp lực từ bên ngoài\”.
Theo Bloomberg