Ngoài thương chiến, Trung Quốc sẽ đối diện với cấm vận vì tội ác diệt chủng
MINH NHẬT / Tri Thức VN
Trong những tháng gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng nghiêm trọng đã xuất hiện, làm rõ các cáo buộc về việc ĐCSTQ đàn áp và diệt chủng các nhóm tín ngưỡng và tôn giáo, đặc biệt là hai nhóm người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công. Bên cạnh cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, khả năng Mỹ và các nước khác cấm vận Trung Quốc theo đạo luật Magnitsky quốc tế là không nhỏ.
Sau khi các tổ chức nhân quyền quốc tế lần lượt lên tiếng về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ quy mô lớn tại Trung Quốc, nhiều tổ chức đã vào cuộc, các cuộc điều tra lần lượt được mở ra. Tháng 10/2018, BBC đăng tải phóng sự điều tra độc quyền, tiết lộ về trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ khổng lồ tại Tân Cương, chính thức đưa ra các bằng chứng rõ ràng nhất về việc đàn áp hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ.
Ngày 16/10, đại diện người Duy Ngô Nhĩ, ông Dolkun Isa, thuộc tổ chức Duy Ngô Nhĩ lưu vong lên án tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩtrong phiên tường trình tại quốc hội Anh. Đồng thời ông cho biết hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và Kazakh hiện đã bị đưa tới các trại giam giữ.
Cũng trong ngày 16/10, BBC đăng tải phóng sự độc quyền về nạn thu hoạch nội tạngtại Trung Quốc mà nạn nhân chủ yếu nhất là nhóm người tập Pháp Luân Công. Cùng ngày, Forbes đăng tải bài viết của một chuyên gia nghiên cứu diệt chủng, đưa ra thông tin các tù nhân lương tâm, bao gồm người tập Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Cơ đốc giáo, đã bị đặc biệt nhắm tới để thu hoạch nội tạng.
Trước đó trong một phiên tường trình trước các thượng nghị sĩ nước cộng hòa Czech vào tháng 7-2018, nhà báo điều tra Ethan Gutmann từng nhấn mạnh rằng: việc thu hoạch nội tạng thực sự diễn ra rầm rộ sau khi khoảng 1 triệu người tập Pháp Luân Công bị chính quyền ĐCSTQ đưa vào các trại lao động cải tạo. Ông lo ngại rằng điều tương tự có thể xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ trong bối cảnh họ bị đàn áp trên quy mô lớn tại Tân Cương.
Tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đã diễn ra trong nhiều năm qua, điều này đã được cộng đồng quốc tế khẳng định qua các nghị quyết 343 của Hạ viện Mỹ (6/2016), tuyên bố 48 của Nghị viện châu Âu (7/2016), hay thông cáo của các tổ chức nhân quyền như Raoul Wallenberg, Hiệp hội Luật sư Nhân quyền Úc, v.v.. Tuy nhiên việc lên án một tội ác chống lại loài người thông qua các nghị quyết thực sự là chưa đủ.
Cuối tháng 11, lần đầu tiên một dự luật được một nhóm các nghị sĩ Mỹ từ cả Thượng viện và Hạ viện đưa ra, hướng tới việc cấm vận Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ. Dự luật (xem tại đây) được dân biểu Chris Smith, đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Vấn đề Trung Quốc (CECC), đại diện đưa ra, yêu cầu chính phủ Mỹ cấm vận các thành viên chính phủ Trung Quốc, các thành viên của ĐCSTQ, bí thư ĐCSTQ tại Tân Cương, cùng các quan chức có liên quan tới việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Đầu tháng 12, sau khi thông tin về việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục bắt giữ hàng loạt người tập Pháp Luân Công tại Đông Bắc Trung Quốc ông Chris Smith cũng cho biết: “Những nỗ lực không ngừng của chính phủ Trung Quốc và ĐCSTQ nhắm tiêu diệt Pháp Luân Công là một vết đen trong lịch sử Trung Quốc đương đại. Nhu cầu của ĐCSTQ trong việc kiểm soát ngay cả ý thức của người Trung Quốc đã dẫn đến những vụ vi phạm nhân quyền đáng sợ, tra tấn, tùy tiện giam giữ, và thu hoạch nội tạng.”
Ông Thomas Farr, chủ tịch Viện Tự do Tôn giáo kiêm giám đốc sáng lập Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì phát biểu về các vụ bắt giữ: “Còn tồi tệ hơn là bắt cóc. Đó là tra tấn và giết người… Hoa Kỳ cần phải phản đối việc này.”
Cũng cần nói thêm rằng, ngày 10/12 vừa qua là thời điểm đánh dấu 70 năm kể từ khi Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát hay còn gọi là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền chính thức được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua. Từ những kinh nghiệm mà nhân loại trải qua trong Thế chiến II, tuyên ngôn gồm 30 điều này hướng tới việc ngăn chặn nguy cơ xảy ra các thảm họa nhân quyền tương tự thời kỳ những năm 1930-1940.
Trong bối cảnh đó, mới đây, Úc và Liên minh Châu Âu đã tham gia cùng Anh, Mỹ, Canada, Estonia, Latvia và Lithuania để dự lập một đạo luật Magnitsky quốc tế. Đạo luật này sẽ cho phép cộng đồng quốc tế có thể thực hiện nhiều biện pháp cấm vận các quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Nói một cách đơn giản, đạo luật Magnitsky quốc tế có nghĩa là Úc có thể ngăn không cho những kẻ vi phạm nhân quyền được sở hữu tài sản tại quốc gia này, Anh có thể cấm không cho những kẻ đó được đầu tư vào thành phố của mình, hay Châu Âu có thể từ chối cấp thị thực cho các quan chức đồng lõa với những kẻ đó.
Thực chất Trung Quốc đã từng bị trừng phạt kinh tế và cấm vận vũ khí sau khi các quốc gia khác có đầy đủ bằng chứng cho thấy chính quyền ĐCSTQ thực hiện vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Khi ngày càng có nhiều bằng chứng về tội ác diệt chủng, chống lại loài người đã và đang diễn ra tại Trung Quốc đối với hàng triệu người thuộc các nhóm tín ngưỡng và tôn giáo, khả năng Mỹ và các nước phương Tây cấm vận Trung Quốc theo đạo luật Magnitsky quốc tế là không hề nhỏ.
Minh Nhật / Tr Thức VN