BOT An Lạc – An Sương: Khối u ác tính mới của TP.HCM

BOT An Lạc – An Sương: Khối u ác tính mới của TP.HCM

GIÓ BẮC / RFA

\"\"
Trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc (TP.HCM) . Courtesy of Báo Giao Thông

Trong lúc đang chìm ngập trong rối rắm của những sai phạm ở dự án Thủ Thiêm, dự án thoát nước 10.000 tỉ, giao 320.000 m2 đất trường bắn quận 9 cho Hàn Quốc,…  thì đầu tháng 12/2018 lại nổ ra sự kiện BOT An Lạc – An Sương, chốt chặn trên Quốc Lộ 1A, con đường độc đạo nối liền các tỉnh Miền Tây và TP.HCM, các tỉnh Miền Đông. Đi sâu về nguồn gốc vụ việc lại cho thấy chính quyền TP.HCM có nhiều sai phạm trong đầu tư và chỉ đạo thực hiện dự án này.

Chiều 3/12, nhiều tài xế chạy trên quốc lộ 1, đoạn qua trạm thu phí An Sương – An Lạc (Q. Bình Tân, TP.HCM) đưa ra một văn bản có nội dung hợp đồng giữa Bộ Giao thông vận tải với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) cho thấy thời gian bắt đầu thu phí của trạm BOT An Sương  – An Lạc từ tháng 4/2004. Thời gian thu phí kéo dài 145 tháng, đến nay thời hạn thu phí đã quá 31 tháng. Vì lý do này, các tài xế yêu cầu đơn vị đầu tư phải bỏ thu phí xe qua lại trạm. Hàng trăm xe cộ đã không chịu mua vé thu phí của trạm BOT này kéo dài nhiều giờ liền, giao thông ách tắc nên đơn vị quản lý phải xả trạm. Nói theo báo chí trong nước là BOT An Lạc – An Sương bị thất thủ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hồng Ninh – Giám đốc IDICO – cho biết trước đây trạm thu phí An Sương – An Lạc có thời hạn thu phí đến năm 2017. Tuy nhiên, trước khi kết thúc việc thu phí này, đơn vị tiếp tục đầu tư các hạng mục như cầu vượt tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, cầu vượt hương lộ 2 và cầu vượt ngã tư Gò Mây. Vì vậy thời gian thu phí dự án cũng được điều chỉnh tới năm 2033.

Tất cả các quy trình đầu tư, thủ tục thu phí… đều được thực hiện theo các quy trình, quy định, được sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Ninh cũng cho rằng viện dẫn của các tài xế cho rằng dự án trên thu phí quá hạn là chưa chuẩn xác. Tuy nhiên do nhiều tài xế phản ứng, dừng đậu, tập trung đông có thể gây ách tắc giao thông nên tạm thời công ty cho \”xả trạm\” (1).

Những ngày sau đó, mặc dù cơ quan quản lý đã áp dụng nhiều biện pháp đưa công an, cảnh sát giữ trật tự, tiếp tục bán vé thu phí nhưng vẫn còn nhiều tài xế nhiều xe cộ qua lại vẫn không chấp nhận mua vé đóng phí qua trạm bảo lưu quan điểm cho rằng đã hết thời gian thu phí nên đến chiều ngày 4/12 đến rạng sáng ngày 5/12, trạm thu phí lai vỡ trận phải cho xả trạm.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, 4 cầu vượt bổ sung này nằm trong phạm vi mặt bằng của dự án Cải tạo QL1A đoạn An Sương – An Lạc theo hình thức BOT; được quản lý, khai thác, bảo trì đồng bộ trên phạm vi toàn dự án từ An Sương đến An Lạc.

Một số tài xế cho rằng nếu đây là thu phí giá trị các cầu vượt thì vị trí đặt Trạm thu phí như hiện nay (chốt ở hai đầu đoạn đường) là không hợp lý. Nhiều phương tiện dù không lưu thông trên các cầu vượt thuộc hạng mục đầu tư bổ sung của IDICO, nhưng vẫn phải đóng phí tại Trạm thu phí An Sương – An Lạc (2). Bất hợp lý hơn nữa là trên cung đường hơn 13 km này có nhiều lối rẽ, nhiều xe chỉ đi qua một đoạn ngắn trên đường đã hoàn phí rồi rẻ vào đường khác, không qua cầu vượt vẫn phải đóng phí 100%… Đó là những thực tế bức xúc có thật của các tài xế mà các nhà quản lý chưa thể giải đáp.

\"Trạm
Trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc (TP.HCM) Courtesy of Báo Giao Thông

Về giá trị pháp lý, việc tuân thủ pháp luật của bốn cây cầu vượt bổ sung trong dự án này thì còn rất nhiều điều để bàn cãi. UBND TP.HCM có quyền ký thêm những hạng mục mới trong dự án cũ của Bộ GTVT đối với quốc lộ hay không là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Giải thích thắc mắc này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, đoạn đường từ An Sương đến An Lạc mặc dù có tên là Quốc lộ 1, nhưng thực chất là là đường đô thị, nên Bộ GTVT đã bàn giao hợp đồng BOT An Sương – An Lạc cho UBND TP.HCM. Sau khi nhận bàn giao hợp đồng, vì thành phố muốn hoàn chỉnh các công trình trên đoạn đường này nên đã ký thêm các hạng mục với IDICO tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng. Vì IDICO đầu tư thêm 2.000 tỉ, nên thời gian thu phí tại trạm An Sương – An Lạc được kéo dài đến năm 2033 theo hợp đồng ký với UBND TP.HCM.

Báo Nhà báo và Công luận đã phản biện lại ý kiến ông Cường như sau: Việc Bộ GTVT hay UBND TP.HCM, Sở GTVT ký hợp đồng, các phụ lục hợp đồng BOT với IDICO đúng hay sai, cần rà soát các kết luận của TTCP. Riêng nhận định \”đoạn từ An Sương đến An Lạc là đường đô thị\” của ông Bùi Xuân Cường chưa thực sự cẩn trọng.

Bởi Điều 39 Luật GTĐB ghi rõ: Quốc lộ là \”đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 3 địa phương trở lên;… đường có vị trí đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, khu vực\”; Đường đô thị là \”đường trong phạm vi ranh giới địa chính nội thành, nội thị.\”

Cần phải khẳng định rằng, quốc lộ 1A đoạn qua An Sương – An Lạc là quốc lộ, có vị trí đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế – xã hội tầm quốc gia (3)

\"Người
Người dân và giới tài xế phản đối tại trạm thu phí BOT Tân Đệ. Courtesy: Citizen photo

Với lập luận sắc sảo này thì chừng như việc UBND TP.HCM ký thêm các hợp đồng xây bốn cầu vượt là chuyện áo mặc đã quá khỏi đầu, vượt lên trên thẩm quyền của mình. Hơn thế nữa, cả bốn cây cầu vượt giá trị trên 2000 tỉ đồng này đều được chủ đầu tư chỉ định thầu, không kêu gọi đấu thầu hoàn toàn sai với quy định hiện hành và dễ rơi vào tình trạng sân trước sân sau lợi ích nhóm. Rất tiếc là đến nay, cấp có tránh nhiệm quản lý là Bộ GTVT vẫn chưa có ý kiến gì về việc này mặc dù từ tháng 6-2017, Kết luận của TTCP đã kiến nghị nhắc nhở.

Đó là nói về luật, còn về phương pháp quản lý việc UBND TP.HCM đầu tư thêm bốn công trình mới trên dự án cũ của Bộ GTVT liệu có phù hợp hay không? TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch cho rằng, khi nhận bàn giao hợp đồng với Bộ GTVT, UBND TP.HCM nên thực hiện đúng hợp đồng đã bàn giao. Sau đó, nếu thấy cần phải đầu tư thêm các hạng mục khác, chính quyền thành phố có thể làm một hợp đồng mới với thời hạn thu phí mới. \”Trạm thu phí mới nên đặt tại các hạng mục được đầu tư thêm theo nguyên tắc đầu tư ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Không nhất thiết phải để nguyên trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc cũ để thu phí các hạng mục mới”- ông Sơn nói.

Ông Sơn phân tích, dự án BOT An Sương – An Lạc nên tách ra làm 2 dự án khách nhau. Dự án BOT An Sương – An Lạc do Bộ GTVT quyết định đầu tư và dự án đầu tư thêm các hạng mục khác do UBND TP.HCM quyết định.  \”Khi làm một dự án mới thì thủ tục đấu thầu, quy trình đầu tư cũng hoàn toàn mới, không phụ thuộc vào dự án cũ. Chủ đầu tư dự án này có thể là một công ty khác trúng thầu, không nhất thiết phải là công ty IDICO đầu tư đoạn An Sương – An Lạc trước đây\” – ông Sơn nói. Theo ông Sơn, BOT An Sương – An Lạc khi hết thời hạn thu phí, sau đó đầu tư thêm dự án để kéo dài thời hạn thu phí là một tiền lệ không tốt và không nên nhân rộng mô hình này. (4)

Diễn biến tại trạm thu phí An Lạc mấy ngày qua hết sức phức tạp. Trên mạng Facebook nhiều tài xế trong nhóm Bạn Hữu đường xa đã phản ánh tình trạng hàng trăm giang hồ xăm trổ đầy mình đã bao vậy, đàn áp, hăm dọa. Một thanh niên tên Hùng trong nhóm này đã bị bắt cóc một ngày đêm và được thả ra trong tình trạng nội thương rất nặng phải nhập viện cấp cứu. Trên mạng xã hội cũng lưu truyền nhiều vidéo clip cho thấy lực lượng măc đồng phục dân phòng bao vây trấn áp các tài xế không mua vé thu phí với lời lẻ tục tằn (5)

\"Cảnh
Cảnh sát cơ động được huy động trong ngày 30/11/2017 tại trạm BOT Cai Lậy. Courtesy FB Bạn hữu đường xa

Mới đây nhất, trong khi chưa có lý lẽ giải đáp thỏa đáng những thắc mắc về tính pháp lý, sự hợp lý của việc thu phí, chưa có câu trả lời của cấp nhà nước cao hơn về thắc mắc của người dân và các kiến nghị của TTCP thù ngày 11-12, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đưa ra đề nghị công an xử lý an ninh trật tự tại trạm BOT An Sương – An Lạc trong bối cảnh có nhiều tài xế không đồng ý mua vé qua trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc. Dùng sức mạnh của công an để giải quyết thắc mắc của người dân trong lĩnh vực dân sinh vẫn là cách làm quen thuộc của chính quyền cộng sản. (6)

Một diễn biến khác khá gay gắt là trận chiến trên Internet. Các nhà báo chuyên mảng giao thông công chánh có bài viết trên trang Facebook của mình liên tục bị chặn, đóng trang do báo cáo của dư luận viên hoặc bị tin tặc tấn công. Đặc biệt có những trang mạng loan truyền thông tin quy chụp Việt Tân phá hoại trạm BOT An Sương – An Lạc và nêu đích danh tên tuổi hình ảnh nhà báo Trương Châu Hữu Danh báo Làng Mới và anh Thái Văn Đường với lời lẽ quy chụp nặng nề là phản động. (7)

Nhưng điều quái lạ là vài ngày sau đó, chính những trang mạng này lại quay ngược 180 độ, tấn công vào BOT An Lạc – An Sương với lời tố cáo chết người về hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm.

Bài viết “Đề nghị điều tra nhóm lợi ích tham nhũng ở B.O.T An Sương” đã cho rằng Chủ thầu BOT An Sương CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO đã chi tiền cho nhóm lợi ích ở sở GTVT TP.HCM khoảng 7.2 tỉ  mỗi tha\’ng, công  thêm khoảng 10% tiền thu phí trong con số 2/3 tức (600 triệu ngày X 30), tương đương 1.8 tỉ mỗi tháng chia cho 5 người với 11 phần như sau:

Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) nhận tiền phong bì lần đầu 1.96 tỉ và mỗi tháng nhận thêm 490 triệu.

Và các Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM:

Trần Thế Kỷ tiền lần đầu 1.3 tỉ và mỗi tháng nhận thêm 320 triệu.

Lê Hoàng Minh tiền lần đầu1.3 tỉ và mỗi tháng nhận thêm 320 triệu.

Nguyễn Văn Tám tiền lần đầu 1.3 tỉ và mỗi tháng nhận 320 thêm triệu.

Trần Quang Lâm tiền lần đầu 1.3 tỉ và mỗi tháng nhận thêm 320 triệu.

Bài viết này cũng cho rằng Bùi Xuân Cường là đệ tử của Tất Thành Cang, Nguyễn Hữu Tín – Ngày 25/8/2014, Chủ tịch UBND TP.HCm Lê Hoàng Quân đã điều động và bổ nhiệm ông Cường đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng ban MAUR với thời gian 5 năm, tuy nhiên chỉ 1 năm sau, ngày 25/8/2015, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín giao cho Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP (MAUR), giữ chức vụ Giám đốc Sở GTVT TP.HCM. (8)

Không có cơ sở để kiểm chứng những thông tin tố cáo này nhưng sự quay ngoắc của các trang được xem là dư luận viên này và những diễn biến gần đây cho thấy có những thế lực ngầm đang cản trở công cuộc đốt lò của ngày Tổng Chủ tịch. Việc bắt Tất Thành Cang hay xa hơn là Lê Thanh Hải không dễ như lấy món đồ trong túi. Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này trong bài viết tiếp theo.

  1. https://tuoitre.vn/tai-xe-phan-doi-thu-phi-qua-han-bot-an-suong-an-lac-xa-tram-20181203201701498.htm
  2. https://thanhnien.vn/thoi-su/bot-an-suong-an-lac-vi-tri-dat-tram-thu-phi…
  3. https://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/giao-thong-do-thi/tp-ho-chi-minh-can-cong-bo-thong-tin-chinh-xac-ve-du-an-bot-an-suong-an-lac-52247
  4. https://laodong.vn/kinh-te/bot-an-suong-an-lac-keo-dai-thoi-han-thu-phi-…
  5. https://int.search.myway.com/search/video.jhtml?enc=0&n=7848dd1d&p2=%5EC…
  6. https://tuoitre.vn/de-nghi-cong-an-xu-ly-an-ninh-trat-tu-tai-tram-bot-an-suong-an-lac-20181211171902566.htm
  7. http://gnews.host/2018/12/09/to-chuc-viet-tan-dang-nhung-tay-vao-hoat-dong-phan-doi-tai-b-o-t-an-suong-an-lac-gay-bat-on/?fbclid=IwAR1o0ZZkuGUKOzWn8vhU25mOjA9Rs7Bttffp7vbSyEBJ3Do-w4PRAHf8q_4
  8. http://gnews.host/2018/12/09/de-nghi-dieu-tra-nhom-loi-ich-tham-nhung-o-b-o-t-an-suong/?fbclid=IwAR2zTPiL5Go70QUFgRJ59GNd_wfrVFpl_eVS3jwhCIXMKcIyyUxAXhMA16A

Nguồn: RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment