Đại Sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

Đại Sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

.
\"\".
Đại Sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink (thứ tư, phải) thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa hôm 6 Tháng Mười Hai, 2018. (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)

.

SÀI GÒN – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink, có mặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, còn gọi là Nghĩa Trang Bình An, ở tỉnh Bình Dương, hôm Thứ Năm, 6 Tháng Mười Hai, 2018.

Facebook cá nhân của nhà báo tự do/blogger Lê Nguyễn Hương Trà cho biết, chuyến đi nằm trong việc nghiệm thu các khu mộ đang ở giai đoạn 3, sửa sang và xây mới.

Theo blogger Lê Nguyễn Hương Trà, vào Tháng Tám, 2013, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ lúc đó là ông Lê Thành Ân và cựu Thiếu Tá VNCH Nguyễn Đạc Thành – chủ tịch Vietnamese American Foundation (VAF) – đã viếng thăm nghĩa trang Bình An và bỏ tiền xây 400 ngôi mộ, với đơn vị thầu thi công do chính quyền Bình Dương chỉ định người của mình làm.
.

Cũng mất nhiều lần trì hoãn, đến nay đã sửa sang được 11,000 trong tổng số 16,000 ngôi mộ; trong đó có hơn 600 mộ do các gia đình tự tu sửa.

Đây là nỗ lực rất lớn của phía Hoa Kỳ, với nguồn tài chính chủ yếu từ quỹ VAF. Sau khi hoàn thành xong dự án này, phía Hoa Kỳ và các tổ chức cựu binh VNCH muốn tiếp tục quy tụ, đưa về Bình An hài cốt của những người từng phục vụ trong chế độ VNCH đã chết trong giai đoạn bị bắt đi “học tập” sau năm 1975. Hiện vẫn còn rải rác rất nhiều xung quanh những trại cải tạo ngày trước.

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa từng là nơi chôn cất hàng vạn tử sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng như các quan chức, sĩ quan cao cấp của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Sau năm 1975, chế đội mới đã phong tỏa khu vực nghĩa trang quân đội này, không cho phép thân nhân của những người đã khuất vào thăm viếng và chăm sóc phần mộ.

Thời gian sau này, chính quyền Việt Nam đã chuyển quyền quản lý khu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa cho tỉnh Bình Dương và quy hoạch như một nghĩa trang dân sự. Do đó, việc thăm và chăm sóc mộ phần tử sĩ VNCH đã được dễ dàng hơn trước.

Theo Wikipedia, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa được khởi công vào Tháng Mười Một, năm 1967, mô phỏng hình con ong, do kiến trúc sư Lê Văn Mậu phụ trách thi công trong thời gian sáu năm, chi phí 100 triệu đồng (tiền Việt Nam Cộng Hòa, thời giá năm 1973).

Nghĩa trang tọa lạc trên một đồi thấp diện tích 125 hécta, được phân chia thành tám khu từ A đến I. Mặt tiền nghĩa trang có một bức tượng có tên gọi là Thương Tiếc cao 5 mét và được đặt trên bệ cao 3 mét, do nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu sáng tạo, khắc họa hình ảnh một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cầm súng ngồi canh gác, được dựng vào năm 1966. Vào trong nghĩa trang còn có đền Tử Sĩ được xây trên một ngọn đồi thấp, trước đền có cổng tam quan. Ở giữa nghĩa trang là một tháp xi măng được gọi là Nghĩa Dũng Ðài cao 43 mét.

Theo quy hoạch, nghĩa trang có sức chứa 30,000 mộ. Cao điểm vào Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, nghĩa trang tiếp nhận trên 10,000 chiến sĩ trận vong. Tính đến năm 1975, nghĩa trang là nơi chôn cất của 18,318 lính và sĩ quan, chiếm 1/3 diện tích nghĩa trang. Bên cạnh tiếp nhận các quân nhân tử trận, nghĩa trang còn là nơi an táng của thành viên của ba nhánh quyền lực nhà nước Việt Nam Cộng Hòa (lập pháp, hành pháp và tư pháp).

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment