Mặt trận gián điệp kỹ thuật Mỹ-Trung Cộng.

Mặt trận gián điệp kỹ thuật Mỹ-Trung Cộng

Ngô Nhân Dụng

\"\"
Năm 2018, Huawei vượt qua Apple khi sản xuất nhiều điện thoại di động “tinh khôn” hàng thứ nhì, chỉ thua Samsung của Nam Hàn. (Hình: Greg Baker/AFP/Getty Images)

\"\"Câu chuyện bà giám đốc tài chánh, phó chủ tịch công ty Huawei, bị Canada bắt giam trong khi ghé ngang phi trường Vancouver, nghe như chuyện gián điệp. Mà đó là một chuyện gián điệp thật!
Các cơ quan tình báo Tây phương từ lâu vẫn theo dõi các hoạt động thu lượm tin tức, ăn cắp kỹ thuật cũng như gài “chíp điện tử nghe trộm” vào các dụng cụ thông tin của hãng Huawei. Họ cũng đã thử dùng đòn “gậy ông đập lưng ông” như trong vụ “Concordski” hồi xưa. Nghĩa là cố ý chuyển cho các “điệp viên” của Huawei những thông tin sai lạc, chờ coi họ đem về sử dụng rồi mang họa thế nào. Có lẽ kế hoạch này đã chưa có hiệu lực cụ thể, trong khi Huawei vẫn tiến lên rất mạnh; cho nên các nước từ Mỹ đến Australia, Canada, Nhật Bản đã phải bước qua chiến thuật tấn công trực diện: Không mua, không dùng hàng của Huawei. Và truy tố những hành động phạm pháp.
Vụ “Concordski” diễn ra hồi thập niên 1960-70. Lúc đó các nước Tây Âu đang thiết kế loại máy bay “siêu phản lực” Concorde. Liên Xô cho gián điệp đi tìm hiểu để đem về, bắt chước. Mấy tay KGB lân la mua chuộc một kỹ sư hàng không Anh Quốc đang tham dự vào công trình nghiên cứu Concorde. Người này tố giác với chính phủ Anh. Cơ quan MI6 bảo anh ta cứ “bán tin mật” cho KGB, nhưng đưa cho họ những dữ liệu không chính xác. Liên Xô cũng chế tạo một máy bay siêu phản lực, nhưng khi biểu diễn trong cuộc hội chợ hàng không năm 1973 ở Paris thì máy bay Nga rớt. Sau khi chiếc thứ hai đem thí nghiệm cũng rớt thì Nga bỏ luôn không làm nữa.
Bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou, 孟晚舟) bị bắt khi đia ngang phi trường Vancouver; chỉ để đổi máy bay trên đường từ Hồng Kông qua Mexico. Bà Chu không đổi máy bay ở Los Angeles hay San Francisco, có lẽ cũng vì chính quyền Trung Cộng biết Bộ Tư Pháp Mỹ đang sẵn sàng thi hành lệnh bắt giam bà, sau một năm theo dõi. Cảnh sát Canada được Mỹ thông báo đường đi nước bước của bà Chu, đã ra tay đúng vào ngày ông Donald Trump gặp ông Tập Cận Bình ở Buenos Aires, Argentina.
Bộ Tư Pháp Mỹ cho Canada biết “Trong 11 năm qua bà Meng Wanzhou đã được Trung Quốc và Hồng Kông cấp hộ chiếu bảy lần.” FBI cung cấp cả số mã của từng tấm giấy thông hành đó, để chứng tỏ người đàn bà 46 tuổi này có thể bỏ trốn dễ dàng. Quan tòa Canada lấy lý do này, không cho bà giám đốc tài chánh của Huawei được tại ngoại hậu tra. Chưa chắc Mỹ và Canada đã lo bà Chu chạy trốn, vì nếu bà ta trốn thì các nước Âu Mỹ càng có lý do để đánh Huawei những đòn nặng nề hơn.
Cảnh sát Canada xác nhận bà Mạnh Vãn Chu mang theo theo bốn hộ chiếu của Bắc Kinh và ba giấy thông hành do Hương Cảng cấp cho dân thường trú. Một người bình thường cũng có thể dùng hộ chiếu mới mà vẫn giữ các hộ chiếu cũ, vì trong đó có những chiếu khán, visa được nước khác cấp mà chưa hết hạn. Những giấy tờ trên cho thấy bà Chu đi ngoại quốc rất nhiều. Bà cũng từng làm di dân thường trú tại Canada, cho tới năm 2009, và hiện nay vẫn làm chủ hai biệt thự sang trọng ở Vancouver.
Trung Cộng giữ kín tin tức vụ bắt giam bà Chu trong bốn ngày; có lẽ vì họ hy vọng có thể điều đình với Ottawa và Washington để khỏi mất mặt. Tới lúc chính phủ Canada chính thức loan tin thì sứ quán Trung Cộng ở Ottawa mới lên tiếng phản đối Canada “vi phạm nhân quyền” của một công dân Trung Quốc! Nghe Trung Cộng hô hoán “bảo vệ nhân quyền” thì cũng tức cười như nghe Mã Giám Sinh đòi bảo vệ phẩm giá phụ nữ!
Đúng ngày bà Chu bị bắt thì Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình gặp nhau, tuyên bố tạm ngưng cuộc chiến tranh mậu dịch.
Ông Trump có thể không biết gì về vụ bắt bớ này, xảy ra trước khi ông bắt tay Tập Cận Bình. Vì một tổng thống Mỹ có thể không biết gì về những chuyện nhỏ như vậy, do cấp thừa hành trong Bộ Tài Chánh và Tư Pháp phụ trách. Năm ngoái, công ty ZTE cũng bị buộc cùng một tội như Huawei: vi phạm luật cấm vận Iran của nước khi bán hàng hóa cho Iran trong đó có những bộ phận mua của Mỹ. Khi ZTE sắp phải đóng cửa vì bị Mỹ trừng phạt, Tập Cận Bình mới can thiệp xin Donald Trump tha, chỉ phải đóng hơn tỷ đô la tiền phạt.
Bộ Tư Pháp Mỹ không phải làm việc gì cũng xin phép Tòa Bạch Ốc. Một tay gián điệp của quân đội Trung Cộng, Từ Diên Quân (Xu Yanjun, 徐延军) đã bị chính phủ Bỉ bắt giam tại Brusselles rồi dẫn độ qua Mỹ, đang bị thẩm vấn ở Cleveland, Ohio. Một cựu viên chức Hương Cảng, Hà Chí Bình (Patrick Ho Chi-ping, 何志平) đã bị bắt tại phi trường JFK, New York, hiện còn đang bị giam ở Manhattan, vì những tội gian lận và hối lộ các chính quyền Phi Châu cho một công ty Trung Quốc làm ăn.
Nhưng vụ bắt giam bà Mạnh Vãn Chu chắc hẳn Tập Cận Bình phải được thông báo ngay trong ngày hôm đó. Vì Huawei đóng một vai trò quan trọng, đưa Trung Quốc lên hàng một cường quốc kỹ thuật, theo chương trình Made In China 2025 mà ông Tập đưa ra.
Huawei (Hoa Vi, 华为) thoát thai từ một bộ phận khoa học, kỹ thuật trong quân đội Trung Cộng. Nhậm Chính Phi, nguyên phó vụ trưởng vụ quân cụ, đã thành lập công ty này ở Thẩm Quyến năm 1987. Họ bắt đầu mua các dụng cụ viễn thông của Âu Mỹ về, tháo gỡ ra để nghiên cứu rồi bắt chước chế tạo, với giá rẻ hơn nhiều. Chính công ty Guawei, Hoa Vi, nghĩa là do người Hoa làm, thiết lập hệ thống viễn thông đầu tiên cho cả quân đội Trung Cộng. Từ đó, Huawei đã trở thành một đòn bẩy nâng cao trình độ kinh tế Trung Quốc, từ những thứ công việc rẻ tiền làm bằng tay chân tiến tới những thứ máy móc tự động chạy bằng chip điện tử. Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei, 任正非) là cha đẻ của bà Mạnh Vãn Chu, bà đã chọn theo họ Mạnh của mẹ sau khi họ li dị.
Huawei cũng là mũi tấn công của Trung Cộng trên hoàn cầu. Họ đang hoạt động trên hơn 170 quốc gia và lãnh thổ, điều khiển 45 trong số 50 hệ thống viễn thông lớn nhất thế giới. Năm 2012, Huawei qua mặt Ericsson, trở thành công ty sản xuất dụng cụ viễn thông lớn nhất hoàn cầu. Trong năm qua Huawei đã ký hợp đồng nâng cấp hệ thống điện thoại viễn thông của 22 nước lên thế hệ thứ 5 (5G), 14 nước ở Châu Âu, năm nước ở Trung Đông, và ba nước Châu Á.
Năm 2018, Huawei vượt qua Apple khi sản xuất nhiều điện thoại di động “tinh khôn” hàng thứ nhì, chỉ thua Samsung của Nam Hàn. Trong năm 2017, Huawei chiếm 13% thị trường dụng cụ viễn thông của nước Nhật, trong khi hai công ty bản xứ NEC và Fujitsu, mỗi nhà cũng chỉ chiếm được 18%. Huawei cũng tràn ngập thị trường Nhật với các máy điện thoại di động và tablet, cạnh tranh với Apple và Samsung.
Ngày 10 Tháng Mười Hai vừa qua, chính phủ Nhật đã chính thức cấm không cho hai công ty Trung Cộng Huawei và ZTE dự thầu cung cấp những bộ phận để thiết lập hệ thống thông tin “Thế hệ thứ 5” (G-5) trong nước Nhật. Các nước Mỹ, Australia và New Zealand đã ban hành những lệnh cấm tương tự với hai công ty này. Đầu Tháng Mười Hai vừa qua, công ty Huawei phải ký kết chấp nhận những điều kiện do cơ quan phản gián Anh Quốc MI6 bắt phải theo, sau khi MI6 tỏ ý nghi ngờ về mặt an ninh.
Nhưng đằng sau sức mạnh kinh tế của Huawei, vẫn còn một lỗ hổng lớn. Công ty Trung Cộng này vẫn phải mua các bộ phận, đặc biệt là các chíp điện tử, từ các nước tiên tiến. Trong số 92 nhà cung cấp bộ phận cho Huawei, có 33 công ty Mỹ, trong đó có những nhà sản xuất chip tên tuổi như Intel, Qualcomm, Broadcom, Marvell và Micron.
Đầu năm nay, công ty ZTE của Trung Cộng đã chính phủ Mỹ bị trừng phạt, cũng vì đã bán dụng cụ viễn thông cho Iran, trong đó có những chip do các công ty Mỹ bán cho; vi phạm lệnh cấm vẫn Iran của Mỹ. Khi chính phủ Mỹ ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán bộ phận cho ZTE, công ty khổng lồ sản xuất điện thoại di động của nước Tàu bị đe dọa sẽ phải đóng cửa vì không có đồ ráp vô máy. Huawei cũng đang bị tố giác phạm cùng một tội đó.
ZTE đã được Tổng Thống Trump “tha tội,” chỉ bị phạt tiền. Nhưng trong tháng qua, hãng tin Reuters cho biết ZTE lại vi phạm lệnh cấm vận Venezuela khi bán cho chính quyền độc tài xứ này một hệ thống tàng trữ dữ liệu (database) để dò xét dân chúng, mà ZTE đã dùng các bộ phận mua của Dell Technologies.
Việc theo dõi các hoạt động thương mại của Huawei đã diễn ra trong nhiều năm trời, không có gì mới. Năm 2012, Hạ Viện Mỹ đã điều tra Huawei, và tố cáo công ty này bán đồ của Mỹ cho Iran. Năm 2013, một công ty con của Huawei là Skycom Tech đã bán những dụng cụ mua của  Hewlett Packard cho Iran. Công ty của Iran đứng ra mua lại nằm trong tay lực lượng “Vệ binh Cách mạng” của Iran, một thế lực tham dự vào việc chế tạo bom nguyên tử của Iran.
Bà Mạnh Vãn Chu đã nhiều lần chối bỏ, không công nhận công ty Skycom có họ hàng gì với Huawei; và điều đó khiến cho bà bị Bộ Tư Pháp Mỹ coi là đồng lõa trong việc vi phạm lệnh cấm vận Iran của Mỹ. Nhưng việc bán đồ cho “Vệ binh Cách mạng” của Iran, Huawei đã vi phạm cả lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Và như vậy, chính phủ Canada có thêm một lý do để bắt giữ Mạnh Vãn Chu!
Các nước Tây phương không “ngủ quên” trong khi gián điệp Trung Cộng hoạt động, như người ngoài tưởng lầm. Năm 2015, chính quyền Barack Obama đã cấm công ty Intel không được bán những loại “chip” mới nhất cho các công ty Trung Quốc. Năm 2016, Obama đã ngăn không cho một công ty sản xuất chip của Đức được bán cho Trung Cộng. Trước khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Obama đã ra lệnh làm hồ sơ khởi tố ZTE trong năm 2018.
Bởi vì mặt trận kinh tế hiện tại và tương lai không nằm ở những khu công nghiệp cổ truyền mà tập trung vào những con chíp bằng silicon. Mặt trận quân sự cũng vậy. Những chiếc xe hơi bây giờ không dùng chip không chạy được. Các ngân hàng chuyển hàng tỉ đồng qua các nước cũng nhờ chip. Quân đội được điều động qua những con chip. Công nghệp sản xuất chip của Trung Quốc còn thua xa các nước thân Mỹ, như Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản.
Trên mặt trận này, Trung Cộng đang chạy đuổi theo Mỹ và các nước đồng minh. Số tiền Trung Quốc hiện đang chi ra để nhập cảng chip cao hơn số nhập cảng dầu lửa. Nhưng trong số 15 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, không có một công ty nào của Trung Cộng! Và bây giờ Trung Cộng muốn đuổi theo, bằng phương pháp bắt chước như 30 năm trước, cũng rất khó. Vì các vấn đề kỹ thuật không giản dị, dễ bắt chước, như khi làm những cái máy điện thoại di động.

Kỹ thuật mới lại được tập trung trong những công ty mạnh nhất. Năm 2001, có 29 công ty lớn trên thế giới có khả năng nghiên cứu và chế tạo các thứ chip mới nhất. Hiện nay chỉ còn năm công ty. Nắm trong tay các kỹ thuật tân tiến nhất, Mỹ và các đồng minh của Mỹ vẫn làm chủ trên mặt trận này. Việc tấn công vào những ZTE và Huawei chỉ nhằm ngăn chặn các hành động đánh cắp kỹ thuật, một hậu quả là giảm tốc độ của Trung Cộng trong cuộc chạy đua kinh tế và kỹ thuật trong thế kỷ 21.
Sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt, chính quyền Trung Cộng đã đe dọa sẽ phản ứng mạnh mẽ. Nhưng hôm nay, cuộc đàm phán với Mỹ để ngưng chiến tranh mậu dịch lại bắt đầu. Trung Cộng hứa sẽ giảm thuế nhập cảng xe hơi Mỹ từ 40% xuống 15%. Họ cũng hứa sẽ mua thêm đậu nành. Đổi lại, Canada cho bà Mạnh Vãn Chu tại ngoại hậu tra, chờ đưa qua Mỹ.
Nhưng mặt trận kinh tế quốc tế mai sau sẽ không nằm trong nông sản và các công nghiệp cổ xưa. Trên mặt trận khí cụ điện tử, Trung Cộng sẽ còn phải chạy rất xa mới hy vọng đuổi tới sát sau chân Mỹ. (Ngô Nhân Dụng)

Bài Khác

Leave a Comment