Sài Gòn: Rút văn bản cấm hoạt động Giáng sinh trong trường học vì ‘nhầm lẫn’

Rút văn bản cấm hoạt động Giáng sinh trong trường học vì ‘nhầm lẫn’

 
\"\"

Ban nhạc Santa Claus trình diễn trên con đường mang tên Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, bên cạnh Bưu Điện TPHCM vào dịp Giáng Sinh 2017.

 
Một chức sắc tôn giáo nói với VOA rằng mặc dù lệnh cấm hoạt động Giáng sinh trong trường học đã được rút lại, nhưng sự kiện này cho thấy những người ra quyết định đã không phân biệt được giữa một lễ hội và một hoạt động tôn giáo, đồng thời phần nào phản ánh tình trạng phân biệt đối xử tôn giáo khá phổ biến trong môi trường học đường ở Việt Nam.
Trong công văn gửi ra ngày 5/12, Phòng Giáo dục huyện Nhà Bè đã yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông, bồi dưỡng giáo dục và chủ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không được tổ chức trang trí Giáng sinh trong trường học, không đưa ông già Noel vào trường để tặng quà cho học sinh, và nếu đã trang trí rồi thì phải tháo gỡ ngay.
Công văn này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía giáo viên và phụ huynh học sinh ngay sau khi vừa ban hành khiến lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục phải đưa ra lệnh thu hồi công văn ngay trong chiều hôm sau (6/12), theo VnExpress.
Trong khi một số Facebooker gọi đây là một “chiến thắng” của mạng xã hội, thì một chức sắc tôn giáo, Linh mục Đinh Hữu Thoại của Dòng Chúa Cứu Thế, nói rằng sự kiện trên cho thấy những người đưa ra quy định đã không phân biệt được đâu là một hoạt động tôn giáo và đâu là một lễ hội dựa trên sinh hoạt của tôn giáo.
“Xưa nay các nơi vẫn làm, ngay cả những tụ điểm ca nhạc cũng tổ chức trang hoàng. Nó như một lễ hội bình thường của mọi người. Nhưng không hiểu sao năm nay họ lại có chủ trương lộ liễu ngăn cấm những sinh hoạt đó. Thực tế, những sinh hoạt đó chỉ là ăn theo lễ Noel của người Công giáo, Tin Lành, chứ không phải là hoạt động tôn giáo”, LM. Thoại nói với VOA.
Theo chức sắc tôn giáo này, dịp Noel cũng là thời điểm các học sinh, đặc biệt là học sinh Thiên Chúa giáo, gặp rất nhiều áp lực do việc sắp xếp, tổ chức lịch học mà ông theo ông là “hơi bất thường”.
“Noel không được coi là một ngày lễ nghỉ nên học sinh Công giáo không được nghỉ ngày lễ đó. Ngoài ra, còn có một thông lệ hơi bất thường là các trường học hay tổ chức thi vào ngày lễ Giáng sinh. Họ luôn chọn ngày 24, 25 để thi nên rất ảnh hưởng đến các em học sinh Công giáo. Các em không thể tham gia những buổi lễ một cách trọn vẹn vì phải học hành đủ thứ”.
Vị linh mục Công giáo cho biết thêm rằng các học sinh-sinh viên Công giáo, Tin Lành rất dễ bị rơi vào tình trạng bị phân biệt đối xử trong môi trường học đường ở Việt Nam.
Ông nói: “Theo tôi biết, có những cán bộ tuyên giáo, những người dạy chính trị bên quân đội đã vào các trường mượn chuyện dạy chính trị để bài xích tôn giáo, một cách nào đó làm cho học sinh có đạo cảm thấy bị tổn thương, còn những học sinh không có đạo thì hiểu lầm…”
“Những gì liên quan đến tôn giáo, cụ thể là Công giáo, thì xem ra có những áp lực làm cho ảnh hưởng đến suy nghĩ của mọi người về tôn giáo”.
Giải thích cho lý do rút lại công văn, một lãnh đạo của Sở GD-ĐT TPHCM, ông Nguyễn Thành Trung, nói với báo Tuổi Trẻ rằng “Thành phố và Sở không có bất kỳ chỉ đạo nào, không có một văn bản hay chủ trương về việc không cho tổ chức hoạt động Noel trong trường học”. Theo ông này thì “có sự nhầm lẫn” trong việc ban hành công văn nên đang cho thu hồi lại.
Việt Nam nằm trong thiểu số các quốc gia trên thế giới không tổ chức mừng lễ Giáng sinh, trong đó bao gồm một số quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông và châu Phi, và một số nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Lào, Campuchia…
Năm ngoái, nhiều nơi ở Trung Quốc cũng ra lệnh cấm các đảng viên, người dân mừng lễ Giáng sinh. Chính quyền thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, trong thông báo “nghiêm cấm cán bộ, đảng viên” tham gia vui chơi Giáng sinh năm ngoái, gọi dịp lễ này là “liều thuốc phiện tinh thần”. Trong khi một trường đại học ở Thẩm Dương kêu gọi sinh viên kháng cự lại “sự gặm mòn của văn hóa tôn giáo phương Tây” trong lệnh cấm sinh viên đón Giáng sinh.
Nguồn: VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment