Việt Nam tuyên bố đạt tiến bộ về bảo đảm quyền tự do báo chí và internet

Việt Nam tuyên bố đạt tiến bộ về bảo đảm quyền tự do báo chí và internet

 
\"\"

Dự kiến ngày 22/1/2019 Việt Nam sẽ tham gia đối thoại về Báo cáo quốc gia UPR tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ. (UPR via HRS.org.vn)

 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm 6/12 cho biết Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền con người trong đó có tự do báo chí và tự do internet.
Bà Lê Thị Thu Hằng đưa ra tuyên bố trên khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết những nội dung chính trong Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội.
“Vừa qua, Việt Nam đã chính thức nộp Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc,” bà Hằng nói với các phóng viên. “Dự kiến ngày 22/1/2019 Việt Nam sẽ tham gia đối thoại về Báo cáo quốc gia UPR tại Hội đồng Nhân quyền.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/12 đã tổ chức một hội thảo ở Hà Nội để công bố bản báo cáo mà bộ này cho biết đã được “xây dựng một cách công phu với sự tham gia của 18 bộ, ngành, cơ quan có liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam,” theo Tin Tức.
Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III “đề cập đến một số thành tựu nổi bật của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có việc thông qua Hiến pháp 2013 và sửa đổi ban hành mới trên 90 văn bản luật có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân,” theo người phát ngôn BNG cho phóng viên biết hôm 6/12.
“Việc đảm bảo các quyền dân sự, chính trị cũng đạt nhiều thành tựu, trong đó có bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do báo chí, tự do internet,” bà Hằng nói.
Tuy nhiên, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) hồi tháng 9 đã lên tiếng chỉ trích bản dự thảo báo cáo quốc gia UPR cho phiên đối thoại tới của Việt Nam tại LHQ. Tổ chức này cho rằng báo cáo của Việt Nam ỉm đi các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và cố tình thông tin sai lệch cho cộng đồng quốc tế.
“Báo cáo của chính phủ (Việt Nam) cho UPR cho thấy Hà Nội không có khả năng đối diện với những thách thức về nhân quyền và thiếu ý chí chính trị trong việc giải quyết những vấn đề đó,” Tổng thư ký FIDH Debbi Stothard nói thông cáo báo chí mà tổ chức này đưa ra hôm 4/9. “Chính phủ (Việt Nam) nên xem xét mọi ý kiến đóng góp từ xã hội dân sự, đặc biệt những vấn đề liên quan đến tình trạng về các quyền cơ bản về dân sự và chính trị, và đảm bảo rằng những lo ngại của họ được phản ánh trong báo cáo cho UPR.”
Chỉ vài ngày sau đó, bà Stothard bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam để tham dự Diễn đàn kinh tế Thế giới. Người đứng đầu FIDH bị giữ lại ở sân bay Nội Bài trong 15 tiếng đồng hồ hôm 9/12 trước khi bị trục xuất khỏi Việt Nam trên chuyến bay tới Malaysia vào sáng ngày hôm sau. Chính phủ Hà Nội cho biết họ từ chối cho bà Stothard nhập cảnh vì bà “gây ra mối nguy cho an ninh quốc gia Việt Nam.”
Từ tháng 2/2014 đến tháng 7/2018, FIDH và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã bắt giam hoặc bỏ tù ít nhất 160 người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động ôn hòa. Trong một báo cáo chung mà cả hai nhóm nhân quyền này đưa ra vào tháng 7, FIDH và VCHR nêu ra nhiều trường hợp nhân quyền đáng quan ngại cũng như đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền.
FIDH và VCHR đưa ra một ví dụ về việc đàn áp tự do báo chí của chính phủ Hà Nội trong năm qua dù Luật Báo chí của Việt Nam quy định “tự do báo chí và tự do bày tỏ chính kiến” cũng như khẳng định quy tắc “không kiểm duyệt việc phát hành và phát thanh.” Đó là trường hợp báo Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng từ tháng vào giữa năm nay vì đăng các bài viết liên quan đến luật đặc khu mà trong đó theo chính quyền Hà Nội có những thông tin “sai lệch.”
“Báo cáo của Chính phủ (Việt Nam) cho UPR đầy những tuyên bố trái với thực tại và che dấu việc đàn áp khốc liệt xã hội dân sự bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ,” Chủ tịch VCHR Võ Văn Ái nói. “Trong một đất nước nơi dân chủ đồng nghĩa với phản động thì lời rêu rao trong bản báo cáo của nhà cầm quyền đảng Cộng sản Việt Nam đang đề cao dân chủ là không có thực.”
Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR là một cơ chế đối thoại tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhằm mục đích cuối cùng là cải thiện tình hình nhân quyền trong thực tế ở các quốc gia. Cơ chế này đem đến một cơ hội đặc biệt để các tổ chức và cá nhân trong xã hội dân sự tham gia vào việc thúc đẩy tình hình nhân quyền ở cấp quốc gia và quốc tế.
Nguồn: VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment