Quốc tế đạt thỏa thuận về quy tắc thực thi Hiệp Định Khí Hậu Paris

Quốc tế đạt thỏa thuận về quy tắc thực thi Hiệp Định Khí Hậu Paris

\’

\"\"
Ảnh chụp chung các đại biểu tham dự Thượng Đỉnh Khí Hậu COP24 ở Katowice (Ba Lan), ngày 15/12/2018. REUTERS/Kacper Pempel

Tối 15/12/2018, cộng đồng quốc tế đạt được thỏa thuận lịch sử về các quy tắc thực thi Hiệp Định Khí Hậu Paris, sau hai tuần lễ làm việc căng thẳng tại Katowice, Ba Lan. Thỏa thuận cho phép nhân loại có cơ hội tiếp tục cùng nhau cộng tác hướng đến cái đích giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2°C, « mục tiêu tối thiểu » của Hiệp Định Paris.

Chủ tịch Thượng Đỉnh Khí Hậu COP 24, tổng thống Ba Lan Michal Kurtyka, tuyên bố là thật không hề dễ dàng để đạt được đồng thuận về một văn bản dài 156 trang, mang tính kỹ thuật này. Ngay từ khi thượng đỉnh mới mở ra, rất nhiều đại diện các nước đã hoài nghi về triển vọng đạt được một thỏa thuận vững chắc như văn bản vừa được thông qua, thậm chí COP 24 có nhiều nguy cơ thất bại.

Về nguyên tắc, ngày kết thúc chính thức của hội nghị là thứ Sáu 14/12. Đàm phán đã được kéo dài thêm một đêm, rồi cả một ngày thứ Bảy 15/12, trước khi đạt được kết quả. Quan điểm rất khác biệt giữa tuyệt đại đa số các nước với nhóm các quốc gia dầu mỏ lớn, trước hết là Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út hay Nga, là một trong những cản trở chính trong quá trình thương lượng.

Thông tín viên Agnès Rougier tường trình từ Katowice :

« Mọi người vẫn thường hình dung là việc Hoa Kỳ rút lui (khỏi Hiệp Định Paris, nhưng hiện tại vẫn chưa ra hẳn) hay thái độ lưỡng lự của Ả Rập Xê Út sẽ có thể làm bế tắc tiến trình đa phương của Liên Hiệp Quốc, nơi việc thông qua một thỏa thuận đòi hỏi phải có được sự đồng thuận tuyệt đối. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.

Về các đầu tư cho vấn đề khí hậu, các nước đang phát triển đã đạt được điều mà họ mong muốn. Thứ nhất là khả năng ước tính các nhu cầu của họ, và bên cạnh đó là một khuôn khổ rõ ràng cho phép phân tích các cam kết tài chính và việc sử dụng chúng sau đó. Thứ hai là họ đã đạt được cam kết về quỹ xanh dành cho khí hậu, do các nước phát triển đài thọ. Quỹ này dự kiến sẽ tăng thêm 10 tỉ đô la vào năm tới 2019 (để hướng đến mục tiêu có đủ 100 tỉ đô la hàng năm kể từ 2020).

Tuy nhiên, để đổi lấy các chiến thắng này, đã phải có một số nhân nhượng. Ví dụ như báo cáo của GIEC – Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu – chỉ được chấp nhận một phần nhỏ. Quan điểm của GIEC là cần nỗ lực để nhiệt độ không tăng quá 1,5°C. Một nhân nhượng khác là, nếu như đòi hỏi bồi thường thiệt hại và mất mát do Trái Đất bị hâm nóng được giữ lại trong thỏa thuận, thì về phần mình, các quốc gia phát triển không đưa ra bất cứ cam kết nào.

Rời khỏi hội nghị này, các đại diện các quốc gia tham dự hiểu rằng thỏa thuận nói trên là một chiếc hộp công cụ, sẽ giúp cho họ tiếp tục làm việc khi trở về nước ».

Cho dù thỏa thuận tại Ba Lan được ca ngợi, nhưng giới bảo vệ môi trường đặc biệt lo ngại là thỏa thuận COP 24 đã không thực sự coi trọng các kết quả nghiên cứu của nhóm GIEC, đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu không tăng quá 1,5°C, để bảo đảm biến đổi khí hậu trên Trái Đất không vượt tầm kiểm soát (« mục tiêu lý tưởng » của Hiệp Định Paris). Cộng đồng quốc tế chỉ giữ nguyên các cam kết giảm khí thải đã được tạm thống nhất tại thượng đỉnh Paris 2015 (với mục tiêu không tăng quá 2°C, được coi là « mục tiêu tối thiểu » của Hiệp Định Paris), chứ không nỗ lực đưa ra các chỉ tiêu mạnh mẽ hơn.

Theo Chương Trình Môi Trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP / PNUE), với các cam kết chỉ dừng ở mức hiện tại, Trái đất sẽ nóng lên ít nhất 3,2°C, trước cuối thế kỷ. Phải nỗ lực gấp ba lần so với hiện nay, mới hy vọng đạt được mục tiêu tối thiểu 2°C, chưa nói đến lý tưởng 1,5°C.

Theo một báo cáo của Climate Transparency tháng 11/2018, hiện tại không có nước nào trong số các cường quốc kinh tế G20 (tức các quốc gia phát thải chủ yếu – chiếm khoảng 90% trọng lượng kinh tế toàn cầu) thực sự đi theo đúng lộ trình hướng được tới cái đích 2°C. Lượng khí thải ở 15 trên 20 nước vẫn tiếp tục tăng trong năm 2017. 82% năng lượng của G20 là đến từ năng lượng hóa thạch.

Việc không có được một hệ thống đánh thuế carbone hợp lý – công bằng mang tính toàn cầu, nạn trợ giá cho năng lượng hóa thạch, hay không tính đủ các tổn thất môi trường do việc sử dụng năng lượng hóa thạch (đặc biệt là than đá và dầu mỏ), bị điểm mặt như là một số nguyên nhân chính ngăn chặn tiến trình hướng đến một xã hội không tiêu thụ năng lượng hóa thạch – mục tiêu mà nhiều nước đề ra cho cái mốc 2050, và một số thành phố, tỉnh, vùng đặt ra sớm hơn nhiều (1).

Tổng thư ký LHQ hối thúc các nước nâng chỉ tiêu giảm khí thải

Trong một thông điệp đọc tối 15/12 trong phiên họp toàn thể, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres – đến Katowice lần này là lần thứ ba để gây áp lực thúc đẩy đàm phán – đã hối thúc các quốc gia nỗ lực chuẩn bị để đưa ra các chỉ tiêu mới, cao hơn, cho giai đoạn kể từ năm 2020 để hy vọng sớm đảo ngược lại xu thế khí thải tiếp tục tăng mạnh hiện nay (mà dự kiến phải đến năm 2030 mới đạt đỉnh). Tháng 9/2019, Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức thêm một thượng đỉnh riêng về biến đổi khí hậu tại New York, để huy động thêm các nỗ lực chính trị và kinh tế toàn cầu.

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment